MÃI GHI NHỚ LỜI CÔ NƠI NGÃ RẼ CỦA "NGẢ ĐƯỜNG"
“Ams sẽ trở thành báu vật mà các con không thể tìm kiếm nơi đâu trong suốt cuộc đời. Ams đã cho các con những giá trị và tặng thêm cho các con những phẩm chất trong hành trang các con mang theo trên mọi ngả đường….” – trích lời cô Lê Thị Oanh – thuyền trưởng của con tàu Hà Nội – Amsterdam trong lễ Tri ân và trưởng thành khóa học sinh 12-15.
Đây là lần thứ hai, tôi được tham dự Lễ Tri ân và Trưởng thành của các anh chị khối 12, được lắng nghe Nhà giáo Lê Thị Oanh – Hiệu trưởng nhà trường đọc bài phát biểu, cũng là lời chia tay với những học trò sắp xa rời mái trường Ams thân yêu. Lời phát biểu của cô, bao giờ cũng vậy, đầy cảm xúc và niềm tự hào, đầy triết lí và sâu sắc, như một lời dặn dò và nhắc nhở ân cần, chất chứa bao yêu thương. Tôi đã thấy nhiều học trò bật khóc, những vị phụ huynh đầy xúc động khi được lắng nghe lời phát biểu của cô. Lần này, trong Lễ Tri ân và Trưởng thành mang tên “Ngả đường”, những lời chia sẻ, dặn dò của cô lại làm trào dâng trong tôi những cảm xúc khác lạ, đầy xúc động và bối rối, đồng thời trưởng thành hơn trong tâm hồn. Bởi vì, tôi được lắng nghe cô trong tâm trạng của một cô học trò chỉ một năm nữa thôi sẽ rời xa cánh cổng trường Ams với bao kỉ niệm để bắt đầu một chặng đường mới trong hành trình trưởng thành của mình. Giờ này năm sau, những lời chia tay này sẽ dành cho tôi và những người bạn đồng khóa chứ không phải ai khác.
Người thầy, người thuyền trưởng của con tàu mang tên “Hà Nội – Amsterdam” đã dạy cho chúng tôi một bài học vô giá
Ba năm trung học phổ thông… Ba năm còn chưa đủ dài cho những tình cảm chưa nói hết, những phút giây hồn nhiên vui đùa, những bài giảng đong đầy tình yêu của thầy cô, những nỗ lực không ngừng để vượt qua những giới hạn của chính bản thân tôi và bao bạn bè tôi nữa. Ba năm có lẽ chưa đủ dài đối với trái tim nhiệt huyết và đầy đam mê tuổi trẻ của chúng tôi. Nhưng ai đó đã nói rằng, năm học lớp 12 là quãng thời gian đáng nhớ nhất của tuổi học trò, cũng là thời gian quý giá nhất trong cuộc đời mỗi người. Chắc hẳn trong cuộc đời tôi, nơi mà tôi nâng niu trân trọng nhất từ trong sâu thẳm trái tim mình, nơi mà tôi sẽ mỉm cười mỗi khi được trở về dù chỉ trong hoài niệm, nơi ấy mang tên “THPT Chuyên Hà Nội- Amssterdam”.
Có lẽ tất cả những ai may mắn được lắng nghe lời phát biểu của cô trong giây phút thiêng liêng ấy đều nghe trong tâm hồn mình một điều gì vừa được đánh thức. Dường như những gì cô nói không đơn thuần là một bài phát biểu hay một lời chia tay nữa. Nó giống như một bài giảng, một bài giảng cuối cùng và là bài giảng lớn nhất cho tất cả những ai sắp chia tay tuổi học trò. Bài giảng ấy gợi nhớ về những gì đã qua, những mảnh ký ức đẹp đẽ nhất của thời niên thiếu. Bài giảng ấy nhắc nhở học trò về những tình cảm không thể đánh mất trong đời: tình thầy trò, tình bè bạn, lòng biết ơn …
Chia tay tuổi học trò, có thể vô tình trên đường đời ta vẫn gặp gỡ bạn bè từ thuở niên thiếu, gặp lại được thầy cô thân yêu - những người lái đò nghiêm khắc, tôn kính nhưng đầy bao dung, hiền hậu, nhân từ, lúc đó mọi kỉ niệm ùa về như một cuốn phim quay ngược- cuốn phim ghi dấu quãng thời gian đã qua đẹp nhất cuộc đời . Biết ơn thầy cô là bài học đạo đức đầu tiên và cũng là một trong những bài học quan trọng nhất của người. Cô hiệu trưởng của chúng tôi đã nhắc lại bài học ấy, đầy tha thiết và sâu sắc, để chúng ta ghi nhớ thật lâu, thật sâu, nhớ để trưởng thành .
