The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Vũ Thanh Trung Nam và con đường đến với HCV Olympic Vật lý Quốc tế qua chia sẻ của các thầy cô giáo trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam

Post by: giangdh | 07/08/2014 | 5040 reads

Ngày 20/7, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cả 5 thí sinh của đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Vật lí quốc tế năm 2014 tại Cadắcxtan đều giành được thành tích cao. Đặc biệt, bạn Vũ Thanh Trung Nam – học sinh lớp 11 Lý 1- thành viên nhỏ tuổi nhất của đoàn Việt Nam đã đóng góp một huy chương vàng, viết tiếp trang sử vàng về truyền thống học tập của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Để đạt được phần thưởng cao quý đó, ngoài những nỗ lực không ngừng nghỉ của cậu bạn yêu khoa học Trung Nam, một phần rất lớn trong đó là công lao dìu dắt, chỉ bảo tận tâm của các thầy cô giáo tổ Vật lý: Thầy Nguyễn Xuân Quang – Tổ trưởng tổ Vật lý, GV lãnh đội tuyển Lý; cô giáo Hàn Thu Thủy – GVCN lớp 11L1 và Tiến sĩ trẻ tuổi Đinh Trần Phương – thầy giáo đã từng dìu dắt Vũ Thanh Trung Nam từ ngày cậu còn học lớp 10.

 

(Lần lượt từ trái sang) Thầy Phương, Cô Thủy và Thầy Quang bên hai thành viên của đội tuyển Vật lý trường Ams khóa 10-13 

Trong sự thành công của Nam, không thể không nhắc đến công lao to lớn của các thầy cô

Người đâu tiên mà nhóm website muốn phỏng vấn chính là thầy giáo Nguyễn Xuân Quang - Tổ trưởng tổ Vật lý, giáo viên lãnh đội tuyển Lý năm học 2013 – 2014. Thầy đã có kinh nghiệm giảng dạy môn Lý nhiều năm, đặc biệt là Vật lý nâng cao cho lớp chuyên và đội tuyển. Thầy cũng từng dẫn dắt nhiều đoàn học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam tham dự các kì thi Vật lý ở khu vực và quốc tế đạt thành tích cao. Năm học 2013 – 2014, hai bạn học sinh là Phạm Việt Anh và Phí Trung Đức cùng học lớp 12L1 do thầy Quang chủ nhiệm đã cùng trở thành thủ khoa Đại học khối A1. Khi trò chuyện với nhóm website, thầy Quang đã có những chia sẻ rất ngắn gọn và chân thành về đội tuyển Vật lý:

Thầy giáo Nguyễn Xuân Quang – Tổ trưởng Tổ Vật lý

Thưa thầy, là giáo viên lãnh đội đội tuyển Lý, có lẽ thầy là một trong những người gắn bó với Trung Nam nhiều nhất trong việc học. Vậy thầy có cảm nhận như thế nào về cậu học trò Trung Nam ạ?

Thầy bắt đầu làm việc với Trung Nam từ khi bạn ấy học lớp 9. Trung Nam là học sinh có tác phong học tập khoa học. Tuy không học quá nhiều nhưng Nam biết sắp xếp thời gian hợp lý, biết lúc nào cần tập trung cao độ, lúc nào cần thư giãn cho bản thân. Ngoài ra Nam có giác quan Vật lý khá tốt.

Vũ Thanh Trung Nam

Em thưa thầy, theo thầy thì đâu sẽ là một phương pháp giảng dạy hiệu quả ạ?

Không có một phương pháp nào tối ưu. Phương pháp tùy thuộc vào từng giai đoạn, vào đối tượng. Thầy đánh giá cao sự sáng tạo. Kích thích niềm say mê, tôn trọng sự sáng tạo của học sinh là những điều thầy quan tâm hàng đầu.

Trong thời gian sắp tới, thầy vẫn sẽ tiếp tục dẫn dắt đội tuyển Lý chứ ạ? Thầy có muốn nhắn gửi gì tới các thành viên của đội tuyển Lý sắp tới không ạ?

Các em học chuyên Lý, dù vào đội tuyển hay không đều có những ước mơ, dự định cho riêng mình. Với những em theo đội tuyển, hãy tự tin và có kế hoạch khoa học; các thầy cô sẽ luôn ủng hộ và bên cạnh các em; với những em không trong đội tuyển, tư duy Vật lý luôn có ích cho các em không chỉ hiện tại mà còn trong cả tương lai.

Ngay sau cuộc trò chuyện với thầy Nguyễn Xuân Quang, nhóm Website trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cũng đã có một cuộc phỏng vấn với cô giáo Hàn Thu Thủy – cô giáo chủ nhiệm lớp 11L1 – tập thể lớp mà bạn Nam đang theo học. Không chỉ là một cô giáo truyền đạt cho Trung Nam kiến thức, cô Thủy còn như một người mẹ thứ hai của Nam. Là người gắn bó với Trung Nam từ năm bạn học lớp 9, có thể nói cô Thủy cũng là một trong những người hiểu rõ về Nam nhất.

