Một buổi giao lưu- nhiều điều quý giá!
Chiều ngày 13/11/2014, trường vinh dự đón các vị lãnh đạo về thăm và có buổi tọa đàm, giao lưu vô cùng ý nghĩa với chủ đề “Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam và nhiệm vụ đào tạo tài năng trẻ quốc gia”.
Đến dự buổi tọa đàm, Ban giám hiệu nhà trường cùng các thầy cô giáo và các em học sinh vinh dự được đón tiếp: Giáo sư Tiến sĩ - Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thứ trưởng Bộ giáo dục đào tạo Nguyễn Vinh Hiển; Tiến sĩ Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT); Tiến sĩ Đào Vân Bình - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội; Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Độ - Thành Ủy viên - Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội; lãnh đạo các phòng ban sở và các thế hệ học sinh giỏi tiêu biểu của ngôi trường: Anh Phan Phương Đạt – học sinh chuyên Toán khóa 1985 – 1988, huy chương Đồng quốc tế Toán học năm 1987, huy chương Bạc quốc tế Toán học năm 1988- một trong hai thí sinh đầu tiên của Việt Nam tham dự hai kỳ IMO liên tiếp; Anh Hồ Thanh Tùng – học sinh chuyên toán khóa 1985 – 1988, huy chương Bạc quốc tế Toán học năm 1988- hiện là Tổng Giám đốc Chi nhánh công ty ORACLE khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam; Anh Trần Quang Hưng – học sinh khóa 2005 – 2008, từng làm việc tại Liên Hợp Quốc, năm 2013, anh là người Việt trẻ duy nhất được mời tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) và Myanmar; Bạn Phạm Mai Phương – học sinh chuyên Hóa khóa 2011 – 2014, huy chương Vàng quốc tế Hóa học năm 2014 cùng 170 học sinh giỏi, xuất sắc đến từ các lớp.
Thầy trò trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam vinh dự đón tiếp Giáo sư Tiến sĩ- Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí sôi nổi nhưng vô cùng chân thành, học sinh cũng như các vị đại biểu khách quý đã có cơ hội trải lòng mình với nhiều điều tâm huyết. Buổi tọa đàm đã tạo điều kiện cho các Amser tự do chia sẻ và bày tỏ băn khoăn của bản thân trước các đồng chí lãnh đạo Bộ, thành phố và đại biểu khách quý. Buổi lễ đã khép lại nhưng đọng lại trong mỗi người đều có những dư âm không phai nhòa.
Tiết mục văn nghệ vô cùng đặc sắc của 12 Sử mở màn chương trình
1. Lời nhắn nhủ chân thành, ân cần của Nhà giáo Lê Thị Oanh- bí thư Đảng ủy- Hiệu trưởng Nhà trường
Mở đầu cuộc giao lưu là lời phát biểu của Nhà giáo Lê Thị Oanh- bí thư Đảng ủy- Hiệu trưởng Nhà trường. Trong bài phát biểu, cô nhấn mạnh mục đích, phương châm của trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội- Amsterdam “Đạo tạo những nguồn tài năng trẻ, trở thành những nguồn lực trọng yếu có đủ khả năng kiến tạo nên tương lai tươi sáng Việt Nam… Tiềm lực và trí tuệ của học sinh chuyên được phát huy cao nhất, học sinh giỏi có điều kiện được nuôi dưỡng, phát huy tốt nhất trở thành nguồn nhân lực tài năng trẻ trở thành nguồn lực phát huy tính sáng tạo, góp phần tạo nên những đổi thay tích cực của đất nước.”
Nhà giáo khẳng định trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đang phát triển, tiến triển sâu và rộng, thừa hưởng những giá trị cốt lõi của thử thách và khẳng định sự trường tồn cùng năm tháng. Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam luôn tự hào về đội ngũ Nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm được chắt lọc trong giao thoa các phương pháp giáo dục hiện đại, có đạo đức, nhiệt huyết, tình yêu con trẻ…Trong suốt 29 năm qua, các thế hệ cán bộ , giáo viên, nhân viên và học sinh của Nhà trường đã vượt lên những khó khăn, không ngừng đổi mới, bền bỉ lao động sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cống hiến cho đất nước nhiếu thế hệ công dân ưu tú, có tư duy sáng tạo, có lòng yêu nước nồng nàn, luôn luôn sẵn sàng phụng sự đất nước, vì một Việt Nam ổn định, hạnh phúc và thịnh vượng… Nhà giáo Đinh Lê Thị Thiên Nga, Vũ Việt Hoa vinh dự nhận Huân chương lao động hạng 3, Nhà giáo Hồ Quốc Việt, Lê Thị Ngọc Hà đã vinh dự nhận được bằng khen của Thủ tướng chính phủ, 4 nhà giáo là chiến sĩ thi đua cấp Thành phố. Nhiều Nhà giáo được nhận bằng khen của UBND Thành phố, được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở...và nhiều giải thưởng, huy chương, thành tích học sinh giỏi đứng top đầu Hà Nội.
