The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết đề án thí điểm Song bằng cấp THPT

Post by: webams | 10/01/2023 | 856 reads

Sáng 6/1, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai Hội nghị tổng kết giai đoạn thực hiện Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc cấp THPT tại hội trường trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Tham dự đại hội có sự góp mặt của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ; các lãnh đạo cấp cao từ nhiều bộ ban ngành; giáo viên, phụ huynh, và đông đảo các bạn học sinh từ những trường có đào tạo chương trình song bằng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Khai mạc buổi lễ là phần văn nghệ chào mừng với tiết mục “Hello Vietnam” do các bạn học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam biểu diễn và ca khúc “Hà Nội 12 mùa hoa” trình bày bởi câu lạc bộ HAT.

Phần trình diễn ca khúc "Hello Vietnam"

CLB HAT trình bày ca khúc "Hà Nội 12 mùa hoa"

Chương trình đào tạo song bằng tú tài được thực hiện lần đầu tiên tại thành phố Hà Nội dưới sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT từ niên khoá 2017-2018 ở trường THPT Chu Văn An và niên khóa 2018-20219 ở trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến mở đầu buổi tổng kết qua báo cáo sơ bộ giai đoạn triển khai đề án. Xuyên suốt quá trình triển khai đề tài, học sinh tham gia Đề án được đánh giá cao về mặt bằng chung kiến thức, Tiếng Anh, năng lực tư duy và kỹ năng tốt, đáp ứng các yêu cầu của chương trình quốc tế Cambridge. 100% học sinh các khóa học của Đề án đã và đang theo học đều có kết quả Học lực Giỏi và Hạnh kiểm tốt. Đề án là mô hình mới trong việc thí điểm đào tạo tích hợp giữa chương trình phổ thông Việt Nam với chương trình quốc tế tại trường trung học công lập. Việc tiếp tục triển khai Đề án thí điểm liên kết đào tạo tại các trường THPT công lập đáp ứng tiêu chí xã hội hoá cũng như nhu cầu xã hội và tiệm cận nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.


Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số khó khăn về đội ngũ nhân sự, chương trình giảng dạy, tuyển sinh, cơ sở vật chất, và công tác tài chính. Đội ngũ quản lý, điều phối và giáo viên dạy chương trình Việt Nam đang trong quá trình tích lũy kinh nghiệm và học hỏi; còn phải kiêm nhiệm các công việc khác trong nhà trường nên chưa có quỹ thời gian tham gia đào tạo và tự trau dồi nghiên cứu để tìm hiểu sâu về chương trình và hỗ trợ hiệu quả cho học sinh. Tuyển chọn giáo viên nước ngoài đáp ứng yêu cầu pháp lý và chuyên môn cũng là trở ngại với các trường, đặc biệt trong những năm học giai đoạn dịch bệnh Covid. Học sinh khối song bằng học đồng thời hai chương trình, lịch học dày, khối lượng kiến thức lớn nên thiếu thời gian cho các hoạt động ngoại khoá và trải nghiệm. Ở cấp THPT, môn Kinh tế/Kinh doanh là bộ môn mới nên kết quả thấp hơn các môn Khoa học tự nhiên do học sinh chưa được tiếp cận từ bậc THCS. Thêm nữa, cơ sở vật chất các trường nhìn chung đều chưa đạt chuẩn CAIE.

Phần báo cáo đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ chỉ đạo từ Sở GD&ĐT đối với các nhà trường tham gia Đề án thí điểm xây dựng Đề án đào tạo chương trình trong giai đoạn tiếp theo. Sở GD&ĐT cần hướng dẫn nhà trường thủ tục xin phép các cấp thẩm quyền thông qua việc tiếp tục triển khai Đề án thí điểm ở cấp THPT trong giai đoạn tới; phê duyệt Kế hoạch giáo dục của các trường tham gia Đề án cho các năm tiếp theo; ban hành Kế hoạch giám sát triển khai Đề án tại các trường.

Tham luận về báo cáo kết quả thực hiện đề án, thầy Lê Đại Hải - phó hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An đã trình bày một số điểm đáng lưu tâm. Về mặt chất lượng giáo viên, 100% GV có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (có 9 tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, có kinh nghiệm giảng dạy ở các trường Đại học danh tiếng ở Mỹ, Châu Âu). Tuy nhiên, các giáo viên dạy A-level hợp đồng dẫn đến việc huy động tham gia các hoạt động chung của trường bị hạn chế, đặc biệt việc điều chỉnh thời khoá biểu rất khó khăn. Chương trình học Việt Nam và A-level được thực hiện song song đầy đủ, phù hợp với đối tượng đào tạo. Phụ huynh học sinh đưa ra phản hồi tích cực: chương trình học có tính ứng dụng cao, tạo cơ sở vững chắc để các học sinh học tiếp nhiều ngành nghề tại Đại học trong nước và Quốc tế; giáo viên tâm huyết, truyền cảm hứng cho học sinh. 

