The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Trò chuyện cùng Phạm Gia Minh – tân sinh viên năng động của Grinnell

Post by: webams | 25/03/2019 | 6615 reads

Hàng năm, cùng với vô số giải thành tích lớn nhỏ, trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam còn tự hào có nhiều học sinh đỗ vào các trường đại học danh tiếng thế giới. Hôm nay, hãy cùng AWW gặp gỡ Phạm Gia Minh – tân sinh viên đại học Grinnell khóa 2019 – 2023

PV: Cảm ơn Gia Minh đã dành thời gian tham gia phỏng vấn với website ngày hôm nay. Bạn có thể chia sẻ cảm xúc khi biết mình sẽ là một phần của Grinnell không?

Gia Minh (GM): Grinnell là ngôi trường mình mơ ước ngay từ đầu đến mức mình đã quyết định đó sẽ là trường mình nộp hồ sơ cho đợt Early Decision (đợt nộp hồ sơ sớm). Khi nhận tin mình đỗ, mình thực sự rất hạnh phúc. Trước đó, mình đã phải trải qua một thời gian rất căng thẳng khi phải dồn dập viết nhiều bài luận trong môt thời gian ngắn. Mọi áp lực dồn nén nhiều tháng được giải tỏa hết khi mình nhìn thấy chữ “Congratulations” (Chúc mừng) trong bức thư chấp nhận. Đó là khi mình cảm thấy bản thân trưởng thành hơn vì giờ đây mình đã là một sinh viên đại học rồi.

Gia Minh (12 Trung) là thành viên của nhiều câu lạc bộ như Glee Ams, Ams Media, GHA,…

PV: Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ lựa chọn du học để theo đuổi các cấp học cao hơn. Vậy tại sao Minh lại chọn du học?

GM: Mình chọn đi du học vì mình tin rằng đại học là một bước đệm quan trọng cho tương lai sau này. Dù không thể phủ nhận những khó khăn mình sẽ phải trải qua khi đi du học nhưng mình cũng sẽ nhận lại được vô số nhiều lợi ích. Ams đối với mình là một xã hội thu nhỏ, chính nhờ Ams, mình đã học được nhiều kĩ năng bên cạnh các kiến thức hàn lâm như chụp ảnh, hậu cần cũng như các giá trị trong cuộc sống như cách đối nhân xử thế. Những vốn sống đó sẽ như hành trang theo mình trong suốt quãng đời sau này. Mình hi vọng Grinnell cũng có thể cho mình những điều mà Ams đã cho mình trong ba năm học vừa qua.

PV: Việc nộp hồ sơ cho các trường đại học Mỹ là một điều không hề dễ dàng. Vậy bạn đã có những chuẩn bị gì?

GM: Bên cạnh mài giũa các kĩ năng xã hội, mình cũng phải chuẩn bị rất nhiều về tâm lí để sẵn sàng thử thách những quan điểm sống bấy lâu nay của bản thân. Trước đây, mình là một người bảo thủ vì luôn sống theo những triết lí của bản thân. Tuy nhiên, nếu cứ đi theo lối suy nghĩ ấy, ta khó có thể đi du học được. Điểm chứng chỉ cao cũng chỉ là một phần của hồ sơ du học mà ai cũng phải chuẩn bị thì sẵn sàng cho sự thay đổi về quan điểm cũng vô cùng quan trọng nếu muốn thành công. Với mình, chấp nhận sự đổi mới về quan điểm đã bắt mình chạm đến một chiều sâu suy nghĩ khác. Mình hiểu hơn về bản thân của mình, nhìn nhận được thiếu sót của mình và tìm cách cải thiện nó từng ngày.

Gia Minh có niềm đam mê rất lớn với nhiếp ảnh, từng đạt giải nhất cùng Wakanda trong cuộc thi chụp ảnh Humanoid

PV: Minh có dự định theo đuổi ngành nào và lí do tại sao bạn lại chọn ngành đó?

GM: Mình định theo đuổi ngành Tâm lí học, tập trung vào khoa học thần kinh. Trong quá trình làm hồ sơ, để viết được bài luận chính, mình đã phải đọc rất nhiều tài liệu về tâm lí xã hội. Càng tìm hiểu sâu về lĩnh vực này, mình lại càng thấy nó rất hấp dẫn. Ngoài ra, với một tấm bằng ngành Tâm lí học, khi ra trường, lựa chọn nghề nghiệp của mình rất đa dạng vì ngành nào cũng cần phải hiểu tâm lí con người vì yếu tố quan trọng nhất trong mọi sự đều là yếu tố con người.

PV: Cuối cùng, bạn có những lời khuyên gì gửi tới các em khóa 1720 sẽ nộp hồ sơ năm sau?

GM: Một bộ hồ sơ đẹp không có nghĩa là không có khiếm khuyết. Chính đại học sẽ là nơi để các em khắc phục những khuyết điểm đó. Nếu SAT, TOEFL hay IELTS có thấp thì các em đừng quá lo lắng vì trường không chỉ đánh giá em trên phương diện học thuật. Trường sẽ chọn em nếu trường tin rằng, học ở môi trường này, em sẽ được phát huy tốt đa khả năng của bản thân. Nếu trượt thì cũng không phải là kết thúc mà đó là cánh cửa mở đến những ngôi trường khác mà thôi. Cuối cùng, chúc khóa 1720 sẽ tiếp tục làm rạng danh trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam trên bản đồ thế giới.

PV: Hà Mi – Trung 1619

(Ảnh: NVCC)