The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

TÊN TRƯỜNG, TÊN TRÒ

Post by: webams | 05/09/2015 | 9037 reads

Bài tham dự cuộc thi viết về trường

MS 31

Đôi lời gửi độc giả:

Tác giả của bài viết mang MS 31 là nhà giáo Đào Thiện Khải - nguyên Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam giai đoạn 1995 - 1998. Thầy là  một nhà giáo mẫu mực, được nhiều thế hệ học sinh Hà Nội - Amsterdam ngưỡng vọng, yêu quý. Thầy luôn gần gũi với học trò, hết lòng vì nhà trường.

Nhân dịp khai giảng năm học mới - một năm học vô cùng ý nghĩa, chào đón lễ kỉ niệm 30 năm ngày thành lập trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Ban biên tập website trân trọng giới thiệu bài viết: Tên trường, tên trò của nhà giáo Đào Thiện Khải. Kính chúc Thầy và gia đình dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý. Kính chúc các nhà giáo trong Hội cựu giáo chức luôn mạnh khỏe, hạnh phúc trong cuộc sống và không quên gửi tới độc giả những bài viết, những vần thơ hay.

TÊN TRƯỜNG, TÊN TRÒ

Kỉ niệm ba mươi năm thành lập trường

 

Vào thế kỉ trước, khi chúng tôi còn nhỏ, để khuyến khích học tập, cha mẹ và thầy cô đều căn dặn: “Các con cố gắng học cho giỏi, khi lớn lên thi được vào trường “BƯỞI”, ngày nay gọi là trường Chu Văn An. Ngôi trường nổi tiếng vì nhiều nhà cách mạng của nước ta đã học ở đây, các nhà khoa học, văn nghệ tài năng đều từng là học sinh của trường này; rất nhiều người thành danh trong xã hội đều xuất thân từ trường Bưởi.”

Năm 1985, thời kì xây dựng lại thủ đô, thành phố Hà Nội xây mới một trường trung học theo hình mẫu và để ghi nhớ sự giúp đỡ của nhân dân Hà Lan trong việc xây dựng ngôi trường, đặt tên trường là Hà Nội Am – xtec – đam; bà con khu tập thể Giảng Võ, nơi trường đóng, gọi vắn tắt là trường AM.

Sau hàng chục năm hoạt động, nhà truường cũng đã có tín nhiệm trong nhân dân Hà Nội. Một lần đi xe taxi, tôi được nghe anh lái xe vui chuyện và phấn khởi khoe con anh vừa trúng vào trường AM. Gần đây, trong một chương trình truyền hình có cảnh phóng viên hỏi hai em nhỏ nguyện vọng của các em lúc này như thế nào, cả hai đều trả lời cố học cho giỏi để thi được vào lớp sáu trường AM.

Trong mười năm đầu, mọi người đều công nhận cái tên cực ngắn nhưng không nhầm lẫn với bất cứ trường nào ấy. Mở đầu thế kỉ hai mươi mốt, trong văn nói, vẫn đọc là trường AM, nhưng trong văn viết lại là AMS (có thêm chữ S), bằng chứng là trong các tập kỉ yếu của học sinh nhà trường, bắt gặp rất nhiều những tên như thế. Chữ S thêm vào ấy, không kể về từ nguyên, thể hiện tính cách rất “học sinh”, các em muốn tự đặt tên cho ngôi trường của mình trong thời kì “online”, còn thể hiện nguyện vọng của các em được cùng đất nước hội nhập với toàn thế giới.

Rồi từ đó mới ra từ AMSER. Đã có một lần giáo viên nước ngoài bảo tôi anh cũng là một AMSER, tôi vội giảng giải, dù tôi là giáo viên của trường AMS nhưng chỉ có học sinh của trường mới được gọi là AMSER. Tuy vậy cũng có mở rộng: chú rể hay cô dâu có vợ hoặc chồng vốn là học sinh trường AMS cũng “may mắn” được gọi là AMSER in – law.

Mỗi năm học có khoảng năm trăm học sinh ra trường; sau ba mươi năm thành lập, ngày nay toàn thành phố ước chừng có hàng vạn Amser, nhưng về tinh thần có thể là nhiều vạn…vì khi ra trường, các em còn căn dặn nhau:

“một thời (là) Amser; mãi mãi (là) Amser”.

Trong học sinh có câu:       

                                                     Trăm năm trong cõi người ta

                                               Điều gì chưa biết thì tra Gu – gờn (Google)

Có lẽ, trường hợp này Google cũng chịu.

                                                                            2/ 2015

                                                                       Đào Thiện Khải

“một thời (là) Amser; mãi mãi (là) Amser”.