The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

'Học trò cũng có thể là... thầy mình'

Post by: hn-ams | 11/11/2013 | 3871 reads

Việc lấy ý kiến phản hồi của học sinh đối với giáo viên không phải là một việc quá mới, nhưng đây là lần đầu tiên có một giáo viên đứng ra biên soạn một bộ gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm và một câu hỏi mở, cho học sinh bày tỏ cảm nhận của riêng mình về thầy cô.

Khảo sát gần 5.000 ý kiến học sinh ở 3 trường THPT để "Xây dựng bộ công cụ thu thập ý kiến phản hồi của học sinh về các thầy cô giáo ở trường THPT" – Đề tài khoa học của thầy giáo Phùng Hồng Cổn, giáo viên bộ môn toán Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) vừa được các thành viên của Hội đồng nghiệm thu đánh giá là rất cần thiết trong quá trình nâng cao chất lượng dạy, học ở các nhà trường.

Chấm điểm thầy là bình thường

Vì sao ông lại thực hiện đề tài nghiên cứu này, khi mà có thể nhìn nhận rằng đây là công việc mà người quản lý phải thực hiện, chứ không phải là trách nhiệm của một giáo viên?

- Trong thời đại Internet hiện nay, thông tin về mọi lĩnh vực của cuộc sống được cập nhật thường xuyên và lưu chuyển rộng rãi, nhanh chóng. Những thông tin nhận xét, đánh giá về các thầy cô giáo và nhà trường cũng không nằm ngoài trào lưu này. Tuy nhiên, do tính chất tự phát nên những đánh giá của học sinh trên Internet về thầy cô thường tản mạn, đôi khi lệch lạc, thậm chí cực đoan.

Là giáo viên dạy môn toán, chưa từng làm quản lý nhưng tôi thích tìm tòi, nghiên cứu. Qua thực tiễn nhiều năm dạy học tôi thấy chưa bằng lòng với cách lấy ý kiến học sinh kiểu truyền thống mà nhiều trường vẫn làm: Cho học sinh trả lời vào giấy năm bảy câu hỏi kiểu như: Thầy (cô) dạy thế nào? a) Dễ hiểu; b) Bình thường; c) Khó hiểu. Hay: Kiến thức thu nhận được: a) Rất tốt; b) Tốt; c) Chưa tốt….

Rồi tôi “lang thang trên mạng”. Tôi thấy thế giới người ta làm việc này từ lâu rồi, họ coi học sinh chấm điểm thầy cô giáo là việc rất bình thường. Tôi nghiên cứu lý thuyết, biên soạn bộ câu hỏi, thực nghiệm… và đến nay Đề tài đã được nghiệm thu.

Khó khăn nhất khi thực hiện đề tài này là gì, thưa ông?

- Khó khăn và trăn trở nhất với tôi là làm sao lập ra được hệ thống câu hỏi với những phương án trả lời phù hợp với tâm lý học sinh THPT, phù hợp với chương trình giáo dục hiện nay. Tôi đã lập bộ câu hỏi, tham khảo ý kiến đồng nghiệp trong trường, rồi đưa lên mạng tham khảo ý kiến đồng nghiệp và cha mẹ học sinh cả nước. Sửa chữa nhiều lần mới có được kết quả hôm nay.

Ông suy nghĩ gì khi đưa vào bộ câu hỏi những câu như “Thầy cô có hay trù úm học sinh không?”, “Thầy cô có lấy giờ học để làm việc khác không?”… Có phải đây là những hiện tượng vẫn gây nhức nhối trong giảng đường?

- “Gây nhức nhối trong giảng đường” thì không hẳn, nhưng đâu đó vẫn xảy ra những hiện tượng như vậy. Trên báo chí của các bạn chẳng từng có những tít như “Phụ huynh kêu trời vì không thể không cho con học thêm” đó sao. Nhưng phải nói ngay với bạn, ở trường THPT thì học sinh đã “lớn khôn”, ít có hiện tượng “bắt học thêm phải học thêm”. Với câu hỏi này tôi phát hiện ra một số giáo viên bị oan. Đó là trường hợp có những cô giáo rất tốt, rất nghiêm khắc, nhưng chỉ vì cách ứng xử với học sinh chưa phù hợp nên bị học trò cho là cô trù úm. Còn “lấy giờ học để làm việc khác” thì không nhiều nhưng có đấy, chẳng hạn: Nhắn tin, lướt web...Những thông tin này “có giá” với hiệu trưởng lắm đấy (cười).

Sẽ có thầy cô không được học sinh mến

Ý kiến học sinh thường hay chủ quan, thường dựa trên cảm tính nên dễ dẫn đến sai lệch. Ông có biện pháp nào để hạn chế điều này?

