The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Phỏng vấn Phạm Quỳnh Nhi – cô gái chuyên Lý với mong ước dùng khoa học thay đổi cuộc sống

Post by: myph | 04/04/2016 | 5783 reads

Trong chương trình trao đổi khoa học Tsukuba Science Edge 2016 vừa qua, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam ta đã vô cùng vinh dự khi bạn Phạm Quỳnh Nhi (Lý 1 1417) đã đạt giải Ba với đề tài “Dùng lò vi song tạo ra Plasma để khử trùng”. Sau nhiều lần sắp xếp, phóng viên Ams Wide Web đã có một buổi trò chuyện vô cùng thú vị và bổ ích với cô bạn chuyên Lý xinh xắn, nhờ đó, biết thêm nhiều điều về dự án khoa học thú vị và hiệu quả này. Cùng lắng nghe những chia sẻ của Phạm Quỳnh Nhi nhé!

>> Học sinh Việt Nam giành giải cao nhất cuộc thi công nghệ trẻ tại Nhật Bản

(Phạm Quỳnh Nhi và giải Ba Tsukuba Science Edge)

Phóng viên (PV): Chào Nhi! Chúc mừng bạn đã đạt giải trong kì thi Tsukuba Science Edge vừa qua. Chúng mình rất vui khi bạn nhận lời phỏng vấn với Ams Wide Web ngày hôm nay. Được biết Nhi đã đạt giải Ba trong chương trình trao đổi khoa học Tsukuba Science Edge 2016. Để bắt đầu,  có thể cho độc giả của Ams Wide Web biết thêm về cuộc thi Tsukuba Science Edge được không?

Phạm Quỳnh Nhi (PQN): Cảm ơn bạn! Về Tsukuba Science Edge, đây là cuộc thi ý tưởng, công trình khoa học công nghệ cao thường niên do Ủy ban Kế hoạch Khoa học Nhật Bản tổ chức dành cho học sinh trung học phổ thông trên toàn thế giới. Mỗi năm, cuộc thi chỉ được tổ chức duy nhất một lần tại Tsukuba, Nhật Bản thôi. Năm nay cuộc thi có 48 đề tài nước ngoài tham dự, bao gồm Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc nhưng chỉ có 4 đề tài được giải. Để tìm hiểu kĩ hơn về cuộc thi thì các cậu có thể lên trang web:  https://www.jtbbwt.com/ScienceEdge/cmn/pdf/tse2016.pdf nhé!

PV: Đây quả là một cuộc thi lớn! Lý do gì đã giúp Nhi đủ tự tin để tham gia cuộc thi mang tầm cỡ quốc tế này thế?

PQN: Với Nhi, Tsukuba Science Edge là dịp để học hỏi, giao lưu với các bạn bè các nước (Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản) thông qua các công trình nghiên cứu, đồng thời cũng là cơ hội để khẳng định tính khả thi của đề tài “Dùng Lò vi sóng tạo ra Plasma để khử trùng”, đưa đề tài đến gần với các nước bạn để thấy được sự phát triển của khoa học nước nhà. Ngoài ra, tham gia cuộc thi, Nhi đã được trải nghiệm và chiêm ngưỡng những thành tựu khoa học tiên tiến của Nhật Bản mà Nhi tin chắc rằng chúng đã truyền cảm hứng cho những nghiên cứu tiếp theo của Nhi.

 PV: “Dùng Lò vi sóng tạo ra Plasma để Khử trùng”- một đề tài thực tiễn, rất hữu hiệu.  Vậy ý tưởng bài dự thi của Nhi bắt đầu từ đâu? Những biện pháp nghiên cứu nào đã được Nhi và bạn hỗ trợ áp dụng vậy?

PQN: Ý tưởng đề tài của Nhi bắt nguồn từ một điều rất dễ nhìn thấy thôi: môi trường quá ô nhiễm mà các phương pháp diệt khuẩn hiệu quả lại quá đắt, phương pháp gia dụng thì không có hiệu quả. Trước đây Nhi từng biết về phương pháp plasma – nó không hề mới - nhưng do máy khử trùng bằng plasma quá đắt nên chỉ được sử dụng trong các bệnh viện lớn nên còn khá xa lạ với người dân. Tuy nhiên, khi Nhi nhìn thấy cô Nhi phải luộc, hấp bình sữa cho em bé để khử trùng, Nhi đã muốn cải thiện tình hình và khó khăn đó bằng cách dùng plasma, nhưng với giá thành rẻ hơn và được tạo ra từ các vật dụng sẵn có như lò vi sóng và máy bơm.

