The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

[NHAT 2014] Đại sứ tài năng Lê Vũ Hà Chi: "Điều tiếc nuối ở lại cùng đêm chung kết Ngày Hội Anh Tài"

Post by: giangdh | 01/10/2014 | 4437 reads

Đêm chung kết Ngày Hội Anh Tài (NHAT) 2014 với chủ đề Pharos – Ngọn hải đăng đã kết thúc trong ánh hào quang rực rỡ giữa các tiết mục tài năng khối chuyên, giữa bầu không khí vui tươi đầy ắp tiếng cười nói của các Amsers, và giữa những nụ cười tràn đầy hạnh phúc của các Đại sứ Ams (Ams Ambassadors). Cùng gặp gỡ và trò chuyện với Lê Vũ Hà Chi – cô bạn đã xuất sắc giành danh hiệu Đại sứ tài năng để hiểu thêm về mốc sự kiện NHAT’14 đáng nhớ  của bạn ấy nhé!  

Chào Hà Chi! Chuỗi sự kiện Ngày Hội Anh Tài cuối cùng cũng đã kết thúc với chủ đề Pharos – Hải đăng. Bạn nghĩ sao về ý nghĩa chủ đề NHAT năm nay?

Đối với bản thân mình, chủ đề NHAT năm nay là một chủ đề hay và ý nghĩa, nó giúp mình thấy được sự vĩ đại và tầm quan trọng của mái trường thân thương mà mình đang theo học, phần nào mang lại cảm giác tự hào hơn khi được làm Amser. Hà Nội – Amsterdam chính là ngọn hải đăng soi sáng đường đi cho các thế hệ học sinh, là bến đỗ và là nơi khởi đầu cho các học sinh, giúp các Amsers tự tin vững bước trên con đường tương lai, sự nghiệp xây dựng Tổ quốc sánh vai với các cường quốc năm châu.

Cảm nghĩ của bạn về cuộc đua Ams Ambassador (AA) cũng như con đường đạt tới danh hiệu đại sứ tài năng của bạn?

AA là một cuộc thi hay và thú vị, đầy trải nghiệm và dạy được cho mình nhiều bài học đáng nhớ. Thực sự ban đầu mình cũng không hào hứng lắm khi tham gia cuộc thi này và luôn nghĩ rằng nó không phù hợp với mình. Nhưng được các anh chị đi trước chia sẻ về những trải nghiệm, cơ hội đầy bất ngờ và hấp dẫn của cuộc thi, thế là mình quyết định thi "thử" cho vui... Mình cũng không ngờ mình qua được vòng 1 rồi đến vòng 2. Với vòng tài năng, mình đã quyết định chọn đàn tranh, cây đàn đã gắn bó với mình trong suốt 9 năm để trình diễn. Mình cùng với bạn thi đã chọn bài nhạc Trịnh, sau đó mình soạn và chuyển thể nó sang đàn tranh; đây là lần đầu tiên mình làm việc này nên thấy có đôi phần liều lĩnh. Khi lên sân khấu, mình đã đàn và hát chính sản phẩm của mình. Và mình cảm thấy thật tự hào khi tiết mục của mình đã tạo ấn tượng sâu sắc tới BGK và người xem. Thực sự thì khi được nhận giải "đại sứ tài năng", mình đã rất hạnh phúc, vì đây lần đầu tiên trong suốt quá trình học đàn, mình đã tự soạn và trình diễn bản nhạc này. Mình cảm ơn cuộc thi AA rất nhiều, nó đã giúp mình khám phá ra tài năng tiềm ẩn mà chính bản thân mình không ngờ tới.

(Nguồn ảnh: Kênh 14)

Chắc chắn trên chặng đường AA, Chi đã gặp không ít những khó khăn, thử thách. Vậy khó khăn của Chi là gì?

Khó khăn ư? Chắc có lẽ thời gian là điều khắc nghiệt nhất! Từ khi đăng kí tham gia, mình chỉ sợ là nó sẽ tiêu tốn mất thời gian của mình làm những hoạt động, dự án khác. Nhưng bây giờ, nghĩ lại, mình không thấy hối tiếc: Tuy mất một lượng thời gian lớn, nhưng bù đắp vào đó lại là những trải nghiệm, những bài học thật bổ ích và đáng nhớ.

