Chuyện về "chị cả" Khánh Phương của các em nhỏ khuyết tật
Từ hai năm nay, "chị cả" Khánh Phương đã trở nên rất quen thuộc với các em nhỏ khuyết tật tại Trung tâm Sao Mai, Làng trẻ em SOS....
"Chị cả" thân thiện
Trung tâm Sao Mai - Hội cứu trợ trẻ khuyết tật Việt Nam là địa chỉ quen thuộc của cô bé nhỏ nhắn xinh xắn Nguyễn Trần Khánh Phương, lớp phó học tập lớp 11 Anh 1 Trường PTTH Chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Khánh Phương gắn bó với các em khuyết tật trí tuệ Sao Mai đã được 2 năm. Chị dành các kỳ nghỉ hè của mình cùng các giáo viên hỗ trợ cho các em về kỹ năng sống. Trong năm học do bận học chị không sang được thường xuyên nhưng cũng tranh thủ bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Đặc biệt các ngày lễ tết chị không quên sang cùng các em tập múa hát và trang trí lớp học.
“Chị cả” vẽ tranh, làm giáo cụ bổ trợ cho các em nhỏ khuyết tật.
Tiếp xúc với các em, Khánh Phương thấy rất thương các em vì không may mắn được như những trẻ em bình thường khác. Những việc nhỏ như tự ăn uống, vệ sinh cá nhân hay chăm sóc bản thân cũng gặp khó khăn. Việc học còn khó hơn nữa vì các em thiếu tập trung và hay quên.
Cô Nguyễn Thị Dương Quý - Giáo viên Lớp Kỹ năng sống 1 (Trung tâm Sao Mai) cho biết, các em nhỏ ở trung tâm hiện nay thường mắc phải một số vấn đề như chậm phát triển trí tuệ, tăng động, giảm tập trung, bại não...
Theo cô Quý, Khánh Phương bắt đầu tham gia giao lưu với các em nhỏ tại Trung tâm Sao Mai bắt đầu từ hè năm 2016 tới nay. Do khéo tay lại có năng khiếu vẽ rất đẹp nên ngoài vui chơi, giao lưu với các em thì Khánh Phương còn giúp các cô giáo trong Trung tâm Sao Mai vẽ tranh minh họa, hỗ trợ làm các giáo cụ, hỗ trợ giảng dạy, góp phần giúp các em học sinh dễ hình dung, hiểu bài nhanh hơn.
Không chỉ vẽ tranh, hỗ trợ làm giáo cụ mà Khánh Phương còn trực tiếp tham gia hướng dẫn các em những kỹ năng sống cần thiết giúp các em biết tự vệ sinh cá nhân, giao tiếp với thầy cô, bạn bè...
Khánh Phương tham gia giao lưu, chia sẻ với các em nhỏ ở Trung tâm Sao Mai.
"Khánh Phương rất hòa đồng, ngoan và chịu khó nên đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều khi giảng dạy. Các em gặp rất nhiều khó khăn về học tập, khả năng ghi nhớ kém nên Khánh Phương phải rất kiên trì, chịu khó mới có thể vui chơi, hỗ trợ được các em", cô Nguyễn Thị Dương Quý nhận xét.
Thân thiện, yêu quý trẻ
Bác sĩ Đỗ Thúy Lan - Giám đốc Trung tâm Sao Mai cho biết, hiện nay trung tâm có 19 lớp với gần 200 học viên. Trong đó, có tới 2/3 các em bị tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, hội chứng Down...
Theo đánh giá của bác sĩ Đỗ Thúy Lan, các bạn tình nguyện viên như Nguyễn Trần Khánh Phương tham gia giao lưu, hỗ trợ cho trẻ em bị khuyết tật là rất ý nghĩa và cần thiết. "Khi các cháu có tấm lòng như vậy thực sự rất đáng trân trọng vì phải hiểu và yêu quý trẻ. Bởi thực tế nhiều bé không thể hiện được tình cảm nên phải kiên nhẫn tiếp xúc trong một thời gian dài mới làm quen, giúp trẻ hòa đồng được", bác sĩ Lan nói.
