The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Trò chuyện với chị Đặng Thanh Hải (Văn 13-16) – Cựu Amser là thủ khoa ngành Báo chí: “Ams là bệ phóng cho ước mơ bị chối bỏ trước đây”

Post by: webams | 15/09/2020 | 3654 reads

Đặng Thanh Hải (Văn 13-16) từng đạt giải Ba trong kỳ thi chọn Học sinh giỏi Quốc gia năm 2016. Việc này giúp cựu Amser được xét tuyển thẳng vào ngành Báo chí, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngay sau đó. Theo Thanh Hải, trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã giúp cô có được nhiều thứ, từ bạn bè tới kiến thức, nhưng quan trọng nhất là làm cô nhận ra được ước mơ thật sự của mình là gì.

 Chị Đặng Thanh Hải (Văn 13-16) 

PV: Xin chào chị! Cảm xúc của chị ra sao khi nhận được thông tin mình là thủ khoa đầu ra của ngành Báo chí, trường ĐH KHXH&NV năm 2020?

Chị Hải: Lúc nhận được danh sách thông báo, chị cảm thấy rất vui vì công sức bỏ ra trong suốt 4 năm học vừa qua đã giúp bản thân đạt được một kết quả xứng đáng. Khi nhận được kết quả, gia đình cũng như bạn bè đã gửi tới chị rất nhiều lời chúc mừng, chị nghĩ việc được làm những người xung quanh tự hào cũng đã là một thành tựu nho nhỏ rồi. 

PV: Em được biết là chị có một quá trình theo học ở dưới mái trường Hà Nội – Amsterdam, chị có thể cho biết mình cảm thấy bản thân nhận được điều gì và kỷ niệm gì đáng nhớ nhất đối với chị?

Chị Hải: Năm lớp 12, chị may mắn được chọn vào đội tuyển Quốc gia môn Văn, và càng may mắn hơn khi đạt giải Ba. Giải thưởng này là “tấm vé vàng” giúp chị được tuyển thẳng vào trường Đại học mà không cần phải thi đánh giá năng lực. Nên theo chị, đây là điều rất quý giá, vì Ams cũng như các thầy cô đã tạo điều kiện, đã phần nào giúp bản thân chị trưởng thành được như hôm nay. 

Ở một khía cạnh khác, Ams đã giúp chị nhận ra được ước mơ thật sự của mình là gì. Trước đây chị là đứa khá “lỳ” và trầm tính, không rõ đam mê là gì, không biết thích ngành gì. Và năm lớp 11, khi đăng ký vào Ams Wide Web, như một cái duyên, câu lạc bộ đã giúp chị dần nhận ra chị thích viết. Qua những lần đi lấy tin, làm một phóng viên của trường, chị bỗng nhận ra mình rất hứng thú với việc được chạy đi đây đó phỏng vấn nhân vật, được quan sát và ghi lại mọi việc dưới góc nhìn của mình. Lúc đó chị nghĩ “À hóa ra ước mơ của mình là được làm Báo và Truyền thông.” Kể từ lúc đó chị đã đặt quyết tâm khi lên Đại học sẽ theo đuổi chuyên ngành này. 

3 năm ở Ams đầy ắp kỷ niệm. Nhưng điều mà tới giờ chị nhớ mãi, một vùng ký ức không thể nào quên chính là Ngày hội Anh tài! Chị nhớ da diết những ngày được cùng các bạn trong khối cặm cụi chuẩn bị trại, tập tành cho tiết mục đêm Chung kết. Mình nhớ khoảnh khắc cờ khối chuyên được đồng loạt thả xuống ở sảnh A, nhớ được cùng các bạn hò hét trong Ngày hội Thể thao, Ngày hội Văn hóa - nhớ cái “chất” đam mê, nhiệt huyết ở tất cả mọi nơi trong trường. 

Đến giờ chị vẫn theo dõi chương trình  Ngày hội Anh tài do các em khóa dưới tổ chức và lần nào xem clip cũng… rùng mình và xúc động vì nhớ cảm giác được “cháy” hết mình trong các sự kiện như vậy. Ngoài ra, khoảnh khắc chị sẽ ghi nhớ mãi chính là ngày tạm biệt Ams, khi biểu tượng Anh Vũ ở sảnh về số 0 và bọn chị ôm nhau khóc trên sân khấu trước giây phút chia xa. 

