Đội tuyển Vật lý thiên văn tham gia kì thi Châu Á – Thái Bình Dương – Lần đầu thử sức ở đấu trường khu vực
Tham dự Olympic Thiên văn Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 12 dành cho học sinh phổ thông năm 2016 (APAO 2016) tại Hàn Quốc từ ngày 17 đến 25-11, đội tuyển Vật lý Thiên văn của Việt Nam có bảy học sinh, và bốn trong số đó là học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Olympic Thiên văn Châu Á – Thái Bình Dương là một cuộc thi được tổ chức thường niên dành cho các học sinh phổ thông (cấp THCS và THPT). Tại đây, các thí sinh sẽ so tài qua những hiểu biết về ngành Vật lý Thiên văn – một phần của ngành thiên văn học có quan hệ với vật lý trong vũ trụ, bao gồm các tính chất vật lý của các thiên thể chẳng hạn như ngôi sao, thiên hà, và không gian liên sao, cũng như các ảnh hưởng qua lại của chúng.
4 thành viên trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam tham gia Olympic Thiên văn Châu Á – Thái Bình Dương
Cùng với kì thi Vật lí Thiên văn Quốc tế, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham dự Olympic Thiên văn Châu Á – Thái Bình Dương. Trước khi đoàn Việt Nam sang Hàn Quốc tranh tài, nhóm phóng viên Ams Wide Web đã có cơ hội trò chuyện và phỏng vấn 4 thành viên là học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam trong đội: Trịnh Đức Việt (10 Toán 1), Nguyễn Hoàng Tùng Lâm (10 Toán 1), Ngô Tăng Thu Hà (10 Sinh) và Trần Sơn Tùng (11 Lý 2).
PV: Trước hết, xin cảm ơn các bạn đã nhận lời phỏng vấn và chúc mừng các bạn đã trở thành thành viên đội tuyển Vật lý thiên văn Việt Nam tham dự Olympic Thiên văn Châu Á – Thái Bình Dương. Chỉ còn 3 tuần nữa là đến kì thi rồi, các bạn cảm thấy như thế nào?
Trước mỗi kì thi lớn thì đương nhiên chúng mình thấy rất hồi hộp, cùng với đó là sự háo hức được tranh tài, thi đấu ở đấu trường khu vực. Mọi người cũng hơi lo lắng vì đây là lần đầu tiên đoàn Việt Nam tham gia, chưa có nhiều kinh nghiệm, thời gian cũng lại gấp rút nên chưa có sự chuẩn bị chu toàn nhất. Song cũng vì là lần đầu tiên nên ai cũng mang tinh thần khá thoải mái, không quá đè nặng áp lực.
PV: Các thành viên trong đội đến từ những lớp chuyên khác nhau chứ không chỉ có chuyên Vật lý, vậy điều gì ở cuộc thi đã thu hút các bạn nhiều đến vậy?
Đức Việt: Có lẽ vì tất cả chúng mình đều có niềm đam mê với Thiên văn – một bộ môn khoa học mới lạ, thú vị mà lại rất thực tiễn. Ở cuộc thi này, các thí sinh không chỉ phải có kiến thức Vật lý mà còn phải có hiểu biết về Vũ trụ như các hành tinh, thiên thể, …
PV: Với một cuộc thi đặc biệt như vậy thì mọi người đã có sự chuẩn bị như thế nào?
Tùng Lâm: Bên cạnh việc được thầy cô trau dồi thêm về lý thuyết, chúng mình còn làm thực hành, ví dụ như sử dụng kính thiên văn để theo dõi các hiện tượng, nghiên cứu về chúng. Mọi người cũng tranh thủ tra cứu, tìm hiểu những thông tin trên Internet để có nền tảng kiến thức toàn diện và chắc chắn nhất.
Các thành viên cùng tìm hiểu, nghiên cứu về Vật lý thiên văn
PV: Quá trình ôn luyện ắt hẳn không thể thiếu những khó khăn, thử thách. Vậy cả đội và mỗi cá nhân đã gặp phải những trở ngại gì?
Đức Việt: Lịch học và thời gian ôn luyện có lẽ là những khó khăn lớn nhất. Tần suất các buổi ôn luyện khá dày đặc, lại còn trùng với thời gian học chính khoá. Địa điểm ôn thi cũng rất xa, ở tận Long Biên cách đây gần 20 km, nhiều hôm học xong cả đội bắt xe về đến trường đã là 10 giờ, 10 rưỡi tối; hay ví dụ như muốn theo dõi kính thiên văn, chúng mình phải sang Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Môi trường học mới cùng các thầy cô mới nên cũng gặp phải chút bỡ ngỡ trong lúc học.
Tùng Lâm: Riêng tớ với anh Tùng hiện tại còn đang trong đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia, cùng một lúc phải học ôn hai đội tuyển cũng rất vất vả, đặc biệt như mình lại còn học đội tuyển môn Toán.
Thu Hà: Mình cùng Việt và Lâm không phải là học sinh chuyên Lý nên nền tảng kiến thức Vật lý cũng không thể vững và đủ hoàn toàn. Song đó cũng là một lợi thế khi chúng mình có thể vận dụng kiến thức các môn học khác vào để có cái nhìn toàn diện nhất. Bên cạnh đó, học đội tuyển Vật lý thiên văn cũng ảnh hưởng đến thời gian và kết quả học tập trên lớp của mỗi người, chúng mình luôn phải cố gắng để cân bằng cả hai việc.
PV: Trong suốt thời gian cùng nhau chuẩn bị, ôn luyện như vậy, các bạn có kỉ niệm nào đẹp giữa các thành viên trong đội không?
Sơn Tùng: Chắc chắn sau này anh sẽ không thể quên những buổi tan học xong, cả đội rủ nhau đi ăn hay những hôm bắt taxi để về trường lúc tối muộn. Cùng nhau trải qua nhiều khó khăn, vất vả như vậy, mọi người dường như hiểu nhau hơn.
Các thành viên trong đội rất thân thiết, cùng giúp đỡ nhau trong quá trình ôn luyện
PV: Câu hỏi này dành cho anh Sơn Tùng, là người anh lớn, anh có cảm nhận như thế nào về các em trong đội?
Sau một thời gian ôn luyện, anh thấy không chỉ các em mà chính anh cũng đã tích luỹ thêm được rất nhiều kiến thức bổ ích, không chỉ phục vụ cho cuộc thi mà còn cho cả sau này. Các em ấy đã trưởng thành hơn rất nhiều, đồng thời cả đội cũng trở nên thân thiết với nhau hơn, chêch lệch nhau có một tuổi nên cũng coi nhau như bạn bè tốt vậy.
PV: Các bạn có thể chia sẻ mục tiêu của đoàn trong lần thi này không?
Đạt được càng nhiều giải thưởng cao càng tốt – song đó không phải là điều quan trọng nhất. Chúng mình mong qua lần thi này sẽ có thêm nhiều trải nghiệm cũng như cơ hội tranh tài ở các đấu trường lớn, tích luỹ thêm kinh nghiệm và giao lưu với bạn bè quốc tế. Mong rằng đây cũng sẽ là bước khởi đầu thật tốt cho đội tuyển Vật lý thiên văn Châu Á – Thái Bình Dương của Việt Nam những năm sau.
Cảm ơn các bạn vì những chia sẻ vô cùng chân thành, thoải mái trong buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Xin chúc tất cả mọi người có thật nhiều những trải nghiệm lí thú và đạt được kết quả thật cao trong kì thi, mang niềm vinh quang về cho Việt Nam và cho mái trường Hà Nội – Amsterdam!
PV: Kim Chi – Văn 1619