Vị giáo sư sử học trong căn phòng 6 m2
Căn phòng 6 m2 của giáo sư sử học Lê Văn Lan trên phố Nguyễn Văn Tố (Hà Nội) từng được nhiều chính khách tới thăm, song hầu hết phải đứng vì không có chỗ ngồi.
Kết thúc buổi giảng bài cho vài sinh viên nước ngoài, GS Lê Văn Lan thong thả tản bộ về nhà trên phố Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm), cách nơi dạy chừng một km. Cất túi vải lên một chồng sách, ông lại xuống quán cơm cạnh chợ Hàng Da mua một suất cơm hộp. "Hơn chục năm nay tôi sống một mình, ăn một mình. Bà bán cơm đã quen đến nỗi nhìn thấy tôi thì tự động lấy cơm và đồ ăn cho vào hộp, tôi cũng tự động lấy 25.000 đồng đưa cho bà mà không cần nói thêm câu nào", ông cười giải thích.
Là một trong những người sáng lập Viện Sử học Việt Nam, GS Lê Văn Lan nhiều năm làm cố vấn lịch sử cho các chương trình, chuyên mục truyền hình và báo chí, tiêu biểu như Đường lên đỉnh Olympia. Khi nghỉ hưu, ông được hưởng lương hưu ngang với bậc lương thứ trưởng, nhưng lại chọn cuộc sống bình dị trong căn phòng 6 m2 chất đầy sách. Đồ đạc chỉ bộ bàn ghế ngồi làm việc và duy nhất một chiếc ghế dành cho khách.
Ông kể, khi còn trẻ từng là cậu chủ trong một gia đình giàu có với nhiều biệt thự trên phố lớn của thủ đô, nhưng khi miền Bắc bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, gia đình đã quyết định hiến tất cả cho nhà nước. Cả nhà chuyển đến ở nhờ căn buồng tại tòa nhà gồm 17 buồng của một cặp giáo sĩ người Mỹ đã hồi hương.
GS Lê Văn Lan cho biết phòng có chật nhưng ông vẫn sống tốt, lách qua được mà chưa bao giờ làm rơi sách. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Căn phòng rộng 30 m2, khi tôi và anh trai đều có gia đình thì chia đôi làm hai nhà riêng biệt. Nhà tôi dành 6 m2 làm phòng cho mẹ. Từ ngày bà qua đời thì tôi sống luôn trong căn phòng ấy, diện tích còn lại cho gia đình anh con trai cả", GS Lan cho hay.
Vẫn giữ nụ cười tươi, vị giáo sư đầu ngành kể, không phải ông không có cơ hội sống trong căn nhà khá hơn. Đó là khi ông đã nghỉ hưu, cơ quan xét duyệt cho thuê một căn hộ ở Kim Mã Thượng với tiêu chuẩn là căn hộ cấp vụ trưởng. Ông đủ tiêu chuẩn bởi đã cống hiến 50 năm cho lĩnh vực Sử học nước nhà, nhưng giáo sư đã từ chối.
"Có lẽ vợ tôi đã nhiều năm chịu khổ, vất vả quá nên bà ấy đã thẳng thừng "nếu anh không nhận thì em nhận". Và thế là bà ấy và con gái chuyển đến đó sống còn tôi ở lại căn phòng 6 m2 này. Cách đây vài năm vợ tôi qua đời thì căn nhà ấy dành cho con gái", giáo sư Lan giãi bày.
Căn phòng 6 m2 đối với vị giáo đầu ngành như thế đã là quá đủ bởi "người già không cần quá nhiều diện tích làm gì". Trong 6 m2 ấy, giáo sư vẫn có không gian để sách theo từng chủ đề, sắp xếp các hình mèo (con vật ông yêu thích bởi ông quan niệm, mình tuổi chuột để mèo trong nhà để nó nhắc mình biết sợ). Ông có một chiếc giường rộng 60 cm, bạn bè thường trêu đùa bằng chiều ngang của cỗ quan tài, còn ông cười "thế là đủ để nằm ngủ rồi".
