The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Những ngày tháng không thể nào quên ở trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam

Post by: webams | 05/12/2015 | 7405 reads

Bài tham dự cuộc thi viết về trường 

MS 038

Những ngày tháng không thể nào quên ở trường

THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam

                                                                     Nhà giáo Nguyễn Hồng Nga

Nguyên Phó hiệu trưởng 1985 - 2001

Trường THPT Hà Nội – Amsterdam được thành lập từ năm học 1985 tại số 1 phố Nam Cao. Ban giám hiệu gồm: Thầy Nguyễn Kim Hoãn - hiệu trưởng; các Thầy Đào Thiện Khải, Thầy Trần Văn Đạt, Thầy Nguyễn Văn Giao và tôi là phó hiệu trưởng. Học sinh và giáo viên các lớp chuyên nằm rải rác ở các trường Chu Văn An, Ba Đình, Việt Đức, Lý Thường Kiệt được tập trung về đây với mục đích thành lập một trường chuyên để đào tạo hoc sinh giỏi cho Thủ đô.

Những ngày đầu, trường gặp muôn vàn khó khăn như nhiều hạng mục của trường chưa hoàn thiện. Sân trường còn ngổn ngang gạch ngói, lúc trời mưa, thầy trò phải lội bì bõm. Nhà vệ sinh chưa có, phải che chắn tạm bằng cót ép. Các Thầy Cô chuyển từ các trường về chưa ai biết ai; các em học sinh cũng đều lạ lẫm, e ngại. Nhưng Ban giám hiệu đều là những người tâm huyết, đặc biệt là thầy hiệu trưởng Nguyễn Kim Hoãn vừa có tâm, vừa có tầm đã nhanh chóng thống nhất được đội ngũ thầy cô giáo mỗi người một vẻ thành một tập thể sư phạm có tinh thần trách nhiệm cao với học sinh. Họ sẵn sàng làm việc hết sức mình để góp phần xây dựng nhà trường.

Tôi được Ban giám hiệu phân công phụ trách mảng Đức dục trong nhà trường. Công tác này đối với các trường đã khó rồi, nhưng với một trường toàn học sinh chuyên lại có những khó khăn đặc thù khác. Các em học sinh ở đây hầu hết được gia đình quan tâm. Các em được chiều chuộng, nâng niu, không phải làm một việc gì cả. Các em lại có khả năng học tốt nên lại càng được chăm sóc đặc biệt. Chúng đều là “Cậu ấm, Cô chiêu” cả. Tôi nhớ mãi câu chuyện của một giáo sư đi trên tàu gặp một học sinh đang say sưa giải Toán. Giáo sư rất có cảm tình nhưng khi nghe cậu bé phàn nàn “Mẹ cháu ốm nặng nhắn cháu phải về ngay, mất thì giờ quá!”, vị giáo sư đó đã thất vọng vô cùng vì sự ích kỷ, vô tâm của em học sinh học giỏi đó. Tôi thấy thấm thía những lời dặn dò của thầy Vũ Mạnh Kha, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và thầy Triệu Hải, Phó giám đốc: “Cô phải chú ý giáo dục cho các em nhân cách của con người mới, học giỏi nhưng phải biết yêu thương mọi người, biết “học cho ai?” và “học để làm gì?” ”.

Bắt tay vào thực tế tôi lại càng thấy thấm thía. Nhiều lần tôi đã nhận được giấy phép của cha mẹ học sinh: “Chiều nay, tôi xin phép cho cháu nghỉ vì cháu còn phải học thêm Văn, Toán, Ngoại ngữ” v.v... Tôi thấy mình đã thất bại hoàn toàn, học sinh không ủng hộ, cha mẹ học sinh không ủng hộ. Những ngày đầu tiên tôi rất buồn. Tôi đã mạnh dạn xin ý kiến của các thầy trong BGH, trao đổi với các thầy cô khối trưởng chủ nhiệm và Cố vấn Đoàn. Được sự ủng hộ, tôi đã tổ chức một cuộc hội thảo lớn trong toàn thể hội đồng giáo dục với chủ đề “Làm thế nào để giáo dục toàn diện cho học sinh chuyên”. Hội thảo diễn ra rất sôi nổi. Nhiều ý kiến phát biểu rất sâu sắc. Tất cả đều nhất trí: Mọi thành viên trong hội đồng đều phải tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh. Phải đưa học sinh chuyên vào các hoạt động tập thể bởi vì các em không chỉ có học mà các em còn phải biết yêu thương cha mẹ, yêu thương thầy cô, yêu lớp, yêu trường. Các em còn phải biết giao tiếp với mọi người trong xã hội. Nhất là các em trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi quốc tế, không thể thua kém học sinh các nước về  sự  mạnh dạn trong giao tiếp, trong các hoạt động tập thể.

