Code of Culture 2016: Hành trình văn hóa Việt
Ba tháng mùa nắng hạ trôi qua, cánh cổng trường đóng lại im lìm nhường lại thời gian nghỉ ngơi, vui chơi cho các cô cậu học trò sau một năm dài học tập vất vả. Tuy nhiên, đó lại là mùa mà “ai về nhà nấy”, thiếu đi tiếng nô đùa bên nhau, thiếu những giờ tụ tập bạn bè, thiếu những ánh mắt, khuôn mặt bắt gặp nhau hàng ngày. Chính vì lẽ đó, những học sinh năng động như Amsers chắc chắn không thể bỏ qua khoảng thời gian tuyệt vời này để làm điều gì đó ý nghĩa, để được gặp gỡ và yêu thương nhau nhiều hơn. Do vậy mà Code of Culture ra đời – một sản phẩm đến từ tình yêu văn hóa Việt Nam và tình bạn bè gắn kết.
Code of culture (CoC) là hoạt động không thường niên do câu lạc bộ môi trường Green – Hanoi Amsterdam tổ chức. Là một sự kiện mới lạ, “sinh sau đẻ muộn” nên CoC tổ chức rất thất thường, bắt đầu xuất hiện từ năm 2012, sau đó là 2013 và đến năm 2016 mới là lần thứu ba được tổ chức. Đúng như tên gọi, CoC diễn ra dưới hình thức một cuộc thi đấu giữa các đội chơi thông qua một chuyến hành trình kéo dài trong 5 ngày đi qua 40 địa điểm văn hóa nổi tiếng của Thủ đô và phải vượt qua các thử thách của chương trình tại mỗi địa điểm. Qua đó, ban tổ chức cũng muốn gửi gắm đến các thế hệ trẻ về nét đẹp văn hóa vật thể và phi vật thể của đất Hà Thành, vẻ đẹp của chính nơi mình đang sống, của con người quê hương mình mà trong khi đó chúng đang dần bị mai một lãng quên giữa cuộc sống bộn bề, hội nhập quốc tế ngày nay.
Tập thể ban tổ chức CoC 2016.
Năm 2016, CoC trở lại với tên gọi Thanh Sắc, ngày đầu tiên diễn ra vào thứ 2 ngày 11/7/2016 tại công viên Hòa Bình. Đây là ngày khởi động cũng là ngày đấu loại chung. 20 đội chơi và ban tổ chức ban đầu gặp gỡ và làm quen với nhau, sau đó họ sẽ chơi một số trò chơi đơn giản, không phải di chuyển địa điểm nhưng đòi hỏi tinh thần đồng đội rất cao để chọn ra 8 đội chơi ăn ý nhất chính thức bước vào vòng chung kết trong suốt 4 ngày sau đó.
Các thí sinh tham gia trò chơi khởi động tại công viên Hòa Bình.
Kết thúc ngày đấu loại, một người trong đội chơi bịt mắt và cõng người còn lại trên lưng, người bên dưới phải nghe theo chỉ dẫn người bên trên để vượt qua chướng ngại vật do ban tổ chức sắp xếp và về đích nhanh nhất.
Ngày tiếp theo 12/7/2016, vòng chung kết chính thức bắt đầu với sự tham gia nhiệt tình của 8 đội chơi xuất sắc nhất. Mặc dù buổi sáng thời tiết mưa gió không ủng hộ nhưng các thành viên vẫn chơi nhiệt tình hết sức mình. Đó là điều làm nên thành công không nhỏ đối với người chơi cũng như người làm chương trình. Lộ trình di chuyển qua các địa điểm văn hóa của Hà Nội như bảo tàng Hà Nội, bảo tàng Dân tộc học, Làng Cót, chùa Thánh Chúa, và các địa điểm vui chơi mua sắm như công viên Nghĩa Đô, Cầu Giấy, siêu thị Big C. Các thí sinh phải vượt qua các thử thách mà ban tổ chức đặt ra từ việc giải mã, thực hiện yêu cầu, tìm hiểu lịch sử và trả lời câu hỏi trong bảo tàng không có sự hỗ trợ của Internet, phải thử sức với loại hình văn hóa làm ngựa hàng Mã đặc trưng tại Làng Cót. Thông qua những hoạt động kể trên, thí sinh được mở rộng hơn, tìm hiểu sâu hơn về nền văn hóa nước nhà mà đặc biệt tại vùng đất Tràng An.
