The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

[CHÀO MỪNG NGÀY 20/11] CHIA SẺ TỪ CÔ GIÁO ĐỖ THỊ THU HẰNG VỀ NGHỀ GIÁO THỜI ONLINE

Post by: webams | 20/11/2021 | 1014 reads

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày lễ đặc biệt trong năm – ngày “tôn sư trọng đạo”, nhằm ca ngợi và tôn vinh những người trong ngành giáo dục. Đây cũng là dịp để những thế hệ học sinh bày tỏ lòng biết ơn, tri ân của mình tới những người thầy – những "người lái đò thầm lặng”. Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của cô Đỗ Thị Thu Hằng – giáo viên môn Ngữ Văn tại trường THPT Hà Nội - Amsterdam về sự nghiệp trồng người để hiểu hơn về tấm lòng của những người làm nghề giáo.

Phóng viên (PV): Lời đầu tiên, con xin chân thành cảm ơn cô vì đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn ạ. Mỗi thầy cô đều lựa chọn một phân môn để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Hiện tại, bộ môn mà cô đang giảng dạy là môn Ngữ Văn, vậy cô có thể chia sẻ lí do nào đã khiến cô lựa chọn bộ môn này để theo đuổi, gắn bó không ạ?

Cô Hằng: Trước tiên, lý do mà cô lựa chọn gắn bó với môn Ngữ Văn là vì niềm đam mê và tình yêu từ khi còn nhỏ. Ngày cô còn đi học thì đã được các thầy cô khen ngợi, động viên có năng khiếu với môn Văn. Sau này, trong những bước đường hoạt động của mình, cô cảm thấy bản thân cũng dành sự yêu thích đặc biệt với bộ môn này, bởi văn chương khiến cho tâm hồn mình thêm phong phú, giúp mình trau dồi thêm cách nghĩ, cách nhìn về thế giới. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, cô thấy những học trò theo đuổi môn Văn rất đáng yêu, và còn sống tình cảm. Nói chung, môn Văn là một lựa chọn đã gắn bó với cô từ hồi nhỏ tới tận bây giờ.

 

Cô Hằng bên tà áo dài

 

PV: Trong thời đại công nghệ số phát triển ngày nay, nhất là qua đại dịch Covid - 19 vừa rồi, việc học online đã dần trở nên phổ biến, vậy cô có thể chia sẻ những thói quen mà cô đã phải thay đổi khi chuyển từ cách dạy truyền thống sang hình thức dạy học trực tuyến?

Cô Hằng: Thói quen đầu tiên mà cô phải thay đổi rất rõ rệt đó chính là phải tự giác học hỏi, trau dồi, tiếp nhận những đổi mới về mặt công nghệ, hình thức giảng dạy. Nếu như ngày trước, thì việc minh họa cho bài giảng chỉ dừng lại ở một số phần mềm như Powerpoint, hoặc trình chiếu các videos, thì việc giảng dạy online buộc mình phải tiếp cận với những phần mềm khác, để hỗ trợ việc dạy học tốt hơn. Cho nên thói quen đầu tiên là cô phải làm quen, sử dụng thành thạo những điểm đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

 

Thói quen thứ hai, là cô phải tìm ra những phương pháp mới để tạo hứng thú trong những tiết học online cho các bạn học sinh. Bởi vì không được tương tác trực tiếp, giữa cô và trò có sự giới hạn, ngăn cách không gian, nên cô phải nghĩ ra những hoạt động, tổ chức trò chơi, những cuộc thi online để tìm hiểu sâu về bài học. Cô nghĩ những hình thức mới này sẽ giúp gây hứng thú với học sinh trong quá trình tiếp nhận bài. Điều mà cô rất thích thú đó là việc cho học sinh thuyết trình cũng trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn, các bạn có thể làm những sản phẩm mà phát huy tối đa khả năng sáng tạo.