Được sự nhất trí cao của Hội đồng giáo dục, tôi đã cụ thể hóa công việc cho từng bộ phận trong trường. Tôi đã cùng các đồng chí tổ Ngoại ngữ, điển hình là cô Lê Minh Hòa (tổ trưởng tổ Ngoại ngữ); cô Vũ Việt Hoa (giáo viên tiếng Pháp); cô Nguyễn Thu Phương (giáo viên tiếng Anh) tổ chức thực hành ngoại ngữ cho các em chuyên ngữ qua tiểu phẩm, qua thơ, qua hát múa. Tôi đã cùng các thầy  cố vấn Đoàn tổ chức nhiều cuộc thi như: “Nữ sinh duyên dáng”; “Học sinh thanh lịch”; “Hội diễn văn nghệ toàn trường; “Hội diễn hóa trang”; “Đôi nhảy đẹp”… Để tạo không khí cho các em, chúng tôi đã cho thuê các rạp như: Nhà hát Chèo Hà Nội; rạp Công Nhân; rạp Hồng Hà; Rạp Xiếc Trung ương, Cung Hữu nghị Việt Xô. Các em náo nức chuẩn bị, phụ huynh và học sinh nườm nượp đến nơi biểu diễn. Tôi đã cùng các thầy dạy giáo dục thể chất như thầy Quân, thầy Bính, thầy Thân, thầy Trung tổ chức các câu lạc bộ thể thao cho học sinh như Bóng đá, bóng ném, bóng bàn, cầu lông, đặc biệt có cả câu lạc bộ bóng đá nữ. Tôi đã cùng các thầy đưa các em tham gia các giải thi đấu bóng đá nam, nữ của Sở giáo dục và đào tạo tổ chức cho các trường THPT của Thủ đô; tham gia thi đấu giao lưu với các trường Đại học như Bách khoa, KTQD... Đội  bóng đá nữ Anh 2 của cô Nguyễn Uyển Di đã từng nổi tiếng thành phố bởi toàn “Hoa hậu mà đá bóng siêu hạng”.

Những hoạt động ngày một sôi nổi. Từ chỗ một số em tham gia dần kéo đến một vài lớp và cuối cùng toàn trường đều tham gia. Các em học sinh đã học trường Ams chắc không bao giờ có thể quên được những kỷ niệm của cuộc đời học sinh. Đó là những buổi tham quan dã ngoại: rừng Cúc Phương, Hồ Núi Cốc, Ba Vì, Cổ Loa, Tam Cốc Bích Động, v.v... Đó là những tiếng reo hò sung sướng đến vỡ nhà tập khi  lớp mình thắng cuộc và những tiếng khóc nức nở khi lớp mình bị thua. Các em cũng không thể quên được những câu chuyện về tình bạn, tình thầy trò qua những trang nhật ký của từng tiết học, những buổi chia nhau từng que kem, từng củ khoai. Những kỷ niệm đó đã theo các em qua bao năm tháng cuộc đời. Sau 20 năm, 25 năm,30 năm gặp lại, những kỷ niệm ấy vẫn tươi mới như ngày hôm qua.

