The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Những điều còn mãi

Post by: webams | 14/05/2017 | 7053 reads

Này,

Năm nay mình lại ngồi đây, giữa cái nắng chớm hè và sự oi nồng gay gắt. Hà Nội mùa này đỏng đảnh như cô nàng thành thị, lúc chói chang lúc u sầu. Bằng lăng chưa kịp nở, phượng chưa thắm những con đường xung quanh. Nhưng mình cảm nhận được cái dòng chảy của thời gian vội vã.

Những ngày này năm ngoái, mình cũng ngồi ngay khán đài sân bóng này, ngắm nhìn những buổi chiều muộn vàng cả một vùng cỏ. Tiếng nhạc đầy nhớ nhung trên cái cảnh lung linh từ những ngày thanh xuân cuối cùng của các anh chị 1316 làm cho tâm trạng người không còn vui vẻ. Mình đã từng nghĩ làm sao để lấy lại quá khứ, một quá khứ tươi đẹp, một quá khứ khi 1417 chúng mình là những em nhỏ lớp 10 ngây ngô và non dại. Cứ một mùa đếm ngược đến và đi, mình tiến gần hơn ra cổng. Cánh cổng sắt xám xịt với biển chữ vàng long lanh, ngăn cách giữa thế giới bình yên của Ams với cuộc sống đầy toan tính ngoài kia.

Cứ thêm một thế hệ mang chữ “cựu” đằng trước, thì lại càng gần hơn đến ngày mình xa Ams.

Mùa hè cuối Ams thay áo mới, cái áo vàng của những ngôi trường mẫu mực thủ đô. May thay vàng không hợp cam lắm, nên cái trắng tinh khôi được giữ lại. Nhưng cũng vì thế mà những mẩu chữ mình từng viết góc lớp ngày nào đã mất đi. “19/8/2014 – Lần đầu tiên mình ở Ams 3, Orientation sao mà lạc lõng.” “14/10/2014 -  Lớp 10 tệ quá, giá mà mình có thể biến mất khỏi đây.” Những kí ức hồi đầu lớp 10 của sự cô độc và choáng ngợp bởi Ams ùa về mỗi khi tay mình lướt qua những bức tường giờ đã mới. Mình, và có lẽ bao người khác cũng thế, đã từng sợ Ams. Sợ cái “xã hội thu nhỏ” nơi nhịp sống nhanh vội và tất cả cá thể xung quanh đều xuất chúng. Sợ những tiết chuyên đề dài lê thê kết thúc 4h20 mỗi chiều đứa nào cũng uể oải. Lết ra sảnh giữa cái tiết đầu đông se lạnh tháng 12, tặng cho máy bán nước tự động chút tiền để lấy kitkat trà xanh, mình lê la ở Ams đến chiều muộn. Ams lung linh như một vùng cổ tích.

Ams muộn vẫn luôn đẹp như những ngày NHAT cuối với sự cố gắng hết mình cho một tuổi trẻ bùng cháy,. Những tiếng nhạc tài năng khối chuyên xen với màu sơn của trại như lần cuối nhiệt huyết trong chặng đường học sinh. Khối khác với những câu lạc bộ, những BTC NHAT, EP, hay Francomedies. Khác cả những ngày AGT tranh nhau mua vé prom và xúng xính áo quần giữa ngày đông lạnh giá. Khối là một quần thể, tạp nham và yêu thương, bởi khi ta đi hết Green Hanoi Amsterdam, Puzzles, Ams Wide Web, Ams Media, hay Ams Advisor, Bookler, HAJV, HAT, Glee và hơn 40 tổ chức khác thì cuối cùng cũng sẽ trở về bên màu áo khối đầy tự hào. Những tiếng kéo loa xoẹt qua sảnh tổng duyệt và những câu dặn dò trước khi lên diễn, sự gào thét khẩu hiệu và tiếng hò reo chiến thắng. Nếu có gì độc nhất của Ams, Ams tiên phong và Ams phát triển, sẽ là niềm tự tôn mang tên Ngày Hội Anh Tài.

Hết NHAT cuối, chỉ còn lại cánh cổng đại học ở trước mặt. Con đường đầy chông gai ấy dù dẫn đến những mảnh đất xa xôi hay chỉ là ngã ba Chùa Láng, thì vẫn là cả một tương lai và hy vọng. Trong một thoáng, mình quên đi mất hiện tại để đặt mọi cố gắng vào những ước mơ. Lo lắng, áp lực, ngẩng mặt lên, đã thấy đếm ngược ở sảnh A.

