The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Thủ khoa Vũ Quang Huy: “Xã hội học-một góc nhìn nhân văn hơn với cuộc đời”

Post by: webams | 15/09/2020 | 2126 reads

Thủ khoa ngành Xã hội học Vũ Quang Huy chia sẻ: "Một trong những điều lớn nhất mà tôi nhận được sau khi theo học ngành Xã hội học là một góc nhìn nhân văn hơn với cuộc đời và mọi người".

 

Thủ khoa Vũ Quang Huy (sinh năm 1998) trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội vừa tốt nghiệp xuất sắc ngành Xã hội học đã có những chia sẻ thú vị về ngành học, về cách học để đạt kết quả cao nhất trong học tập.
 
Thủ khoa Vũ Quang Huy (sinh năm 1998)
 Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, Vũ Quang Huy đã quan tâm đến các vấn đề xã hội đang xảy ra xung quanh. “Tôi bị hấp dẫn bởi các diễn biến, các luồng quan điểm, và tôi thích tìm hiểu tận cùng nguyên nhân sâu xa ẩn phía sau mỗi sự kiện “nóng” ấy” – Huy chia sẻ.
 Chính vì vậy, tuy học chuyên Anh tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhưng Huy quyết định lựa chọn một ngành học có thể mang đến cho mình một nền tảng tri thức chuyên môn khoa học vững chắc, đó là ngành Xã hội học.
“Thực sự, lúc đó tôi cũng chưa hiểu lắm về ngành học này. Sau này, khi vào học rồi, tôi mới dần hiểu ra Xã hội học là một trong những ngành khoa học xã hội rất “hot” và “trendy” ở những quốc gia phát triển như: Mỹ, Australia…”
 

Vũ Quang Huy chia sẻ, Xã hội học là một ngành học rất thú vị.
Vũ Quang Huy chia sẻ: Xã hội học là một ngành học rất thú vị. Xã hội học giúp giải thích những hiện tượng, vấn đề rất gần gũi, quen thuộc hàng ngày, từ vai trò được kỳ vọng của người phụ nữ trong gia đình, những ứng xử phi văn hoá đang ngày càng có xu hướng phổ biến trên môi trường mạng, cho tới những vấn đề ở tầm vĩ mô hơn như sự phân tầng xã hội hay sự gia tăng của tội phạm vị thành niên…

Bàn về những vấn đề đời thường của đời sống xã hội như vậy, song thay vì sử dụng lối suy diễn thông thường, Xã hội học lại lý giải bằng hệ thống lý thuyết khoa học phong phú, vững chắc, bài bản và logic, cùng các phương pháp nghiên cứu giàu tính thực tiễn.

Nhờ đó ta nhận ra rằng, tất cả những sự kiện, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống xung quanh đều có những căn nguyên sâu xa, ẩn chứa trong đó là các yếu tố lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hoá… rất rõ ràng và có sự gắn kết logic với nhau. Do đó, càng đi sâu tìm hiểu, Huy càng nhận thấy sự hấp dẫn của Xã hội học.

Huy cho hay, một trong những điều lớn nhất mà Huy nhận được sau khi theo học ngành Xã hội học là một góc nhìn nhân văn hơn với cuộc đời và mọi người.
Trước mỗi hiện tượng, sự việc hay thậm chí là một con người, một số phận, thay vì áp đặt lên họ quan điểm mang tính định kiến của bản thân hay những suy nghĩ vốn vẫn mặc định nảy ra trong tâm trí,  Huy sẽ cố gắng tiếp cận sự việc đó bằng một góc nhìn đa chiều hơn, đứng từ góc độ, từ điểm nhìn của họ để nhìn nhận, suy xét vấn đề.
“Họ sinh ra, lớn lên và sinh sống trong hoàn cảnh như thế nào? Những yếu tố nào đến từ cuộc sống xung quanh họ đã tác động đến họ, khiến họ có những hành động và cách ứng xử như vậy? Liệu những việc họ làm sai hay chưa làm được có hoàn toàn là lỗi của họ hay không, hay còn nguyên nhân nào khác?...” là những câu hỏi mà Huy thường xuyên tự đặt ra và cố gắng tìm ra câu trả lời.
"Học Xã hội học, tôi luôn đề cao cách tiếp cận “tôn trọng sự khác biệt” và “không định kiến, không phán xét vô căn cứ” trước mọi người, mọi việc”.
Huy cho biết, việc học tập ở bậc đại học rất khác với khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Huy rất tâm đắc với câu nói của các thầy cô rằng “Đại học là tự học”. Không có ai thúc giục chúng ta phải học như thế này, phải học như thế kia; kết quả học tập của bạn như thế nào, bạn ra trường với điểm số bao nhiêu, tấm bằng loại nào, đều là do bạn quyết định.

Ngay cả việc mỗi môn học có thú vị hay không đều là do thái độ của các bạn khi học môn đó.

Từ trải nghiệm của bản thân,  Huy khuyên các bạn sinh viên nên tích cực, chủ động với việc học. Không nên chỉ dựa vào bài giảng trên lớp của thầy cô giáo; thay vào đó, các bạn nên tìm đọc thêm các tài liệu bên ngoài, trước hết là đọc giáo trình, sau là các sách tham khảo có liên quan đến môn học.

Chia sẻ với các bạn tân sinh viên, Huy cho rằng, các bạn nên cân bằng hợp lý giữa việc học tập, nghiên cứu và các hoạt động ngoại khoá, hoạt động xã hội để có thật nhiều trải nghiệm và kỉ niệm đáng nhớ trong đời sinh viên của mình, để sau này mỗi lần nhìn lại sẽ luôn mỉm cười và không bao giờ cảm thấy nuối tiếc về những gì còn chưa làm được.
 
Thành tích học tập của Thủ khoa Vũ Quang Huy
Giấy khen của Hiệu trưởng dành cho sinh viên đạt kết quả học tập xuất sắc các năm học 2016-2017, 2017-2018, 2018-2019.
Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Trường năm 2017, 2018, 2019.
Học bổng Ponychung năm 2017.
Học bổng Đào Minh Quang năm 2018, 2019.
Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trường, cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và cấp Thành phố Hà Nội năm học 2017-2018.
Giải Nhì SVNCKH cấp Trường năm học 2017-2018, 2018-2019.
Giải Nhất Cuộc thi Kỹ năng Tin học Nhân văn năm 2017.
Giấy khen của Ban chấp hành Đoàn TNCSHCM Trường ĐHKHXH&NV dành cho Đoàn viên có nhiều thành tích trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2015-2017.
Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội dành cho sinh viên đạt thành tích tốt nghiệp xuất sắc trong học tập và rèn luyện toàn khoá 2016-2020.

Theo dân trí (MH)