Đáp án của mật thư đầu ngày chính là siêu thị Big C, các bạn đang tiếp tục bàn bạc khám phá những thử thách tiếp theo mà chương trình đề ra cho mình.
Điểm đến thứ ba của ngày là bảo tàng Hà Nội, các thí sinh có dịp được tìm hiểu về lịch sử thông qua những câu đố của chương trình và qua đó cũng hiểu được giá trị của quá khứ dân tộc.
Tiếp nối chuyến tham quan bảo tàng người chơi đến thăm Làng Cót, nơi đây nổi tiếng với việc làm ngựa hàng mã, một lần nữa các thí sinh lại được thử sức với những ngành nghề truyền thống dân tộc mà cuộc sống hiện đại ngày nay hoàn toàn lãng quên.
Tiếp nối chương trình, ngày 13/7/2016 chặng thứ 2 của vòng chung kết trong bầu không khí sôi nổi. Trong một ngày các thí sinh di chuyển trung bình 7-8 địa điểm. Mỗi một nơi lại mang một màu sắc mới một nét văn hóa mới, thế mới biết không đâu xa, ngay Hà Nội không thiếu thứ để tìm tòi học hỏi. Người chơi có cơ hội được tự tay làm hình tượng rối nước tại Nhà hát Múa Rối Nước Việt Nam, tạo hình tượng voi từ đất sét và các nguyên liệu khi thăm đền Voi Phục, vẽ phác thảo khẩu pháo cao xạ của Pháo đài Láng, và chơi các trò chơi vừa đòi hỏi sự khéo léo, khỏe mạnh của thể chất, vừa nâng cao sự thông minh, sáng tạo về trí tuệ trong việc giải mã. Mỗi một lần chơi là một lần học, một lần vấp ngã là một lần để nhớ. Sau mỗi chặng, điểm số của các đội chơi thay đổi, nhưng người chiến thắng tiềm năng thì người ngoài cuộc phải bình tĩnh.
Thí sinh đội Omaime đang hoàn thành thử thách “cạo tóc bóng bay” diễn ra ở vườn hoa Thủy Lợi.
14/7/2016 – Chặng đua thứ 3 của CoC, trường Đại học đầu tiên của Việt Nam Văn Miếu – Quốc Tử Giám chào mừng ngày mới các thí sinh bằng thử thách viết thư pháp. Một thử thách hấp dẫn và không kém phần bổ ích, các bạn được học viết lại con chữ từng một thời huy hoàng trong nền văn học và giáo dục của Đại Việt xưa, chữ cái cũ xưa nhưng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của dân tộc. Dưới sự chỉ dẫn theo mật thư của ban tổ chức, người chơi đến với các địa điểm tiếp theo là vườn hoa Lenin, Cột cờ Hà Nội, Hoàng Thành Thăng Long, Công viên bách thảo, và đền Quán Thánh. Tại đây họ tiếp tục phải giải mã và vượt qua các thử thách đòi hỏi óc quan sát và tư duy nhạy bén mà chương trình đặt ra. Hôm đó cũng là ngày tìm hiểu nền giáp dục phong kiến khi các thí sinh tiếp tục thử sức với việc giải mật mã viết bằng chữ Hán.
Điểm hẹn của chặng 3 là Văn Miếu – Quốc Tử Giám, các đội được nghe hướng dẫn, mỗi đội phải viết đúng và đẹp hai chữ “Phúc, Thọ”. Các thí sinh đội “Mái nịt” hoàn thành xong phần chơi của mình.
