The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Mừng ngày 20/11: Thầy Đỗ Lệnh Điện – Có yêu thương, ta sẽ làm được tất cả.

Post by: giangdh | 19/11/2013 | 8277 reads

Trong lễ Meeting Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, tôi đã có dịp được gặp và phỏng vấn một người rất đặc biệt. Đó là Nhà giáo ưu tú Đỗ Lệnh Điện – Nguyên hiệu trưởng của trường. Tuy đây là lần đầu tiên được gặp thầy, và cuộc phỏng vấn cũng chỉ diễn ra trong vài phút, nhưng tôi cũng đã có những cảm nhận đầu tiên, đó là sự trẻ trung, tận tình, chân thành và gần gũi với học sinh của thầy… 

Nhà giáo ưu tú Đỗ Lệnh Điện

1. Đến bây giờ, thầy cảm thấy nghề giáo là nghề chọn người hay người chọn nghề ạ? Nếu là nghề chọn người thì trước kia thầy có ước mơ sau này mình sẽ làm nghề gì không?

Thời buổi bao cấp, tất cả học sinh như thầy đều tốt nghiệp và vào Đại học cả. Thời đó, các thầy cũng chưa được định hướng nghề nghiệp như các em bây giờ, mà chỉ chọn nghề theo xu hướng chung của xã hội, theo bạn bè mà thôi. Ngành nghề là do nhà nước phân, thầy cũng được phân vào ngành sư phạm và môn Lý chứ không được chọn lựa gì cả, cũng chưa có ý thức về nghề nghiệp. Ban đầu thầy cũng chỉ mong sau này mình sẽ làm một nhà nghiên cứu khoa học. Nhưng cuối cùng thực tế lại là nghề giáo. Nhưng sau khi đi dạy thì thật may mắn thầy lại thấy hợp với sở thích cũng như năng lực của mình, tìm thấy niềm vui cũng như sự gắn bó với nghề. Đến bây giờ, thầy cảm thấy rất hạnh phúc vì mình đã chọn được đúng ngành, đúng nghề.


Năm 1999, thầy giữ chức Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam.

Thầy Điện trong một tiết dạy

2. Thưa thầy, cá nhân thầy cảm nhận thấy học sinh trường Ams có những ưu điểm gì và còn tồn tại những nhược điểm nào?

Theo thầy, ưu điểm nổi bật nhất của học sinh trường Ams là năng lực tư duy tốt, có tính tự tin, khát vọng vươn lên rất cao. Đó là điều vô cùng tổt và cần có ở mỗi học sinh hiện nay. Trường mình nhìn chung thì đại đa số là ngoan, ít có vấn đề hơn các trường khác, nhưng không phải là không có chuyện. Xét về vấn đề đạo đức, thầy quan tâm nhất đối với học sinh trường mình là tính cá nhân của học sinh. Thầy thấy dù không phải tất cả nhưng vẫn có một số ít trường hợp chưa có ý thức trách nhiệm với tập thể  (gia đình, nhà trường, xã hội). Các em mặc dù rất giỏi nhưng được gia đình quan tâm săn sóc đến nỗi đôi khi quên mất mọi người mà chỉ nghĩ đến mình. Cái ích kỷ này không chỉ riêng chuyện các em ganh đua nhau từng ly trong việc học hành, ích kỷ còn thể hiện ở ý thức cá nhân: khi các em viết vẽ lên những tấm bàn ghế mới vừa được trang bị, ra về tụ tập rất thoải mái trước cổng trường, chắn lối đi của mọi người … Đó là một tính xấu cần phải được cả xã hội quan tâm và uốn nắn.

3. Thưa thầy, khi thầy còn làm Hiệu trưởng, thầy cảm thấy đâu là cách tốt nhất để quản lý học sinh của trường mình?

Khi thầy là Hiệu trưởng, chắc chắn thầy không thể trực tiếp đi bảo ban từng lớp, từng học sinh. Do đó, cần phải biết tận dụng, gửi gắm các thầy cô giáo, truyền cho thầy cô tinh thần với lớp. Đặc biệt là đối với các thầy cô chủ nhiệm, thầy luôn nhắc nhở điều quan trọng nhất là phải rèn luyện được tinh thần tự giác cho từng học sinh trong lớp.Các thầy cô không thể lúc nào cũng có mặt, vì thế ngay từ chính những bài học lý thuyết trên lớp cũng cần được xen kẽ các bài học về đạo đức, sự tự giác, ý thức trách nhiệm với nhà trường. Một khi đã tự giác thì dù không có thầy cô, các em vẫn làm tốt. Ngược lại, nếu chỉ dung mệnh lệnh để ép buộc học sinh thì chắc chắn sẽ không thể giữ kỉ luật được cho các em học sinh khi vắng bong thầy cô. Các hình thức kỉ luật thì vẫn phải có, bởi đâu đó còn tồn tại một số trường hợp vi phạm cần nhắc nhở và răn đe để làm gương. Nhưng thầy rất hạn chế dùng các biện pháp kỉ luật như thế. Bởi quan trọng là phải biết nêu gương, làm sao khích lệ được cái tốt, cái hay, từ đó phát triển cái tốt và làm giảm cái xấu, chứ không phải ta chỉ chăm chăm đánh nào cái xấu. Mỗi lần tốt đều phải có tuyên dương, khen thưởng, để tốt nhiều lên và cái xấu sẽ ít đi.

