The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Amsers chuyên Lý được 3 ĐH hàng đầu nước Mỹ săn đón bằng học bổng khủng

Post by: webams | 15/04/2015 | 8107 reads

Minh Hiếu cùng lúc giành học bổng toàn phần của 3 trường đồng xếp top 4 danh sách các trường Đại học quốc gia tốt nhất nước Mỹ là Đại học Stanford, Đại học Columbia và Đại học Chicago. Giá trị mỗi suất dao động từ 270.000 - 290.000 USD (xấp xỉ 6 tỉ đồng).

Thông tin cá nhân 

Họ và tên: Phạm Minh Hiếu

Sinh năm: 1996, Cựu học sinh chuyên Lý trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam

Thành tích:

- Giải Nhất HSG Vật Lý cấp Thành phố - TP Hà Nội năm 2011

- Giải Nhì HSG Vật Lý cấp Thành phố - TP Hà Nội năm 2012

- Giải Ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật ISEF cấp Quốc gia năm 2013

- Giải Nhì HSG Vật lý cấp Quốc gia năm 2014

- Học sinh Giỏi tiêu biểu Thủ đô năm học 2010-2011 và 2012-2013

- 2 năm liền được nhận học bổng danh dự của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.

“Ở đây và Bây giờ”

Đó chính là tên triển lãm nghệ thuật đương đại ra mắt vào tháng 11/2014 (tại 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) của Phạm Minh Hiếu sau quãng thời gian “gap year” chiêm nghiệm cuộc sống và bản thân.

“Ở đây và Bây giờ” của Hiếu còn được chọn là 1 trong những triển lãm nằm trong chuỗi sự kiện chào đón Thị trưởng thành phố Amsterdam (Hà Lan) sang thăm Hà Nội vào tháng 12/ 2014.

Tốt nghiệp cấp 3, chủ nhân của hàng loạt giải thưởng về Vật lý được nhận thẳng vào 2 trường ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH Bách khoa Hà Nội. Dù vậy, Hiếu không nhập học mà quyết định dừng lại một năm để tìm hiểu xem mình thực sự là ai và muốn gì.

“Bằng đam mê nghệ thuật, vật lý và những trải nghiệm có được, em mở triển lãm nghệ thuật sắp đặt - video art “Ở đây & Bây giờ” như một phương tiện để em thể hiện mình”, Hiếu chia sẻ.

 Minh Hiếu tự mở triển lãm nghệ thuật đương đại “Ở đây và Bây giờ” vào năm 18 tuổi.
Minh Hiếu tự mở triển lãm nghệ thuật đương đại “Ở đây và Bây giờ” vào năm 18 tuổi.

Dự án “Ở đây và bây giờ” của Hiếu được đón nhận nồng nhiệt với lối tư duy sáng tạo khi lấy các công thức vật lý giải thích cho nghệ thuật… Bằng những diễn giải từ thuyết tương đối hẹp của Einstein, Hiếu cho người xem thấy rằng, chúng ta dường như đang sống quá… vội.

Anh chàng bày tỏ: “Thời gian gap year, ngoài việc tập trung học tiếng Anh để chuẩn bị hồ sơ đi du học và cho các kỳ thi SAT, TOEFL, em dành nhiều thời gian với gia đình hơn. Em đã đi du lịch nhiều nơi để tìm hiểu về cuộc sống xung quanh mình, học thêm các kỹ năng mềm, tìm hiểu về nhiếp ảnh, học chơi một vài nhạc cụ.

Gap year rất quan trọng với em, vì nó giúp em bình tĩnh, xác định được đam mê của mình và từ đó chọn trường, chuẩn bị hồ sơ một cách cẩn thận nhất. Nghĩa là giúp hiểu cuộc sống, và quan trọng, “biết ta” - hiểu về chính mình”.

Vừa đây, anh chàng nhận được thông báo trúng tuyển học bổng toàn phần của 3 ngôi trường danh tiếng đất Mỹ là Đại học Stanford, Đại học Columbia và Đại học Chicago (Mỹ).

