The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Công chức Hà Nội không được phát ngôn tùy tiện trên mạng xã hội

Post by: webams | 06/10/2017 | 4329 reads

Dự thảo mới của Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội quy định những cán bộ công chức của TP không được phát ngôn tùy tiện trên mạng xã hội; hạn chế nói ngọng; tuyệt đối không nói trống không, cộc lốc...

Công chức Hà Nội không được phát ngôn tùy tiện trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Theo Dự thảo, cán bộ của Hà Nội hạn chế nói ngọng, nói lắp, nói ngôn ngữ địa phương - Ảnh minh họa

Theo đó, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa trình UBND TP Hà Nội Dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội.

Cụ thể, theo quy định, việc phát ngôn được thực hiện trong giờ hành chính và ngoài giờ hành chính (trong trường hợp cần thiết, cấp thiết hoặc do lãnh đạo phân công). Ngoài ra, cán bộ, công chức không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân.

Những cán bộ, công chức khi phát ngôn phải có tác phong tự tin, cử chỉ đúng mực, tôn trọng các giá trị văn hóa và sự khác biệt trong quá trình phát ngôn, không ngắt lời người khác khi chưa thực sự cần thiết. Về ngôn ngữ sử dụng trong phát ngôn cần đảm bảo dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ.

"Cán bộ, công chức Hà Nội được khuyên hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương; tuyệt đối không nói trống không, cộc lốc, nói quá to hoặc quá nhỏ"- dự thảo nêu rõ

Quy định cũng nêu rõ khi người cùng giao tiếp nóng giận, bức xúc thì cán bộ, công chức Hà Nội phải bình tĩnh, nhẹ nhàng giải thích, động viên, chia sẻ. Tuyệt đối không nóng giận, xúc phạm hay dùng vũ lực đối với người khác, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Đối với người vi phạm chuẩn mực văn hóa phát ngôn tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo quy định.

Quy định trên nhằm định hướng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội chuẩn mực văn hóa phát ngôn trong giải quyết công việc, quan hệ công tác với tổ chức và cá nhân.

Đối tượng áp dụng gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP Hà Nội.

Theo Báo Người lao động