Bên cạnh đó, bác sĩ Lan cũng cho rằng, với những hành động thiết thực và thân thiện của các tình nguyện viên như Khánh Phương với các em nhỏ sẽ có tác động rất lớn trong việc thay đổi, giáo dục nhận thức về trẻ khuyết tật.
Một giáo viên tại Trung tâm Sao Mai chia sẻ, đối với nhiều em nhỏ bị đa tật, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, không có khả năng giao tiếp, tương tác xã hội nên việc tiếp thu, nhận thức rất hạn chế do đó nếu thiếu sự kiên trì và yêu thương các em thật sự sẽ không thông cảm và giúp đỡ, hỗ trợ được các em. "Có những em đang ngồi chơi đùa bình thường nhưng bất ngờ chúng có thể đưa tay tát thẳng vào mặt mình nhưng thực tế không phải cháu chủ động muốn đánh mình mà chỉ là một cách bày tỏ tình cảm. Nếu người nào không hiểu, không thông cảm thậm chí sẽ xa lánh hoặc lo sợ và không thể chăm sóc, giao lưu với các em", giáo viên này tâm sự.
Chị Trần Thị Mai Trang - mẹ của Khánh Phương cho biết, ngoài công việc hỗ trợ ở Trung tâm Sao Mai, Khánh Phương còn tham gia hoạt động tình nguyện với các bạn cùng trường và các bạn quốc tế tại các cơ sở nhân đạo khác như Làng trẻ SOS, Làng Hữu nghị Vân Canh, Hòa Bình, Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu... nhằm giúp đỡ, hỗ trợ các trẻ em bị khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt".
Theo chị Trang, gia đình rất mừng và ủng hộ trước những việc làm của Khánh Phương bởi vừa giúp đỡ người khác vừa rèn luyện được sự kiên trì, nhẫn nại và nhất là có tấm lòng nhân ái, thương yêu mọi người.
"Do nhà cũng gần Trung tâm Sao Mai nên những dịp nghỉ hè và thời gian rảnh rỗi là cháu Khánh Phương lại sang để giao lưu, giúp đỡ, hỗ trợ các em nhỏ. Bản thân tôi cũng đã gặp trực tiếp, biết được hoàn cảnh của các cháu ở đây nên rất ủng hộ và khuyến khích Khánh Phương", chị Mai Trang chia sẻ.
Khi hỏi có cảm thấy ngại ngần hoặc sợ khi tiếp xúc với các em nhỏ như vậy không? Khánh Phương cười bẽn lẽn: "Không ạ! Em thấy các bạn nhỏ rất đáng thương và cần giúp đỡ nên em không thấy ngại hay sợ gì cả".
Nếu nhìn Khánh Phương ân cần hỏi han, chăm sóc các em nhỏ, bất cứ ai cũng có thể nhận ra sự chân thành trong từng cử chỉ, lời nói. Nó giống như tình cảm của người chị gái dành cho những đứa em bé bỏng của mình.
Trong cuộc sống vốn xô bồ, có nhà văn đã từng nói rằng, lòng tốt đích thực không dựa trên những lời có cánh, nhưng xuất phát từ trái tim và làm cho người khác dễ dàng cảm nhận. Lòng tốt tỏa hương thơm như đóa hoa, không ồn ào gây chú ý, không giả tạo lấy tiếng khen nhưng chân thành và với tấm lòng của "chị cả" Nguyễn Trần Khánh Phương, có lẽ bất cứ em nhỏ nào cũng cảm nhận được.
Khánh Phương không chỉ có tấm lòng nhân hậu mà còn là học sinh giỏi nhiều năm được nhận học bổng danh dự của trường, đạt thành tích cao trong các kỳ thi tiếng Anh cấp quận và cấp thành phố. Ngoài ra chị còn có tranh tham dự triển lãm trong nước và quốc tế. Chúc cho Khánh Phương luôn đạt được nhưng mơ ước của mình trong cuộc sống và học tập.
Theo báo Người Hà Nội
Các tin khác
Nữ sinh Ams nhận học bổng 6 tỷ đồng của đại học Mỹ (13/03/2018)
Chào mừng các em về nhà, Amser 15-18! (30/07/2015)