The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Chuyện nhỏ nhớ lâu

Post by: nhungvh | 12/11/2014 | 6964 reads

Bài tham dự cuộc thi viết về trường

MS 001

 

CHUYỆN NHỎ NHỚ LÂU

Hoàng Việt Anh

(Cựu giáo chức tổ Văn, trường Hà Nội-Amsterdam)

Hình như diện mạo đời sống không được làm nên bởi những điều phi thường mà lại bằng những điều bình thường, thậm chí nhỏ nhặt. Có lẽ vì thế mà bây giờ, sau hơn 10 năm nghỉ hưu, nhớ lại quãng thời gian còn giảng dạy ở trường, tôi không nhớ một sư kiện lớn nào mà chỉ nhớ những chuyện nhỏ. Có hai chuyện tôi nhớ mồn một cứ như nó đang hiện ra ngay trước mắt.

Năm 1986 tôi dạy Văn ở lớp 10 Nga của cô Thu Hương và lớp 10 Sinh của thầy Ban. Lớp Nga thì khỏi phải nói: rất nổi bởi vừa xinh vừa lắm tài. Hôm đầu tôi vào lớp, Hồng lên kể chuyện. (Sau này em là người Việt Nam đầu tiên cắm lá cờ đỏ sao vàng ở Nam Cực) Không biết lớp Nga muốn khoe tài hay muốn câu giờ, chỉ biết hôm đầu tiên tôi đã mất tong một tiết. Lớp Sinh mộc mạc giản dị hơn, nhưng tôi biết đấy là cái mộc mạc giản dị của một thực chất thừa tự tin không cần bộc lộ ra ngoài, đúng với phong cách thầy Ban chủ nhiệm lớp này. Thế nhưng chuyện nhỏ nhớ lâu mà tôi sẽ kể lại không liên quan đến hai lớp này mà dính dáng đến lớp Văn của thầy Hùng và lớp Lý của thầy Nghĩa. Hai lớp này thật ra không thân nhau lắm nhưng lại có hai nhóm chơi với nhau rất thân. Nhóm con gái lớp Văn vừa muốn trêu chọc lại vừa muốn thử tài bọn con trai lớp Lý, mới gửi sang một lá thư viết toàn bằng vần L. Lá thư ấy như sau:

Lớp Lý là lính lục lâm

Lúc lên lớp lầm lì lặng lẽ

Lúc lê la lại lém lỉnh lắm lời

Lớp Lý lai lịch lâm li, lí lẽ lập lờ, lập luận lỏng lẻo

Lêu lổng lại lanh lợi, làm lụng lại lơ là

Lớp Lý lắm lúc lẫm liệt lạ lùng,

lắm lúc lại lầm lì lùi lũi

Liệt

Lá thư trêu chọc này mô phỏng theo lối thơ yết hậu, lối thơ câu kết chỉ có một chữ. Bằng chữ yết hậu “Liệt”, bọn con gái lớp Văn tin rằng bọn con trai lớp Lý phen này sẽ liệt. Nhận được thư, mấy cậu lớp Lý vừa buồn cười vừa tức, nghĩ ra cách mượn từ điển tiếng Việt chép ra hơn một trang những từ có vần V rồi cả bọn xúm lại ghép cho thành câu, rồi thành bài. Ghép được câu hay cả bọn cười rinh rích, thú vị lắm! Cuối cùng, lá thư đáp lại lớp Văn cũng được gửi đi:

Văn vốn vẫn viển vông

Vì vậy vàng vọt vì vấn vương

Vốn văn vá víu. Vì vậy viết vòng vèo vớ vẩn

Vịnh vũng vơi vẫn vui vẻ ví với vô vàn vực

Vóc văn vốn vuông vức

Vì vù vù va vào vạt váy, vẹt vóc văn

Vay vải vóc về vá víu vận vào, vẫn vênh vác

Vứt

Mấy đứa con gái lớp Văn đọc lá thư đáp lại này sẽ như thế nào, tôi cũng chẳng biết.

Chuyện thứ hai xảy ra cuối năm 1992. Lúc ấy tôi vừa nhận lớp 10V2 được hơn hai tháng, không may tôi bị u tuyến giáp. Khối u đã ung thư hóa, đòi hỏi phải mổ ngay. Hôm tôi mổ, các em lớp Văn mặc áo dài, mang theo mấy bó hoa rất đẹp và hai lá thư cảm ơn có chữ kí của học sinh cả lớp đứng chờ bên Đài tiếng nói Việt Nam đối diện với bệnh viện K. Tôi mổ xong không hề biết các em đã sang tặng hoa và cảm ơn cả kíp mổ, rồi lên gặp Ban giám đốc bệnh viện cũng để tặng hoa và gửi thư cảm ơn của cả lớp. Hôm sau thay băng, tôi rất ngạc nhiên thấy bác sĩ Viện trưởng xuống hỏi thăm rất ân cần. Cô y tá thay băng cho tôi xúc động nói: “Từ trước đến nay người nhà bệnh nhân chỉ cảm ơn bác sĩ. Thế mà học trò thầy chẳng những cảm ơn mà còn tặng hoa chúng em. Chúng nó ngoan quá!” Lúc tôi xuất viện, bác sĩ mổ cho tôi nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Học sinh của thầy làm cho tôi tin bọn trẻ bây giờ không đến nỗi nào.” (Sau này cả hai con của ông bác sĩ này đều vào học trường Ams ta).

Đặc biệt hơn nữa, sau thời gian nghỉ dưỡng bệnh, ngày đầu tiên tôi đi dạy lại, các em đã tạo ra một sự bất ngờ khiến tôi nhớ mãi. Sau lễ chào cờ dưới sân trường, tôi bước vào lớp và kinh ngạc vì ngoài lớp Văn của tôi còn có cả lớp Lý của thầy Đạt. Tất cả con gái đều mặc áo dài và tất cả con trai đều thắt caravat. Các em hoan hô mãi làm tôi bối rối. Mấy lần tôi cứ chào ra hiệu cho các em ngồi xuống nhưng các em vẫn cứ vỗ tay. Chỉ sau khi lớp trưởng hai lớp lên tặng hoa với những lời chúc tốt đẹp, các em mới ngồi xuống. Có lẽ suốt cuộc đời, tôi không thể nào quên được giây phút ấy.

Khi kể lại hai mẩu chuyện nhỏ này, tôi vừa thấy tiếc vừa có cảm giác như mình có lỗi vì bỏ qua bao nhiêu kỉ niệm, bao nhiêu gương mặt học sinh thân yêu. Tôi chỉ muốn nói tôi yêu tất cả các em. Đó là tình yêu của một người thầy đã cận kề cái chết, hiểu thấm thía cái gì là quý giá trong cuộc đời này.