NHÂN BỨC THƯ CỦA NGƯT NGUYỄN KIM HOÃN- NGHĨ VỀ NHỮNG NGỌN HẢI ĐĂNG…
Người ta thường ví người thầy như người lái đò âm thầm, đưa những chuyến đò cập bến bờ tri thức. “Đời thầy là dòng sông, đưa thuyền ra biển rộng”. Thầy cô cũng là ngọn hải đăng giữa biển khơi bao la, soi đường chỉ lối cho những cuộc hành trình tới chân trời của ước mơ, khát vọng. Những người lái đò ấy - những ngọn hải đăng ấy vẫn âm thầm lặng lẽ, tận tụy cống hiến, hết lòng vì học trò thân yêu. Bài viết này xin được hướng về các thầy cô hiệu trưởng - những vị lãnh đạo tâm huyết - những Nhà giáo đáng kính, những ngọn hải đăng của biết bao thế hệ học trò từ mái trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam - nơi khởi đầu của những ước mơ.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Kim Hoãn- nguyên hiệu trưởng đầu tiên của trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (từ năm 1985 đến năm 1995) - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - hiện đang là chủ tịch Hội khuyến học Hà Nội - là một nhà giáo giỏi chuyên môn, một nhà quản lý tài ba, có uy tín rất cao đối với đồng nghiệp, phụ huynh cũng như học sinh. Bằng tâm huyết, lòng yêu nghề, tài năng và sự đức độ của một nhà giáo luôn một lòng vì học trò, vì sự nghiệp “trồng người”, thầy là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho công trình “vườn ươm tài năng” mang tên THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam, góp phần tạo vị thế cho trường bằng đề xuất chuyển đổi hình thức tổ chức trường theo 2 hệ: lớp chuyên và lớp đào tạo nguồn, đưa hệ THCS vào hoạt động. Trong dòng cảm xúc hướng về lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường (12/2015), thầy đã gửi tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên và các thế hệ học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam bức thư đầy chân tình và xúc động.
Trong thư, NGƯT Nguyễn Kim Hoãn đã ôn lại lịch sử thành lập trường: “Trường ta được thành lập vào tháng 9/1985 tại khu tập thể Giảng Võ- một khu dân cư mới trong đó rất nhiều căn hộ được phân cho các nhà khoa học, các nhà quản lý; được xây dựng một phần do vốn quyên góp của nhân dân thành phố Amsterdam (Hà Lan) tặng thủ đô Hà Nội sau ngày thống nhất đất nước”. Năm học đầu tiên của trường khai giảng đúng vào ngày 5/9/1985. Lãnh đạo Nhà trường đương thời - những người đặt nền móng đầu tiên luôn xác định mục tiêu đào tạo học sinh chuyên trên nền tảng phát triển cân đối và toàn diện của toàn bộ kiến thức các môn học phổ thông. Ra đời và phát triển trong thời kỳ đất nước đổi mới, gần 30 năm qua, trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam đã tạo được cho mình một hướng đi đúng, một khí thế phát triển mạnh mẽ để tiến vào thế kỷ XXI, xứng đáng là Trường THPT chuyên trọng điểm quốc gia, ngang tầm quốc tế. Nói đến những vinh quang đó, chúng ta không thể không nhắc tới các thế hệ lãnh đạo - những Nhà giáo ở cương vị “chèo lái” ngôi trường chuyên nổi tiếng này. Họ chính là những ngọn hải đăng hội tụ đầy đủ các yếu tố “Tâm, Tầm và Tài” của một giáo viên dạy giỏi, một nhà quản lý mẫu mực, nhiệt tình trong công tác quản lý của mình. Dưới đây là danh sách các hiệu trưởng qua các thời kì của trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam:
- Nhà giáo ưu tú Nguyễn Kim Hoãn (1985-1995)
- Nhà giáo ưu tú Đào Thiện Khải (1995- 1998)
- Nhà giáo ưu tú Đỗ Lệnh Điện (1998-2008)
- Nhà giáo Phạm Văn Đại (2008-2013)
- Nhà giáo Lê Thị Oanh (2013 đến nay)
Cũng trong bức thư này, NGƯT Nguyễn Kim Hoãn đã tâm sự “tôi rất mừng là các thế hệ quản lí của trường đã kiên trì mục tiêu “bồi dưỡng năng khiếu cá biệt trên nền tảng giáo dục toàn diện được định hướng từ ban đầu” vì thế bên cạnh các học sinh thành đạt về mặt học thuật còn rất nhiều học sinh nổi tiếng về các lĩnh vực hoạt động khác. Nếu ví quá trình phát triển của trường là một dòng chảy lắm thác ghềnh, khó khăn nhưng cũng rất bền bỉ, rực rỡ thì thành tích đạt được chính là lớp phù sa mặn mòi của biết bao thế hệ giáo viên- học sinh đã và đang phấn đấu nỗ lực để làm đầy dòng sông truyền thống. Thầy đã điểm danh những thành tích đáng ghi nhận của thầy trò trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam.