Với tất cả tình yêu thương bao dung, chân thành, Nhà giáo nhắn nhủ “Các em là nguồn tài năng của đất nước, là tài sản tri thức và tương lai của dân tộc Việt Nam. 29 năm trước đây, suy nghĩ nhân bản xuất phát từ cuộc sống tốt đẹp, yên bình cho dân tộc Việt Nam. Ý tưởng đó xây dựng nên ngôi trường Hà Nội- Amsterdam đào tạo thế hệ trẻ có tài năng xây dựng đất nước trong thanh bình, hạnh phúc, là hi vọng, niềm tin của người dân Hà Nội... Các em hãy thấu hiểu niềm tin, hi vọng của người dân thủ đô đang đặt vào các em, Với bản chất thông minh, được nuôi dưỡng và đào tạo bởi ngôi trường sáng tạo và tự do học thuật, các em nhất định sẽ trở thành những người biết đem đến những giá trị thực sự và tương lai của Việt Nam đang chờ đợi”. Những câu nói ấy đã chạm vào trái tim đầy tự hào và nhiệt huyết, khơi dậy trong mỗi Amser niềm vui, niềm tin, sự hào hứng phấn chấn và quyết tâm nỗ lực cho những thành tựu đáng quý trong tương lai.
Các vị đại biểu khách quý về dự đông đủ
2. Tâm sự của cậu bé vàng khối chuyên Lý - Vũ Thanh Trung Nam
Vũ Thanh Trung Nam – học sinh lớp 11 Lý 1- thành viên nhỏ tuổi nhất của đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Vật lí quốc tế năm 2014 tại Cadắcxtan – đã vinh dự đóng góp 1 huy chương vàng Olympic Vật lí quốc tế và 1 Huy chương bạc Olympic Vật lí Châu Á Thái Bình Dương viết tiếp trang sử vàng về truyền thống học tập của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã có bài phát biểu rất ngắn gọn nhưng vô cùng xúc động. Trong chương trình, Trung Nam tâm sự “tự hào lớn nhất của em trong những năm tháng học trò là được khoác lên mình tấm áo của trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam - ngôi trường có bề dày thành tích học sinh giỏi quốc gia, quốc tế bậc nhất của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung. Đó không chỉ là niềm mong ước của em mà của tất cả học sinh đã, đang và sẽ học tại ngôi trường này”. Bạn chân thành gửi lời cảm ơn sâu sắc tới cô giáo chủ nhiệm, các thầy các cô trong tổ Vật Lý của trường, tới bố mẹ, và đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo, động viên khích lệ kịp thời và tạo mọi điều kiện của Ban giám hiệu trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam và các ban ngành đoàn thể. Với Nam, thành công có được - đó chính là niềm tự hào cũng như bước nền tảng ban đầu, tạo động lực để bạn phấn đấu hơn nữa trong những năm học tập, làm việc và cống hiến cho quê hương, đất nước và vượt qua những khó khăn, thử thách trong tương lai, mang lại chiến thắng cho bản thân, cho gia đình, cho Nhà trường và dân tộc.
