The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Trước thềm kì thi THPT Quốc gia 2015: Góc nhìn người trong cuộc

Post by: webams | 10/06/2015 | 5044 reads

Hoa phượng rợp đỏ một góc trời cùng tiếng ve râm ran khắp nơi báo hiệu thời điểm học sinh bước vào kì nghỉ hè với nhiều dự định vui chơi, giải trí sau một năm học đầy vất vả. Tuy nhiên, đối với những học sinh niên khóa 2012 – 2015, mùa hè này đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình cắp sách đến trường: kết thúc 12 năm học chương trình phổ thông,  tham dự kì thi THPT Quốc gia (tổ chức vào tháng 7 tới) để tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Cùng lắng nghe một số chia sẻ của những người trong cuộc trước kì thi này.

Toàn bộ thành quả từ quá trình tích lũy kiến thức, rèn luyện khả năng suốt ba cấp học, đặc biệt là trong ba năm cấp Ba sẽ được thể hiện qua kì thi THPT Quốc gia nhằm đánh giá chất lượng học sinh để xét điểm tốt nghiệp THPT, đồng thời lấy đó làm cơ sở để tuyển sinh vào các trường Đại học – Cao đẳng. Bởi vậy,  tất cả các học sinh lớp 12 đều đang dồn sức chuẩn bị cho “cuộc chiến” này. Đa phần các bạn học sinh đều tỏ ra lo lắng vì 2015 là năm đầu tiên áp dụng quy chế thi mới, không còn 2 kì thi riêng như các năm trước mà dồn lại chỉ còn 1 kì thi để đạt mục tiêu tốt nghiệp và vào đại học. 

(Ảnh: tinmoi.vn)

Ngoài ba môn thi bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, các thí sinh có thêm một môn tự chọn nữa. Phần lớn các bạn học sinh khóa 2012 – 2015 trường ta đều chọn môn chuyên của mình nếu không trùng với ba môn trên. Bên cạnh đó, có bạn chọn môn Vật lý vì “mình thấy bản thân có sở trường về môn này”, hoặc “mình tự tin hơn với đề thi trắc nghiệm”; bạn lại chọn môn Hóa học để “phù hợp với chuyên ngành đăng kí ở Đại học sau này”. Bạn Gia Khoa (Pháp 1 12-15) cho biết: “Khác với nhiều bạn trong lớp, mình chọn môn Địa vì thấy mặc dù là môn tự luận nhưng các kiến thức của bộ môn này thường không có nhiều thay đổi, lại không cần nhớ các công thức hay phương trình phức tạp, chỉ cần nắm chắc kĩ năng đọc Atlat, vẽ và phân tích biểu đồ kết hợp với các kiến thức thầy cô đã truyền dạy ở trên lớp là có thể làm được bài tốt.”

Trải qua đợt thi thử tại trường, nhiều bạn nhận xét đề thi đưa ra mang tính chất tổng hợp cả về kiến thức lẫn mức độ khó dễ để phân loại. Có những câu hỏi cơ bản nhưng cũng có những câu “đánh đố”, đòi hỏi rất nhiều kĩ năng từ người làm. Đây chính là vấn đề mà phần lớn các bạn lo lắng nhất, vì chính những câu hỏi đó quyết định việc phân loại học sinh, từ đó dẫn đến kết quả bài thi. Một bạn học sinh chia sẻ : “Mình cảm thấy khá áp lực nếu đề thi thật giống như thế này, nếu không lo trau dồi kiến thức sẽ khó đạt được nguyện vọng vào trường Đại học mình mong muốn.” Tuy nhiên, một số bạn khác thì tỏ ra bình thản, “không thấy áp lực lắm, chỉ cần làm tốt bài để đạt đủ mức điểm xét tốt nghiệp vì mình đã được nhận bởi trường Đại học ở nước ngoài mà mình mong muốn theo học.” (Lan Anh, Hóa 1 12-15)

Amser trong kì thi tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2014. (Ảnh: tiin.vn)

Có những phương pháp học tập nào được học sinh khóa 2012 - 2015 áp dụng trong mùa thi này? Gia Nghị (Pháp 2 12-15) chia sẻ: “Mỗi môn thi mình ôn ở một lớp, còn thời gian còn lại là để tự học ở nhà và nghỉ ngơi. Bài vở bộn bề, học nhiều cũng mệt, thỉnh thoảng rủ mấy đứa bạn tụ tập ra sân làm trận đá bóng cho sảng khoái rồi lại quay lại học tiếp!” Đó cũng là một cách sắp xếp thời gian khá hợp lí; các “sĩ tử” không nên quá căng thẳng mà “dùi mài kinh sử” ngày đêm, quên ăn uống, nghỉ ngơi hoặc ngược lại, mải mê vui chơi, chểnh mảng không tập trung ôn luyện – đó đều không phải là những cách học hiệu quả, không đem lại kết quả mong muốn.

Kì thi THPT Quốc gia đang đến ngày một gần hơn. Chúc các Amser khóa 12-15 nói riêng và toàn thể học sinh lớp 12 nói chung có sức khỏe thật tốt, ôn luyện thật kĩ càng và tinh thần bình tĩnh, tự tin để tham dự và đem về kết quả tốt nhất từ kì thi này!

(Ảnh: Humans of Hanoi – Amsterdam)

PV: Bùi Hương Giang – Pháp 2 (13-16)