The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Nỗi nhớ không quên

Post by: webams | 17/12/2015 | 7354 reads

Bài dự thi viết về trường

MS 042

NỖI NHỚ KHÔNG QUÊN

Nhà giáo Nguyễn Thị Kim Duyên

Cựu giáo chức tổ Văn

Tôi được Sở Giáo dục điều động từ trường PTTH Thăng Long về dạy lớp 10 chuyên Văn đặt tại trường PTTH Việt Đức từ tháng 11 năm 1984, chậm hai tháng sau lễ khai giảng vì lí do học sinh chuyên Văn hầu hết là nữ mà không có cô giáo dạy và chủ nhiệm lớp. Tôi về dạy chuyên Văn sau Thầy Túc, Thầy Hùng. Thế là Sở giáo dục yên tâm, phụ huynh và học sinh yên tâm có cô giáo đứng lớp.

Tôi nhớ không quên buổi sáng đầu tiên tôi đến nhận lớp. Đó là một phòng học cũ kĩ, rộng rãi ở cuối sân trường Việt Đức. Tôi tìm đến lớp, tự lên bục, tự giới thiệu "tiểu sử tóm tắt" về mình để làm quen với các em. Nhìn xuống dãy bàn đôi kê 4 hàng, chỉ vẻn vẹn hơn hai chục trò gái, hầu hết đeo kính cận dày cộp, có hai cậu con trai còn bé nhỏ hơn cả các bạn gái, được xếp ngồi hàng đầu.

Mùa thi học sinh giỏi năm ấy, tôi và học trò đều rất lo âu. Ngày thi ấn định rồi mà thầy trò tôi học chậm chương trình mấy chục tiết vì tôi nhận lớp thì phải chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối. Tôi mải miết dạy bù, học trò mải miết học. May mà kì thi học sinh giỏi của Thành Phố năm ấy, lớp 10 Văn lĩnh đủ Giải Nhất, Nhì, Ba góp phần tô thắm thành tích của trường Việt Đức.

Mùa hè năm 1985, thành phố quyết định thành lập trường chuyên và tập hợp lớp chuyên đặt tại các trường PTTH của Hà Nội về cùng học một địa điểm ở phố Nam Cao. Bởi thế học sinh các lớp chuyên khóa 1984 – 1985 là những người đầu tiên đặt chân đến "vùng đất mới". Khi ấy trường chưa xây xong, sân trường còn đọng nước, lổn nhổn cỏ đất. Phòng học của lớp 11 Văn chưa được lắp kính, chưa có bàn ghế. Chúng tôi được lệnh chuyển mấy chục bộ bàn ghế từ Công ty thiết bị trường học ở phố Lý Thường Kiệt về. Nhìn những học trò bé nhỏ hì hục khiêng bàn ghế lên xuống ô tô tải mà tôi thương quá! Nhưng phải tự lo thôi, trường mới còn bề bộn bao nhiêu việc … Những ngày đầu đông năm ấy, gió rét vô cùng, lớp 11 Văn ở tầng 3 gió lùa, thầy trò chúng tôi có bàn ghế ngồi học rồi thì lại thiếu kính cửa sổ. Lớp tôi có con gái thầy Hiệu trưởng Nguyễn Kim Hoãn và con gái cô Hiệu phó Nguyễn Hồng Nga học nên Ban giám hiệu phải gương mẫu ưu tiên lắp kính cửa sổ cho các lớp khác trước đã …

Thế rồi mọi sự cũng qua, trường đẹp dần lên, đầy đủ tiện nghi, lớp học khang trang có đủ cả trang thiết bị hiện đại của nước bạn Hà Lan trợ giúp. Ban đầu trường chưa có tên chính thức, phải qua một hai lần thay con dấu mới mang tên "Hà Nội – Amsterdam" đầy ý nghĩa nhân văn như ngày nay.

Tôi nhớ buổi họp Hội đồng Giáo dục đầu tiên đơn sơ lắm. Ban giám hiệu đọc danh sách giáo viên, chúng tôi nghe tên và nhận ra nhau để rồi khi tan họp, anh Đoàn Khả Kính dạy môn Sử vừa cười vừa nói rằng "Cứ như là Lam Sơn tụ nghĩa vậy!".

