The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Cô giáo Trần Thị Thu Hương và những thành tích vàng của ISEF

Post by: giangdh | 08/08/2014 | 5264 reads

Cô giáo Trần Thị Thu Hương vẫn luôn được biết đến là một giáo viên tâm huyết với nghề, tận tụy với học sinh. Cô có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba. Từ năm học 2010 - 2011 đến nay, cô được Ban Giám Hiệu phân công làm nhiệm vụ phụ trách Nhóm Khoa học của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Để chúc mừng cô và nhóm Khoa học đã đạt được thành tích cao trong cuộc thi Nghiên cứu Khoa học và kỹ thuật (ISEF) liên tục ba năm qua, phóng viên website nhà trường đã có buổi phóng vấn trực tiếp cô, lắng nghe những chia sẻ chân thành về quá trình làm việc của cô và nhóm Khoa học trường với cuộc thi này. 

Niềm vui chiến thắng của Ams' team tại gian hàng của mình ở INTEL ISEF Los Angeles tháng 5/2014.

PV: Con chào cô ạ. Trước hết con muốn chúc mừng cô và nhóm Khoa học đã đạt được thành tích cao trong cuộc thi Nghiên cứu Khoa học và kỹ thuật. Cô có thể chia sẻ đôi điều về cuộc thi này được không?

Cô Hương: Cảm ơn nhóm Web đã cập nhật và nhiệt tình đưa tin về thành tích thi ISEF của trường trong 3 năm qua.

Để trả lời câu hỏi của con, trước hết, cô muốn nói về tên và mục đích của cuộc thi này.  Cuộc thi Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật có tên quốc tế là International science & engineering fair (ISEF) do tập đoàn INTEL bảo trợ là cuộc thi lớn nhất về khoa học và kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh lứa tuổi trung học, tổ chức hằng năm tại Hoa Kỳ. Cuộc thi nhằm tìm kiếm các đề tài, giải pháp khoa học cho các vấn đề thực tiễn, có ý nghĩa với cộng đồng.

Ở Việt Nam, từ năm học 2011-2012, Bộ Giáo dục Việt Nam đã chính thức tổ chức cuộc thi Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật cấp Quốc gia song song với cuộc thi học sinh giỏi hằng năm cho học sinh trung học.

PV: Cô có thể chia sẻ cho độc giả biết về những thành tích đáng tự hào của học sinh Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là của học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam trong cuộc thi INTEL ISEF này được không ạ?

Cô Hương: Từ năm 2006, Việt Nam đã có các đoàn HS đi dự thi INTEL ISEF , nhưng phải chờ đến năm 2012, lần đầu tiên đoàn Việt Nam mới đạt được giải của cuộc thi này. Vinh dự mang về cho đất nước này thuộc về Ams’ team với leader Trần Bách Trung (11L1 năm học 2011-2012) đạt Giải Nhất thuộc lĩnh vực Điện- Cơ khí. Năm 2013, Việt Nam cử 6 đội HS đi thi nhưng chỉ có 2 đội đạt được giải - giải Tư, trong đó có một đội của trường Ams lĩnh vực Vật liệu - Công nghệ sinh học. Tháng 5 năm 2014 này, Việt Nam cũng cử 6 đội HS đi thi nhưng cũng chỉ có 2 đội đạt được giải - giải Tư, trong đó có một đội của trường Ams lĩnh vực Công nghệ sinh học.

Vậy là từ ngày Bộ Giáo dục Việt Nam chính thức tổ chức cuộc thi Nghiên cứu Khoa học và kỹ thuật đến nay đã 3 năm thì 3 năm trường Ams đều đạt giải Quốc tế cuộc thi này.  Có thể nói, cho đến thời điểm này, trường Ams là trường số một Việt Nam về thành tích thi INTEL ISEF.  