 

Cô Hằng trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

 

PV: Việc học online đã diễn ra được hơn hai năm, vậy thì trong quãng thời gian vừa rồi, không biết có kỉ niệm hay câu chuyện thú vị nào mà cô ấn tượng nhất không ạ?

Cô Hằng: Có một câu chuyện mà cô rất cảm động, đó chính là khóa lớp 12 vừa ra trường của cô. Đến tận buổi học cuối cùng thì cô trò cũng không thể đến trường để dự lễ trưởng thành, đó là một niềm tiếc nuối vô cùng. Tiết học cuối cùng, các anh chị đã làm những trang Powerpoint, trên đó ghi lời nhắn nhủ, lời chúc của tất cả các thành viên trong lớp tới tất cả các thầy cô giáo. Với cô, đây là món quà tinh thần xúc động, vô cùng đặc biệt và đáng nhớ.

Bên cạnh đó, cũng có những kỉ niệm hài hước mà khi nghĩ lại cô thấy rất thú vị. Nhiều bạn học sinh học online thì có tinh thần quá sảng khoái, vui vẻ, hồn nhiên. Chẳng hạn như có bạn bật camera nhưng gặp “tai nạn nghề nghiệp” nên cô mới phát hiện ra bạn ấy đang nằm trên giường để nghe văn, học văn, cảm văn.

 

Cô Hằng mang đến những chia sẻ rất chân thực về việc dạy và học trong thời kì học trực tuyến

 

PV: Năm học 2021-2022 là một năm học đặc biệt, bởi cả thành phố bắt đầu năm học bằng một buổi lễ khai giảng trực tuyến, vậy khi không được trực tiếp tiếp xúc với những học sinh mới, cô đã làm thế nào để tìm hiểu, gắn kết với học trò của mình?

Cô Hằng: Trước hết, kênh đầu tiên để cô tìm hiểu học sinh của mình là thông qua cô giáo chủ nhiệm của lớp, để xem hồ sơ học tập của các bạn từ những năm học trước. Thứ hai, bản thân cô trò cũng cần xác định tinh thần là phải cởi mở, vui vẻ, chủ động. Nên trong những giờ nghỉ giải lao, hoặc xen kẽ vào quá trình giảng dạy, cô cũng đan vào những câu trò chuyện để giao tiếp với các bạn học sinh nhiều hơn. Hoặc các thành viên trong lớp nếu còn ngại ngùng, thì có thể bày tỏ tình cảm, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn cá nhân của mình với thầy cô thông qua những đường link Google Forms. Và với cô, quan trọng nhất đối với người làm thầy là mình phải cố gắng tiếp cận với tâm lí học trò, tâm lí của lứa tuổi thanh niên để xóa nhòa khoảng cách, ranh giới về mặt độ tuổi, để mình hiểu xem thế hệ trẻ bây giờ nghĩ thế nào, cần gì và muốn gì.

 

PV: Con xin cảm ơn cô một lần nữa vì những chia sẻ của cô trong buổi phỏng vấn hôm nay ạ. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, con xin gửi tới cô những lời tốt đẹp nhất. Con chúc cô sẽ luôn vui vẻ, hạnh phúc, có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sứ mệnh của nghề giáo – sự nghiệp “trăm năm trồng người” ạ.

 

Văn chương là bộ môn của sự sáng tạo, và với những thầy cô đang ngày ngày miệt mài mang đến cho học sinh chúng ta những bài giảng thật thú vị, hấp dẫn về văn học, đó chính là sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Qua những chia sẻ từ cô Hằng, chúng ta có thể cảm nhận được tâm huyết và nỗ lực của các thầy cô trong việc mang đến những bài giảng chất lượng nhất, đặc biệt là trong thời kì học trực tuyến như hiện nay. Ban Biên tập Ams Wide Web xin gửi lời chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tới cô và toàn thể giáo viên trong trường một lời chúc sức khỏe, thật nhiều may mắn và niềm vui trong ngày hôm nay!

 

Phóng viên: Phạm Hoàng Hải Anh - Văn 2124

Ảnh: Cô Hằng cung cấp