Cô đã gọi tên những cảm xúc kìm nén trong mỗi đứa con của Ams “Thời khắc này chúng ta sẽ không nói về Ams vì các con rồi sẽ có Ams của riêng mình”. Dường như, Ams đã cho ta rất nhiều, hơn tất cả những gì ta nghĩ: “Ams đã cho các con những giá trị và tặng thêm cho các con những phẩm chất trong hành trang các con mang theo trên mọi ngả đường… Các con đã được sống trong tự do phát huy trí tuệ của truyền thống tôn trọng cảm hứng sáng tạo. Ams đã nuôi dưỡng ước mơ và thổi bùng khát vọng thành công của các con bằng đội ngũ những thầy cô giỏi nhất, những nhà giáo đáng tôn kính mà các con sắp phải nói lời tạm biệt…”. Ams là nơi khởi nguồn cho những ước mơ, chắp cánh cho những trí tuệ sáng tạo, để mỗi đứa con của Ams đều có thể tự tin vút bay trong khoảng trời của mình, dù là văn hóa, nghệ thuật hay công nghệ, khoa học… Tất cả đều được hình thành từ cái nôi ươm mầm tài năng đầy thân thương ấy. Những cánh chim non sẽ dần trưởng thành, sẽ tự do sải cánh trên những khung trời rộng lớn của khát vọng, của tự do và thành công nhưng bóng hình của ngôi trường danh tiếng đáng tự hào: Hà Nội – Ams sẽ luôn là mái nhà, là nơi đặt trọn niềm tin và tình yêu, niềm tự hào và tri âm sâu sắc của Amsers.
Những ước mơ của chúng tôi rồi sẽ bay thật xa, nhưng sẽ nhớ mãi nơi khởi nguồn là mái trường thân yêu này
Lắng nghe những gì cô nói, tôi càng thêm trân trọng những gì mình đang có. Bởi tôi biết, thời gian sẽ trôi qua thật nhanh như bóng câu qua cửa sổ, rồi có ngày tôi cũng sẽ phải rời xa Ams, rồi có thời điểm tôi cũng sẽ bật khóc khi chia tay và nói lời tạm biệt. Và ngày ấy, không còn xa lắm đâu. Chỉ còn một năm để trân trọng, yêu thương và ghi dấu. Ams và Amsers, mối quan hệ ấy là “cho” và “nhận”. Ams truyền lửa cho Amsers, và chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình, gặt hái những thành quả để cái tên Hà Nội – Amsterdam càng thêm tỏa sáng, để tiếng vang của Hà Nội – Amsterdam ngày một bay xa. Những tấm gươg được vinh danh trong bài phát biểu- những niềm tự hào chính là động lực lớn nhất cho những người sắp bước vào năm học đầy thử thách này. Bởi chúng tôi luôn có niềm tự hào về Ams- một ngôi trường với những thành tích học tập xuất sắc, nền nếp,… - một ngôi trường với những học sinh thông minh, sáng tạo nhưng cũng đầy tinh nghịch, hiếu động- một ngôi trường của những học trò luôn làm chủ cuộc sống bằng tư duy độc lập, những ý tưởng độc đáo không theo một khuôn mẫu khô khan nào-một ngôi trường “là một, là riêng, là thứ nhất”.