Hai thí sinh đội “Gà béo” đang giải code tại điểm thứ hai: vườn hoa Lenin.
Lộ trình đưa các bạn đến Hoàng thành Thăng Long: kinh đô ngày xưa, tại đây các bạn đang phải chụp ảnh tại các địa điểm được yêu cầu như bản khắc Chiếu dời đô, giếng ngọc…
Nhắc đến văn hóa Hà Nội, không ai quên được Chùa Một Cột – biểu tượng Thủ đô một thời, các đội chơi phải làm mô hình chùa từ giấy màu nhằm ca ngợi vẻ đẹp của công trình kiến trúc vô cùng độc đáo này.
Ngày cuối cùng 15/7/2016 kết thúc chuỗi dài 1 tuần của CoC. Các địa điểm cuổi cùng tập trung lại về phía trung tâm Hà Nội, địa phận quận Hoàn Kiếm. Bắt đầu từ Nhà thờ Lớn, 73 Hàng Than, Phủ Doãn, hồ Hoàn Kiếm và vườn hoa Lý Thái Tổ, Nhà cổ Mã Mây và đền Bạch Mã. Điểm chốt cuối cùng tại Nhà thờ Lớn. Các đội chơi chủ yếu vượt qua các câu đố trí tuệ về tìm hiểu lịch sử văn hóa. Đặc biệt tại số nhà 73 Hàng Than cái tên nghe không có vẻ gì đặc biệt và bề ngoài đánh lừa nhiều người nhưng đi sâu bên trong là nơi làm mặt nạ da truyền Việt Nam duy nhất còn lại đến ngày nay. Các bạn được tự làm mặt nạ dân gian, được học và tìm hiểu về một phong tục rất đẹp, một di sản của dân tộc cần được bảo vệ khẩn cấp. Các thành viên của CoC mong muốn truyền tải đi thông điệp mạnh mẽ: hãy bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc trong thời buổi khi thế hệ trẻ chúng ta quá hội nhập sâu rộng, tiếp nhận văn hóa phương Tây quá nhiều mà quên đi bản sắc đáng tự hào của cha ông, tổ tiên.
Làm mặt nạ, thử thách tại số nhà 73 Hàng Ngang.
Tập trung cao độ với trò chơi ném vòng ở vườn hoa Lý Thái Tổ.
5 ngày CoC khép lại với bao kỉ niệm ngọt ngào của tình bạn, tình đồng đội giữa các nhóm chơi, tình gắn bó giữa những con người đến từ các lớp, các trường khác nhau dù lần đầu không quen biết. Chiến thắng thuộc về đội Nhông, gồm hai Amsers là Nguyễn Quỳnh Dương – Toán 15-18 và Tống Thủy Tiên – Địa 15-18, với phong độ ổn định luôn duy trì top đầu xuyên suốt 4 chặng thi, các em đã chiến thắng với tổng giải thưởng lên đến 50 triệu đồng. Dù thắng hay thua, đây cũng chỉ là cuộc chơi, cái quan trọng là tất cả đã có được những giây phút tuyệt vời bên nhau, được cùng tìm hiểu về những chân giá trị văn hóa quý báu của nơi mình đang sống và lớn lên là đất Hà Thành. Hi vọng bất kì ai đã đang và sẽ tham gia CoC sẽ được nâng cao ý thức hơn về tinh thần và tình yêu cội nguồn, gìn giữ môi trường cảnh quan và có thêm bạn bè thân thiết , những món quà ý nghĩa vô giá để không phí hoài mùa hè của tuổi cấp ba.
Chiến thắng chung cuộc thuộc về đội Nhông cùng chứng nhận và các quà tặng giá trị đến từ nhà tài trợ chương trình.
Dù chỉ kéo dài 5 ngày ngắn ngủi nhưng mọi thành viên CoC đều có những kỉ niệm đáng nhớ vô cùng.
PV: Phùng Mỹ Duyên – Sử 14-17
Nguồn ảnh: Facebook : Page Code of Culture 2016