The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Cô Ninh – “mẹ yêu” của khối Văn

Post by: ngocnt | 14/11/2014 | 6244 reads

Bài tham dự cuộc thi viết về trường

MS 004

Cô Ninh – “mẹ yêu” của khối Văn

Nguyễn Minh Ánh

Văn 13-16

“Cô giáo như mẹ hiền”. Nhưng cô không phải mẹ hiền, bởi cô không hiền, nhưng cô là mẹ yêu. Bởi cô yêu chúng con – 44 đứa trẻ Văn 13-16 – bằng một tình yêu thật đặc biệt, bằng một cách quan tâm thật riêng, và chỉ mới ba tháng trôi qua thôi, trong trái tim 44 đứa trẻ này đã khắc ghi hơi ấm tình thương của người mẹ yêu – cô Ninh.

Ngày đầu vào lớp, cô dặn không được xưng “em”, mà phải xưng “con” gọi “cô”. Nhưng bây giờ, có lẽ chẳng đứa nào muốn xưng “con” gọi “cô” nữa, chúng con muốn được xưng “con” gọi “mẹ”. Trước ngày vào học, chúng con hỏi các chị khóa trước: “Các chị ơi cô Ninh như thế nào ạ? Cô có hiền không chị? Cô dạy hay phải không? Cô có tâm lí không?”. Chị chỉ mỉm cười trả lời: “ Khó nói lắm. Các em tự trải nghiệm nhé.”

Cô không hiền, thực sự cô là một người nóng tính. Chỉ cần trả lời câu hỏi chậm một chút, cô sẽ mắng ngay. Thế nhưng, cô cũng luôn sẵn sàng tha thứ cho đàn con dại. Cô bảo, “là con mình nên mình mới phải mắng, phải dạy, phải uốn nắn cho chúng nó nên người, phải yêu, chứ chẳng phải con mình đẻ ra thì mắng làm gì cho chúng nó ghét mình ra”. Những lời ấy khiến chúng con hạnh phúc, chúng con đã trở thành những đứa con ruột thịt của cô, được cô thương yêu, được cô chăm sóc dạy bảo, và được cô chở che. Cô bảo lớp toàn con gái thế này cô giữ sao cho nổi, cô dặn con gái phải biết giữ mình, sau này đừng lấy chồng trước 25 tuổi nhưng 23 tuổi phải có người yêu, còn tuổi này thì đừng yêu vội, với cả mai kia có lấy chồng nhớ mang chồng đến cho cô Ninh duyệt. Những lời tâm tình đáng yêu ấy mang cô lại gần chúng con hơn, đập tan đi cái ý nghĩ rằng cô nghiêm khắc quá, cô dạy Văn mà không tâm lí! Ai bảo cô không tâm lí nào? Cô không chỉ che chở 41 con vịt giời, cô còn dạy 3 chàng trai cách sống, cách cư xử xứng đáng là một người đàn ông, và cách để yêu thương, quan tâm, lo lắng cho gia đình tương lai và người phụ nữ của mình. Những điều ấy có lẽ là “đặc quyền đặc lợi” của lớp Văn, không chỉ được tiếp xúc với văn chương, với những giấc mơ bay bổng, lớp Văn còn có người mẹ tâm lí tuyệt vời dạy chúng con cách yêu, cách sống.

Còn nhớ ngày khai giảng đầu tiên của cấp 3, bức ảnh cô Ninh của chúng con mặc áo dài thả bóng, nụ cười rạng rỡ đăng lên trang báo mạng, báo trường. Chưa từng khi nào chúng con yêu cô đến thế, chưa từng khi nào thấy cô trẻ trung đáng yêu đến thế. Bức ảnh ấy là kỉ niệm in dấu đầu tiên về cô và có lẽ là bức ảnh chúng con nhớ mãi, cũng chẳng rõ lí do, giữa muôn vàn kỉ niệm cô trò đã, đang và sẽ có…

Những giờ giảng Văn..

Những giờ giảng Văn đến với chúng con không chỉ là lời giảng ấm áp, du dương, không chỉ là sự cẩn thận cặn kẽ giảng giải tới từng câu chữ để chúng con nhớ bài ngay cả khi chẳng cần học lại, như thể để những lời văn thấm vào tâm hồn,  vào máu những đứa học trò trót yêu cái nghiệp chữ nghĩa. Cô còn hay hát, cô bảo đứa nào mai kia muốn làm cô giáo dạy Văn giống cô thì phải biết hát, bởi vì âm nhạc dễ cảm hóa tâm hồn con người. Và đặc biệt nhất, cô hay nhập tâm vào nhân vật. Cô diễn lại từng lời nói, từng cử chỉ. Có lẽ chưa ai từng học một cô giáo dạy Văn như vậy. Cô diễn lại để chúng con hiểu, để thấm hơn cái chất nham hiểm cáo già, đểu giả của Bá Kiến, cái lè nhè nát rượu đáng thương của “con quỷ” Chí Phèo,.. để thấy thế giới văn chương sao hiện kề gần gũi như chính thế giới bên ngoài khung cửa lớp học kia, chính thế giới chúng con đang sống. Cô đề cao tư duy sáng tạo, cô khuyến khích đọc, đọc thật nhiều để tích lũy cho bản thân những vốn chưa ai có, những kho báu tri thức chỉ dành cho những người cần mẫn, biết đào sâu lọc kĩ kho tri thức nhân loại. Chúng con dần quen với những lời giảng đầy màu sắc ấy, từ lí luận văn học tới ca dao, từ truyện ngắn hiện đại tới câu chuyện cổ tưởng sao quá thân quen vẫn luôn mang một không khí mới, một lăng kính mới. Từ chính lớp học này, từ lời giảng văn của cô, những tâm hồn của những nghệ sĩ non nớt đã bay lên cùng đam mê văn học, và những ý nghĩa cuộc sống mới mà trái tim cô chính là nguồn cảm hứng bao la.

Cô Ninh trong ngày khai giảng

Có lần cô tâm sự với chúng con rằng, cô ước mơ chúng ta có đủ tiền thuê một chuyến xe khổng lồ chở nào những nước uống, đồ ăn, tiền bạc, áo quần, bút sách  và tất cả cô trò mình tới miền Trung đang oằn mình gánh bão để từ thiện, tiếp tế, có như vậy mới thỏa. Cô dạy chúng con hãy sống vì cộng đồng, mơ ước vì cộng đồng, bởi “học và làm chỉ để kiếm miếng ăn bỏ miệng nuôi thân thì dễ lắm, nhưng để làm cuộc đời này hạnh phúc hơn mới là mục đích thực sự để sống”. Một chân lí sống thật vĩ đại!

Cô là một tiến sĩ, cô là thần tượng của tất cả chúng con, cô hay đòi hòi chúng con phải thông minh hơn nữa, khi ấy cô là cô giáo. Nhưng khi cô “thình lình” mua kem cho cả lớp ăn để “xoa dịu” giờ kiểm tra chất lượng căng thẳng, khi cô phát cho mỗi đứa từng cái bánh, bóc cho mỗi đứa từng múi cam, cô thành “mẹ yêu”, mẹ yêu chứ không hiền, vì mẹ bảo chúng con rằng “không ăn là cô đánh đấy…”

Ba năm không ngắn nhưng không dài, chúng con là chuyến đò cuối cùng của cô. Ba năm nữa thôi, cô sẽ dừng lại sự nghiệp mà cô đã cả đời vì nó. Ba năm nữa, chúng con phải xa cô, biết đến khi nào, lũ trẻ dại mộng mơ này mới tìm được một người mẹ yêu như thế?

Tags: Cô Ninh