TÔI THÀNH CÔNG VÀ HẠNH PHÚC LÀ VÌ GIA ĐÌNH VÀ CÔNG VIỆC
Bài tham dự cuộc thi viết về trường
MS 037
TÔI THÀNH CÔNG VÀ HẠNH PHÚC
LÀ VÌ GIA ĐÌNH VÀ CÔNG VIỆC
Nhà giáo Đỗ Hồng Anh
Cựu giáo chức tổ Toán - Tin
Về thể lực, tôi không khoẻ. Hồi nhỏ tôi được mệnh danh “ruồi không buồn đuổi”. Vì thể lực như vậy, tôi chỉ có một con đường: học nghề Sư Phạm. Đối với tôi, nghề nghiệp, và cụ thể - nghề dạy học là công việc gần như định mệnh. Chỉ có điều, định mệnh và sự lựa chọn của tôi là hoàn toàn thống nhất.
Vì sự thống nhất đó, ngay từ nhỏ tôi đã rất có ý thức chuẩn bị nghề nghiệp cho bản thân. Những năm phổ thông trung học, tôi được may mắn học hệ chuyên toán của trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Tại đây, tôi được tiếp xúc với các Thầy Cô giáo rất uyên bác, giàu kinh nghiệm và tận tâm với học sinh. Do ý thức nghề nghiệp hình thành sớm, cho nên thời kỳ đó, tôi đã vừa chú ý học về tri thức, vừa chú ý học về phong cách sư phạm của các Thầy Cô. Và tôi rất chú ý học ngoại ngữ. Ngoại ngữ của chúng ta thời kỳ trước giải phóng miền Nam, khi chúng tôi học phổ thông chủ yếu là tiếng Nga. Tôi đọc và làm bài tập trong các tạp chí tiếng Nga Matrimatrika v’skole (Toán học trong nhà trường), Kvant (lượng tử) và bộ sách Sobran upraznhenhia v’Olipiadiax mira (Tuyển tập các bài toán trong các kỳ thi Olympic Quốc tế)... Qua các tài liệu đó, tôi xưa kia và mãi mãi trân trọng biết ơn nước Nga, một cường quốc về khoa học và giáo dục.
Khi học ở trường đại học, tôi thường chữa bài tập và giảng lại bài cho nhóm, lớp và khối. Sau khi tốt nghiệp, tôi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường đại học. Lúc đó, bộ môn tin học ở nước ta bắt đầu có xu hướng phát triển. Và tài liệu viết bằng tiếng Nga thì rất thiếu. Tôi lại phải học ngay tiếng Anh để đọc trực tiếp các tài liệu tin học do nước ngoài xuất bản và giao diện với máy tính.
Với các tri thức tiếp nhận bằng hai ngoại ngữ, tiếng Nga và tiếng Anh, tôi đã thực hiện rất hoàn hảo và bảo vệ tốt luận án phó tiến sĩ khoa học với đề tài dùng máy tính như một công cụ dạy học toán. Đây là một đề tài rất có giá trị lý luận và thực tiễn và ngày càng có ý nghĩa hơn vì xu hướng đổi mớí dạy học toàn thế giới đều đang vươn tới sử dụng các thành tựu hiện đại nhất của thế kỷ - CNTT. Phần mềm dạy học toán của chúng tôi rất tiện dụng, dễ dùng, bao hàm các tri thức toán học nền tảng cơ bản nâng cao từ các tạp chí toán học quốc tế uy tín, cho nên được đánh giá cao ở nhiều nước, nhất là ở các nước mạng tin học phát triển, máy tính thâm nhập vào ngõ ngách từng gia đình mà chi phí lập trình phần mềm đắt.
Tôi thành công và hạnh phúc là vì gia đình và công việc. Điều đó có nghĩa là trong công việc, tôi thành công là phần lớn nhờ gia đình, vì gia đình, và cũng vì chính công việc nữa.
Khi còn nhỏ, và học phổ thông, tôi và tất cả anh em được cha mẹ hết lòng nâng niu chăm sóc. Những năm chiến tranh phá hoại, chúng tôi sơ tán về quê ở làng Tái Kênh (Nam Định), tuần nào cha tôi cũng đạp xe hàng trăm cây số xuống thăm chúng tôi rồi lại lặn lội trở về làm việc. Hành trình đi về như thế đều phải bắt đầu vào buổi tối để tránh máy bay bom đạn, chúng thường oanh tạc ban ngày. Rồi cha tôi mầy mò mua sách, tìm Thầy dạy kèm thêm cho chúng tôi. Còn mẹ chúng tôi thì tần tảo sớm khuya để làm lụng nuôi nấng chúng tôi. Hồi nhỏ, chúng tôi học hành thành đạt là nhờ sự chăm sóc, lo toan hết lòng của mẹ cha mình.