Thế hệ Amsers 13 – 16 của chúng tôi chưa từng một lần được cô hiệu trưởng trực tiếp giảng dạy. Nhưng trong mắt chúng tôi, cô luôn là một người thầy đặc biệt. Người thầy lớn đã mang đến cho chúng tôi bài giảng mang tên Trưởng thành trong lễ Tri ân hằng năm. Phải chăng, những lời chân thành này chính là chiếc chìa khóa vàng cô đã trao tận tay để chúng tôi sẵn sàng hành trang vào đời: “Các con sẽ thành công trên Ngả đường các con sắp bước đi. Nhưng thành công không phải là một vận may, mà là thành tựu đòi hỏi sức lao động bền bỉ. Thành công cần đam mê và sự nỗ lực thực sự nghiêm túc. Hãy học tập thông minh, đừng bao giờ từ bỏ đam mê, mà dành tình yêu, nhiệt huyết của các con cho những gì các con yêu thích. Amser các con có truyền thống luôn được sống bằng suy nghĩ của mình. Các con hãy tin vào nghị lực và quyết tâm làm chủ cuộc đời thật sớm. Hãy tư duy độc lập ,làm việc sáng tạo, yêu con người và thành công trong mọi việc các con làm, trên mọi Ngả đường các con bước…Các con hãy luôn khắc ghi Việt Nam là nơi các con đã sinh ra và lớn lên, cho các con những giá trị, tinh hoa của những con người nhân ái và yêu chuộng hòa bình…” Những lời của cô khiến tôi hiểu rõ hơn về bản thân mình, về mục đích cuộc sống và phương châm sống của một con người thời đại. Lời dạy ấy cũng nói lên tất cả những gì môi trường Ams đã, đang và sẽ làm với các thế hệ Amser: đào tạo nên những con người hoàn thiên về năng lực và phẩm chất, nhân cách.
Những đàn chim thường rời tổ đi về phương Nam để tránh cái rét mùa đông. Lũ học trò non nớt cũng giống như những cánh chim non, chúng phải vỗ cánh bay rời khỏi tổ ấm của mình nhưng ở thời điểm mùa hạ sang với nắng vàng và những sắc hoa ngập trời rực rỡ, ra đi không phải để trốn tránh, ra đi để đương đầu với những thử thách để chinh phục những chân trời mới. Không ai trong số chúng ta muốn phải chia xa, đặc biệt là chia xa một gia đình thứ hai đầy hạnh phúc như Ams cả. Nhưng cũng không ai có thể chống lại quy luật của thời gian. Điều quan trọng nhất là Ams vẫn luôn ở đó, như một cội nguồn yêu thương, rộng vòng tay chào đón những đứa con tài năng trở về trong hào quang. tay. Vào thời điểm hiện tại, càng lo sợ trước bước đi nhanh chóng của thời gian, chúng tôi càng trân trọng hơn những ngày còn lại. Để biết rằng, mỗi ngày được bước chân tới Ams với tư cách một Amser thực sự là một niềm hạnh phúc..
“Ngả đường”- cái tên ấy mang đầy ý nghĩa hơn tôi từng nghĩ. Bước ra khỏi cánh cổng trường, ta buộc phải trưởng thành và chọn lựa một lối đi cho riêng mình. Nhưng liệu những ngả đường chúng ta đi có cắt nhau không? Hay thầy cô, bè bạn, mái trưởng và những kỉ niệm của ấu thơ ta sẽ mãi mãi ở lại cùng quá khứ?
“Ngả đường phía trước buộc các con phải nói lời tạm biệt nhưng tạm biệt sẽ cho các con thời gian để quý trọng những điều các con đã gắn bó với nơi đây, cho các con cơ hội để hiểu trọn vẹn giá trị của trở về. Hãy trở lại mái nhà Ams của chúng ta bất cứ khi nào có thể. Hà Nội – Ams sẽ luôn là bến đỗ bình yên, nơi nương tựa tâm hồn và Ngả đường trở về hạnh phúc của tất cả các con…”
“Once Amser, forever Amser”
Dường như những gì cô nói đã gửi gắm cho mỗi chúng ta câu trả lời. Dù ngả đường ta chọn có dẫn ta đi tới khoảng trời nào đi chăng nữa, thì những ngả đường trong trái tim mỗi Amsers chúng ta đều giao nhau tại mái trường Hà Nội – Amsterdam thân yêu.
Mời độc giả xem toàn văn bài phát biểu của Nhà giáo Lê Thị Oanh trong buổi lễ "Tri ân và Trưởng thành" học sinh khối 12 năm học 2014 - 2015 tại ĐÂY
PV: Minh Ánh (Văn 13 -16)
Nguồn ảnh: Humans of HN-Ams, BTC Made in 12-15