The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

[GẶP GỠ AMSER NGÀY ẤY - BÂY GIỜ] Cô giáo Đặng Nguyệt Anh: “Hãy yêu Ams theo cách của riêng mình!”

Post by: myph | 17/11/2014 | 6470 reads

Là một học sinh chuyên Văn khoá 1 của trường, cô giáo Đặng Nguyệt Anh- cô giáo nổi tiếng với các “đề văn lạ” -đã chứng kiến sự chuyển mình và lớn mạnh từng ngày của ngôi trường thân yêu mang tên Hà Nội- Amsterdam trong suốt 30 năm qua. Hãy cùng trò chuyện với cô Nguyệt Anh để hiểu thêm về những thay đổi của Ams sau 30 năm hình thành và phát triển nhé!

 

Cô Nguyệt Anh trong lễ khai giảng năm học 2014-2015

Cô có thể chia sẻ những ấn tượng sâu sắc nhất của mình về 3 năm học tại trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam với tư cách là một học sinh khoá 1 của trường?

Tôi may mắn được là một trong những học sinh đầu tiên học trọn vẹn 3 năm tại trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam khi ngôi trường này vừa mới thành lập. Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi đó là được chứng kiến ngôi trường hoàn thiện và thay da đổi thịt từng ngày. Tôi còn nhớ như in những cảm nhận của mình khi lần đầu tiên đặt chân tới trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam trên phố Nam Cao. Hồi ấy, trường rất rộng lớn và bao gồm cả trường THCS Giảng Võ bây giờ. Sân trường chưa được lát gạch bằng phẳng, máy nổ chạy xình xịch suốt buổi, các lớp học thì chưa thật hoàn thiện. Các thầy cô của chúng tôi ngày đó cũng vô cùng giản dị. Họ đi những chiếc xe đạp cũ, mặc những bộ quần áo cũ. Trong hình dung của chúng tôi, thầy chủ nhiệm phải là một người đạo mạo, đeo kính, đầu hói, trông tựa như 1 giáo sư hoặc nhà văn Nguyễn Tuân. Nhưng cuối cùng thì tôi được đón một thầy chủ nhiệm với vóc dáng gầy nhỏ, nước da ngăm ngăm đen và buổi đầu nhận lớp, thầy mặc một chiếc áo sơ mi giản dị cùng một chiếc quần bộ đội cũ, chân thầy đi đôi dép lê nhựa. Ấy chính là ấn tượng đầu tiên và cũng là ấn tượng sâu sắc nhất của tôi trong 3 năm học tại trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam với tư cách là học sinh khoá 1 của trường.

Cô Nguyệt Anh cùng thầy giáo chủ nhiệm- thầy Vũ Xuân Túc

Cô Nguyệt Anh cùng bạn trong ngày ra trường 19.05.1988

Cô có nhận xét gì về Ams của ngày hôm nay và Ams của 30 năm trước?

Ams của ngày hôm nay và Ams của 30 năm trước có không ít điểm khác nhau nhưng vẫn có những điểm giống nhau. Thứ nhất, ngôi trường này vẫn là nơi tập trung những thầy cô giáo giỏi, những học sinh giỏi; là nơi hội tụ của rất nhiều những bậc phụ huynh yêu con, trân trọng tương lai của con và rất nhiệt tình đóng góp cho công cuộc giáo dục của Thủ đô. Thứ hai, trường Ams xưa cũng như trường Ams nay đều là những ngôi trường khang trang bậc nhất của thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, trường Ams sau 30 năm cũng có nhiều sự khác biệt. Về cơ sở vật chất, trường Ams trước đây đặt ở phố Nam Cao, quận Ba Đình thì nay đã chuyển về đường Hoàng Minh Giám, quận Cầu Giấy. Trường đã rộng lớn hơn rất nhiều, là một trong những ngôi trường hoành tráng nhất nước và trong khu vực. Số lượng học sinh so với 30 năm trước cũng đông hơn, số lượng các môn chuyên cũng nhiều hơn, phong phú hơn. Vì thế, học sinh bây giờ hình như không còn “thuần” như thế hệ học sinh chúng tôi 30 năm trước. Hiện nay, trường không chỉ còn là ngôi trường tập trung nhân tài của Hà Nội mà đã là nơi hội tụ tinh hoa của nhiều vùng miền trên đất nước. Đó là một sự thay đổi đáng mừng song đôi lúc tôi tự hỏi, ở một môi trường phong phú như vậy thì liệu cái chất Ams, cái chất Hà Nội có còn đậm đặc nữa hay là không?

