The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Viết về thầy cô giáo - những người lái đò thầm lặng

Post by: webams | 12/07/2015 | 17509 reads

Những câu chuyện cảm động về sự hy sinh thầm lặng của thầy cô giáo dường như không bao giờ bước đến trang cuối. Không phải ngẫu nhiên, ta trìu mến gọi thầy cô là người cha, người mẹ thứ hai. Công ơn của thầy cô cũng như công ơn của đấng sinh thành, bất tận, bao la như trời biển. Biết bao người thầy vì yêu nghề, yêu trẻ mà quên cả bản thân mình.

Có ai đó đã ví người thầy như người chèo đò và cô cậu học sinh là khách qua sông. Khách qua sông rồi, con đò vẫn như say sưa miệt mài giữa đôi bờ đưa bao thế hệ đi ngang dòng sông tri thức. Còn gì vui hơn đối với những người thầy khi học trò của mình lần lượt trưởng thành ra đời, nhường bước cho những chú chim non mới. Còn gì vui hơn khi những khách qua sông đã nhớ dòng sông cũ, bến đò xưa và cả người chèo đò lặng lẽ.

Ta từng nghe biết bao câu chuyện cảm động về người thầy. Có những người thầy người cô lo cơm ăn, áo mặc, sách vở cho những học trò mồ côi tội nghiệp, thiếu thốn. Các thầy cô thường giúp đỡ học trò có hoàn cảnh khó khăn của lớp mình bằng việc đóng hộ cho gia đình các em một số khoản tiền như tiền bảo hiểm, tiền văn phòng phẩm hay tiền học phí…Một số thầy cô giáo đã tình nguyện phụ đạo, kèm cặp cặp học sinh yếu, học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thu học phí, lại nói vui là làm “bảo mẫu” không công. Có những con người đã từ bỏ cuộc sống no ấm nơi thành thị để tới những miền quê xa xôi, những mảnh đất vùng cao hẻo lánh sương giăng mây phủ, đói nghèo, gian nan để thắp sáng con đường đến với cái chữ. Đó là những nhà giáo vĩ đại với đức hy sinh thầm lặng và to lớn. Có lẽ, đó là những hình ảnh đẹp nhất mà chúng ta sẽ mãi còn được chứng kiến trong suốt đời học sinh..

Ở ngôi trường Hà Nội – Amsterdam của tôi cũng có những câu chuyện có thật đầy cảm động về tấm lòng hi sinh to lớn và nhiệt huyết của người thầy như vậy. Trong một bức thư gửi nhà giáo Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng nhà trường, một nhà giáo trẻ viết: “Em chào cô! Lời đầu tiên cho phép em gửi lời cảm ơn đến trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đã tròn 5 năm từ lúc em bỡ ngỡ bước ra khỏi cổng trường đại học và thật may mắn là em đã được công tác, giảng dạy tại nhà trường.
   Trong thời gian công tác tại trường em đã được học tập và học hỏi rất nhiều. Em xin chân thành cảm ơn các thầy cô trong Ban giám hiệu, các thầy cô giáo trong Hội đồng giáo dục đã giúp em trưởng thành hơn.
   Ở trường, em được nói chuyện với cô rất nhiều và em đặc biệt tâm đắc với những tư tưởng giáo dục mang lại lợi ích cho các em học sinh mà cô chia sẻ với em. VD: ở trường không có chuyện học thêm, dạy thêm. Em đã cố gắng truyền tải mọi kiến thức trong các tiết dạy trên lớp; Cô từng nói với em giáo dục nhiều khi là miễn phí cho mọi người. Lớp 12 Lý 1 em đã dạy 2 năm và trong 2 năm ấy, nhiều học sinh sau khi kết thúc chương trình trên lớp cũng có nguyện vọng được em tiếp tục giảng dạy (vì trong thời gian em dạy các em học sinh không đi học thêm đâu cả).
   Sau đó em tổ chức cho các em học sinh học trong tháng 6 (các ngày thứ 3 5 7 từ 6h-8h sáng) bởi đây là thời gian học sinh cần tỉnh táo nhất trong các buổi thi, một số học sinh trước đây, trước khi thi học rất khuya rồi ngủ dậy muộn nên buổi thi đầu tiên gặp nhiều vấn đề về tâm lý thi cử. Khoảng 1/3 các em học sinh đến nhà em học miễn phí. Và buổi học cuối em có nấu chè đỗ đỏ, đỗ xanh mời các em học sinh…"