Nhiều giáo viên trẻ sau đó được điều về trường, có năm chúng tôi phải chia nhau dự nhiều đám cưới của các cô giáo, thầy giáo trẻ và rồi cũng liên tục nhiều cháu bé chào đời, sau này là học sinh của trường mình.

Thấm thoát ba chục năm đã trôi qua. Đất nước mình, dân tộc mình, Hà Nội yêu quí của chúng mình trải qua bao biến động. Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, trường mình chuyển địa điểm từ phố Nam Cao về đường Hoàng Minh Giám. Trường mới bề thế hơn, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Nhưng mỗi khi nhớ về trường, tôi vẫn nhớ về trường cũ, lớp xưa, với sân trường có hàng cây kỉ niệm của các lớp chuyên đầu tiên được Ban giám hiệu cho phép chọn cây để trồng trước khi Công ty cây xanh của Thành phố chuyển cây đến. Lớp chuyên Văn của tôi chọn cây bằng lăng tím, màu tím học trò, màu tím thủy chung thắm thiết và may sao cây bằng lăng ấy lại có hai thân như Thầy và Trò mãi mãi bên nhau. Ngày mới trồng, cây còi cọc và lá đầy sâu cắn, các bạn bảo nhau tưới cây, nhổ cỏ, kể các ngày tết, ngày hè cho đến khi cây bén rễ, lên xanh cao lớn dần, vươn lên kiêu hãnh. Sau này trường từng tiếp nhiều cây bằng lăng nữa, nhưng cây bằng lăng của chuyên Văn năm đầu tiên về trường mùa hè 1985 là cây bằng lăng hai thân cao to hơn cả, đứng khiêm nhường ở phía trong tay phải cổng trường.

"Như dòng sông chảy nặng phù sa", thời gian cuốn trôi đi bao thứ nhưng hình ảnh trường cũ, người xưa sâu đậm nghĩa tình thì còn lưu lại mãi. Tôi về dạt chuyên Văn từ năm 1984, có mặt ở trường ta những ngày đầu tiên và chính thức nghỉ dạy ở trường từ năm 2006. Tôi đã từng dạy và chủ nhiệm lớp chuyên Văn các khóa:

+ 1984 – 1987 : lớp trưởng Đào Thanh Tâm

+ 1987 – 1990 : lớp trưởng Vũ Hải Yến

+ 1993 – 1996 : lớp trưởng Nguyễn Phương Hòa

+ 1996 – 1999 : lớp trưởng Đoàn Thanh Mai

+ 2000 – 2003 : lớp trưởng Vũ Tuấn Đức

và dạy Văn cho các lớp chuyên Toán (thầy Đỗ Bá Khôi chủ nhiệm), lớp chuyên Hóa (thầy Thụy, cô Hà chủ nhiệm), lớp chuyên Pháp (thầy Minh chủ nhiệm), lớp chuyên Anh (cô Mai dạy Lý làm chủ nhiệm), lớp Anh 2 (cô Hạnh chủ nhiệm). Tôi tự hỏi tôi lưu giữ được gì trong kí ức học trò các thế hệ lớp chuyên ở trường Hà Nội Ams? Vào được trường mình học, các em đã giỏi lắm rồi nên tôi tự nhủ mình "có bột mới gột nên hồ", phải làm sao để các em đừng bị thui chột tài năng vì lối dạy mòn cũ khô cứng của mình. May mà những năm giảng dạy ở trường mình, tôi gặp được sự lãnh đạo chuyên môn của Ban giám hiệu, của Tổ, của Thành phố rất sáng suốt và thích hợp với tôi nên tôi hào hứng dạy, các em hào hứng học và đạt tất cả các giải của Thành phố. Tuy nhiên ở các kì thi Quốc gia, học sinh của tôi thường chỉ đạt Giải Ba, Giải Khuyến Khích, đủ để các em được tuyển thẳng vào Đại học chuyên ngành Văn, vào trường Cao đẳng Sư phạm.

Tôi thường nói với các em, học Văn thì giảm chữ nghĩa đi mà thẩm thấu cái Đạo làm Người ở đằng sau chữ nghĩa. Học cụ Nguyễn Trãi thì nhớ "Nhân nghĩa là gốc, Trí dũng là cành", học cụ Nguyễn Du thì nhớ "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài". Trong cuộc đời gặp sóng gió ba đào thì hãy tự an ủi như cụ Nguyễn Du thương Kiều mà rằng "Chữ Tài liền với chữ Tai một vần", hoặc cụ Nguyễn Trãi tự nhủ "Cội rễ bền rời chẳng động".