Bí quyết chinh phục học bổng trường top Mỹ của Hiếu là “biết người, biết ta”.

Bí quyết chinh phục học bổng trường top Mỹ của Hiếu là “biết người, biết ta”.

Và 3 suất học bổng các trường danh tiếng Mỹ…

Cả 3 trường luôn giữ vị trí top đầu danh sách các trường đại học quốc gia tốt nhất nước Mỹ được tạp chí uy tín U.S. News & World Report công bố hàng năm. Năm 2014, ĐH Columbia, ĐH Stanford, ĐH Chicago cùng giành hạng 4 trong danh sách này.

Giá trị của từng suất học bổng dao động từ 270.000 – 290.000 USD. Các trường còn chi trả toàn bộ tiền vé máy bay và nơi ăn ở để mời Hiếu sang tham dự sự kiện truyền thống, tham quan trường vào tháng 4 này.

Đặc biệt, trường Columbia University thậm chí đã gửi “Likely Letter” và chọn Hiếu là Egleston Scholar. (Thomas Egleston là người sáng lập ra trường kỹ thuật của Columbia).

Egleston Scholars Program là chương trình danh giá nhất của trường kỹ thuật Columbia. Mỗi năm, khoảng 22.000 học sinh nộp đơn vào trường, có khoảng 1.600 người được nhận, có khoảng 100-200 người được gửi Likely Letter và 20-30 người được chọn làm Egleston Scholar.

Với việc là 1 Egleston Scholar, ngoài học bổng của trường, Hiếu còn được cung cấp thêm 10.000 USD để phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học của mình.

 Hiếu và ông Ronald Leopold - Giám đốc Bảo tàng Anne Frank (Hà Lan).

Hiếu và ông Ronald Leopold - Giám đốc Bảo tàng Anne Frank (Hà Lan).

“Em muốn theo đuổi các ngành kỹ thuật vì em cảm thấy ngành kỹ thuật là sự kết hợp của cả vật lý và nghệ thuật (2 niềm đam mê của em). Kỹ thuật là nghệ thuật của việc sử dụng trí tưởng tượng và sự sáng tạo trong việc áp dụng những lý thuyết Vật lý vào các vấn đề thực tế cuộc sống.

Cả 3 trường đại học trên là cả 3 phong cách khác nhau, 3 triết lý dạy học khác nhau, ở những vùng địa lí, khí hậu khác nhau và mỗi trường đều hứa hẹn sẽ mang đến cho em rất nhiều cơ hội nghiên cứu, học tập. Vì vậy, trong lần đi thăm trường vào tháng 4 này, em sẽ tìm hiểu xem mình phù hợp với ngôi trường nào nhất”, Hiếu tâm sự.

Bí quyết giành 3 suất học bổng Mỹ danh giá của Hiếu là “biết người, biết ta”. “Việc xác định bản thân mình là rất quan trọng trong quá trình xin học bổng vì các trường đều không chỉ dựa riêng vào các yếu tố mang tính giấy tờ như điểm số hay hoạt động. Trong cuộc phỏng vấn, nhà trường muốn biết về con người thực sự của em. Họ đã hỏi về các bộ phim, các quyển sách, các sự kiện, và các website mà em yêu thích...

Đồng thời, muốn chinh phục trường, ứng viên phải “biết người”. Cùng với hồ sơ, trường đánh giá hồ sơ sự phù hợp của em với trường qua các câu hỏi rất kỹ như: Tại sao lại thích trường? Em biết gì về trường? Tại sao lại thích ngành học này? Em sẽ làm gì ở trường?...

Qua các bài luận, những câu trả lời phỏng vấn, cùng với một hồ sơ đã được chuẩn bị cẩn thận, em đã bộc lộ bản thân rất rõ ràng; do đó, em nghĩ rằng trường sẽ hiểu được mình”, Hiếu chia sẻ.

Lệ Thu (Dantri.com.vn)

(Ảnh: NVCC)