The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Gặp gỡ cô giáo Đặng Ngọc Phương: Những chia sẻ của một người nhận lửa và truyền lửa

Post by: myph | 24/12/2014 | 5171 reads

Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thấm thoắt đã trải qua ba mươi năm tuổi đời, ba mươi năm với không biết bao nhiêu chuyến đò đã dìu dắt bao thế hệ học sinh. Nhiều học sinh đã thành công, vững vàng nơi chân trời cao rộng và trở thành niềm tự hào của nhà trường. Cũng có những học sinh lựa chọn trở về và gắn bó với mái nhà thứ hai này với tư cách là một giáo viên, một người chèo đò thầm lặng vẫn miệt mài cống hiến tài năng và tâm huyết. Một trong những thầy cô giáo đặc biệt ấy chính là cô Đặng Ngọc Phương - giáo viên Văn và cũng là cựu học sinh chuyên Văn Ams khóa 1997- 2000. Hòa vào niềm vui chung trước dấu mốc trọng đại của nhà trường, cô giáo Đặng Ngọc Phương đã cùng chúng tôi có một cuộc trò chuyện thật thú vị.

Cô giáo Đặng Ngọc Phương - cựu học sinh chuyên Văn Ams khóa 1997- 2000

PV: Thưa cô, sắp tới là lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Em được biết cô từng là học sinh chuyên Văn khóa 1997-2000 của trường. Gắn bó với nơi đây cả ở vị trí một giáo viên và cựu học sinh, cô có những cảm nhận gì trước ngày lễ trọng đại này ?

Cô Ngọc Phương: Đối với cô thì Ams là gần như là cả cuộc đời! Suốt thời đi học, cô chỉ có 5 năm tiểu học và 4 năm đại học là rời xa Ams. Còn lại toàn bộ thời gian đi học và đi làm của cô đều gắn bó với ngôi trường này. Vì thế trong cô, Ams thật đặc biệt. Ngày cô mới bỡ ngỡ bước vào Ams thì trường mới chỉ 8 tuổi. Thấm thoắt thế mà giờ đây, Ams đã thực sự trưởng thành cả về tuổi tác lẫn bề dày thành tích. Cô thực sự rất xúc động và mong chờ đến ngày được hòa mình vào sự kiện trọng đại kỉ niệm 30 năm thành lập trường. Đó là một dịp để tất cả những thành viên của Ams nhìn lại một chặng đường lịch sử của ngôi trường với tinh thần “uống nước nhớ nguồn” và cũng là dịp để bản thân cô nhìn lại chính một phần đời của mình trong đó.

Cô giáo Đặng Ngọc Phương – cựu Amser khóa 1997-2000, hiện đang là giáo viên tổ Văn của trường

 PV: Trường Ams của ngày ấy và bây giờ, theo cô đã có những đổi thay gì ạ?

Cô Ngọc Phương: Trường Ams luôn luôn “trẻ” “chất”, điều đó là không thay đổi. Những năm gần đây, Ams đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Chúng ta không còn được đi về dưới mái trường thân thương ở phố Nam Cao nữa, nhưng bù lại ta được tận hưởng và thỏa sức khám phá trong một ngôi trường khang trang, hiện đại vào hàng đầu đất nước. Trường cũng trẻ hóa cả về đội ngũ giáo viên nên càng thêm sinh khí. Nhưng có lẽ điều đổi thay nhất của Ams trong cảm nhận của một người đã gắn bó với trường lâu năm như cô lại là học sinh. Các em chính là gương mặt thực sự của trường. Ở thời nào thì học sinh Ams cũng say học, học giỏi và giàu khao khát. Truyền thống ấy luôn được học sinh thế hệ sau phát huy mạnh mẽ hơn thế hệ trước. Nhưng nếu nói về sự khác biệt thì có lẽ học sinh thời cô - những năm cuối 1980, đầu 1990 giản dị hơn, đằm hơn, trong khi đó học sinh Ams của những năm 2000 cho đến nay lại năng động vượt trội, đa năng và sáng tạo không ngừng. Tuy vậy cũng có cả những đổi thay mà cô không mong muốn: đó là học sinh hiện nay còn thiếu đi một chút kỉ luật và cả một chút sâu lắng.

Lớp 12A2 do cô Ngọc Phương chủ nhiệm, năm học 2010- 2011

 

PV: Là thế hệ học sinh hiện tại của trường và cũng là một học sinh chuyên Văn, em mong muốn được lắng nghe cô chia sẻ những kỉ niệm về khối lớp của mình ngày ấy.