PV: Thật đáng tự hào và khâm phục những thành tích rực rỡ của các bạn học sinh trường ta. Chắc hẳn trên con đường đến với giải thưởng danh giá, cô và trò đã gặp không ít những trở ngại. Cô có thể chia sẻ một số khó khăn mà cô và nhóm Khoa học đã và đang gặp phải trong quá trình hướng dẫn HS làm đề tài khoa học, thi ISEF được không ạ?

Cô Hương: Cô sẽ “kêu nghèo, kể khổ” nhé? (Cười)

Để thi ISEF, có thể chia làm 2 công đoạn: nghiên cứu, làm đề tài khoa học và bảo vệ đề tài trước Hội đồng Giám khảo (giống kiểu thi vấn đáp).

Đối với công đoạn  nghiên cứu, làm đề tài thì thường xuyên có tình trạng là HS tuy có ý tưởng nhưng không biết làm gì tiếp (các bước tiến hành để làm một đề tài khoa học), hoặc ý tưởng đó không có tính khả thi, không có tính khả dụng, đặc biệt là tính mới. Kiến thức khoa học liên quan đến đề tài thường đòi hỏi học sinh phải có trình độ tương đương với sinh viên năm thứ Ba đại học. Khó khăn tiếp theo là phòng thí nghiệm của trường hầu như không đáp ứng được những thí nghiệm cần làm cho các đề tài. Một khó khăn nữa là kinh phí làm đề tài phải tự túc phần lớn (khá tốn kém).

Để chuẩn bị đi thi, các HS phải làm Báo cáo, Tóm tắt đề tài, làm Poster và tập thuyết trình cũng như trả lời các câu hỏi liên quan đến đề tài. Học sinh của ta cũng còn đang lúng túng, chưa có kỹ năng để làm được tốt các công việc trên. Việc làm việc nhóm (team work) cũng không phải dễ dàng.

Khi bảo vệ đề tài (ở kỳ thi các cấp), Hội đồng Giám khảo có thể hỏi bất cứ vấn đề gì liên quan đến đề tài. Các cô vẫn gọi công đoạn này là “Ném đá hội đồng” mà học sinh rất ngại và cả các thầy cô cũng thấy rất căng thẳng. (Cười)

Các thầy cô nhóm Khoa học đều phải kiêm nhiệm, vừa dạy đủ số giờ trên lớp theo quy định, lại vừa phải hướng dẫn học sinh làm đề tài khoa học. Trình độ chuyên môn sâu còn hạn chế, sự hạn hẹp về điều kiện thời gian, kinh phí... khiến các thầy cô khá vất vả, đặc biệt là đối với những người có sức khỏe khiêm tốn như cô. (Cười)

Tóm lại là những người làm khoa học đều phải là những người... rất lãng mạn !!! (Cười lớn)

Toàn đoàn HS Việt Nam tại INTEL ISEF Los Angeles tháng 5/2014.

PV: Con được biết là cô cũng có nhiều thành tích trong công tác đào tạo HS thi học sinh giỏi Quốc gia và Quốc tế môn Sinh học. Theo cô, thi học sinh giỏi và thi Nghiên cứu Khoa học và kỹ thuật có gì khác nhau?

Cô Hương: Thi học sinh giỏi mang tính chuyên sâu về từng môn khoa học, còn thi Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật mang tính liên môn rộng hơn. Có lẽ thi học sinh giỏi mang tính hàn lâm hơn, lý thuyết nhiều hơn còn thi Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật mang tính sáng tạo, thực tiễn nhiều hơn vì một trong những mục đích của cuộc thi này mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra là “ Khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo ... vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống”. Có thể nói, tổ chức cuộc thi này là một trong những sách lược mà Bộ Giáo dục đã và đang thực hiện trong lộ trình hướng tới “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” của Việt Nam.

PV: Cảm ơn cô đã cho độc giả biết thêm những thông tin thú vị về ISEF nói chung. Còn đối với cá nhân cô, có gì khác khi cô tập huấn cho HS đi thi học sinh giỏi Quốc tế (Olympic) và thi INTEL ISEF?

