Israel đào tạo công nghệ robot cho học sinh Việt Nam
Từ ngày 2-11/8, các giáo viên và học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã tham gia một chương trình đặc biệt về công nghệ robot và khởi nghiệp tại trường trung học HaKfar HaYarok của Israel.
>> Cùng Amser tham dự FIRST Robotics Competition
Đây là lần đầu tiên một trường trung học của Việt Nam và Israel hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Với mục tiêu trang bị những kiến thức cơ bản nhất về công nghệ robot, từ đó trở thành những hạt nhân cho việc thúc đẩy việc thành lập một trung tâm robot đầu tiên tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, các thành viên trong đoàn đã được chia thành các nhóm nhằm tìm hiểu chuyên sâu về các lĩnh vực trong ngành chế tạo robot như phát triển mô hình, lập trình…
Bên cạnh các khóa học về robot, đoàn học sinh Việt Nam cũng được trải nghiệm một môi trường khởi nghiệp năng động tại trường HaKfar HaYarok, nơi được coi là một trong những môi trường khởi nghiệp trẻ nhất tại Israel.
Đoàn học sinh Việt Nam tại trường HaKfar HaYarok. |
Chia sẻ với các học viên Việt Nam trong cuộc gặp cuối khóa học, Đại sứ Israel tại Việt Nam Meira Eilon Shahar nhấn mạnh rằng hợp tác giáo dục là một trong những trọng tâm trong quan hệ hợp tác giữa Israel và Việt Nam. Các chương trình hợp tác giữa trường PTTH Hà Nội - Amsterdam và HaKfar HaYarok là bước khởi đầu cho việc giúp Việt Nam phát triển một mô hình đào tạo đang rất thành công tại trường HaKfar HaYarok trên các lĩnh vực như công nghệ robot, phát triển các ý tưởng khởi nghiệp, phần mềm mạng…
Trong thời gian sắp tới, Đại sứ quán Israel tại Hà Nội cùng với Tập đoàn FPT và nhóm GreenBlitz, một trong những đội tuyển robot từng giành một số giải thưởng quốc tế của trường HaKfar HaYarok, sẽ hỗ trợ thành lập một trung tâm robot đầu tiên tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, với hạt nhân là những học viên trong chương trình hợp tác lần này.
Phát triển công nghệ robot là một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới hiện nay. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng đầu tư vào ngành công nghệ robot với việc hình thành nhiều trung tâm nghiên cứu về robot, song các hoạt động này vẫn đang ở giai đoạn khởi phát và tiềm năng.
Ở cấp độ đào tạo, ngành công nghệ robot mới được đưa vào nghiên cứu giảng dạy trình độ đại học và gần như chưa được đầu tư cho bậc trung học. Do vậy, việc thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển robot tại trường Hà Nội - Amsterdam không chỉ là một bước tiến đáng kể nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp robot Việt Nam trong tương lai, mà còn góp phần tạo ra một môi trường khởi nghiệp cho các tài năng trẻ trong nước.
Theo TTXVN