The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Bài viết đạt giải Nhất cuộc thi “Cuốn sách trong trái tim tôi”

Post by: ngocnt | 04/02/2015 | 9417 reads

 “Chúng ta, những con người, được tạo bởi sự hỗn độn khó hiểu của những màu sắc, tình thương yêu và từ ngữ, luôn luôn xấu xa và vĩ đại trong cùng một thời điểm. Lúc này tôi nhận ra chủ đề “kinh điển” của truyện, thực chất chính là con người…”

Tôi muốn bắt đầu bài viết của mình với một câu hỏi: “Thế nào là một tác phẩm kinh điển?” Sau khi đọc “Kẻ trộm sách” của Markus Zusak, cuốn sách được tờ USA Today đánh giá là “sinh ra để trở thành một tác phẩm kinh điển”, tôi đã có câu trả lời của riêng mình. Tôi cho rằng có hai yếu tố làm nên nó chính là sự quen thuộc, phổ biến kết hợp với mới lạ và đặc sắc. Quyển sách kinh điển mang tới một đại diện ưu tú, làm chuẩn mực cho tất cả những tác phẩm cùng thể loại. Đối với tôi, “Kẻ trộm sách” quả thật sinh ra để làm những điều kì diệu này.

Cuốn sách “Kẻ trộm sách”

Markus Zusak đã chọn một chủ đề không lạ để thể hiện chiến tranh, nhưng có thể khẳng định ông đã chọn cách thể hiện rất mới lạ - kể chuyện với vai trò là Thần chết. Nhập tâm vào câu chuyện của ông, tôi cảm thấy như chính mình là một nhân vật, và thể giới của “Kẻ trộm sách” từ đó chân thực một cách kì lạ. Cái nhìn của Thần chết đã cho tôi cơ hội được xem xét lại thế giới của loài người theo một cách khác, đầy mới mẻ và đầy cảm hứng.

Những màu sắc. Đối với Thần chết, thế giới của con người đầy ắp màu sắc. Đọc những chương đầu của “Kẻ trộm sách”, tôi nhận thấy màu sắc được miêu tả ở khắp mọi nơi. Và mỗi màu, một cách kì diệu, đều toát ra một thần thái đặc biệt, khiến bức tranh thế giới của câu chuyện liên tục được khắc họa một cách sống động và rõ nét. Ở phần sau, tôi cho rằng tác giả đã cho những màu sắc xuất hiện một cách kín đáo hơn – chúng không được miêu tả, mà ẩn hiện trong cá tính nhân vật, trong cuộc đời nhân vật. Điều này khiến tôi nghĩ tới cuộc đời của bản thân chúng ta. Điều thú vị nhất có lẽ là, người cảm nhận rõ rang sự hiện diện của các màu sắc nhất, lại là người sống trong thế giới chẳng có màu sắc gì cả: Thần chết. Điều này bằng một cách nào đó, nhắc nhở tôi nhìn vào nhiều mặt của cuộc sống, bởi luôn luôn tồn tại những màu sắc tươi tắn và u ám cùng một thời điểm.

Tình thương. Thử tưởng tượng công việc của bạn là thu gom những linh hồn đã chết và chứng kiến những tình cảnh chia ly bi thảm nhất, bạn sẽ nhìn tình thương giữa người với người như thế nào? Trong “Kẻ trộm sách”, Thần chết không bao giờ diễn đạt quá nhiều về cảm nhân của ngài trước những mối quan hệ giữa người với người. Cá nhân tôi rất thích những mối quan hệ này và cách chúng được thể hiện trong câu chuyện, vì chúng được miêu tả một cách rất tự nhiên và đầy khách quan. Các nhân vật thực ra không nói với nhau những lời thương yêu (mà có lẽ là hầu như không), nhưng ta vẫn cảm nhận được sự quan tâm lẫn nhau của họ xuyên suốt chuyện. Tôi chỉ muốn nhắc qua tới nhân vật Rosa mà tôi ấn tượng nhất – một người đàn bà đanh đá, vô duyên, ghê gớm, có thể cho bạn cái nhìn kinh khủng nhất về bà ấy. Tôi rất nhớ những câu chửi mắng, những cái tát, những “bồn nước bọt được nhổ ra một cách thô tục”… khi tôi nhớ về bà. Nhưng tôi nhớ hơn cả là cách bà ấy ngồi một mình trong đêm tối lạnh lẽo, ôm chặt lấy cây đàn xếp của người chồng phải đi lính, và nhỏ những giọt nước mắt trong suốt và bi thương. Rosa luôn cho tôi một nụ cười nhỏ, vì tôi đã học được rằng có lẽ tình cảm giữa người với người thật sự không nhất thiết phải nói thành lời. Tình yêu trong thầm lặng là tình yêu mà bình thường không thể nhìn ra được, cũng trong trẻo và đáng quý vô ngần. Có những người, họ sở hữu trái tim lớn hơn bạn tưởng.