Hà Chi lộng lẫy trong khoảnh khắc trao giải đại sứ tài năng (Nguồn: Dân trí)

Nhìn vào bản thành tích, có thể thấy Hà Chi biết chơi rất nhiều loại nhạc cụ, đó là...

Mình thực sự thì chỉ biết một số loại nhạc cụ thôi, tại vì khi biết một loại đàn- thì chơi sang các loại khác dễ lắm. Mình biết đàn tranh, trống dân tộc, trống hiện đại, cajon, guitar, ukulele, t'rưng, harmonica và một chút piano.

Trong số đó, bạn yêu thích nhất là nhạc cụ nào? Kỉ niệm mà bạn không thể nào quên với nhạc cụ đó?

Loại đàn mà mình thích nhất bây giờ có lẽ là đàn tranh. Nó đồng hành với mình 9 năm rồi. Có những lúc mình chán học đàn lắm, chẳng hiểu sao phải học đàn tranh với những bài cải lương, quan họ, những bài dân ca không phải bạn trẻ nào cũng hứng thú. Nhưng có lẽ cũng là cái duyên, chính nhờ những giai điệu mềm mại, trữ tình ấy mà mình hiểu hơn về cây đàn, giúp mình có một gu âm nhạc đa dạng, mới lạ và tạo ra được những thứ mới, những thứ của riêng mình và mang đậm bản chất cái tôi riêng. Có lẽ, đàn tranh trong 9 năm qua đã cùng mình lớn khôn và trải qua mọi cung bậc cảm xúc trong đời sống của mình, buồn có, vui có hay kể cả những bài học sâu sắc về cuộc sống nữa.

9 năm về trước gia đình mình định cho học guitar, nhưng hồi đó ở cung thiếu nhi lại hết lớp học nên các thầy cô bên ấy khuyên mình "Con gái thì nên học đàn tranh cho nữ tính và dịu dàng". Thế là mình theo học; và khi đến năm lớp 5 thì cô giáo dạy đàn bảo rằng mình có năng khiếu và tốt nhất nên theo một trường chuyên về nhạc thay vì học đại trà, vì học ở trường nhạc sẽ được học nâng cao hơn, học 1-1, và sẽ có sự cạnh tranh hơn trong môi trường với nhiều bạn cùng sở thích nghệ thuật và sẽ học hỏi kinh nghiệm nhiều hơn. Đến đầu năm lớp 6, mình quyết định thi vào trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội vì nó gần nhà, và cũng gần trường cấp 2 của mình nữa, tiện cho việc đi lại. May mắn mỉm cười, mình đã đỗ vào trường và năm nay đã là năm thứ sáu mình theo học ở trường rồi.

Cô bạn bên cây đàn tranh quen thuộc

NHAT'14 đã khép lại, hẳn trong mỗi Amser vẫn còn chút dư âm. Bạn còn điều gì tiếc nuối ở Ngày Hội Anh Tài năm nay không?

Ở NHAT năm nay, mình chỉ nuối tiếc duy nhất một điều. Đó là trong đêm chung kết, mình phải thi AA và phải ngồi trong phòng chờ suốt, để tỏa sáng trên sân khấu trong đêm chung kết AA, không có cơ hội hòa lẫn vào đám đông để tham quan trại khối khác, không được xem các tiết mục đặc sắc của các khối chuyên và đặc biệt, là không có điều kiện giúp đỡ trại cho khối của mình vào đêm 20 /9.

(Chắc chắn nếu có thể phân thân thành nhiều Hà Chi, thì bạn ấy cũng sẽ có điều kiện cháy hết mình trong tất cả những hoạt động đó.)

Mục tiêu phấn đấu của Hà Chi trong năm học này là gì?

Mục tiêu trong năm học này của mình là học thật tốt, giữ vững và phát huy sức học của mình để đạt được những ước mơ trong tương lai. Thêm vào đó mình vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động của trường, các dự án của cá nhân và tiếp tục phát triển sở thích về âm nhạc và nghệ thuật.

Cám ơn Hà Chi nhiều về buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Chúc bạn hoàn thành tốt những dự định và ước mơ của mình!

PV: Diệu Linh 13-16