The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Giáo dục Thủ đô và cuộc bứt phá "năng lực sáng tạo"

Post by: hongnt | 06/08/2013 | 3766 reads

 Giờ học môn Tự nhiên và xã hội tại Trường tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: ÐĂNG KHOA

Tranh luận về con đường hội nhập của giáo dục từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang ngày càng diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ. ý tưởng ngang tầm thời đại về chương trình giáo dục chất lượng cao của Hà Nội đang dần trả lời cho câu hỏi: Việt Nam sẽ cạnh tranh như thế nào với giáo dục nước ngoài?

Trên quan điểm, giáo dục muốn thành công phải phát huy hết khả năng sáng tạo của người học, tôn trọng cá nhân học sinh, tôn trọng nhu cầu và mục tiêu của học sinh như là một cá tính, một chủ thể đủ lý trí và sức khỏe để làm chủ cuộc sống của mình. Muốn thực hiện điều này, mọi thành phần của xã hội, bao gồm cả các trung tâm nghiên cứu, các tập đoàn kinh tế hàng đầu sẽ không thể tách rời trong quá trình đào tạo. Bằng quan điểm này, giáo dục Hà Nội đang có những bước tiến đáng kể bởi tầm nhìn và cách nhìn đến mục đích, nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của Thủ đô. Ðổi mới tư duy, đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục chắc chắn đòi hỏi Hà Nội nhiều những biện pháp và điều kiện đi kèm đầy khó khăn và thách thức. Chỉ có thay đổi mới giúp giáo dục Thủ đô thoát được trì trệ để có cơ hội phát triển. Vậy vì lý do gì chúng ta không cởi mở với ý tưởng mới và bằng tư duy đột phá.

Khát vọng chinh phục đỉnh cao về chất lượng giáo dục và thỏa mãn đa dạng nhu cầu của người học đang là tư duy đột phá mới. Phát triển giáo dục nhanh, bền vững và hiệu quả sẽ tạo sức cạnh tranh cho kinh tế - xã hội bởi thực chất công cuộc cạnh tranh kinh tế - xã hội giữa các nước trên thế giới hiện nay là cạnh tranh về giáo dục. Ða dạng hóa nhiều loại hình giáo dục là góp phần đưa con người vào vị trí trung tâm của tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Thỏa mãn hết và đầy đủ nhu cầu của người học chính là tạo cơ hội cho mọi cá nhân phát huy được tài năng, trí tuệ, sở trường, năng lực của mình để họ tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của quá trình đổi mới toàn diện mà Ðảng ta đang thực hiện.

Với khát vọng ấy, các chính sách xã hội của Hà Nội đang tăng cường mạnh mẽ nguồn lực cho giáo dục. Hà Nội đang thực hiện nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, hỗ trợ các vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, diện chính sách và người nghèo... và bằng cách đó người dân Thủ đô đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về giáo dục sau sáp nhập địa giới hành chính năm 2008. Bằng đổi mới chính sách, Hà Nội đang phát huy được lợi thế tiềm năng, trí tuệ và các nguồn lực vật chất của người dân, từ trong, ngoài nước và các tổ chức quốc tế để phát triển giáo dục một cách mạnh mẽ hơn về chất lượng.

Chương trình 07 về phát triển một số ngành cung ứng dịch vụ trình độ chất lượng cao, trong đó có ngành GD và ÐT cho phép 18 trường thực hiện thí điểm mô hình trường chất lượng cao (CLC) đã được người dân Thủ đô đánh giá cao. Với phương thức thi tuyển công khai, minh bạch, bình đẳng cho mọi đối tượng học sinh với những nguyên tắc phổ quát bất di bất dịch của giáo dục công về bảo đảm quyền được học, cơ hội học tập của trẻ em, Hà Nội đã làm tốt nhiệm vụ đào tạo người giỏi, người tài, vừa phổ quát cho giáo dục đại chúng, lại vừa lo cho giáo dục tinh hoa. Học sinh Thủ đô đã được học tập, rèn luyện trong những môi trường giáo dục tiên tiến, hiện đại, được thụ hưởng các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo dục CLC giống như những cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài nhưng chi phí lại thấp hơn nhiều lần.