 photo 11245481_867049576696292_3429170729118941964_n_zpsm1jz01bh.jpg

Tập thể lớp 12 Lý 1


Bức thư ấy giản dị nhưng ấm áp như chính tấm lòng nhà giáo HN - Ams. Ở một ngôi trường chuyên với những học trò luôn khát khao tri thức, thầy cô không chỉ là những nhà giáo có trình độ chuyên môn vững vàng mà còn phải là người tận tâm, tận lực và nhiệt huyết. Lớp học thêm miễn phí của nhà giáo ấy chỉ là một trong vô vàn những tâm huyết của thầy cô nhà trường. Đó đều là hiện thân tốt đẹp của lương tâm nhà giáo.

Với những người đưa đò, học trò là niềm vui, là nguồn hứng khởi của cuộc sống. Làm nhà giáo là để xây tương lai từ ngay ngày hôm nay, để dành tình thương yêu và mang niềm vui tới cho trẻ nhỏ, cho những ai khát khao tri thức. Làm nhà giáo không chỉ có những bài giảng, những lời dặn dò, mà còn là tình yêu, sự quan tâm, chăm sóc.  Suy cho cùng, sự hi sinh của mỗi thầy cô giáo là quy luật muôn đời. Làm nhà giáo phải quên mình đi để nghĩ nhiều đến người khác. Là làm bãi cát dài nâng mình cho những con sóng, con sóng sau xô con sóng trước, và những con sóng cứ nối đuôi nhau tìm tới những chân trời mới rộng mở trên đại dương bao la của cuộc đời, nhưng bãi cát vẫn nằm đó nhớ hoài những con sóng đã đi qua và bãi cát vẫn luôn dịu dàng đón những con sóng tìm về. Làm nhà giáo là thế, chỉ cho mà không bận lòng nghĩ đến nhận, là con ong chăm chỉ xây tổ gom mật cho đời, là cây thân mộc vươn mình trong nắng gió tỏa bóng mát cho người, là kiếp con tằm đến chết còn vương tơ... Mỗi ngày tới trường gặp gỡ thầy cô – những bóng hình cao cả thân thuộc, tôi cảm thấy thật may mắn và hạnh phúc. Hạnh phúc bởi tôi được học tập trong một ngôi trường nơi có những người thầy không chỉ giàu kiến thức mà còn giàu nhiệt huyết với nghề, yêu mến học trò như người con, người em ruột thịt.

lop hoc mien phi
Lớp học tại nhà miễn phí sáng thứ 3 - 5 - 7 từ 6h-8h

Đức hy sinh là một tinh thần cao thượng của nhà giáo. Không chỉ có những sự hy sinh to lớn làm ta cảm động, ngay cả trong công việc ngày thường, với nhà giáo cũng đã là một sự hy sinh. Có ai biết mái tóc thầy cô đã thêm bao sợi bạc sau những đêm khuya thức bên ánh đèn chấm bài, sửa lỗi cho những đứa trò nhỏ. Có ai biết thầy cô đã nỗ lực hết mình để gần học sinh hơn, để không chỉ là thầy mà còn là bạn, để cảm hóa những học sinh cá biệt, lười biếng … Thầy cô không quản ngại mưa nắng, bệnh tật, thời gian để tận tâm dạy dỗ cho trò nhỏ nên người.

Có lẽ, viết về những người đưa đò thầm lặng ấy, những câu hát tha thiết này đã nói lên tình cảm sâu sắc nhất:

Nếu em là cánh diều
Thì thầy là ngọn gió
Suốt một đời gió thổi
Cho diều em cất cánh bay….”

Người ta nói, lòng cha mẹ như bể lớn vì con. Thầy cô không chỉ có một hai đứa con ruột thịt, thầy cô còn biết bao nhiêu đứa con thương yêu nữa, vì thế mà trái tim người thầy cũng sâu rộng như đại dương vậy.

PV: Minh Ánh – Văn 1316