The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Amser giành học bổng 6 tỷ đồng nhờ hiểu 'mình không giỏi nhất'

Post by: webams | 17/01/2021 | 1873 reads

Trước khi giành học bổng từ Đại học Rice, trường top 16 của Mỹ, Đức Anh nghĩ cuộc đời chỉ có thắng, thua và mình cần trở thành người giỏi nhất.

Chiều thứ bảy, Nguyễn Trần Đức Anh, 18 tuổi, học sinh lớp 12 Anh1, trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, không phải đến trường. Em gặp gỡ bạn bè, các anh chị khóa trên để chia sẻ kinh nghiệm, quá trình nộp hồ sơ du học Mỹ, đồng thời tham khảo ý kiến về việc chọn chuyên ngành.

Trong đợt tuyển sinh sớm của các đại học Mỹ, chàng trai Hà Nội trúng tuyển Đại học Rice với mức hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí 260.000 USD (khoảng 6 tỷ đồng). Theo US News and World report, Đại học Rice đứng thứ 16 trong danh sách những trường tốt nhất nước Mỹ, thuộc nhóm Đại học quốc gia.

Nhớ lại khoảnh khắc chờ kết quả và vỡ òa lúc 6h sáng khi thấy tên mình trong thông báo kèm dòng chữ "Chúc mừng", Đức Anh bộc bạch: "Thành quả này không thể có được trong thời gian ngắn mà là nỗ lực trong nhiều năm của em. Nếu không thay đổi và vượt qua suy nghĩ chỉ có thắng, thua, coi mình giỏi hơn các bạn, chắc em không thể có tấm vé thông hành đến Rice".

Nguyễn Trần Đức Anh, học sinh lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, giành học bổng của Đại học Rice, Mỹ. Ảnh: Thanh Hằng

Nguyễn Trần Đức Anh, học sinh lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, giành học bổng của Đại học Rice, Mỹ. Ảnh: Thanh Hằng

Khi mới bước chân vào trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, Đức Anh hay tham gia tranh biện. Với nam sinh, đây là hoạt động có tính cạnh tranh, đối kháng cao và kết quả chỉ gói gọn thắng, thua. "Lúc đó, em đã nghĩ mục tiêu duy nhất của mình trong tranh biện và cả cuộc đời là phải giành chiến thắng", Đức Anh nói. Tuy nhiên, chàng trai sinh năm 2003 nhận thấy mình không tiến bộ, liên tiếp thua cuộc trong những giải đấu tham gia. Tìm đến một người anh khóa trên, Đức Anh bộc bạch "Làm thế nào để em trở thành người giỏi nhất?".

Nhận được câu hỏi đó, người anh có chút sững sờ nhưng vẫn đồng ý dạy em về tranh biện. Qua nhiều cuộc nói chuyện, Đức Anh mới nhận ra bất kỳ hoạt động nào trong cuộc sống không chỉ có hai mặt thắng và thua, quan trọng là bản thân có dám chấp nhận và nhận ra điều gì sau mỗi lần thất bại. "Em cần lùi lại và lắng nghe nhiều hơn chứ không phải lúc nào cũng thể hiện, học cách kiềm chế bản thân để cảm nhận và học hỏi được nhiều hơn", Đức Anh nói.

Thành quả đầu tiên đến khi nam sinh giành vé vào vòng chung kết cuộc thi tranh biện Asian English Olympics, được tổ chức tại Indonesia vào cuối năm lớp 10. Lúc đó, Đức Anh thấy rất lạ lẫm vì trước nay em hầu như toàn thua. Sau đó, Đức Anh tiến sâu hơn trong cuộc thi Vietnam British Parliamentary Championship và giành chức vô địch đầu tiên.

Từ sự thay đổi tích cực của bản thân, Đức Anh bắt đầu tìm hiểu về bình đẳng giới. Chàng trai bộc bạch, ngay từ lớp 5, em khá gầy và thấy không thích Toán, chỉ thích Tiếng Việt. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng con trai cần học các môn tự nhiên, cần có dáng người thế này, thế kia. Đức Anh nhận thấy định kiến giới ở Việt Nam còn nặng nề, ai cũng dễ gặp chứ không chỉ con gái.

Từ năm 2019, em đăng ký tham VOGE, Tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới Việt Nam, phụ trách viết bài truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội. Sau đó, nam sinh thực hiện dự án hỗ trợ, cung cấp thông tin về vấn đề sức khỏe sinh sản cho người dân vùng cao. Đức Anh còn chủ động xin tham gia hỗ trợ các giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam, thực tập tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ban đầu, em không kỳ vọng nhiều, chỉ mong có môi trường để cọ xát và mở mang kiến thức về bình đẳng giới. Nhưng trái ngược với suy nghĩ của em, các giảng viên, cô chú đều tạo điều kiện để nam sinh trực tiếp nghiên cứu, tìm hiểu sâu về lĩnh vực này.