Trong 5 năm thực hiện Đề án, trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam có đội ngũ giảng dạy các môn Kinh doanh, Tiếng Anh học thuật đến từ Đại học Anh Quốc (BUV); giáo viên giảng dạy các môn tự nhiên là giảng viên các trường ĐH Bách Khoa, Sư phạm đã tốt nghiệp Chương trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ từ các trường ĐH Quốc tế (Anh, Úc, Singapore, Hoa Kỳ). Trong phần tham luận, cô Trần Thuỳ Dương - Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đề cập đến những kết quả tích cực như học sinh học cách xác định mục tiêu, xây dựng lộ trình học tập rõ ràng và rèn luyện những kỹ năng quan trọng của thế hệ công dân toàn cầu. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một số khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án, một trong số đó là về nhân lực phòng thí nghiệm (chưa đủ đảm bảo tiêu chuẩn được phân công phụ trách riêng cho khối song bằng). Qua phần báo cáo, nhà giáo cũng đưa ra một số đề xuất kiến nghị như cần phải có Ban Điều hành chuyên trách dành riêng cho khối Song bằng, Đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy cần được đào tạo để đạt chuẩn Cambridge, tách hệ đào tạo song bằng thành một hệ đào tạo độc lập.

Buổi tổng kết cũng có những ý kiến chia sẻ đến từ những giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy, các học sinh và phụ huynh ở khối Song bằng thuộc các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cô Nguyễn Thị Hồng - giáo viên Hoá Học dạy khối Song bằng trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam nhận xét học sinh khối Song bằng có tư duy mạch lạc, khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt và hiểu sâu bản chất kiến thức. Cô chia sẻ bản thân đã từng nghiên cứu rất nhiều tài liệu của kỳ thi IGCSE trong khi dạy đổi tuyển Olympic nhiều năm về trước và nhận thấy các tài liệu cung cấp từ ngữ Tiếng Anh chuyên ngành cũng như kiến thức rất phù hợp cho kỳ thi Quốc tế. Khi Sở GD&ĐT thí điểm Đề án tại trường Ams, cô có cơ hội thỉnh giảng tại các trường Quốc tế UNIS, TH School… để hiểu cách thức vận hành và tính ưu việt của chương trình Cambridge. Hay cô Lưu Tú Anh - tổ trưởng tổ ngoại ngữ, điều phối viên chương trình song bằng trường THCS Trưng Vương cũng nhận xét chương trình học cho các bạn nhiều cơ hội thực hành nên suy nghĩ của học sinh rất mới mẻ và khác biệt.

Em Nguyễn Xuân Mai - học sinh khoá Song bằng đầu tiên ở cấp THCS trường Ams và hiện đang là học sinh lớp 10 Oxford trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam bày tỏ niềm biết ơn khi được tiếp cận chương trình giáo dục tiên tiến thế giới. Thầy cô luôn khuyến khích tư duy phản biện giúp em cải thiện kỹ năng và song song với việc tiếp cận cái mới, em luôn nhắc nhở bản thân cần nhớ về cội nguồn để lưu giữ giá trị truyền thống “Hoà nhập mà không hoà tan".

Tổng kết lại buổi họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận thấy tính hiệu quả qua những thành tựu đạt được sau 5 năm thí điểm và cho rằng nhu cầu hội nhập quốc tế là cần thiết để tiếp tục triển khai Đề án.

Hội nghị Tổng kết đề án thí điểm song bằng cấp THPT đã diễn ra thành công tốt đẹp, là cơ hội tốt để các thành phần có liên quan báo cáo, đánh giá chất lượng và đưa ra giải pháp giúp chương trình Song bằng ngày càng hoàn thiện. Các đơn vị giáo dục cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục triển khai hệ thống Song bằng để đào tạo đội ngũ thế hệ trẻ toàn cầu.

 

Phóng viên Viết: Trần Ngọc Hà - Nga 2023

Phóng viên Ảnh: Chúc Khánh Linh - Địa 2225