Những người thầy, người bạn và sau này là những người đồng nghiệp

Trải qua 30 năm, sự thay đổi nào ở Ams khiến cô cảm thấy tiếc nuối nhất?

Trường Ams ngày hôm nay so với trường Ams của 30 năm trước có nhiều sự thay đổi. Có những thay đổi khiến chúng ta vô cùng phấn khởi nhưng một trong những thay đổi khiến tôi tiếc nuối nhất có lẽ là việc trường rời vị trí cũ. Giá như trường vẫn ở trên mảnh đất ấy nhưng được mở rộng hơn và xây lên cao hơn, hiện đại và khang trang hơn thì có lẽ thế hệ học sinh khoá đầu chúng tôi sẽ thích thú hơn. Bây giờ, khi chúng tôi về thăm trường cũ thì chúng tôi phải thăm trường THPT Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, đây là một sự đáng tiếc chứ không phải đáng buồn, vì trường bây giờ khang trang, hiện đại hơn rất nhiều, và phần đất còn lại ở vị trí cũ có lẽ không đủ để làm nên một ngôi trường rộng lớn như mong ước của các nhà lãnh đạo và thế hệ học sinh. Do đó, di chuyển địa điểm của trường là một điều dễ hiểu nhưng chúng tôi vẫn ước sao 20,30 năm nữa, biết đâu trường Ams lại được trở về vị trí cũ và toạ lạc tại mảnh đất khi ấy sẽ là một ngôi trường khang trang, hiện đại hơn bây giờ.

Cô giáo Đặng Nguyệt Anh tại sân trường Hà Nội- Amsterdam trên phố Nam Cao

Sau khi tốt nghiệp, rất nhiều cánh cửa rộng mở nhưng cô lại quyết định quay trở lại Ams và trở thành giáo viên giảng dạy tại trường. Cô có thể chia sẻ lý do cho sự lựa chọn này được không ạ?

Tôi là một trong số ít những sinh viên của trường Sư Phạm được phân công công tác ngay sau khi tốt nghiệp. Tôi còn nhớ quyết định phân công tôi về trường Nguyễn Đình Chiểu được kí vào ngày 11.09.1991. Tôi đã giảng dạy tại trường THPT Nguyễn Đình Chiểu trong 9 năm trước khi quyết định quay trở lại Ams và tiếp tục sự nghiệp trồng người tại nơi tôi đã theo học. Trước hết, tôi muốn được trở về giảng dạy tại chính ngôi trường mà tôi đã trưởng thành lên từ đó. Tôi cảm thấy môi trường này phù hợp hơn và là một bệ phóng tốt hơn giúp tôi có thể cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của Thủ đô. Thêm một lí do nữa là khi đã lập gia đình thì trường Nguyễn Đình Chiểu lại ở khá xa về mặt địa lý. Bên cạnh đó, ở trường Nguyễn Đình Chiểu, yêu cầu bồi dưỡng học sinh khá, giỏi không phải yêu cầu số một. Vốn trưởng thành từ một trường chuyên nên tôi muốn thử sức mình, muốn được cống hiến ở một môi trường đề cao yêu cầu bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi. 

Cô Nguyệt Anh những năm đầu về dạy ở trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam

Theo cô, việc gắn kết các thế hệ Amser đã tốt chưa và có cách nào để cải thiện điều này?