Cô Ngọc Phương: Khối chuyên Văn luôn tự hào “Văn học là nhân học”, học sinh chuyên Văn là những học sinh luôn theo đuổi lối sống nhân văn như các thầy cô của khối đã định hướng. Chuyên Văn thời ấy say mê văn chương và sống rất tình cảm. Khóa của cô năm 1997-2000 do thầy Vũ Xuân Túc chủ nhiệm thì không có bạn nam nào, đó thực sự là một thiệt thòi. Nhưng bù lại, các cô gái chuyên văn lớp cô ngày ấy khá sôi nổi, có những gương mặt thật sự cá tính. Chị Nguyễn Hoàng Điệp là đạo diễn trẻ tài năng, vừa rồi ra mắt bộ phim Đập cánh giữa không trung đã đoạt giải Phim đầu tay xuất sắc tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice (Liên hoan phim Venice 2014) và nhiều giải thưởng khác. Nhiều bạn bè cùng lớp với cô giờ đều là những người thành đạt trong nghề, có vị thế và có đóng góp cho xã hội. Nhớ lại ngày ấy, cô và các bạn không có nhiều hoạt động như các em ngày nay, nhưng cũng có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ như cùng làm báo, viết nghiên cứu khoa học, trình diễn kịch, thiết kế logo lớp,… và cả những trò “nhất quỷ nhì ma” nữa.

Lớp 12 chuyên văn khoá 1997-2000 cùng thầy chủ nhiệm Vũ Xuân Túc ngày ra trường.

 Cô Ngọc Phương đứng thứ hai từ phải sang trong hàng dưới cùng.

 PV: Lí do nào khiến cô sau khi đã tốt nghiệp đã quyết định quay lại trường Ams để trở thành một giáo viên? Đó là ý nguyện của cô hay cũng là cái duyên với mái trường nữa?

Cô Ngọc Phương: Lựa chọn trở thành giáo viên là ý nguyện của cô và gia đình, đặc biệt là bố cô, người có ảnh hưởng lớn nhất đối với cô. Nghề giáo cũng phù hợp với cô về nhiều mặt. Vì vậy, cô quyết định theo học khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng việc cô trở về trường là một ngả rẽ tình cờ không ngờ tới. Trước đó, cô dự định trở thành một giảng viên đại học và với tư cách một sinh viên thủ khoa, đã được giữ lại khoa Văn công tác một thời gian. Nhưng rồi những cuộc gặp gỡ, những cuộc tái ngộ với nhiều thầy cô, đồng nghiệp ở Ams đã đặt ra cho cô những lựa chọn mới, và cuối cùng cô đã chính thức trở về Ams như trở về cội nguồn của mình. Ngẫm lại thì cô thấy mình đã lựa chọn hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với bản thân. Cô yêu thích những giờ dạy với những cô bé và cậu bé đang tuổi lớn khôn, trẻ mặt, trẻ lòng và trẻ cả ước mơ. Trở về và gắn bó với Ams là kết quả của rất nhiều cái ngẫu nhiên nhưng lại cũng là tất yếu. Có lẽ vì Ams đã là một phần trong cô từ lâu rồi, nên “những con đường cô đi rồi cũng đưa cô về bên Ams”, như chính em đã gọi - một cái duyên với mái trường.

Cô Ngọc Phương cùng các lãnh đạo Thành phố Hà Nội và bạn bè thủ khoa trong “Lễ tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2004” tại Văn Miếu. Cô đứng thứ tư từ phải sang ở hàng dưới 

 

 

PV: Em nghĩ, có lẽ quyết định của cô cũng một phần ảnh hưởng từ chính những người thầy của mình. Ai là người đã để lại trong cô nhiều ấn tượng khó phai nhất? 

Cô Ngọc Phương: Để nói về một thầy cô thôi thì thật quá khó bởi cô yêu mến và biết ơn tất cả những thầy cô đã từng dạy cô. Thời nhỏ cô chỉ là một cô bé bình thường, học “trường làng” - trường Huy Văn. Tuổi thơ trôi qua rất bình yên trong sự chăm lo của các cô giáo, mà đến giờ cô vẫn còn nhớ những cái tên thân thương: cô Đạm, cô Thảo, cô Nhũ, cô Oanh, cô Mùi. Sau đó nhờ sự định hướng của gia đình, cô học chuyên Văn Ams suốt 7 năm THCS và THPT. Đối với cô, tất cả các thầy cô giáo của mình đều để lại những ấn tượng rất đẹp đẽ, chính các thầy cô đã khơi dậy trong cô mong ước được làm giáo viên. Nhưng ảnh hưởng đến cô nhiều nhất là hai thầy giáo chủ nhiệm, cũng là thầy giáo dạy Văn thời học phổ thông tại trường Ams. Thầy Ngô Mạnh Phú là người dìu dắt cô những bước đầu chập chững vào trường. Thầy tài hoa, có tâm hồn và phong cách nghệ sĩ nhưng làm việc lại rất khoa học. Chính thầy là người có ảnh hưởng rất sâu sắc tới cách học tập, làm việc của cô. Cô đã được nhận một nền móng vững chắc nhờ thời gian thầy dồn tâm huyết cho lứa chuyên Văn cấp 2 đầu tiên là khóa 1993-1997 của cô. Người thầy thứ hai là thầy Vũ Xuân Túc, một “cây đa cây đề” của tổ Văn Ams. Thầy uyên bác, hướng học sinh đến lối học Văn tài hoa, phóng khoáng, phát huy tối đa cá tính và tiềm năng tư duy. Nhờ thế mà học Văn không phải là học nữa, mà là khám phá, là nghiên cứu, là bộc lộ, thậm chí là “chơi” Văn.