Trong niềm xúc động, thầy không quên nhắn nhủ các thầy cô giáo, các cán bộ, nhân viên nhà trường, các thế hệ học sinh: Chúng ta đang hướng tới “Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường 1985-2015” tôi rất mong các thầy cô giáo, các cán bộ, nhân viên nhà trường, các thế hệ học sinh hãy giành những tình cảm tốt đẹp nhất đối với trường, với những sáng tạo mà các em học sinh cũ đã thể hiện trong hai khóa mà tôi đã được dự. Tôi hy vọng lễ kỷ niệm sẽ là dịp để các em học sinh cũ thể hiện tình cảm và tài năng bằng các hoạt động phong phú, thiết thực và có ý nghĩa. Các em học sinh đang học tập tại trường cũng sẽ chứng tỏ cho các thầy cô giáo và các thế hệ học sinh cũ khả năng của mình như các em đã từng tổ chức “Ngày hội anh tài”hoặc các sự kiện ấn tượng khác trong nhiều năm qua.Tất cả chúng ta hãy hướng tới lễ kỷ niệm với những tình cảm và việc làm tốt đẹp nhất.”
* *
*
Mỗi học sinh Ams là một người thủy thủ trên con đường vượt trùng dương đến với đại dương tri thức của nhân loại. Họ đang tự đi trên đôi chân của chính mình- dám sống- dám đối mặt và dám thành công. Bởi vì họ luôn có trong trái tim những ngọn hải đăng để được soi đường, chỉ lối. Nhớ đến các thầy cô- xin giành một khoảng lặng- chân thành- giản đơn, không màu mè, không xa cách… Xin được kết bằng mấy vần thơ tri âm những Nhà giáo với những cống hiến âm thầm, giản dị nhưng cao quý vô cùng:
Có một nghề bụi phấn dính đầy tay,
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất.
Có một nghề không trồng cây trên đất.
Lại nở cho Đời những đóa hoa thơm.
Nguyên văn bức thư của Nhà giáo nhân dân Nguyễn Kim Hoãn- nguyên hiệu trưởng đầu tiên của trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam
Hà Nội ngày 20/9/2014
Thân mến gửi các thầy, cô giáo, cán bộ, nhân viên; các thế hệ học sinh trường THPT Hà Nội-Amsterdam.
Tôi được biết ban giám hiệu nhà trường đã có kế hoạch tổ chức “Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường” vào tháng 12/2015.
Nhân dịp này tôi có đôi dòng tâm sự:
Trường ta được thành lập vào tháng 9/1985 tại khu tập thể Giảng Võ- một khu dân cư mới trong đó rất nhiều căn hộ được phân cho các nhà khoa học, các nhà quản lý; được xây dựng một phần do vốn quyên góp của nhân dân thành phố Amsterdam (Hà Lan) tặng thủ đô Hà Nội sau ngày thống nhất đất nước. Lúc đó trường chưa có chữ “chuyên” mà chỉ là “trường THPT Hà Nội Amsterdam” mặc dù giáo viên, học sinh của các môn chuyên của thành phố đang ở các trường Chu Văn An, Ba Đình, Việt Đức, Lý Thường Kiệt được quy tụ tại trường. Với cái tên ấy lãnh đạo nhà trường muốn nhắn gửi cho dù là nơi đào tạo học sinh chuyên nhưng vẫn phải trên nền tảng phát triển cân đối và toàn diện của toàn bộ kiến thức các môn học phổ thông.