Cô Hương: HS của các đội tuyển của Việt Nam đi thi Olympic về các bộ môn khoa học lớp 12 đều được tập huấn bởi các chuyên gia do Bộ Giáo dục cử, còn đội tuyển INTEL ISEF của trường ta thì được tập huấn bởi các thầy cô nhóm Khoa học trường Ams kết hợp với một số chuyên gia được mời. Khi tập huấn INTEL ISEF, các thầy cô và các bạn HS phải dùng tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành. Các buổi tập huấn của các thầy cô thường phải tiến hành ngoài giờ hành chính, vào các buổi tối (có khi đến 11g đêm) hoặc các ngày nghỉ...Nói chung là có rất nhiều điều khác với tập huấn học sinh thi Olympic quốc tế.

PV: Vâng, các thầy cô đã rất vất vả phải không ạ? Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình và nhận được thành tích tốt năm nay, cô cảm thấy thế nào ạ?

Cô Hương: Các thầy cô trong nhóm Khoa học đều rất vui. Nhưng sau niềm vui cũng có... những nỗi buồn.


Một buổi họp của nhóm Khoa học.

PV: Thưa cô, vừa phụ trách ISEF của trường, vừa giảng dạy lớp chuyên, cô có cảm thấy áp lực không? Và nếu có thì bằng cách nào cô vượt qua những mệt mỏi để tiếp tục làm tốt vai trò của mình?

Cô Hương: Năm học 2013-2014 vừa rồi, cùng một lúc cô phải làm 2 nhiệm vụ: vừa lãnh đội đội tuyển ISEF như mọi năm, lại vừa lãnh đội Đội tuyển HSG môn Sinh. Thực sự rất áp lực và vất vả. Nhưng rồi cũng vượt qua. Có 2 điều cô luôn dựa vào để có thể vượt qua những mệt mỏi, tiếp tục làm được nhiệm vụ của mình. Đó là: tình thương đối với học trò và ý thức trách nhiệm với công việc. Ngoài ra, sự hợp tác của các thầy cô nhóm Khoa học, sự tạo điều kiện của Ban Giám hiệu, sự ủng hộ, giúp đỡ của các thầy cô giáo trong trường, các phụ huynh học sinh, các cựu HS Ams đã động viên cô rất nhiều để làm việc.   

PV: Vâng, theo con hiểu, công việc của cô chịu khá nhiều áp lực. Ngoài những vất vả, áp lực, những khi nào cô bắt gặp được niềm vui trong công việc?  

Cô Hương: Có nhiều niềm vui lắm. Nếu không có những niềm vui, chắc là các thầy cô khó mà duy trì được công việc của mình.

Đó là năm 2012, khi Bách Trung tìm ra được công thức tính lượng nước ngọt tối ưu được tạo ra dựa trên các tham số về khối lượng nước mặn đầu vào, nhiệt độ, áp suất. Mừng lắm!

Năm 2013, cùng với các bác kỹ sư, nhóm INTEL ISEF của trường đã thiết kế được một cái tích áp từ ...chai Lavie, làm ổn định được áp suất dòng nước tới thiết bị thí nghiệm; thiết kế dụng cụ lọc nước với diện tích bề mặt của màng lọc (từ vỏ trứng) tăng gấp nhiều lần. Cô trò cô đã rất vui.

Năm 2014, khi nhận được kết quả thí nghiệm của đề tài cao gấp nhiều lần so với đối chứng, cô trò cô đã ... hét lên vì vui mừng.

Còn khi Hội đồng Giám khảo hỏi, sướng nhất là được nghe HS của mình trả lời sắc sảo, chặt chẽ, các Giám khảo gật đầu liên tục. (Cười)

PV: Vâng, chúng con xin được chia sẻ niềm vui sáng tạo, khám phá với cô và đội ISEF của trường. Còn kỉ niệm, cô có thể kể cho chúng con nghe một kỉ niệm trong kỳ INTEL ISEF Los Angeles vừa rồi không ạ?