Khi tôi lập gia đình thì gia đình riêng của tôi cũng vẫn là nhân tố chính giúp tôi thành công. Chồng tôi là người yêu thương tôi rất mực. Tôi nghĩ, người phụ nữ thành công không thể là người bị chồng ruồng bỏ, và người phụ nữ bị ruồng bỏ cũng không thể thành công. Tôi thành công vì tôi có một người chồng chính trực, tận tuỵ và nhiều hoài bão. Chúng tôi làm lễ cưới khi cả hai đều đang làm nghiên cứu sinh. Năm tôi viết luận án, chồng tôi đã làm mọi việc: nhà cửa, con cái, đón đưa, phụ trợ và nhiều khi chủ lực việc gia đình... Anh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tôi hoàn thành công việc. Bấy giờ máy tính còn hiếm. Tôi phải chạy nhờ máy tính của một số cơ quan vào buổi tối vì ban ngày máy bận. Anh đưa tôi đến phòng máy và trong thời gian chờ đợi, anh đã tự đọc tài liệu và học khá thành thạo việc sử dụng máy để viết và in luận án hoặc các bài báo của mình. Anh lại còn tranh thủ đi dạy thêm cho một số trường học chất lượng cao và trung tâm luyện thi đại học có uy tín của Hà Nội. Khi thi nghiên cứu sinh, anh đã có bằng nâng cao ĐHSP ngoại ngữ loại xuất sắc và dịch một số tác phẩm văn học Nga cho báo chí, vì vậy những lúc giải lao và đôi khi thường ngày, chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Nga để ôn luyện ngoại ngữ phục vụ việc thi tối thiểu.
Gia đình tôi là một gia đình Việt Nam rất bình thường, ở đó mỗi thành viên đều hết sức tôn trọng nhau, hết lòng vì nhau, tận tâm tận lực cho nhau. Tôi là một phụ nữ Việt Nam bình thường cho nên tôi cũng sống như vậy. Tôi luôn ghi nhớ và cố gắng thực hiện lời dạy của người xưa: "Gái có công thì chồng không phụ". Khi con đầu của tôi mới bảy tháng tuổi ở nhà với ông bà, bị bỏng rất nặng, chúng tôi đã phải mất bốn năm chữa chạy cho cháu mà hậu quả vẫn còn chưa giải quyết xong. Di chứng bỏng không thể khắc phục hết được, ngay cả sau khi giải phẫu chỉnh hình phục hồi chức năng. Và ai có thể nói được hết ảnh hưởng của những đợt tiêm kháng sinh liều cao kéo dài, những thuốc gây tê, gây mê, gây ngủ... đối với con trẻ non nớt như cháu? Khi con thứ hai của chúng tôi vừa được hai tháng tuổi thì chồng tôi bị tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, tưởng không qua khỏi, tôi lại ngược xuôi thăm chồng, chăm con. Lúc khoẻ mạnh anh đã hết lòng vì tôi, nên tôi cũng hết lòng vì anh như vậy. Bây giờ, sau khi tai qua nạn khỏi tôi mới thật thấm thía về ý nghĩa của sự bình yên và sức khoẻ đối với cuộc sống con người. Bởi vì chỉ khi bình yên và khoẻ mạnh thì người ta mới có thể toàn tâm, toàn ý để "an cư lạc nghiệp" được.
Tôi bước vào nghề sư phạm, như đã nói, là định mệnh. Định mệnh khiến tôi luôn bốc máu nghề nghiệp. Khi giảng dạy, bao giờ tôi cũng rất cặn kẽ, tỷ mỷ, chu đáo với từng học sinh. Có thể nói dường như với mỗi học sinh tôi đều có một chương trình riêng. Khoa học giáo dục gọi cái đó là cá biệt hoá, dạy sát đối tượng, lấy học sinh làm trung tâm. Những vấn đề trên là rất có ý nghĩa thực tiễn. Bởi vì phải sâu sát như thế thì mới nâng dần các cháu lên được. Vì tận tuỵ, tận tâm, tận lực với học sinh nên nhiều em dù đã đoạt giải cao trong các kỳ thi toán quốc tế, đã từng du học và tốt nghiệp cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ ở các nước, trong quá trình học và được mời làm việc ở nước ngoài, thỉnh thoảng lại có em về thăm tôi. Học sinh của tôi, chí ít là học đại học trong nước, (học trong nước với các em không phải là bất tài, mà có lẽ là số phận) thì hàng năm cũng vẫn có nhiều dịp tập trung hội họp tại nhà tôi. Tôi nghĩ, đó là phần thưởng to lớn nhất với tôi, vì người Thầy giáo giảng dạy thành công phải là người Thầy mãi mãi ở trong tâm trí học sinh của mình.
Hội đồng giáo dục trường chuyên Hà Nội - Amsterdam năm 2000