Tiếp thu tinh thần chủ đạo ấy, Ban giám hiệu Nhà trường bên cạnh việc quan tâm phát triển năng khiếu các môn chuyên đã tổ chức việc giảng dạy toàn diện các môn học, đã tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ học và là nơi khởi xướng nhiều sự kiện trong khối THPT của thành phố và toàn quốc lúc ấy như thi học sinh thanh lịch, phát động cuộc thi thơ ”tuổi học trò” và kết thúc bằng một đêm thơ ấn tượng và một ấn phẩm “thơ tuổi học trò” ; các chương trình nghệ thuật, giao lưu bằng tiếng Nga, Anh, Pháp phát trên truyền hình đã có tiếng vang lớn; các câu lạc bộ bóng ném, bóng rổ, cầu lông, đá cầu…và các giải đấu thể thao cũng được tổ chức thường xuyên.
Chính nhờ định hướng ấy mà một số cha mẹ học sinh đã tín nhiệm cho con học tại trường thay vì vào các lớp chuyên của các trường đại học và cũng trên nền tảng đào tạo toàn diện đó nhiều học sinh của trường đã trở thành những gương mặt sáng giá trong các lĩnh vực hoạt động xã hội.
Tôi rất mừng là các thế hệ quản lý của nhà trường đã kiên trì mục tiêu “bồi dưỡng năng khiếu cá biệt trên nền tảng giáo dục toàn diện được định hướng từ ban đầu, vì thế bên cạnh các học sinh thành đạt về mặt học thuật còn rất nhiều học sinh nổi tiếng về các lĩnh vực hoạt động khác. Trường vẫn là nơi cung cấp tuyệt đại đa số học sinh các đội tuyển học sinh giỏi thành phố dự thi toàn quốc; thường xuyên có học sinh đoạt huy chương vàng, bạc, đồng trong các kỳ thi Ôlympic Quốc tế và khu vực, trong những năm gần đây lại có các nhóm học sinh dự thi các đề tài nghiên cứu khoa học và được quốc tế xếp hạng cao,nhiều học sinh được học bổng vào học tại các trường danh giá trên thế giới và các học sinh xuất sắc trong quá trình học tập tại các trường đó.
Để tiến tới kỷ niệm 30 năm thành lập trường, trong những ngày vừa qua nhiều hội khóa đã được tổ chức như khóa 85-88 (khóa học sinh đầu tiên học trọn vẹn 3 năm tại trường), khóa 86-89 đã tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày ra trường. Tại các buổi hội khóa đó, các thầy, cô đã vui mừng thấy nhiều học sinh đã thành đạt trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, kỹ thuật, hoạt động xã hội... Và đặc biết thấy được sự gắn bố của các em trong cộng đồng Ams qua các phóng sự, lời bình, ấn phẩm...
Chúng ta đang hướng tới “Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường 1985-2015” tôi rất mong các thầy cô giáo, các cán bộ, nhân viên nhà trường, các thế hệ học sinh hãy giành những tình cảm tốt đẹp nhất đối với trường, với những sáng tạo mà các em học sinh cũ đã thể hiện trong hai khóa mà tôi đã được dự. Tôi hy vọng lễ kỷ niệm sẽ là dịp để các em học sinh cũ thể hiện tình cảm và tài năng bằng các hoạt động phong phú, thiết thực và có ý nghĩa. Các em học sinh đang học tập tại trường cũng sẽ chứng tỏ cho các thầy cô giáo và các thế hệ học sinh cũ khả năng của mình như các em đã từng tổ chức “Ngày hội anh tài” hoặc các sự kiện ấn tượng khác trong nhiều năm qua.
Tất cả chúng ta hãy hướng tới lễ kỷ niệm với những tình cảm và việc làm tốt đẹp nhất.
Hẹn gặp nhau trong lễ kỷ niệm.
Nguyễn Kim Hoãn
Nguyên hiệu trưởng trường THPT Hà Nội - Amsterdam
Biên tập:Phạm Hà My