Căn phòng 6 m2 chứng kiến nhiều cuộc viếng thăm đặc biệt với GS Lê Văn Lan. Có hôm đang ngồi đọc sách thì có người tìm đến gặp, ông bất ngờ khi nhận ra đó là Nguyễn Cao Kỳ (cựu chính khách Việt Nam Cộng hòa). Đang băn khoăn ông ta bằng cách nào tìm được nhà trong ngõ ngách thì thầy Lan lại ngạc nhiên với gợi ý của Nguyễn Cao Kỳ "sau này khi ông qua đời sẽ biến căn phòng thành bảo tàng".
"Lúc ấy tôi cười nói đừng dự định sớm quá vì tương lai chưa biết thế nào. Cuối cùng thì ông ta cũng đi trước tôi", thầy Lan nói.
Căn phòng từng đón Nguyễn Cao Kỳ và Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cùng nhiều người bạn thân thiết của giáo sư đến thăm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cách đây vài năm, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị gọi điện báo sẽ đến thăm, GS Lan từ chối vì "nhà rất chật chội, chỉ có một ghế cho khách thôi". Thế nhưng theo đúng hẹn Bí thư Nghị vẫn đến cùng một đoàn cán bộ của thành phố. Nhà có duy nhất chiếc ghế khách ông Nghị ngồi, còn thầy Lan thì ngồi ở ghế thường ngày làm việc.
"Vì đã nhắc nhở ông Phạm Quang Nghị trước là không có chỗ ngồi nhưng ông ấy không tin, lại còn bảo "không có chỗ ngồi thì bọn em đứng". Hôm đó tôi đã nói rất nhiều chuyện, thế mà họ vẫn đứng và trao đổi rất vui vẻ. Năm nay bận việc không đến được, nhưng ông Nghị vẫn gửi quà chúc Tết tôi", thầy Lan cười cho hay.
Những lúc rảnh rỗi, giáo sư Lê Văn Lan qua chợ Hàng Da đi dạo một vòng. Nhìn thấy ông, các bà, các mẹ đều nở nụ cười, một số còn chụp ảnh cùng, xin chữ ký. Đó là khoảnh khắc ông cảm thấy vui nhất.
Xuất hiện thường xuyên trên các chương trình truyền hình, các lễ hội, chuyến đi nghiên cứu nhưng vị giáo già cho biết thu nhập của ông không đáng kể. "Người ta thích và mời tôi tham gia vì đa số đều miễn phí", ông giải thích.
Với vị giáo sư, những việc ông làm đều vì danh dự và mong muốn đưa đến cho mọi người nụ cười. "Những năm trước trên đường phố khoảng 70% người gặp đã nhận ra tôi, nhưng giờ thì lên 90% rồi, kể cả những vùng cực kỳ hẻo lánh. Khi lên hồ Ba Bể, tôi thấy bà mế bán ổi rừng, na bên vệ đường, tôi muốn mua. Bà ấy cười khi nhận ra tôi và bảo rằng "cho mày đấy", GS Lê Văn Lan kể.
Điều làm người đàn ông sinh năm 1936 hạnh phúc hơn là 100% số người gặp ông đều cười. "Chính vì nụ cười ấy mà tôi làm việc", giáo sư xúc động. Ngoài ra, thầy Lan còn đến các chùa làm từ thiện, làm sách cho nhà chùa. Những ngày bắt đầu năm mới, thầy đến các lễ hội vì người ta mời làm cố vấn.
Hiện có 2 cháu trai, 2 cháu gái, cháu lớn nhất 25 tuổi, GS Lê Văn Lan chia sẻ, khi ông mất, tài sản lớn nhất của ông là sách sẽ được đốt đi bởi ông quan niệm: "Chúng ta xẹt qua bầu trời này nhanh lắm, vấn đề là đừng làm vẩn đục bầu trời. Những sản phẩm mà chúng ta tâm huyết, đau đáu, khi mình xẹt qua rồi đừng làm cho nó thành rác vũ trụ".
Lê Đức Thuận (Theo vnexpress.net)