PV: Khi mới bước vào môi trường Đại học, chị đã gặp những khó khăn như thế nào?

Chị Hải:  Khi vào một môi trường mới, chị không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ. Chị vốn quen không khí sôi nổi ở Ams nên khi mới lên Đại học cũng hơi buồn vì các bạn trong lớp chưa quen nhau mấy nên ít nói chuyện. Cũng mất một thời gian chị mới có thể quen dần với các bạn trong lớp. Một điều khá vui đó là trong ngày đầu đi học, biết được rằng mình là Amser và đạt giải Quốc gia, thầy chủ nhiệm đã tin tưởng giao cho chị vị trí lớp trưởng - một trọng trách mà chị chưa bao giờ được nắm giữ . 

Đối với việc học, học tín chỉ trên giảng đường cũng khác khá nhiều so với việc học cấp 3. Do đó, bản thân chị đã phải cố gắng rất nhiều để thích nghi với nhịp giảng nhanh cùng với các bài học thực tế của thầy cô. Các môn học chỉ kéo dài trong 15 tuần học, lượng kiến thức rất dày và việc thi cũng rất khó nữa! Kỳ học đầu tiên, chị đã suýt trượt môn vì chưa quen cách học. Tuy nhiên, khó khăn nào cũng có cách giải quyết, tùy thuộc vào bản thân mỗi người. Khi đã quen với cách “vận hành” của việc học Đại học, chị không còn cảm thấy “khó nhằn” nữa. Ngành Báo chí của chị yêu cầu sinh viên phải năng động, sáng tạo, sinh viên luôn phải làm bài tập thực tế chứ không phải chỉ ngồi học lý thuyết. Do đó, chị cũng bị bố mẹ càu nhàu một vài lần vì thi thoảng về nhà muộn, hoặc đi suốt cả ngày. Đó, khó khăn còn là “cửa ải” phụ huynh chứ đâu xa! 

PV: Em được biết chị vừa mới tốt nghiệp, vậy dự định tiếp theo của chị là gì ạ ?

Chị Hải: Về học tập, chị sẽ tiếp tục học lấy bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ nhằm củng cố, nâng cao kiến thức cho bản thân. Ngoài ra, chị cũng muốn học thêm các khóa học ngắn hạn về các chuyên ngành liên quan nữa. Ngoài các kỹ năng cơ bản hiện có như dựng hình, chụp ảnh, viết bài, chị muốn học thêm cả làm đồ họa. Nhiều thứ để học lắm! Song song đó, chị vẫn vừa đi học vừa đi làm.

PV: Câu chuyện của chị chắc chắn là 1 câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ Amser. Là một cựu học sinh trường, chị có điều gì muốn nhắn gửi tới  các thế hệ  đi sau không ạ?

Chị Hải: Chị rất nhỏ bé so với nhiều bạn bè đồng trang lứa! Chị muốn khuyên các em khóa dưới là: đừng từ bỏ ước mơ. Trước đây, chị từng bị phản đối chuyện học Báo chí, không ai tin chị sẽ sống được với ngành, nhưng giờ chị đã chứng minh được rằng mình vẫn có thể làm tốt với con đường này. 

Chị nghĩ chuyện này có thể xảy ra với rất nhiều bạn khác, không riêng gì chị. Có thể hôm nay gia đình hay bạn bè bạn sẽ khuyên mình không nên theo đuổi ước mơ này, đam mê kia, nhưng hãy coi những lời phản đối ấy như những lời khuyên và góp ý, còn quyết định có theo đuổi đam mê hay không hoàn toàn là của bạn! 

PV: Xin cảm ơn chị về buổi phỏng vấn này. Em chúc chị luôn gặp được thành công, may mắn trong cuộc sống và luôn giữ vững ngọn lửa đam mê của mình.


 PV: Nguyễn Tùng Dương - Sử 1922