Kết quả của chủ trương giáo dục toàn diện thật không ngờ. Trước hết, việc học của các em không hề giảm sút. Các giải thưởng Học sinh giỏi các bộ môn năm sau tăng hơn năm trước, từ các giải Thành phố, Quốc gia đến giải Quốc tế. Các em yêu trường hơn, yêu lớp hơn, gắn bó với nhau từ việc tập dượt các tiết mục đến khí biểu diễn. Cha mẹ học sinh hết sức ủng hộ, nhiều phụ huynh đã tài trợ cho các em như ủng hộ quần áo thể thao, mượn trang phục biểu diễn, thuê dàn nhạc, v.v... Không khí của trường ngày một náo nức phấn khởi. Nhiều thầy cô giáo chủ nhiệm đạt danh hiệu Chủ nhiệm giỏi, nhiều thầy cô giáo trở thành Chiến sĩ thi đua, Giáo viên dạy giỏi. Uy tín của trường ngày một vang dội cả trong nước và cả thế giới. Những kết quả về mặt giáo dục đạo đức đã góp phần không nhỏ làm nên thương hiệu trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Có được thành công trên là nhờ sự đồng thuận của tất cả các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường. Đó là chủ trương đúng đắn của chi bộ Đảng mà đứng đầu là thầy Ngô Chính Cát rồi đến thầy Trần Đồng Trực. Về Ban giám hiệu, đó là sự sáng suốt của thầy nguyễn Kim Hoãn rồi tiếp đến là thầy Đào Thiện Khải, thầy Đỗ Lệnh Điện, những con người sáng lên một tấm lòng “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Đó còn nhờ sự quyết tâm vào cuộc của Đoàn TNCS HCM, đứng đầu là thầy Nguyễn Văn Vĩnh và thầy Lê Trọng Tuấn. Đó là sự nhiệt tình của đội ngũ các thầy cô chủ nhiệm. Nhiều thầy cô đã theo sát các em, đã tổ chức cho các em tập hát, tập các tiểu phẩm, đi tham quan dã ngoại cùng các em. Đó là sự đóng góp công lao của nhiều thầy cô, điển hình là thầy Đinh Quốc Sỹ, một thầy giáo dạy Sinh học nhưng rất tài hoa. Tất cả các phong trào, các cuộc thi của trường  đều được thầy tuyên truyền trên panô. Đó là thầy Vũ Xuân Túc, tổ trưởng tổ Văn, là một thầy giáo đa tài. Thầy đã rất thành công trong việc giúp nhà trường phát động học sinh tham gia cuộc thi thơ “TUỔI HỌC TRÒ” năm 1990. Cuộc thi diễn ra rất sôi nổi, lay động trái tim tất cả các em học sinh toàn trường. Nhiều em ở các khối Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ cũng được giải. Một em học sinh chuyên Toán làm bài thơ rất hay về trường. Tôi đã đưa bài thơ đó nhờ nhạc sỹ Huy Du phổ nhạc. Bài hát đó đã trở thành bài ca của trường suốt hàng chục năm, được các em học sinh vô cùng yêu thích. Các lứa học sinh 25 năm, 20 năm vừa rồi họp mặt, tôi thấy các em vẫn say sưa hát bài hát này. Đó là thầy Vũ Phương Lập, một thầy giáo dạy Văn rất nhiệt tình giúp nhà trường rất nhiều mặt. Thầy đã giúp đỡ tôi rất nhiều về việc thiết kế, tổ chức các chương trình, các cuộc thi chung kết. Thầy đã lặn lội mời bằng được những nhà thơ, những nhạc sĩ có tên tuổi đến làm giám khảo cho các cuộc thi. Vì vậy cuộc thi nào cũng trang trọng, được các em học sinh và cha mẹ học sinh ca ngợi hết lời.  

Hôm nay, nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của trường, tôi và các thầy cô giáo thế hệ đầu tiên của trường rất tự hào vì đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển đi lên và tạo dựng một thương hiệu rực rỡ cho trường Ams.

Thực tế những cánh chim tập bay tại trường Ams của 20, 25, 30 năm trước đã bay khắp bốn phương trời chính là minh chứng sinh động nhất cho con đường đúng đắn mà chúng ta đã chọn, đã đi và đang đi.

Tháng 11 năm 2015