Cô Hàn Thu Thủy (Đứng ngoài cùng bên phải)

Em thưa cô, là cô giáo chủ nhiệm của bạn Nam trong suốt 2 năm học qua, điều gì làm cô ấn tượng nhất về cậu bạn này ạ?

Ngay từ khi nhận chủ nhiệm lớp 10 Lý 1 thì cô đã đặt niềm tin vào Trung Nam rồi vì cô có tham gia bồi dưỡng đội tuyển lớp 9 một số buổi nên cô sớm nhận ra Trung Nam có khả năng vượt trội so với các bạn về môn Vật Lý.

Ấn tượng nhất về cậu bạn này là sự chăm chỉ, bền bỉ và khả năng tự học khá tốt, đặc biệt là bấm máy tính khá nhanh và chính xác, siêu tiết kiệm giấy nháp. Nhiều năm dạy và chủ nhiệm lớp chuyên Lý, nhất là trong thời gian gần đây thì số học sinh có tinh thần tự học, tự đọc là rất ít, nhưng Nam là một học sinh rất ham đọc sách và học nghiêm túc, giỏi đều tất cả các môn.

Bức ảnh tập thể 11L1 đi đón Trung Nam sau kì thi APhO 2014

Em cũng được biết ngoài việc giảng dạy bộ môn Lý cho bạn Trung Nam, cô cũng luôn là người động viên, ủng hộ tinh thần cho bạn. Cô có “bí quyết” gì để giúp cho bạn Nam không bị áp lực trước các kì thi và sẽ luôn có động lực để hoàn thành thật tốt bài thi không ạ?

Trong hoàn cảnh hiện nay để động viên học sinh vào các đội tuyển là rất khó nhưng cô may mắn là được chủ nhiệm những lớp học sinh rất ngoan, biết nghe lời cô chủ nhiệm. Để các em yên tâm học tốt môn chuyên, cô thường tạo không khí thoải mái và sẵn sàng đồng ý các yêu cầu của các em về các hoạt động ngoại khoá, văn nghệ, thể thao... Bên cạnh đó cô thường xuyên trao đổi với các thầy cô giáo bộ môn để tạo điều kiện cho các em dành thời gian học tốt môn chuyên!

Vì dạy lâu năm cho nên cô rất hiểu học sinh chuyên Lý: Thông minh, năng động nhưng đôi lúc rất mải chơi nên các thầy cô phải rất tâm lí và đôi khi là phải “chiều” theo sở thích của các bạn học sinh một chút. Ví dụ: Cô và thầy Phương dạy đội tuyển vào đúng mùa World Cup, hôm nào có World Cup thì nghỉ hoặc dạy muộn hơn, thỉnh thoảng lại "khao" đội tuyển cho vui...   

Em thưa cô, cô có thể chia sẻ một chút về quá trình từ khi chọn lọc đội tuyển cho đến khi các bạn trong đội tuyển tham gia các kì thi không ạ?

Chọn lọc đội tuyển cũng là cả một nghệ thuật, nhất là đối với lớp 12. Lúc đầu phải động viên các em thi học sinh giỏi thành phố để sau này có thành tích ghi vào học bạ và hồ sơ đi du học. Khi học sinh đã đồng ý học đội tuyển rồi thì lại tiếo tục thuyết phục là cố gắng vào đội tuyển Quốc Gia và đạt giải có "số" để được vào thẳng đại học, sau đó lại động viên phấn đấu vào vòng hai để miễn thi tốt nghiệp... Khi đã dành được huy chương như Nam rồi thì động viên năm sau thi tiếp để mang lại thành tích cho bản thân và khẳng định thương hiệu của trường, là tấm gương cho các em lớp sau noi theo... 

Nói chung là phải từ từ động viên đề tạo thêm niềm say mê cho các em. Quan điểm của cô là phải làm cho học sinh "thích" thì học mới hiệu quả chứ đừng để cho học sinh học vì "sợ" thì không hiệu quả đâu em ạ. 

Và người cuối cùng trong ba thầy cô chính là Tiến sĩ Vật lý Đinh Trần Phương. Là một cựu Amser, vì vậy sau khi tốt nghiệp tiến sĩ Vật lý ở Pháp, thầy đã từ chối những lời mời ở lại nghiên cứu mà đã quyết định quay về nước để giảng dạy ở trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Thầy Phương đã tham gia giảng dạy Vũ Thanh Trung Nam khi mà cậu bạn này mới chỉ bước chân vào cấp 3. Là một thầy giáo trẻ, thầy Phương được rất nhiều các bạn học sinh yêu mến bởi tính cách hài hước, vui vẻ, tâm lí và hòa đồng với học sinh của mình! 

Thầy giáo trẻ Đinh Trần Phương

Em thưa thầy, là người thầy đã dạy Lý cho Vũ Thanh Trung Nam từ những ngày đầu tiên khi bạn mới bước chân vào cấp 3, ngày ấy thầy thấy Trung Nam là một cậu học trò như thế nào ạ?

Ấn tượng đầu tiên của thầy về Trung Nam là một bạn trai ngồi cạnh lớp trưởng Song Hà, một bạn gái rất giỏi lý và cá tính, thì chắc bạn nam này cũng "kinh đây" *cười*.

