The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

THÔNG TIN VỀ KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2015

Post by: nhungvh | 03/02/2015 | 6794 reads

(Tài liệu phục vụ truyền thông)

Thực hiện Quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về phê duyệt phương án đổi mới thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), theo đó tổ chức kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng trong tuyển sinh, Bộ GDĐT xây dựng Dự thảo Quy chế làm căn cứ pháp lý chỉ đạo tổ chức kỳ thi với một số nội dung cơ bản sau: 

 

Dự thảo Quy chế tuyển sinh ............................ Dự thảo Quy chế thi THPT QG

1. Thời gian tổ chức kỳ thi

Kỳ thi THPT quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào các ngày   01, 02, 03, 04 tháng 7 năm 2015.

Theo Quyết định 3538/QĐ-BGDĐT thì kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức vào các ngày 09, 10, 11, 12 tháng 6 năm 2015. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của đông đảo học sinh và các nhà trường nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7 như thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đây. Điều này sẽ tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và có thêm thời gian để các em ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Mặt khác, để các sở GDĐT không phải thay đổi kế hoạch năm học đã công bố từ đầu năm, trong đó có việc tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

2. Môn thi

Tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.

a) Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn tối thiểu), gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn thi còn lại.

Riêng đối với môn Ngoại ngữ:

- Thí sinh có các chứng chỉ quốc tế có uy tín theo quy định tại Công văn số 6031/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 23 tháng 10 năm 2014 (thay thế Công văn 5633/BGDĐT-KTKĐCLGD) sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT;

- Việc công nhận tốt nghiệp THPT căn cứ vào kết quả học tập lớp 12 và tổng điểm các môn thi (điểm mỗi môn thi phải lớn hơn mức tối thiểu theo quy định). Do vậy, phải quy đổi ra điểm đối với môn Ngoại ngữ của thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT;

- Thí sinh phải có chứng chỉ tương đương với trình độ từ bậc 3 (khung 6 bậc dùng cho Việt Nam) trở lên mới được miễn thi. Trình độ này cao hơn nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ đối với học sinh hoàn thành chương trình THPT. Do đó, các thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ dự kiến sẽ được nhận điểm tối đa môn Ngoại ngữ khi xét công nhận tốt nghiệp THPT;

- Điểm quy đổi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; thí sinh muốn sử dụng kết quả môn Ngoại ngữ để xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh phải dự thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia;

- Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Giám đốc sở GDĐT quyết định và báo cáo Bộ GDĐT.

b) Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ ngoài 4 môn thi tối thiểu phải dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi do trường ĐH, CĐ quy định.

c) Thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước dự thi để được xét tuyển sinh ĐH, CĐ, phải thi đủ số môn theo yêu cầu tuyển vào ngành đào tạo do trường ĐH, CĐ quy định.

3. Tổ chức thi

Kế thừa những ưu điểm của việc tổ chức thi theo cụm trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” những năm qua, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức theo cụm thi:

- Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) và giao cho các trường ĐH chủ trì. Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT;

- Cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 02 tỉnh (cụm thi liên tỉnh);
- Đối với những tỉnh có khó khăn, nếu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, Bộ GDĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh là giống nhau, theo đúng quy định của quy chế thi, cùng một quy trình và đều do trường ĐH chủ trì nhằm đảm bảo công bằng, độ tin cậy của kết quả thi ở tất cả các cụm thi trên cả nước.

Mô hình tổ chức các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia không phải là việc làm mới. Từ năm 2003, cùng với việc nhiều trường ĐH, CĐ tổ chức thi tuyển sinh vào trường mình, Bộ GDĐT đã tổ chức thi theo các cụm thi liên tỉnh ở Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh. Trên cơ sở những thành công của việc tổ chức các cụm thi, để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh, năm 2012 Bộ GDĐT tổ chức thêm cụm thi tại Hải Phòng. Việc tổ chức thi tuyển sinh theo các cụm thi đã được các trường ĐH, CĐ trong cả nước tin tưởng và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Việc mở rộng các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là kế thừa những ưu điểm của mô hình tổ chức cụm thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây.

4. Công tác chỉ đạo

- Bộ GDĐT thành lập Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia để chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia trong phạm vi cả nước.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nơi đặt cụm thi thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh để chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Hội đồng thi.

- Tại mỗi cụm thi có một Hội đồng thi được thành lập theo quyết định của Hiệu trường ĐH chủ trì cụm thi để tổ chức kỳ thi, thực hiện chế độ báo cáo và chuyển dữ liệu thi về Bộ GDĐT theo quy định của quy chế thi. Mỗi Hội đồng thi sẽ có các điểm thi để thực hiện công tác coi thi. Công tác chấm thi do trường ĐH chủ trì cụm thi thực hiện.