Những từ ngữ. Có thể khẳng định rằng, trên cả màu sắc và tình yêu, Thần chết có ấn tượng sâu đậm nhất về ngôn ngữ. Có lẽ đó là lí do vì sao tác giả đặt tên câu chuyện là “Kẻ trộm sách” – mà nhân  vật được nhắc đến ở đây là Liesel, cô gái nhỏ tuổi có niềm đam mê cháy bỏng với những cuốn sách. Hơn ai hết, cô hiểu được tác dụng kì diệu cũng như tác hại chết người của nó. Cô hiểu được những từ ngữ thô tục của Rosa thực ra muốn thể hiện điều gì, muốn che giấu điều gì, hay những  câu nói từ tốn, ít ỏi của bố hàm chứa nỗi niềm gì, cảm xúc gì. Liesel Meminger đã thật sự làm tôi phải suy nghĩ về những gì chúng ta vẫn thường nói hằng ngày. Ngôn ngữ - quả thật làm được quá nhiều điều, từ nhỏ bé đến lớn lao, mà đôi khi ta chỉ tập trung vào những cái nhỏ bé ấy, mà quên mất trách nhiệm lớn lao với lời nói của mình. Nói về sức mạnh của ngôn ngữ, tôi sẽ kể lại một đoạn truyện tôi vô cùng ấn tượng. Đó là khi tất cả mọi người trong khu phố Thiên Đàng cùng ở trong một căn hầm trú bom, và dong dỏng bên tai là tiếng đạn nhắc nhở rằng, họ đang phải đối mặt với cái chết. Nhưng át đi tất cả những nỗi sợ đó là giọng nói vang  vang của Liesel, cô bé đọc cho mọi người nghe một đoạn của quyển “Người huýt sáo”. Mọi người đều lắng nghe, và mọi người đều quên đi nỗi sợ.

Cuốn sách “Kẻ trộm sách” đã lay động bao độc giả toàn thế giới

Một điều cuối cùng. Tôi muốn nhắc lại rằng, tất cả các chuyện này đều xảy ra ở Chiến tranh thế giới thứ 2, khi mà Hitler đã lừa cả thế giới bằng lời nói của ông ta, khi mà cả con người và tình yêu của họ phải đối mặt với án tử hình, và khi mà các sắc màu trên Trái đất đang dần dần biến mất bởi sự lấn át của khói bom. Yếu tố chiến tranh khiến mọi chi tiết trong câu chuyện trở nên quan trọng và gấp gáp hơn, nhờ thế, mà điều nó truyền tải trở nên ấn tượng và hùng vĩ hơn. Cách nhà văn Markus Zusak miêu tả chiến tranh rất hay, ông không thực sự miêu tả cuộc chiến, ông chỉ kể câu chuyện về những con người và cuộc sống trong cuộc chiến đó, rồi từ từ hé mở sự hỗn loạn, sự dữ dội ngầm trong con người và cuộc sống của họ. Ông cho ta một khái niệm mới về cách cảm nhận của con người: “Tại sao một giống loài, lại có thể vừa quá xấu xa vừa quá vĩ đại như vậy?” Phải, chúng ta, những con người, được tạo bởi sự hỗn độn khó hiểu của những màu sắc, tình thương yêu và từ ngữ, luôn luôn xấu xa và vĩ đại trong cùng một thời điểm. Lúc này tôi nhận ra chủ đề “kinh điển” của truyện, thực chất chính là con người.

Tôi tin rằng hai trang giấy là quá ít để viết về một tác phẩm, và tôi cũng không đủ tự tin vào sức mạnh ngôn ngữ của mình để diễn đạt cảm xúc của mình về tác phẩm quá kinh điển này. Tôi muốn kết thúc bài viết bằng một câu khẳng định: “Kẻ trộm sách” là định nghĩa của một tác phẩm kinh điển.”

Nguyễn Ngọc Mai – 10 Văn