Trí nhớ của thầy kém nên mỗi khi nhận một lớp mới là bao giờ cũng vất vả để nhớ tên các bạn học sinh. Trừ các bạn gái ra, vì lớp lý ít con gái, thì thầy nhầm lẫn tên các bạn nam là chuyện thường ngày. Tuy nhiên, cái tên Vũ Thanh Trung Nam chắc vì có 4 chữ nên khá dễ nhớ đối với thầy. Nhưng nghĩ kĩ lại thì thật ra cái tên ấy ấn tượng là bởi các bài kiểm tra trên lớp của Trung Nam khá đặc biệt. Nếu không có gì bất thường thì chúng ta không thể tìm thấy dấu cách xuống dòng trong bài của bạn. Con chữ nhỏ nhắn, không tẩy xóa hay gạch bỏ, cách làm luôn ngắn gọn, đáp số luôn đúng, và… không có dấu cách xuống dòng! Nếu bài kiểm tra 90' các bạn khác làm hết 2 tờ đúp thì bài của Trung Nam thường chỉ 2, 3 trang giấy. Nếu có một biệt hiệu để đặt cho Trung Nam thì có lẽ là “Nam ÁNH SÁNG” tại ánh sáng cũng toàn chọn đường đi ngắn nhất.

Trong giờ học, Trung Nam cũng khá trầm ít phát biểu, chỉ những lúc thầy giải sai một chỗ nào đấy trên bảng cần giúp đỡ thì Trung Nam và các bạn giỏi lý sẽ cứu (cảm ơn Trung Nam nhiều nhé). Thế còn lúc chơi điện tử với Trung Nam thì cậu bạn này sẽ lột xác hoàn toàn luôn! Nói chung phương châm là “học hết sức, chơi hết mình” rất phù hợp với Nam.

Một trong những điểm mạnh của Trung Nam cả trong học hành lẫn vui chơi là ở độ tập trung rất cao; ngoài ra, thầy cũng thích tính hòa đồng và biết chia sẻ cùng mọi người ở Trung Nam. 

Thầy có điều gì muốn nhắn gửi tới các em học sinh lớp 9 muốn chọn thi chuyên Lý hoặc còn đang phân vân chưa biết chọn môn nào trong các môn Toán, Lý, Hóa không ạ?

Xin chào các em lớp 9 muốn chọn thi chuyên Lý, trước tiên thầy xin chúc các em học thật giỏi Lý và thi thật tốt, đỗ điểm thật cao vào! Còn với tư cách là một giáo viên Vật Lý trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam thầy hy vọng nếu trong trường hợp đỗ nhiều trường cùng lúc thì các em sẽ chọn Ams và thầy tin các em sẽ cảm thấy lựa chọn ấy là đúng đắn!

Nhân tiện cũng xin chia sẻ luôn là với môn Lý chuyên ở cấp 3, lượng kiến thức mới sẽ nhiều hơn, độ khó cũng tăng lên so với hồi ở cấp 2 nên đòi hỏi các em tính tự học cao hơn. Ngoài ra, đừng ngần ngại trao đổi các vấn đề với bạn bè và thầy cô nhé. Với phương pháp học đúng đắn, các em sẽ thấy môn Lý dễ như đánh vần thôi, và cũng rất hay nữa, thật đấy!

Với những em còn đang phân vân giữa Toán, Lý, Hóa thì theo quan điểm của thầy, lựa chọn cuối cùng của các em bao giờ cũng chính xác. Nhưng hãy sớm đưa ra quyết định, sau khi tìm hiểu đầy đủ thông tin, để có đủ thời gian ôn luyện. Một cách vui vẻ thì thầy nghĩ: bạn nào thích cái đẹp trừu tượng, thấy một hình thể hay một con số đứng một mình cũng đã thích rồi, hay thích tìm hiểu mối quan hệ giữa chúng với nhau (kiểu ô hay nhỉ 1 + 2 = 3) thì sẽ hợp với Toán. Bạn nào thích hiểu về bản chất, quy luật đằng sau các hiện tượng, thích phát minh, sáng chế ra các « vật » (kiểu: cái ô, cái bút…) thì sẽ hợp với Lý. Còn bạn nào thích mỹ phẩm, nước hoa, ảo thuật… thì sẽ hợp với Hóa.

Một bạn học Toán sẽ nói : « Ôi đẹp ! »

Bạn học Lý sẽ hỏi : « Tại sao ? »

Bạn học Hóa thì : « Biến hình ! »   

Nhưng các em cũng nhớ để học tốt các môn tự nhiên thì đều cần phát huy tư duy logic và khả năng tưởng tượng nên dù học Lý hay học Hóa thì cũng đều cần giỏi Toán nhé! Chúc các em thành công!

Em xin cảm ơn các thầy cô rất nhiều vì buổi phỏng vấn cùng những chia sẻ rất thú vị ạ! Chúc các thầy cô sẽ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công trong cuộc sống và sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa cùng với đội tuyển Vật lý!

PV : Hà Trang P2 1215