Thầy có kinh nghiệm nhiều lần làm trưởng đoàn học sinh giỏi Việt Nam thi quốc tế.

5. Ngày 20/11 đang đến rất gần. Thầy có cảm nhận gì về không khí chuẩn bị và chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam của học sinh trường Ams năm nay không ạ? Thầy thích 20/11 khi thầy còn là thầy Hiệu trưởng hơn hay khi thầy đã về hưu hơn?

Nhìn chung, thầy thấy ngày 20/11 nào trường mình cũng có một không khí rất sôi động. Ai cũng chăm chút cho ngày lễ trọng đại này. Đặc biệt thầy thấy các em học sinh cũng đã rất tích cực học tập và rèn luyện để tri ân cho thầy cô giáo. Còn để nói xem thích ngày 20/11 khi còn là thầy Hiệu trưởng hay khi không còn giữ chức nữa thì quả là khó. Khi thầy còn là Hiệu trưởng. thầy phải có trách nhiệm bao quát tất cả các hoạt động, đôn đốc, nhắc nhở giáo viên, học sinh để sao cho chúng ta có một ngày 20/11 thành công nhất. Còn khi thầy trở lại là một giáo viên bộ môn, thì thầy không còn nhiều trách nhiệm nữa, chỉ đến trường dự 20/11 với tư cách khách mời thôi. Nhưng có lẽ lúc mình nắm giữ nhiều trách nhiệm hơn thì mình sẽ thấy vui hơn thì phải! J

6. Thầy có thể chia sẻ cho chúng em một kỉ niệm đáng nhớ nhất của thầy nhân ngày 20/11 được không?

Mỗi năm thầy đều có những kỉ niệm rất khác nhau về Ngày Nhà giáo Việt Nam. Vì vậy, thầy sẽ chia sẻ cho các em một kỉ niệm, qua đó nói lên mong muốn, suy nghĩ của các thầy cô giáo. Đó là ngày xưa, khi thầy còn đi dạy thêm cho một nhóm học sinh lớp 10. Khi tan học, thầy lấy xe, đi ra ngoài ngõ được khoảng 100m thì có một bạn học sinh chạy đuổi theo thầy và gọi to:”Thầy ơi, thầy ơi, con vui sướng quá!”. Thầy mới dừng lại và hỏi tại sao thì bạn ý trả lời:”Thầy ơi, ở lớp nghe giảng em chẳng hiểu gì cả, hôm nay đến học thầy con mới hiểu vấn đề. Con sướng quá, con phải gặp thầy để nói ngay”. Đó là một kỉ niệm rất vui, rất đặc biệt với thầy. Thầy nghĩ rằng, các thầy cô cũng chỉ mong có thể tìm ra được cách dạy để học sinh hiểu bài một cách dễ dàng nhất.

Ngoài công việc giảng dạy, Thầy Điện còn tham gia dạy học qua mạng

Và ôn thi đại học trên truyền hình

7. Nhân ngày 20/11, thầy có một lời nhắn nhủ gì muốn gửi đến các bạn học sinh, đặc biệt là các Amsers không ạ?

Thầy chỉ xin nhắn nhủ ngắn gọn như thế này: Về mặt ý nghĩa 20/11, thì điều tốt nhất mà các em có thể tri ân thầy cô chính là phải cố gắng, phấn đấu học tập, rèn luyện thật tốt, làm các việc có ích cho bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội. Chính các việc làm ấy của các em sẽ là lời tri ân sâu sắc nhất cho thầy cô. Các em hãy khát khao, vươn lên và thành công, đó chính là điều mà thầy cô mong muốn nhất.

Em xin cảm ơn thầy vì buổi trò chuyện rất thú vị ngày hôm nay ạ! Nhân ngày 20/11, em xin kính chúc thầy luôn luôn mạnh khỏe, vui vẻ, hạnh phúc ạ!

Bên ngoài cuôc phỏng vấn, thầy cũng tâm sự rằng: Với hơn 40 năm đứng trên bục giảng, nghề giáo thực sự là niềm đam mê, là một phần của cuộc đời thầy. Có lẽ đó chính là động lực để thầy quay lại trường Ams giảng dạy dù đã đến tuổi nghỉ hưu, tiếp tục dìu dắt các lớp học sinh đi đến bến bờ thành công. Được thường xuyên ở bên những học trò nhỏ giúp thầy am hiểu về suy nghĩ, ý tưởng và chiều hướng tình cảm của những người trẻ. Điều đó cũng giúp xoá bỏ những rào cản về khoảng cách thế hệ và làm thầy trẻ trung hơn… 

PV: Hà Trang P2 12-15.