Thời gian gần đây, nhà trường đã rất chú ý tới việc gắn kết chặt chẽ hơn các thế hệ học sinh của trường. Trong các buổi lễ khai giảng, BGH nhà trường đã mời các đại diện học sinh Ams khoá 1 về tham dự và phát biểu, chúc mừng các em học sinh. Điều này tạo nên một sự gần gũi giữa các thế hệ Ams và nó cũng là một niềm tự hào đối với những cựu học sinh Ams bởi rất nhiều bạn ở lứa tuổi chúng tôi bây giờ đã có con cũng theo học từ ngôi trường này, tức là bố mẹ và con cùng là các cựu Amser. Không gì sung sướng hơn khi được về thăm ngôi trường cũ của mình, và lại còn được thấy con mình hoà vào tập thể học sinh của chính ngôi trường mình đã từng theo học và tiếp tục xây dựng và phát huy truyền thống học tập cũng như rèn luyện đạo đức và các hoạt động văn-thể-mỹ rất sôi nổi và tài năng của trường.

Cô Nguyệt Anh cùng các bạn Amser khoá 1 về dự lễ khai giảng năm học

Tôi nhận thấy sự kết nối giữa các thế hệ hiện nay khá tốt, song việc này còn có thể được làm tốt hơn nữa. Theo tôi, một năm có thể không chỉ là 1,2 lần cựu học sinh Ams đến phát biểu trong các dịp lễ lớn mà có thể là các thầy cô giáo chủ nhiệm của các lớp mời các vị phụ huynh đã từng là Amser đến các buổi sinh hoạt lớp để giao lưu, phát biểu; cùng đi tham quan, tổ chức các trò chơi, các cuộc thi tìm hiểu về trường cho cả bố mẹ và con. Nhà trường cũng có thể có những bộ ảnh, những thước phim ghi dấu sự trưởng thành của nhiều thế hệ, đặc biệt là ngợi khen, tôn vinh các gia đình có nhiều thế hệ là học sinh Ams. Điều đó vừa là kết nối, vừa là khích lệ sự phấn đấu, vì chỉ vài năm nữa thôi, sẽ có những gia đình có đến 3 thế hệ ông bà, bố mẹ, con cháu cùng là học sinh của ngôi trườnh danh giá này. Tôi cũng mong sẽ nhận được sự đóng góp của các cựu học sinh Ams cũng như các thế hệ học sinh Ams bây giờ để các thế hệ Amser gắn bó với nhau khăng khít hơn, giúp trường ta nối dài những truyền  thống quý báu được xây dựng suốt 30 năm qua.

Cả con trai và con gái cô Nguyệt Anh đều là học sinh Ams

Cô có điều gì nhắn nhủ với các Amser thế hệ trẻ?

Một điều mà tôi muốn nhắn nhủ tới các thế hệ trẻ của trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam đó là: Ngôi trường của chúng ta đã trải qua 30 năm trưởng thành với sự đóng góp và cống hiến của rất nhiều các thế hệ giáo viên và học sinh. Rất may mắn là trường chúng ta vẫn sự được cái tên THPT chuyên Hà Nôi- Amsterdam. Cái tên không chỉ thể hiện sự hữu nghị giữa 2 thủ đô của 2 nước và còn trở thành “thương hiệu”, một phần máu thịt trong cuộc sống của mỗi học sinh trưởng thành nên từ đây.  Bởi vậy, các bạn trẻ ơi, các bạn hãy đừng bao giờ quên rằng, cùng với niềm tự hào là các Amser thì chúng ta còn có trách nhiệm giữ gìn và phát huy truyền thống ấy. Các bạn hãy yêu Ams theo cách riêng của mình! Hãy làm sao cho trường Ams của chúng ta không chỉ nổi danh trong nước, trong khu vực mà càng ngày, thế giới sẽ càng biết nhiều hơn đến ngôi trường thân yêu của chúng ta. Các bạn có tin rằng các bạn hoàn toàn có thể giúp cho Ams của chúng ta trở thành một Harvard của Việt Nam? Điều đó phụ thuộc chủ yếu vào các bạn. Các thầy cô giáo chúng tôi sẽ nỗ lực cùng các bạn để xây dựng danh hiệu trường Ams ngày càng lớn mạnh và đẹp đẽ hơn.

PV: Phương Linh Văn 14-17

Nguồn ảnh: Facebook Nguyet Anh Dang