3. Thông điệp từ chiếc mũ rơm - một kỷ niệm - một bài học - một món quà vô giá
Một điều đặc biệt là GS - NGƯT Nguyễn Thiện Nhân đã gây tò mò suốt chương trình khi mang lên sân khấu chiếc mũ rơm. Bác đã đưa ra câu hỏi hấp dẫn với toàn hội trường: “chiếc mũ rơm ra đời từ khi nào?” Bạn Đỗ Hải Nam - học sinh lớp 12 chuyên Sử khá nhanh nhẹn trả lời câu hỏi của Thầy: “Mũ rơm là vật gắn liền với tuổi thơ bố mẹ chúng cháu. Mũ ra đời chiến tranh phá hoại của Mỹ, thời điểm vào năm 1964, sau khi dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ cho không quân và hải quân bắn phá miền Bắc. Học sinh, trẻ em đến trường đội mũ rơm tránh bom, đặc biệt là bom bi rất nguy hiểm”.
Em Đỗ Hải Nam tự tin với câu trả lời của mình và xứng đáng nhận được điểm 10 của GS- NGƯT Nguyễn Thiện Nhân
Với câu trả lời này, GS-NGƯT Nguyễn Thiện Nhân đã hài lòng và chấm điểm 10 cho cậu học sinh. Bác kể lại cho cả hội trường những kỷ niệm của mình với chiếc mũ giản dị, đơn sơ ấy. Mũ rơm là biểu tượng truyền thống, trong lịch sử đã được sử dụng rất nhiều, là nghệ thuật sáng tạo trong chiến đấu chống Pháp, nó gắn liền với “những năm bom Mỹ trút lên mái nhà, những năm cây súng theo người đi xa, những năm bom đạn vàng như lúa đồng…” và gắn liền với tuổi thơ của giáo sư . Đặc biệt, trong lời tâm tình của bác, mỗi Amser lặng người ngẫm về bài học của tình đoàn kết. Một sợi rơm nếu đứng riêng rẽ thật nhỏ bé và mảnh mai, yếu ớt. Nhưng khi chúng kết lại với nhau, đan vào nhau- sẽ trở thành một vũ khí vô cùng cứng cáp và hữu ích, nó bất chấp mọi sự tấn công của bom bi nguy hiểm, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước ta bấy giờ khan hiếm vũ khí sắt thép.Trong cuộc chiến với mọi kẻ thù cũng như trong cuộc sống, chỉ cần ta đoàn kết lại, chỉ cần mỗi cá nhân có ý thức tập thể, biết kết nối, góp sức, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua, kẻ thù nào cũng sẽ chiến thắng. Nhân tài của đất nước cũng vậy, một cá nhân chỉ là hạt cát trong biển cả nhưng biết kết nối lại, đoàn kết lại, chung tay phát triển một Việt Nam vững mạnh - đó là sức mạnh, ý chí và bản lĩnh con người nòi giống con lạc cháu hồng. Kể tiếp những câu chuyện về “thời đội mũ rơm” của mình, GS Nguyễn Thiện Nhân mong các học sinh: “Phải kế tục ý chí không chấp nhận nước Việt Nam nghèo, không chấp nhận thua các nước mà phải vươn lên”. Câu nói ấy như một hồi trống thúc giục những trái tim giàu nhiệt huyết cống hiến của mỗi Amser, giúp các em trưởng thành hơn, có nhận thức đúng đắn và niềm tin vững vàng. Chiếc mũ rơm được GS, NGƯT Nguyễn Thiện Nhân tặng cho Vũ Thanh Trung Nam - một tài năng trẻ của ngôi trường trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Em Vũ Thanh Trung Nam, HCV Olympic Vật lí quốc tế 2014 nhận chiếc mũ rơm từ GS Nguyễn Thiện Nhân. (ảnh Internet)
4. THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam- nơi nuôi dưỡng ước mơ, nơi ươm mầm những tài năng trẻ