- Để hạn chế điều đó tôi đã nghiên cứu kĩ tâm lý học sinh THPT, đưa ra những câu hỏi và các phương án trả lời phù hợp độ tuổi và môi trường sinh hoạt, học tập. Câu hỏi mở là nơi học sinh bộc lộ những suy nghĩ, cảm nhận của các em về những mặt chưa được đề cập đến trong 20 câu đóng ở trên. Hơn nữa, ở trường THPT các thầy cô dạy ít lớp (môn Toán, Văn, Ngoại ngữ) thì cũng dạy khoảng 150 học sinh, các thầy cô dạy nhiều lớp như môn Sử, Địa, Giáo dục công dân… có thể dạy tới 500 học sinh. Với số đông như vậy thì “sai lệch” chắc chắn không đáng kể.

Với chia sẻ của một số lãnh đạo trường ĐH, THPT đã từng thu thập ý kiến phản hồi của học sinh đối với giáo viên, thì “đau đầu” nhất chính là khi tập hợp được kết quả phản hồi. Sử dụng kết quả thu được sao cho có hiệu quả và không gây căng thẳng trong nhà trường là một việc không dễ dàng. Ý kiến của ông về vấn đề nhạy cảm này như thế nào, có nên công khai kết quả?

- Việc lấy ý kiến học sinh thì trước đây nhà trường đã từng làm nhưng chỉ ở mức độ đơn giản với vài câu hỏi, chưa sử dụng phương pháp thống kê một cách khoa học. Lần này việc lấy ý kiến học sinh được thực hiện theo một qui trình khoa học, chặt chẽ, có sự chuẩn bị chu đáo một thời gian dài, vì vậy kết quả được sự mong đợi của nhiều người. Qua tìm hiểu tôi nhận thấy một số biểu hiện của các thầy cô giáo khi nhận được kết quả học sinh “chấm” mình, có nhiều thầy cô vui vẻ, phấn khởi khi được xếp thứ cao và được nhiều học sinh khen ngợi trong phần Góp ý.

Trong khi đó có lời tâm sự “Có người rất buồn, giá mà kết quả chỉ đưa riêng từng người”. Có cô còn bộc lộ “Mấy ngày đầu em nghĩ khó còn có thể đủ nhiệt tâm và sự tự nhiên như trước”… Một giáo viên khác nhận định “Không nói ra nhưng mỗi người sẽ tìm ra cho mình những chỗ phải điều chỉnh”.

Cảm xúc của một người trước một sự việc đương nhiên là chuyện rất riêng tư; cách ứng xử đối với học sinh cũng là chuyện riêng của mỗi thầy cô. Tuy nhiên, đây là một Đề tài khoa học, nên theo tôi cần nhìn nhận sự việc ở góc độ khoa học.

Trong quá trình làm trắc nghiệm không thể tránh khỏi tình trạng: Học sinh quí mến thầy cô A thì có xu hướng tích vào phương án a, ngược lại nếu thầy cô B không được học sinh quí mến thì thường bị tích vào phương án d hoặc c. Đề tài này chấp nhận một tỉ lệ nhất định sự cảm tính như vậy.

Giáo viên được nhiều hơn mất

Theo ông, giáo viên được gì, mất gì khi nhận kết quả phản hồi?

- Theo tôi giáo viên không mất gì, mà chỉ có được. Được hiểu chính mình hơn, hiểu ra mặt mạnh, mặt yếu của mình; hiểu nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, từ đó có động lực để học tập, rèn luyện tay nghề. Có câu: “Ai chỉ ra đúng khuyết điểm của ta là thầy ta”. Học trò có thể làm thầy mình - Tại sao không?

Ông nhận xét như thế nào về sự tiếp nhận của các nhà trường đối với việc lấy ý kiến phản hồi của học sinh? Ông có “dự đoán” thế nào về việc liệu đề tài nghiên cứu này sẽ được áp dụng rộng rãi?

- Ông hiệu trưởng ủng hộ tôi ngay từ khi làm đề cương đề tài. Khi thử nghiệm cả trường chung tay cùng thực hiện. Về phía giáo viên, hầu hết giáo viên trường tôi bình thản đón nhận ý kiến phản hồi của học sinh. Mặc dù đâu đó có thể có giáo viên, có trường còn e ngại với việc này, nhưng tôi hy vọng sự e ngại đó sẽ qua nhanh và đề tài này sẽ được áp dụng rộng rãi.

Qua việc tổng hợp kết quả, ông nhận thấy học sinh bây giờ nhìn nhận về giáo viên như thế nào?

- Nói riêng về kết quả phản hồi của học sinh trường THPT Phan Đình Phùng, thì đối với các em, đa số các thầy cô đều giỏi, hầu hết đều đạt từ 8/10 điểm trở lên.

Nhiều học sinh bây giờ rất chín chắn, có những nhận xét rất sâu sắc về thầy cô. Các em không còn quá trẻ con như chúng ta vẫn tưởng. 

Xin cảm ơn ông.

(Theo Vietnamnet)