Cô Ngọc Phương bên thầy Mạnh Phú – giáo viên chủ nhiệm thời cấp 2

PV: Cô thực sự là một mảnh ghép rất đặc biệt của trường Ams: từng là người nhận lửa và nay lại là người truyền lửa cho học sinh. Cô mong muốn sẽ đóng góp và giúp cho mái trường ngày một hoàn thiện hơn như thế nào? Cô có tin tưởng rằng trong những lứa học sinh của mình tại Ams sẽ có những em quay lại đây và trở thành đồng nghiệp của mình không?

Cô Ngọc Phương: Cảm ơn em đã gọi cô là “một mảnh ghép đặc biệt của trường Ams”.  Đó vẫn là một niềm kiêu hãnh ngầm của cô, vì không nhiều người có may mắn đó. Cô cảm thấy Ams chính là nhà mình. Cô đồng cảm với học sinh nhiều hơn vì giữa cô và các em có điểm chung là đều lớn lên dưới mái trường này. Cô mong muốn trở thành một phần kí ức đẹp đẽ thời đi học của các em, như thầy cô của cô ngày xưa đã đem lại cho cô kí ức đẹp đẽ đó. Để đóng góp cho Ams, cô luôn nhủ mình phải sống hết lòng với nghề, yêu thương và đồng hành thực sự với học trò, truyền cho các em tất cả những giá trị tốt đẹp mà cô có và thắp lên ở các em khát vọng về những điều cao cả mà cô chưa đạt được. Đó là cách khiến các em được hạnh phúc dưới ngôi trường và có một khởi đầu tốt đẹp, để khi ra đời các em có thể ngoảnh lại mỉm cười mà nói “Cảm ơn vì em đã được là một phần của Ams”. Đó cũng là cách cụ thể nhất, bình dị nhất để giữ gìn, phát huy danh tiếng của nhà trường.

Tổ Văn của cô có khá nhiều giáo viên từng là cựu học sinh của trường, và các tổ khác cũng có nhiều gương mặt như thế. Cô tin tưởng rằng đó là một truyền thống mới được khơi nguồn và sẽ tiếp tục được kế thừa ở những năm tháng sau này. Học sinh của cô hiện nay cũng có rất nhiều em có năng khiếu và ước mơ thành giáo viên. Nếu được theo nghề giáo, sự lựa chọn hàng đầu của các em ấy hẳn sẽ là về lại trường cũ, cô tin là như vậy.

Lứa học sinh hiện tại cô Phương đang chủ nhiệm: tập thể lớp 7A 2013-2017

 PV: Học sinh Ams bây giờ là một thế hệ rất tự tin, đa tài, năng động và sẽ vươn xa hơn nữa. Lời nhắn nhủ của cô dành cho chúng em là gì ạ? Theo cô, chúng ta cần làm gì để có thể gắn kết được tất cả các thế hệ nhà giáo, cựu học sinh và các học sinh hiện tại?

Cô Ngọc Phương: Cô mừng vì học sinh Ams ngày nay rất nhạy bén, luôn đi đầu. Các em đã sớm đón nhận những giá trị thời đại và trở thành một thế hệ Ams mới giàu năng lượng, giàu khát vọng. Cô tin là những khiếm khuyết ở các em mà người đi trước đang lo âu rồi cũng sẽ sớm được các em tự điều chỉnh. Lời nhắn nhủ của cô ư? Rất nhiều và không nằm ngoài những gì các thầy cô khác muốn nhắn nhủ các em, nhưng cô sẽ nói thế này cho ngắn gọn nhé:

Một chút sâu lắng

Một chút sửa mình

Thật nhiều học hỏi

Thật nhiều yêu thương.

Các thế hệ nhà giáo, các thế hệ học sinh chúng ta đều là thành viên của Ams. Đã là người một nhà, tất yếu trái tim rất gần nhau. Cô tin là tình yêu chung với Ams sẽ khiến tất cả được dễ dàng gắn kết trên mọi nẻo đường, trong mọi tình huống. Và thực tế đã chứng minh như vậy. Ở đâu có Amser, ở đó có một làn sóng tinh thần chung rất mạnh mẽ. Qua dịp kỉ niệm 30 năm thành lập trường sắp tới đây, chắc chắn tất cả mọi người sẽ thấy điều đó là chân lí.

 

PV: Xin cảm ơn cô đã tham gia cuộc phỏng vấn của chúng em. Chúc cô luôn mạnh khỏe và ngày càng thành công với sự nghiệp trồng người dưới mái trường này!

                                                                        PV: Trang Linh Văn 13-16

                                                                        Nguồn ảnh: Facebook