Đức Anh (cầm cúp) giành giải nhất cuộc thi cuộc thi Vietnam British Parliamentary Championship. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đức Anh (cầm cúp) giành giải nhất cuộc thi Vietnam British Parliamentary Championship. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cùng thời điểm này, Đức Anh xác định mục tiêu du học Mỹ bởi thích sự đa dạng, kết hợp của nhiều nền văn hóa. Nam sinh khẳng định hồ sơ du học của mình có sự thống nhất, đều hướng về khía cạnh tôn trọng sự đa dạng, khác biệt của mọi người, từ đó mỗi cá nhân sẽ tạo nên một màu sắc và giá trị riêng.

Ngay trong lý do chọn Đại học Rice, thông qua đánh giá của các cựu sinh viên quốc tế, đồng thời tìm hiểu về văn hóa trường, Đức Anh thấy vấn đề phân biệt ở Rice được giải quyết tương đối tốt. Ngoài ra, khi nhiều đại học Mỹ thắt chặt các vấn đề tài chính do ảnh hưởng của Covid-19, nam sinh cho rằng Rice vẫn có lợi thế nhất định.

Tại bài luận chính, nam sinh không mất nhiều thời gian lựa chọn chủ đề, biết chắc mình sẽ chia sẻ cách học về sự đa dạng trong bình đẳng giới. Tuy nhiên, cái khó khiến Đức Anh lúng túng là chọn ra một câu chuyện điển hình, thể hiện được nhiều nhất quan điểm, suy nghĩ và sự thay đổi của bản thân. Dành ba tháng để viết luận, nam sinh vẫn thấy gấp gáp vì phải sửa không đếm nổi số lần. Để có thể tập trung và có không gian yên tĩnh hoàn thành bài luận chính, Đức Anh thường dành buổi đêm để sửa bài, thức đến 3-4h sáng. Một tuần trước khi hết hạn nộp hồ sơ, nam sinh thở phào như trút được gánh nặng trong lồng ngực khi cảm thấy thật sự hài lòng với các bài luận của mình.

Hồ sơ du học của Đức Anh còn gây ấn tượng bởi các chứng chỉ 8.5 IELTS, 1530/1600 SAT I, 800 Toán, 800 Hóa và 750 Sử Mỹ SAT II. So với bạn bè, em khá yếu môn Toán. Trong lớp học ôn, những bài ai cũng làm đúng thì Đức Anh vẫn không hiểu và tính sai nhiều.

"Lúc đấy, em tự trách mình và thấy bất lực", Đức Anh thừa nhận. Em nhớ lại trải nghiệm đầu năm lớp 10 khi chỉ biết đến mình, coi mình hơn các bạn, nghĩ rằng thời điểm nghi ngờ bản thân nhất còn vượt qua được, khó khăn trong môn Toán chỉ là tạm thời. Trong thời gian không phải đến trường vì Covid-19, Đức Anh đã rủ bạn bè học nhóm, giúp đỡ lẫn nhau trong hai môn Toán và Hóa để cùng cải thiện điểm số. Sau hơn ba tháng, cả nhóm đều đạt kết quả khả quan tại SAT II.

Đức Anh (bên trái) tại cuộc thi Asian English Olympics, năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đức Anh (bên trái) tại cuộc thi Asian English Olympics, năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong thư giới thiệu Đức Anh với các đại học Mỹ, cô Lê Thu Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Anh1, trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, bày tỏ ấn tượng với cậu học sinh ngay trong ngày đầu nhận lớp khi em xung phong giới thiệu về mình. Với vai trò lớp phó đời sống, nam sinh có khả năng lãnh đạo và gắn kết thành viên trong lớp. Cô giáo đánh giá Đức Anh cởi mở và thẳng thắn, thường dành sự quan tâm về các vấn đề bình đẳng giới và công bằng giáo dục. "Đức Anh là thành viên nổi bật trong lớp, luôn hết mình với việc học và là một nhà lãnh đạo có tâm, hứa hẹn có tầm trong tương lai", cô Thủy chia sẻ.

Với học bổng 6 tỷ đồng của Đại học Rice, Đức Anh dự định theo học ngành Phân tích chính sách xã hội để tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề bình đẳng giới. Em đặt mục tiêu giữ vững kết quả học trên lớp để hoàn thành 12 năm học phổ thông với điểm số ưng ý. Sau khoảng thời gian dài đầu tư học tập, thi chứng chỉ để giành học bổng, Đức Anh sẽ quan tâm đến sức khỏe thể chất, chơi thể thao nhiều hơn. "Em sẽ học thêm nấu ăn và tìm hiểu một ngôn ngữ mới để sẵn sàng cho cuộc sống du học vào tháng 8", nam sinh chia sẻ.

Sau quá trình nhận thức và thay đổi bản thân, Đức Anh cho rằng mình may mắn khi vẫn có nhiều người bên cạnh, giúp em hiểu ra mình sai lầm ở đâu. "Trước khi thể hiện điều gì, em nghĩ mình cần học cách lắng nghe trước. Đây là bài học rất sâu sắc, không chỉ giúp em hòa nhập tốt hơn khi du học mà còn là nền tảng để em hoàn thiện mình hơn nữa", Đức Anh khẳng định.

Theo Vnexpress