Cô Hương: Cô và Ams’team có lẽ không thể nào quên được “vụ” lắp ráp khung để dán poster.

Để chuẩn bị cho INTEL ISEF năm 2014 tại Los Angeles, Bộ Giáo dục nhà ta đã chuẩn bị cho mỗi đội 1cái khung tháo rời nặng có ...25kg để mang sang Mỹ. Các đội Việt Nam khác được các thầy giáo phụ trách giúp, mặt khác đã lo tập luyện lắp ráp từ nhà nên chỉ sau khoảng 2 tiếng đồng hồ là họ lắp xong. Riêng 4 cô trò trường ta (gồm 3 bạn thuộc Ams’team và cô) rất ... tự tin, không hề tập luyện trước vì tưởng việc lắp ráp này chẳng là gì cả nên kết quả là sau...5 tiếng mới lắp xong. Cô trò hì hà hì hục, nằm, bò, quỳ, ngồi rồi đứng, lắp rồi lại tháo, rồi lại lắp, lại tháo vì lắp sai. Các đội tuyển của các nước khác chỉ mang các tấm bìa carton đến làm khung dán poster nên vừa nhẹ, lại vừa thao tác đơn giản và nhanh. Thành ra, 4 cô trò trường Ams được các bạn quốc tế ban đầu gật gù, quay camera, chụp ảnh lia lịa. Nhưng sau... mãi không thấy đội này làm xong, họ quay sang lắc đầu, xì xầm với nhau với vẻ mặt rất “khả nghi”. (Có lẽ họ cho rằng đội này...hâm!!!). Chắc chắn sau “vụ” này phải có ý kiến với Vụ giáo dục trung học của Bộ thôi.

"Vụ" lắp ráp khung dán poster không thể nào quên.

PV: Kỉ niệm thật đáng nhớ.  Gần 30 năm giảng dạy ở trường Ams, chắc là cô có rất nhiều kỉ niệm gắn bó với học sinh của trường, đặc biệt là với lớp Sinh khóa 11-14, một lớp học vừa năng động sôi nổi trong các hoạt động ngoại khóa, vừa đạt nhiều thành tích tốt trong học tập?

Cô Hương: Cả cuộc đời đi dạy của cô gắn bó với trường Ams nên có quá nhiều kỷ niệm với HS, với nhà trường và với đồng nghiệp. Lớp Sinh 11-14 chắc hẳn luôn nhớ đến giờ học của cô, gần như tiết nào cũng bắt đầu bằng câu: “Các con phải tự đi bằng chính đôi chân của mình”. (Cười)

PV: Thành tích của các anh chị ngày hôm nay là do một phần lớn công giảng dạy của cô. Lớp Sinh khóa 11-14 đã ra trường rồi, sắp tới cô sẽ lại chủ nhiệm một lớp học sinh mới. Cảm xúc hiện tại khi sắp đón chào lớp Sinh khóa 14-17 của cô như thế nào ạ? Cô có kì vọng, chia sẻ gì với các tân học sinh này không ạ? 

Cô Hương: Cô cũng có chút hồi hộp khi sắp được đón lớp Sinh khóa 14- 17. Đây là khóa cuối cùng mà cô sẽ chủ nhiệm. Cô rất mong được đón những học sinh khỏe mạnh, thông minh, chăm chỉ, hòa đồng với bạn bè và đặc biệt là phải có ý chí vươn lên. Không có ý chí thì khó học được Chuyên đấy. (Cười) 

Cô Hương tại INTEL ISEF Los Angeles tháng 5/2014

PV: Một lần nữa, con xin chúc mừng cô và đội tuyển vì thành tích đáng ngưỡng mộ trong các kỳ thi Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật ba năm qua.

Con cảm ơn cô vì buổi chia sẻ rất chân thành và gần gũi hôm nay ạ!

Cô Hương: Cảm ơn con và nhóm Web đã tạo điều kiện cho cô được chia sẻ những lời này.

PV. Minh Châu Trung 12-15