Trao đổi tại buổi gặp mặt những thế hệ tài năng của trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) nói: “Lâu nay, học sinh trường chuyên hay bị nghĩ là những con gà công nghiệp, gà chọi thì những năm gần đây tư duy này đã thay đổi. Bằng chứng như học sinh Ams vừa giỏi lại hoạt động tình nguyện, hoạt động kỹ năng sống rất tốt”. Thành tích học tập của học sinh trường được ghi nhận với 116 huy chương quốc tế, 1126 giải quốc gia, 2470 giải thành phố trong các cuộc đua về trí tuệ với hàng trăm giải thưởng trong các cuộc thi khoa học sáng tạo là thành tích đáng tự hào của thầy và trò Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam. Năm học 2013, Nhà trường liên tiếp đón nhận những tin vui, những thứ quả ngọt ngào của sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của thầy và trò: 5 giải thưởng Quốc tế THPT, 19 Giải thưởng quốc tế THCS, 18 giải quốc gia và hàng trăm giải thành phố là những con số ấn tượng cho một năm học. Hoạt động ngoại khóa cũng luôn được chú trọng, từ đó là môi trường, là điều kiện tốt nhất để học sinh học tập, rèn luyện, hoàn thiện về trí tuệ, nhân cách của mình. Nhìn vào thành công của các cựu học sinh - chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng bề dày truyền thống của cánh chim đầu đàn khối các trường chuyên của Hà Nội và toàn quốc. Anh Phan Phương Đạt – học sinh chuyên Toán khóa 1985 – 1988, huy chương Đồng quốc tế Toán học năm 1987, huy chương Bạc quốc tế Toán học năm 1988 - một trong hai thí sinh đầu tiên của Việt Nam tham dự hai kỳ IMO liên tiếp vẫn nhớ như in những kỷ niệm của cậu học trò chăm chỉ của trường Ams ngày nào, nhớ những buổi học đội tuyển dưới ánh sáng mờ của ngọn đèn trong phòng học cạnh nhà vệ sinh, nhớ những ân cần, quan tâm, tận tụy mà thầy cô đã dành cho lũ học trò nhỏ, để rồi anh cũng như những thế hệ học sinh có điều kiện rèn rũa bản lĩnh, trí tuệ, góp phần nhỏ bé của mình đem lại vinh quang cho nước nhà. Anh Hồ Thanh Tùng đã từng có thời gian làm việc ở nước ngoài và giờ lại quay về nước công tác, anh khẳng định khi xuất thân từ Ams, mình có một sự tự tin, một vốn tri thức và kĩ năng sống nền tảng rất tốt, để từ đó phát huy quá trình tự học, tự vươn lên nhằm giải quyết những yêu cầu mới mà công việc đặt ra. Từ phương trời xa xôi và tiến bộ với những cơ hội lớn, anh chọn trở về với niềm háo hức được làm việc, cống hiến ngay trên đất nước mình, nơi đã sinh ra và bồi đắp nên con người như mình ngày nay. Kì thi Hóa học quốc tế ICHO 2014 vừa qua cùng với sự kiện trường Ams giao lưu với các đoàn học sinh tham gia kì thi chính là một kỉ niệm không thể quên của thầy trò nhà trường. Hình ảnh cô bé Phạm Mai Phương - học sinh học sinh chuyên Hóa khóa 2011 – 2014, đạt huy chương Vàng quốc tế Hóa học năm 2014 mang trên vai lá cờ tươi thắm của Tổ quốc đứng trên bục vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu thật đẹp và xúc động. Lời tâm sự của em đã nói đúng về bản chất của thành công và đã đi đúng con đường nhà trường định hướng cho em: đó là cống hiến cho cộng đồng, đất nước. Mai Phương cũng như mỗi Amser là một ngọn lửa đam mê khám phá, biết lắng nghe và học hỏi, biết chuyên cần tự học, biết xác định mục tiêu và kiên trì… Có thể nói THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam chính là cái nôi đào tạo tài năng trẻ - là trường trọng điểm của Quốc gia, được đông đảo bạn bè Quốc tế biết đến, ngưỡng mộ.
Cuộc trò chuyện, giao lưu vui vẻ, cởi mở và ý nghĩa (ảnh Internet)
Bàn về câu chuyện thu hút nhân tài quốc gia, ông Vũ Đình Chuẩn cho biết: “Có thể thấy nhiều bạn học sinh đã từng du học ở nước ngoài rồi lại quay trở về phục vụ cho nước nhà. Số học sinh khác thì đang ở nước ngoài nhưng vẫn đem tư duy, chất xám, công sức, thậm chí là của cải phục vụ đất nước. Hiện nay thế giới hội nhập thì tôi nghĩ việc này hoàn toàn có thể chia sẻ được. Chúng ta hy vọng sẽ hội nhập được nhanh và có thể lấy chất xám của thế giới về phục vụ cho đất nước”.
