Mừng ngày 20-11: Cô Nguyễn Thị Kim Dung – “Người mẹ” dạy chúng con cả những bài học làm người.
Nghề giáo hằng bao đời nay luôn là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý, bởi đó còn là nghề trồng người. Cũng chính vì thế các thầy, cô giáo là những người cha, người mẹ thứ ha của mỗi người. Tôi muốn kể với các bạn về “người mẹ thứ hai” của 10 Sử, “người mẹ” nghiêm khắc nhưng luôn yêu học sinh bằng cả trái tim mình.
Em thưa cô, điều gì đã đưa cô đến với nghề giáo ạ ?
Thực ra cô nghĩ là nghề chọn người con ạ. Không phải là cô chọn ngay từ đầu đâu, mà đấy là cái duyên của cô được đi theo con đường này. Và thực ra là bây giờ cô vẫn rất hạnh phúc vì đã được chọn theo nghề giáo.
Mỗi người có một quan điểm khác nhau, nhưng hầu hết cứ nói rằng Sử là một môn khô khan và học được nó đôi khi cũng thật mệt mỏi vì nó không thể khiến học sinh hứng thú. Vậy là một giáo viên dạy Sử, cô nghĩ sao về ý kiến này ạ? Và con cũng thắc mắc cô đã thay đổi quan điểm đấy như thế nào mỗi khi đứng trên bục giảng?
Thực ra nói một cách khách quan thì Lịch Sử không hề khô khan đâu, mà nó vô cùng hấp dẫn và sinh động. Thế nhưng cô nghĩ rằng cái này cũng phải nhận lỗi về những người dạy Sử. Không hẳn là tất cả nhưng đề làm nó bị khô khan thì thứ nhất cô nghĩ một phần là do người dạy; và thứ hai là mình phải đảm bảo học sinh phải qua được các kì thi, và các kì thi đó đòi hỏi học sinh phải nhớ về những con số, sự kiện. Điều đó buộc học sinh phải nhớ những thứ như thế, và khiến học sinh rất sợ học Sử là một điều tất yếu. Để học sinh có thể yêu thích môn học thì giáo viên phải truyền cho học sinh của mình đam mê, một cái sự hứng thú say mê mà sau đấy các con sẽ tự đi tìm hiểu.
Dường như cuộc sống bây giờ khiến học sinh cần phải có những thứ nhiều hơn kiến thức để có thể vững bước bước vào cuộc sống. Chính vì vậy mà điều cô luôn muốn truyền tải tới học sinh ngoài những bài giảng kiến thức đơn thuần là gì ạ?
Ngoài việc tạo cho các con sự say mê hứng thú tìm hiểu kiến thức, cô mong muốn là qua các giờ dạy của cô nhiều hơn là dạy các con cách làm người, cái cách các con cư xử trong cuộc sống ngay bây giờ, ở trường, ở gia đình và ngay cả khi các con đã trưởng thành. Và cô vẫn rất trăn trở một cái điều là bản than chúng ta là những người Hà Nội, là những Amsers, ngoài cái trách nhiệm là chúng ta phải trở thành những con người hoàn hảo như mình mong muốn thì mình còn mang những gánh nặng nữa với Hà Nội, với trường Hà Nội-Ams. Bởi việc, mỗi điều mình thể hiện ra có lịch lãm hay không thì nó không còn là cá nhân mình nữa, nó là đại diện cho Hà Nội, đại diện cho trường Ams.
Cô thực sự là một giáo viên rất tâm lí với học sinh và thật sự là cô như hiểu từng người chúng con. Vì vậy mà chúng con coi cô như một người mẹ chung thứ hai vậy. Chúng con thắc mắc điều gì khiến cô có thể tâm lý, hiểu học sinh và được học sinh yêu quý như vậy ?
Tất nhiên là trông tập thể sẽ có những bạn quý cô, sẽ có những lúc có bạn không bằng lòng với cô vì cô mắng, kỉ luật chẳng hạn.Nhưng thật sự mỗi khi nghĩ đến 40 đứa học sinh lớp 10 Sử của mình, cô đều cảm thấy một tình yêu thương rất là lớn. Cô nghĩ cô cũng không thể tâm lý với tất cả mọi người đâu, nhưng cô luôn coi 40 bạn ở lớp này là con trai, con gái cô vậy. Cô không cố là mình phải như thế này, như thế kia với học sinh. Điều đấy là rất tự nhiên. Trong lòng cô, cô luôn yêu thương các con như chính con đẻ của cô vậy.
Ngày 20-11 đang đến. Chúng con cũng tò mò muốn biết là người Thầy, người Cô nào mà cô mong muốn gặp lại nhất ạ?
Thực ra là có rất nhiều thầy cô mà cô mong muốn được gặp lại, nhưng đúng là điều kiện không cho phép. Đúng là 20-11 nào cũng nhớ về tất cả các thầy cô đã dạy mình, nhưng nếu bảo là một người mà nhớ nhât thì chắc là cô giáo dạy văn của cô hồi lớp 6. Cuối học kì 1 thì có một cô giáo rất trẻ vào và chủ nhiệm lớp cô. Lúc lớp đấy rất tự kiêu vì nghĩ mình là khoá học sinh giỏi nhất của trường, hơn cô giáo cũ cũng dạy rất hay thành ra là chưa thật sự tin cô giáo mới. Thế rôì cô vào chủ nhiệm, dạy văn với một không khí rất nặng nề. Nhưng rồi sau một học kì, qua những bài giảng văn của cô, hay qua những lần đi tham quan của lớp thì đúng là cô cư xử rất tuyệt vời. Thậm chí bây giờ cô có những điều mà cô vẫn trăn trở là chưa thể làm được với học trò của mình. Đó thật sự là một cô giáo không chỉ dạy chữ, mà còn dạy cả làm người nữa con à.
Này 20-11 là ngày mà cả xã hội bày tỏ lòng biết ơn đối với nghề giáo, tri ân thầy cô. Liệu cô có thể kể cho chúng con nghe về món quà ý nghĩa nhất mà cô từng nhận được trong ngày này không ạ?
Thật sự thì ngày 20-11 cô nhận được rất nhiều món quà. Nhưng món quà mà cô nhớ nhất thì có lẽ cũng lâu rồi. Đó là khi cô chủ nhiệm, có một anh rất là nghịch, hay đánh nhau, bị cô phê bình, kỉ luật rất nhiều. Đó thật sự là một học trò làm cô vất vả. Rồi sau đó tầm 1 hay 2 năm, có một hôm cô đang đi ở sân trường thì có một bóng người chạy tới và cầm một món quà, vừa chạy vừa gọi: “Mẹ Dung ơi mẹ Dung! Con tặng mẹ Dung quà nhân ngày 20-11 ạ…”. Thật sự thì lúc đấy cô không để ý món quà đâu, mà cô bị cái tiếng gọi “Mẹ Dung” cuốn đi, bởi không nghĩ rằng học trò mà ngày xưa mình nghĩ là hư như thế bây giờ lại trưởng thành và gọi mình bằng tiếng “mẹ” thân thương như vậy. Và cô nghĩ rằng trong vô vàn món quà mình từng nhận được trong ngày 20-11 thì đó là món ý nghĩa nhất.
Vâng. Em chân thành cảm ơn cô đã tham gia buổi phỏng vấn ạ. Em xin chúc cô có ngày 20-11 sức khoẻ, hạnh phúc cùng nhiều thành công mới trong cuộc sống! Và 10 Sử yêu cô rất nhiều ạ.
PV: Nguyễn Lê Quế An (Sử 13-16)