Học sinh chuyên Văn mà tôi đã phụ trách khi còn giảng dạy ở trường Ams hầu hết là gái nên tôi luôn nói với các em rằng chúng mình rồi sẽ là vợ, là mẹ, làm sao phải sống có Tâm, có Đức để con được hưởng phúc, làm sao phải có trí, có bản lĩnh để có thể dạy bảo con và gánh vác gia đình khi chẳng may "đứt gánh giữa đường" vì tai bay vạ gió, hay vì lòng người đơn bạc…

Trong suốt cuộc đời dạy học của tôi, tôi vào nghề từ 1965, qua nhiều trường rồi mới về trường Hà Nội – Ams, tôi may mắn gặp được Ban Giám Hiệu có Tài, có Tâm, biết dùng người. Khi tôi bị bệnh nặng, vừa nhận chủ nhiệm và dạy lớp 10 Văn khóa 1992 thì phải nằm bệnh viện gần hết năm học, thầy Túc nhận lớp thay tôi để tôi yên tâm chữa bệnh. Năm học mới bắt đầu, Ban Giám Hiệu cho tôi dạy một số tiết ở lớp chuyên Văn của Thầy Hùng để tôi phục hồi dần trí nhớ. Năm học 1993, Ban Giám Hiệu quyết định để tôi tiếp tục nhận dạy và chủ nhiệm lớp chuyên Văn khóa 1993 – 1996. Chính lòng tin và sự giúp đỡ của Ban Giám Hiệu, của các bạn đồng nghiệp đã cho tôi sức mạnh để bước tiếp con đường mình đã chọn cho mãi tới sau này…

Vậy thì điều gì tâm đắc nhất với tôi sau 30 năm trường Hà Nội – Amsterdam ? Đó là Dạy và Học đều phải xuất phát từ "con người". Trường Hà Nội - Ams đã xây dựng được đội ngũ Thầy Cô giáo có Tâm, có Tài, hết lòng giảng dạy, phát huy trí tuệ, tài năng của học trò. Trường HN – Ams đã tuyển được những học sinh có triển vọng, có hạnh kiểm tốt, có sức khỏe và tạo mọi điều kiện cho các em học giỏi, phát triển toàn diện. Đến nay sau 30 năm, học sinh trường HN – Ams đã có mặt ở khắp nơi, trong nước và ngoài nước, trên các lĩnh vực. Ở đâu có người nổi tiếng, có người làm việc giỏi, có người tâm đức … thì ở đó có mặt học sinh Hà Nội – Amsterdam.

Như thế không đáng tự hào sao, không đáng yêu sao khi ta được mang danh Hà Nội – Amsterdam ?

Như "cánh chim tìm về tổ ấm", nghe tiếng trống trường vang vọng, chúng tôi – các lớp thầy trò suốt 30 năm qua, ở khắp nơi lại tụ lại thật đầm ấm, cùng nhau "ôn cố tri tân"!

Dòng thời gian vẫn mải miết trôi, trên đại hải thủy, trường lưu thủy, đại khê thủy ấy, mỗi thế hệ Thầy và trò trường HN – Ams đến lượt mình phải viết tiếp trang sử vàng vẻ vang truyền thống của trường…

Người Việt mình có câu "Người sống là đống vàng", "Một mặt người bằng mười mặt của", nên mỗi lần có dịp để Thầy trò trường mình gặp nhau là mỗi lần niềm vui lại tràn ngập như nước tràn bờ trong lòng chúng ta. Các cụ xưa cũng từng dạy rằng "Con hơn cha là nhà có phúc", hôm nay, các em học sinh cũ trở về trường với vầng trán kiêu hãnh, với khuôn mặt sáng ngời, với thành đạt và hạnh phúc là một món quà vô giá tặng trường, tặng Thầy Cô giáo.

Ba mươi năm qua, chúng ta đã cùng nhau xây đắp nền móng của ngôi trường vẻ vang, danh tiếng hôm nay. Chúng ta có quyền tin vào những năm tháng tới, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam sẽ tự hào đi lên cùng Hà Nội, cùng cả nước.