Này,

Đã bao giờ, cậu ước mình nhớ hết những người bước qua đời cậu, đã trót dành những tình thương và bao cảm xúc giận hờn đau khổ cho cậu? Đã bao giờ cậu đếm những bước chân lang thang ngày mưa phùn xuân đến, hay chộp lại những nụ cười của cuối hè tắm bão? Đã bao giờ cậu tự hỏi, cậu đã làm gì để mọi người, dù mệt mỏi, dù căng thẳng với tất cả những câu chuyện vụn vặt thời áo trắng, vẫn nhớ về cậu mỗi khi chia xa? Mỗi khi cất cánh bay đi những phương trời, tại sao chúng mình vẫn tự hào vì đã từng gặp cậu?

Này,

Đã bao giờ, cậu muốn quay lại thời gian chưa? Để giữ những mảnh kí ức trân quý nhất của bạn bè, thầy cô, những buổi xếp hàng dưới sân trường nhìn lên lá cờ đỏ thắm lắng nghe những thành tích không bao giờ kết thúc của những người rất đỗi giản dị xung quanh mình? Để giữ những cãi vã rồi lại làm lành bằng những điệu nhạc và những lời tỏ tình ở hành lang bằng nhảy múa? Để mong mỏi được sống lại những tiết chuyên dài dòng khó hiểu ngồi đếm từng giây? Để nhìn những “thứ ba học trò” tinh nghịch...

Này, Ams ơi, cậu có nhớ bọn mình không?

Vì khi những tấm bảng đếm ngược lần lượt được thay, bọn mình tạm cất sách vở để sống bên cậu thêm nữa có lẽ đã quá muộn. Những điều cần làm không bao giờ là đủ cho vòng tay yêu thương bao la cậu ôm chặt lấy cả ngàn học sinh. Những trò quậy phá cho nốt tuổi thanh xuân hay những giây phút bên bạn bè chỉ cố được ghi lại nhưng rồi sẽ phai đi theo ngày tháng.

Cổng trường giờ xanh và đỏ, như để chúng mình ra đi trong một màu rực rỡ. Bước ra ngoài kia, chúng mình sẽ đối mặt với thế giới, với xã hội thật chứ chẳng còn thu nhỏ nữa. Nhưng gì cậu cho bọn mình, sẽ được sử dụng để tạo nên thành công, để tiếp nối một truyền thống với cái danh Amsers và lòng tự cao tự đại. Những bận rộn công việc và gia đình sẽ làm chúng mình quên dần đi quá khứ, những kí ức ùa về chốc lát trong cái mờ nhạt của nắng sáng Ams. Nếu có khi nào chúng mình muốn trở lại, Ams có khi cũng chẳng còn như cũ. Năm nay Ams có gym, năm sau Ams lại thay áo mới. Còn đâu những hành lang gỉ sét và những viên gạch vỡ ngoài sảnh. Dù có nhớ về những bóng tuổi trẻ ở Ams, Ams đấy cũng sẽ không phải là Ams của chúng mình nữa. Chúng mình có lẽ sẽ lại lạc lõng như một đứa trẻ lớp 10.

Nhưng vẫn đúng như quy luật ngàn đời nay vẫn thế. Ta mở lòng với Ams, và Ams sẽ ôm ấp vỗ về ta như một người mẹ lớn.

Này, Ams

Cậu đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời bọn mình. Một cuộc đời được bắt đầu bằng những kí ức do cậu vun đắp. Chúng mình rồi sẽ già đi, mắt sẽ mờ, tay sẽ run, ngắm những bức ảnh và cầm quyển kỉ yếu sẽ không còn dễ nữa. Nhưng dù trí nhớ tức thời biến mất thì vẫn còn đây những bóng hình lơ thơ của một thời vùng vẫy, “đầu đội trời chân đạp đất”, học hỏi và yêu thương bên cậu. Nếu tuổi thanh xuân là lý do chính đáng nhất cho ta bước tiếp, thì cảm ơn Ams vì đã là Trạm A khởi đầu cho những chuyến tàu 1417 đi xa.

PV: Mai Trang – Lý 2 1417, Amser 1017