Bằng mô hình trường cung ứng trình độ, dịch vụ cao đã được các bộ, ngành và các ban chức năng của Quốc hội thẩm định kỹ lưỡng và được kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII thông qua trong Luật Thủ đô; bằng việc UBND ban hành hai Quyết định 20/2013/QÐ-UBND và Quyết định 21/2013/QÐ-UBND và bằng Nghị quyết số 15 HÐND thành phố ban hành, Hà Nội đã xác định được những điều kiện mới, động lực mới để thúc đẩy sự phát triển của bản thân hệ thống giáo dục mang tính đặc thù. Xây dựng nền giáo dục dân tộc, chất lượng, tiên tiến, hiện đại, văn hiến và văn minh để làm nền tảng cho nền kinh tế mới đang ngày một phát triển và mang lại diện mạo mới cho giáo dục của Thủ đô. Và như vậy người dân đang được "hưởng lợi" khi "xã hội hóa", "đa dạng hóa" các loại hình giáo dục.

Quyết định 20/2013/QÐ-UBND ngày 24-6-2013 đã ban hành quy định cụ thể tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục chất lượng cao áp dụng tại một số cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), giáo dục (GD) phổ thông chất lượng cao; Quyết định 21/2013/QÐ-UBND ngày 24-6-2013 ban hành quy định về việc bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao, ngoài chương trình GDMN, GD phổ thông để áp dụng đối với tất cả các cơ sở GDMN, GD phổ thông chất lượng cao nhằm mục đích quản lý hệ thống giáo dục có yếu tố nước ngoài, giáo dục ngoài công lập và một số các cơ sở giáo dục công lập cung cấp các chương trình và dịch vụ giáo dục đúng với thực chất, bảo đảm chất lượng và chịu sự kiểm soát của Nhà nước và nhân dân thông qua các tiêu chí. Cả hai Quyết định nêu trên đòi hỏi các trường công lập khi muốn xây dựng chất lượng cao phải thực hiện đủ các nội dung trong quyết định. Ngoài ra, Nghị quyết số 15/2013/HÐND ngày 17-7-2013 của HÐND thành phố đã ban hành về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.

Chương trình đào tạo chất lượng cao của Hà Nội đã được xây dựng bài bản, chuyên nghiệp, chú trọng tăng cường đào tạo kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, tiếng Anh đạt chuẩn chứng chỉ IELTS 6,0 và tin học trình độ B quốc gia là một bước khởi đầu cho những tham vọng thu hẹp khoảng cách với nước ngoài. 35 trường công lập và ngoài công lập thực hiện chương trình đào tạo CLC trong thời gian tới thật sự tạo nên sự bứt phá, "giải phóng năng lực sáng tạo" của giáo dục Thủ đô trong tương lai. Và như vậy, Hà Nội là địa phương đang tiên phong góp phần tạo nguồn lực lao động cho nền kinh tế tri thức, tương xứng yêu cầu phát triển thời hội nhập quốc tế của Thủ đô dưới cái nhìn hệ thống.

Tuy nhiên, để chương trình đào tạo CLC thật sự phát huy hiệu quả, Hà Nội cần chuẩn bị kỹ càng về các yếu tố bảo đảm cơ chế quản lý, về tiêu chí sản phẩm đầu ra, về tính đáp ứng của đội ngũ, về chương trình, sách giáo khoa..., đồng thời cũng cần đề xuất để tạo ra môi trường, cơ chế cạnh tranh giữa các trường học công, tạo ra nhiều lựa chọn cho người học, nâng cao chất lượng, nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu giáo dục, tuân thủ pháp luật về giáo dục và sự công bằng cơ hội, quyền học hành của trẻ em. Ngoài quyết tâm của nhà trường, UBND thành phố, các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã nên căn cứ vào thực tiễn để xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao công lập và ngoài công lập đúng theo thẩm quyền đã được HÐND, UBND thành phố quy định.

Mô hình trường CLC gồm đầy đủ các tiêu chí về: cơ sở vật chất, chương trình, đội ngũ giáo viên, phương thức quản lý là định hướng chiến lược của Thủ đô trong hội nhập quốc tế. Hà Nội cần những giải pháp then chốt trên hai bình diện: quản lý giáo dục quản lý nhà nước và quản lý ở nhà trường. Với sự chuẩn bị nghiêm túc, sự đầu tư thích đáng, và đặc biệt với sự quyết tâm cao, chương trình đào tạo CLC sẽ tạo ra bước đột phá, mở ra cơ hội lớn cho người dân Thủ đô hiện đại bảo đảm xây dựng được đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề cao; đáp ứng cho các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm của Thủ đô, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các yêu cầu phát triển khác của đất nước.

                                                                                                                                               

 

TS PHẠM VĂN ÐẠI 

 (Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội)

                                     (Theo báo Nhân dân)