- Hội đồng thi thành lập các ban: Ban Thư ký; Ban In sao đề thi; Ban Vận chuyển và bàn giao đề thi; Ban Coi thi; Ban Chấm thi; Ban Phúc khảo.

5. Đề thi

Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014; đề thi tiếp tục ra theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

6. Chấm thi

Ban Chấm thi thực hiện toàn bộ công việc chấm bài thi đáp ứng các yêu cầu và đảm bảo đúng thời gian quy định của Bộ GDĐT.

Để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường khá đa dạng như hiện nay thì kết quả các môn thi phải có độ phân hóa cao. Vì vậy, Bộ GDĐT mở rộng thang điểm bài thi thành thang điểm 20. Việc mở rộng thang điểm sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh và thuận lợi cho công tác xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.

7. Sử dụng kết quả kỳ thi 

7.1. Công nhận tốt nghiệp THPT

- Các sở GDĐT có nhiệm vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các thí sinh dự thi. Kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi với điểm trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp.

- Thí sinh đủ điều kiện dự thi, không có bài thi nào từ 2,0 điểm trở xuống được xét công nhận tốt nghiệp và được cấp chung một loại Bằng tốt nghiệp THPT.

7.2. Tuyển sinh đại học, cao đẳng  

a) Tuyển sinh sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia

- Các trường ĐH, CĐ duy trì các khối thi như những năm trước đây. Ngoài ra, các trường có thể mở rộng tổ hợp các môn thi khác theo yêu cầu tuyển sinh của trường và tạo điều kiện cho thí sinh có thêm lựa chọn đăng ký xét tuyển. Việc thiết lập các tổ hợp môn thi mới thực hiện theo Công văn số 5151/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 19 tháng 9 năm 2014. Theo đó, sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có môn Toán hoặc (và) Ngữ văn để xét tuyển; các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành. Đối với trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hoá kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển.

- Những trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển cho các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi trước đây, 25% chỉ tiêu còn lại dành cho các khối thi mới.

Nếu thay đổi các khối thi truyền thống và các tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo Bộ GDĐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng trước ít nhất 3 năm.
- Sau khi có kết quả thi, căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân, đảm bảo những học sinh đạt kết quả thi cao sẽ được lợi thế khi xét tuyển và hạn chế những trường hợp các thí sinh có điểm thi cao vẫn trượt ĐH, hạn chế hiện tượng thí sinh ảo.
- Căn cứ kết quả thi của thí sinh trên toàn quốc, Bộ GDĐT sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
- Mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu của trường ĐH chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt (mỗi đợt trong thời gian 20 ngày), mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng.

- Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và lệ phí ĐKXT cho trường có nguyện vọng vào học qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại trường.

- Trong thời hạn xét tuyển cho từng đợt, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT để nộp vào trường hay ngành khác theo nguyện vọng. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ do Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ xem xét, quyết định.

b) Tổ chức tuyển sinh riêng

- Xét tuyển trên cơ sở kết quả học tập ở THPT

+ Đối với trường sử dụng kết quả học tập ở THPT để xét tuyển thì điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 với hệ ĐH và  5,5 với hệ CĐ.

+ Trường  ĐH, CĐ ở các tỉnh biên giới, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và trường CĐ cộng đồng đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương có thể xét tuyển các học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh, địa phương này ở mức thấp hơn 0,5 điểm so với mức quy định. Những học sinh này phải học bổ sung kiến thức 01 học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ quy định.

+ Đối với các ngành năng khiếu thuộc khối ngành văn hóa - nghệ thuật, điểm xét tuyển của các môn văn hóa phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu để hoàn thành chương trình phổ thông.

- Tổ chức thi đối với các trường tuyển sinh bằng phương thức thi tuyển  
+ Đối với các môn văn hóa: yêu cầu về nội dung đề thi; quy trình ra đề thi; quy định về bảo mật đề thi; sao in, đóng gói, bảo quản và phân phối đề thi; xử lý sự cố bất thường của đề thi được thực hiện theo quy định tại Quy chế thi THPT quốc gia;
+ Đối với các môn thi năng khiếu và các môn thi đặc thù khác: thực hiện theo quy định tại Quy chế tuyển sinh đã được Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường thông qua và được công bố công khai cùng với Đề án tự chủ tuyển sinh.
+ Tổ chức coi thi, chấm thi: thực hiện theo quy định tại Quy chế thi THPT quốc gia./.