GS. Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao mô hình của trường và những thành tích đa dạng của học sinh, chỉ ra sự phân hóa về mục tiêu ở học sinh: một phần du học, một phần học tập trong nước - một sự phân hóa tích cực căn cứ vào sự lựa chọn phù hợp với điều kiện của mỗi cá nhân về năng lực, nhu cầu và hoàn cảnh gia đình, có sự hỗ trợ của nhà trường và xã hội. Trước thực trạng nhiều học sinh sau khi đi du học đã quyết định ở lại nước sở tại để định cư. Đó là sự chảy máu chất xám rất đáng tiếc đối với nước ta, điều này đặt ra một câu hỏi: “Nhà nước có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài như thế nào để người giỏi ở nước ngoài nói chung và nhân tài Việt Nam về cống hiến cho đất nước?”. Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: “Chúng ta không nên đặt yêu cầu đi du học nước ngoài là phải về, thậm chí có yêu cầu phải trở thành người tài rồi hãy về, học thêm hãy về” … “Người Việt Nam mà đau đáu với quê hương nhớ về cội nguồn thì dù ở đâu, dù làm gì cuối cùng vẫn dành một phần trái tim mình cho quê hương. Do vậy, chúng ta không nên đặt yêu cầu đi du học nước ngoài là phải về. Nhiều cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam đang ở nước ngoài vẫn hướng về đất nước. Nếu ở nước ngoài có cơ hội phát triển lại gắn với đất nước thì rất hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu ai thấy có thể trở về được thì cứ trở về phục vụ ngay thì rất tốt”.
Với tư cách là một du học sinh và nay là lãnh đạo của một tập đoàn đa quốc gia, anh Hoàng Thanh Tùng – một trong bốn cựu học sinh của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam kiến nghị GS Nguyễn Thiện Nhân và Bộ GD-ĐT cần tạo điều kiện cho những người trẻ, học sinh Việt Nam làm việc ở nước ngoài tốt giữ cương vị cao trong các tập đoàn. Kinh nghiệm từ bản thân vị giám đốc đáng kính này cho thấy nếu có nhiều người Việt Nam có giữ được các vị trí cấp cao tại các tập đoàn lớn sẽ tạo ra làn sóng, thúc đẩy trí thức trong nước nỗ lực.
Tại buổi giao lưu, GS Nguyễn Thiện Nhân cũng giao nhiệm vụ cho toàn thể học sinh: “Đất nước ta còn nhiều khó khăn, nhiều vùng còn nghèo, lạc hậu. Vì thế, khi được sống và học tập dưới mái trường ra đời từ tình hữu nghị Việt Nam - Hà Lan, từ khát vọng hòa bình, học tập và phát triển, học sinh trường PTTH Hà Nội - Amsterdam hôm nay phải luôn nỗ lực học tập để xứng đáng là người Việt Nam tài năng, người Việt Nam ý chí và người Việt Nam yêu nước”. Gửi tới các em học sinh niềm tin về thế hệ tương lai của đất nước, GS-NGƯT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, các em phải nắm trong tay vận mệnh đất nước, đưa đất nước phát triển, giữ vững biên giới, giữ văn hóa dân tộc, sứ mệnh đó vô cùng lớn lao khi chúng ta hội nhập.
Tạm kết
Kết thúc cuộc giao lưu, GS-NGƯT Nguyễn Thiện Nhân có lời tuyên dương, giao nhiệm vụ: “Chúng ta rất tự hào về thành tích của Nhà trường trong thời gian qua, đặc biệt trong những năm gần đây. Và thành tích đó đã được ghi nhận bằng huân chương độc lập hạng ba mà Chủ tịch nước đã trao tặng cho trường Hà Nội - Amsterdam. Trường chuyên đã cho chúng ta có nền tảng vững chắc, cao hơn trung bình, giúp đào tạo nhân tài phụng sự đất nước. Đó là niềm tự hào, thách thức lớn đối với các em.”
Cuộc trò chuyện cởi mở giúp mỗi học sinh hiểu thấu đáo hơn, sâu sắc hơn trách nhiệm với đất nước, nhen nhóm lên niềm tự hào dân tộc, niềm tin…. với thế giới - tự hào với khí phách của con người Việt Nam từng làm nên chiến thắng vang dội năm châu, với bản lĩnh của những nhà khoa học từng gặt hái những thành công và những giải thưởng danh giá khiến thế giới phải ngưỡng mộ.
Biên tập: Hà My (GV)
Ảnh: Bùi Bình Minh 10T2