The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

[MỪNG NGÀY 20/10]: Cô giáo Nguyễn Thùy Linh - Điện tích điểm của chúng tôi

Post by: trangdh | 20/10/2014 | 3521 reads

Coi cô là một điện tích điểm. Vậy, môi trường bao quanh cô được gọi là điện trường. Điện trường tác dụng lực điện lên các điện tích khác đặt trong nó. Điện tích khác chính là chúng tôi - những học trò nhỏ bé của cô.

Ôi những ngày tháng 10! Buổi sớm, cái tiết trời se se lạnh của mùa thu, chăn ấm đệm êm làm ta cứ muốn nấn ná mãi trên giường không thôi. Tại sao gió thu cứ vuốt ve mí mắt tôi mãi thế? Những ngày này, đi học quả là "cực hình" với bao học sinh. Ngay cả tiếng chuông báo vào tiết 1 reo réo rắt cũng nào có thể dễ dàng đánh thức được những dáng người mệt mỏi cứ gà gật trong lớp. Nhưng, dù có mệt đến mấy, hãy cùng 11 Pháp 1 chúng tôi bước vào tiết Vật lí của cô giáo Nguyễn Thùy Linh xem!

Ấn tượng ban đầu của cả lớp về cô là tốc độ nói rất nhanh và to. Với cái tập thể "lờ đờ", "lơ đãng" chúng tôi, những buổi học đầu sao mà khó khăn đến thế! Rồi dần dần thành quen, tiết Vật Lí là tiết học duy nhật mà cả lớp 100% tỉnh như sáo. Tốc độ của cô thành liều thuốc quý giúp cả lớp tập trung vào bài.

Cô giáo Thùy Linh của chúng tôi! Cô chẳng mơ ước trở thành Giáo viên đâu. Mục tiêu hướng đến của cô thời còn cắp sách đến trường là Đại học Bách khoa. Nào ngờ, năm lớp 12, vì hâm mộ thầy giáo dạy Lí mà cô chọn theo ngành Sư phạm. Cô kể lại: "Những ngày đầu đi dạy, cô từng cảm thấy stress vô cùng và hối hận vì chọn Sư phạm. Mới ra trường, còn trẻ, cô mong muốn được làm việc trong môi trường có nhiều người trẻ như mình để cùng học hỏi. Vậy mà ở trường, mỗi tháng chỉ họp chuyên môn một lần; nhiều khi đến trường, vừa rót được chén nước thì chuông reo lại phải tất tả lên lớp. Không có nhiều cơ hội để trò chuyện, học hỏi." Cô cứ tự mày mò, tìm các phương pháp giảng dạy thích hợp, tạo niềm vui trong nghề cho mình. Với cô, "công việc trồng người" đầy áp lực. Làm sao để truyền thụ được kiến thức cho những khuôn mặt thờ ơ, không quan tâm đến bài giảng? Làm sao giúp các em học tốt Vật Lí? Đặc biệt, việc giảng dạy theo cô phải có sự hợp tác từ hai phía. Học sinh có sôi nổi, hào hứng thì giáo viên mới dạy tốt được. 

Giờ đây, được lên lớp đã trở thành niềm hạnh phúc với cô: "Tiếp xúc với học sinh, cô cảm thấy tâm hồn trẻ trung ra. Thỉnh thoảng nói đùa cùng các em, kể cho các em nghe những câu chuyện vui, nhìn nụ cười của các em mà mình còn thấy vui hơn. "Sau những giờ phút vui vẻ, cô thường nói: "Vui thì vui thật! Nhưng không thể quá hoà đồng, thân thiết với các em không thì nói cấm có đứa nào nghe, nhờn hết." Công việc tưởng như nhàm chán vì năm nào cũng lặp lại khối lượng kiến thức như nhau mà thật thú vị. Mỗi lứa học sinh là một trải nghiệm khó quên, để lại biết bao kỉ niệm trong cô.

Khi hỏi tình yêu là gì? Chắc mọi người đều có một câu trả lời riêng cho bản thân mình như là: yêu thương nhau, chăm sóc lẫn nhau, nghĩ về nhau, lo lắng cho nhau, bên cạnh nhau mãi mãi… và những thứ na ná như thế. Cô Thùy Linh của chúng tôi cũng yêu thương chúng tôi, luôn quan tâm, lo lắng cho, trăn trở làm sao để học sinh tiếp thu bài dễ dàng, hiệu quả nhất; kiến thức, tình cảm của cô sẽ theo chúng tôi mãi sau này... Vậy cũng là tình yêu rồi ! Tình yêu của cô còn lớn lao hơn bao nhiêu: dành trọn cho học sinh, cho sự nghiệp trồng người đáng quý. Tình yêu đó là nguồn sức mạnh, là ngọn lửa thắp sáng tri thức cho chúng tôi.

Nhân ngày 20-10, con chúc cô ngày càng xinh đẹp, mạnh khỏe, có nhiều niềm vui trong cuộc sống và thành công trong công việc!

PV: Kiều Trang P1 1316