The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

[MỪNG NGÀY 20/11]Thầy Phạm Trung Dũng - "người hùng thầm lặng của khối Pháp"

Post by: ngocnt | 20/11/2014 | 4916 reads

Đặc thù của lớp song ngữ tiếng Pháp là ngoài tập trung học môn chuyên và các môn văn hóa khác, chúng tôi còn học cả Toán học và Vật lý bằng tiếng Pháp. Điều đó tạo cho chúng tôi cơ hội được mở rộng vốn hiểu biết, nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ và hơn cả là để chuẩn bị cho việc du học sau này. Chúng tôi rất may mắn khi được các thầy, cô giáo giảng dạy hai bộ môn này đều là những thầy, cô có chuyên môn cao, tận tâm trong nghề. Trong số đó không thể không kể đến thầy giáo Phạm Trung Dũng – người phụ trách giảng dạy bộ môn Lý Pháp của lớp 11P2, người “anh hùng thầm lặng” của nhiều thế hệ học sinh khối Pháp.

 

“Hiền”, “ dễ tính” – đó là những câu trả lời chúng tôi thường nhận được mỗi khi hỏi các anh chị khóa trước về thầy Dũng. Hồi mới học thầy, chúng tôi cũng hí hửng lắm: “hiền” và “dễ tính” đối với học sinh có nghĩa là “thầy cho đề kiểm tra dễ”, hoặc “thầy cho các em tha hồ ‘xoay xở’ khi tới giờ kiểm tra”, hay là “thầy chấm điểm rẻ”. Nhưng trên thực tế, thầy Dũng không “hiền” và “dễ tính” như những gì chúng tôi nghĩ. Biết chắc lũ học trò nghịch ngợm, ranh ma sẽ xoay xở bằng được để “học ít những điểm vẫn cao”, thầy đã có những cách xử lý vô cùng “cao tay”. Những bài kiểm tra của thầy luôn khiến chúng tôi phải tập trung cao độ vào bài giảng, suy nghĩ thực sự thì mới tìm được lời giải xác đáng. Chúng tôi ít nhiều không thể chép bài của nhau vì đề bài thường yêu cầu đưa ra những nhận xét cá nhân về một hiện tượng vật lí, một kết quả bài toán nào đó,...Khi chấm bài, thầy không thiên vị hay nhân nhượng bất kì ai, bởi “thầy muốn kết quả học tập phải phản ánh được thực trạng của từng bạn ra sao để mỗi người còn tìm cách phấn đấu hoặc khắc phục.” Thầy Dũng của chúng tôi có hiền, có dễ tính, nhưng khi và chỉ khi chúng tôi tập trung học hành và có thái độ nghiêm túc khi làm việc.

Những bài giảng trên lớp của thầy Dũng rất sinh động, thu hút sự chú ý của chúng tôi vào mỗi giờ học. Nội dung bài học đều được thầy trình bày hoàn toàn trên máy tính: ngoài các trang trình chiếu chứa các kiến thức cốt yếu của bài, thầy còn đưa ra rất nhiều hình ảnh, video minh họa giúp chúng tôi dễ hình dung hơn về các thí nghiệm hay về các ứng dụng của vật lí vào đời sống,…Với mỗi vấn đề trong bài học, thầy luôn khích lệ chúng tôi đưa ra các câu hỏi để cả thầy và trò cùng nhau bàn luận, trao đổi nhằm tìm ra câu trả lời. Nhờ vậy, tiết học không hề nhàm chán mà mang bầu không khí sôi nổi, vui vẻ. Bên cạnh việc dạy và học lý thuyết môn Lý Pháp, chúng tôi thường xuyên được tham gia các bài tập thực hành theo nhóm. Những yêu cầu của thầy không phải quá khó nhưng khi bắt tay vào làm, chúng tôi mới hiểu rằng để đạt được các mục tiêu đó không hề đơn giản. Nhưng rất may, thầy Dũng luôn quan sát, theo dõi bài làm của chúng tôi từ những chi tiết rất nhỏ để sau đó đưa ra những nhận định, góp ý chân thành.

Chúng tôi không chỉ yêu mến thầy bởi sự nhiệt tình trong việc giảng dạy mà còn bởi thầy là người rất vui tính. Nhiều lúc chúng tôi cảm tưởng mọi thứ đều trở nên tếu táo, vui nhộn dưới con mắt của thầy. Trào lưu “chế” ảnh, dùng hình ảnh hài hước để bình luận trên các mạng xã hội, hoặc thậm chí cả những thuật ngữ đặc biệt mà học sinh thường dùng,…thầy đều cập nhật vô cùng nhanh chóng! Chính nhờ sự trẻ trung, hóm hỉnh này, khoảng cách giữa thầy và chúng tôi đã rút ngắn lại rất nhiều: những lần đi tham quan tập thể, thầy Dũng luôn là người đồng hành cùng cả lớp, chia sẻ với chúng tôi biết bao điều thú vị nằm ngoài sách vở, những mẩu chuyện hay và xen lẫn cả những câu nói đùa khiến đám học sinh cười nghiêng ngả.

Thầy luôn là người đồng hành kiêm“phó nháy” trong nhiều sự kiện, nhiều chuyến đi của chúng tôi

Ngoài việc lên lớp, những lúc có thời gian rảnh, thầy Dũng còn tham gia nhóm đi “phượt” bằng xe máy tới nhiều tỉnh thành trên đất nước. Khi thì thầy lên đường đơn giản vì sở thích, khi thì đi du ngoạn kết hợp với công tác từ thiện ở các vùng sâu vùng xa. Thầy hay kể cho chúng tôi, hay cho chúng tôi xem những bức ảnh về mỗi chuyến đi của mình: đằng sau mỗi câu chuyện, mỗi bức ảnh, thầy muốn nói với chúng tôi rằng: sau này, hãy đi để trải nghiệm, để học hỏi và để làm việc tốt. Cho dù có gặp nhiều khó khăn trên chặng đường cũng không được bỏ cuộc – “hãy nhớ lại vì sao ta bắt đầu”. Đó là những bài học vô cùng quý giá mà thầy truyền đạt cho chúng tôi, không chỉ là khi xách ba lô lên đường mà còn trong nhiều hoàn cảnh khác của cuộc sống.

“Hãy đi để trải nghiệm…”

“…để học hỏi…”

“…và để làm việc tốt.”

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tập thể lớp 11 Pháp 2 xin chúc thầy luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và luôn hết mình vì sự nghiệp và đam mê của mình!

Bùi Giang – P2 13-16
Ảnh: Facebook

Tags: 20/11