The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

PHỎNG VẤN KỈ NIỆM 35 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG: CỰU HỌC SINH AMS TIẾT LỘ VỀ BÍ MẬT THỜI ĐI HỌC

Post by: webams | 20/11/2020 | 3985 reads

Thành lập vào những năm 80, dưới sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân Amsterdam, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam ra đời với vai trò là một ngôi trường kiểu mẫu điển hình. Trải qua 35 năm hoạt động, thầy trò tại nơi đây đã và đang hoàn thành trọng trách được giao, khiến Ams trở thành một môi trường đào tạo những nhân tài ưu tú, xuất sắc cùng điều kiện, cơ sở vật chất chất lượng đạt chuẩn quốc tế. Nhân ngày kỉ niệm thành lập trường, hãy cùng AWW trò chuyện cùng Trần Quỳnh Anh - một cựu học sinh đã ra trường 2 năm để hiểu thêm về cảm nhận khi là một Amser.

PV: Cảm ơn chị Quỳnh Anh đã dành thời gian để tham gia cuộc trò chuyện ngày hôm nay. Đầu tiên, chị có thể giới thiệu đôi nét về bản thân và chia sẻ một chút cảm giác khi đặt chân về nơi chị đã từng gắn bó suốt 3 năm không?

Quỳnh Anh (QA): Xin chào AWW, mình là Trần Quỳnh Anh, là học sinh lớp Anh 2 khóa 1518. Mình hiện là sinh viên năm 3 tại Oberlin College , bây giờ quay lại trường thấy không chỉ hoài niệm mà cũng có phần lo sợ vì không biết mình đã quá “già” so với các bạn học sinh ở trường chưa (*cười). 

Quỳnh Anh với bức tường đỏ cuối năm lớp 12

PV: Đúng thật là không gì dừng lại ngoài sự đổi thay, nhưng em tin chắc rằng tình cảm chị dành cho Ams vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Chị có thể chia sẻ một chút về lí do chị chọn theo học tại ngôi trường này không?

QA: Lí do rất đơn giản thôi: trường không bắt mặc áo dài đi học (*cười)... Nói thật ra, mình ấn tượng với trường từ hồi học tiểu học rồi, lên cấp 2 thì quyết tâm ôn thi để được gia nhập vào cộng đồng Amser. Hồi đấy với một đứa trung học như mình thì hoạt động ngoại khóa với các câu lạc bộ đều là những khái niệm mới lạ và vô cùng cuốn hút. Thấy các anh chị khóa trên ai cũng chia sẻ về Gala rồi hội chợ các kiểu, thế là mê thực sự luôn và rất muốn được phát triển thế mạnh của bản thân qua các hoạt động xã hội như vậy. Sau đó tìm hiểu và hỏi thăm thì biết được môi trường ở đây vô cùng thoải mái, thầy cô không tạo áp lực cho học sinh đồng thời cách giảng dạy lại độc đáo và hiện đại. 

PV: Vậy thì Ams đối với chị có ý nghĩa như thế nào?

QA: Nơi này giống như một chiếc lò xo của cuộc đời mình vậy. Qua 3 năm tại đây, mình đã có đà “bay” đến vùng đất mới của bản thân, cởi bỏ chiếc áo bao bọc mình hồi nhỏ và hòa nhập với cuộc sống. Mình có cơ hội gặp gỡ những người bạn ưu tú và tuyệt vời, đồng hành với mình trong bước ngoặt tuổi 18, cùng những thầy cô tâm huyết đã dẫn dắt mình học tập có động lực hơn.

PV: Chắc hẳn mỗi người sẽ có những trải nghiệm, suy nghĩ riêng ở cùng một địa điểm tại thời điểm khác nhau. Không biết có dấu ấn gì để lại trong chị từ những ngày ở trường không?

QA: Có chứ, khá nhiều đấy. Đầu tiên cần kể đến hoạt động thường niên của lớp Anh 2 – English Performance. Lúc đấy là lần đầu mình thực hiện rất nhiều việc: lần đầu viết kịch bản cho một buổi diễn kịch lớn, lần đầu đi xin tài trợ với con số không bao giờ vừa túi mình, lần đầu ở lại trường đến tận 7-8 giờ tối để tập nhảy, tập diễn,... Bây giờ nghĩ lại mà sao thấy nhớ quá, bọn mình cứ vừa ăn vừa cãi nhau về cảnh quay. Nghĩ lại đúng là thời học cấp 3 vui thật đấy, vừa trẻ trung vừa vô tư! Không chỉ thế đâu, thầy cô ở trường rất vui tính và gần gũi với học sinh nữa. 

PV: Thế là cuộc phóng vấn đến đây là hết rồi, một lần nữa AWW rất vui khi có được sự tham gia của chị, những câu chuyện của bạn chắc sẽ gợi lên nhiều cảm xúc trong các cựu Amser dù đã ra trường bao nhiêu năm đi chăng nữa. Chị có muốn nhắn nhủ đôi lời với toàn thể giáo viên và các bạn học sinh không?

QA: Mình xin chúc các thầy cô thuận lợi trong sự nghiệp trồng người của mình, gặt hái thành công và tìm được nhiều niềm vui trong việc dạy học. Đối với các bạn học sinh, mình muốn nói rằng cấp 3 là thời điểm đẹp nhất của tuổi học sinh, hãy tận hưởng và thử sức mình nhé, đừng để điều gì nuối tiếc khi rời trường và đừng quên chăm chỉ học hành nhé!

PV: Trần Ngọc Minh – Trung 1922

Ảnh: Người phóng vấn cung cấp