PV: Trong suốt quá trình làm đề tài, bạn đã gặp những khó khăn gì? Nhi đã vượt qua những chướng ngại vật ấy như thế nào?

PQN: Khó khăn hiện hữu nhất trong thời gian tham dự cuộc thi đối với Nhi là rào cản ngôn ngữ, khi mà các đề tài nghiên cứu đều có những từ ngữ chuyên ngành hoàn toàn xa lạ với mình. Tuy nhiên, các bạn thí sinh đều rất thân thiện nên đã tận tình giải thích cho Nhi. Song, bạn cùng đề tài của Nhi là Hà Thế Trung lại bất ngờ nhận học bổng du học Mỹ, đã nhập học nên thử thách với  Nhi phải một mình thuyết trình trong đợt đi Nhật vừa qua. Tuy nhiên Nhi đã cố gắng hoàn thành phần thi hết khả năng của mình.

Quỳnh Nhi và bạn cùng đề tài Hà Thế Trung trong kì thi Isef 2015

PV: Ý nghĩa của đề tài “Dùng lò vi sóng tạo ra Plasma để khử trùng” là gì?

PQN:  Đây là một phương pháp diệt khuẩn hiệu quả, thời gian ngắn từ các vật dụng sẵn có, dễ kiếm như lò vi sóng, máy bơm. Vì vậy, ý nghĩa lớn nhất của đề tài chính là khả năng áp dụng với hầu hết các hộ gia đình tại Việt Nam.

PV: Nhi có thể chia sẻ một vài kỉ niệm đáng nhớ trong khoảng thời gian dự thi được không?

PQN: Sau khi được nghe giới thiệu về đề tài của Nhi, các bạn thí sinh nói là sẽ về nhà làm thử vì nó đơn giản mà lại hiệu quả quá. Nhi rất vui khi được nghe những lời đó, vì đấy là bao công sức và sáng tạo của Nhi và sự tư vấn của các thầy cô trường THPT Chuyên HN- Amsterdam, cũng là sự động viên, tin yêu vfa hỗ trợ to lớn của gia đình.

Quỳnh Nhi diễn giải đề tài cho các bạn nước ngoài

PV: Trong suốt quá trình dự thi, bạn không là “chiến binh” cô độc?

PQN: Đúng đó, từ hồi Isef 2015, thầy cô trong trường mình đã luôn góp ý với Nhi và Hà Thế Trung trong từng mảng đề tài, nhớ đó mà đề tài cũng được hoàn thiện, hợp lý và hữu dụng hơn. Thêm nữa,  bố mẹ Nhi cũng luôn ủng hộ Nhi làm việc và phát triển đề tài của mình, từ lúc ISEF đến hội thảo trao đổi khoa học Tsukuba Science Edge 2016. Nếu thầy cô tạo điều kiện và đưa ra những lời góp ý xác đáng thì bố mẹ luôn ở bên cạnh Nhi những lúc khó khăn khi mà đề tài đi vào ngõ cụt, không biết xử lý ra sao.

Nhà giáo Bùi Văn Phúc - Phó hiệu trưởng nhà trường và thầy giáo Vật lý Đinh Trần Phương bên Quỳnh Nhi trong kì thì Isef 2015

PV: Thật là may mắn khi có thầy cô và bố mẹ ở bên, Nhi nhỉ! Tất nhiên, tài năng và bản lĩnh của chính bạn đã quyết định đến thành công. Mỗi chặng đường đến thành công không trải đầy hoa hồng, nhưng đổi lại, chúng ta đều trưởng thành hơn.  Vậy, kết thúc cuộc thi, Nhi thấy bản thân mình đã thay đổi như thế nào?

PQN: Nhi đã tìm ra các giải pháp để tiếp tục phát triển và hoàn thiện đề tài hiện tại cũng như hiểu thêm nhiều điều trong bản thân. Đương nhiên khả năng giao tiếp của Nhi được nâng cao khá nhiều, và trên hết, Nhi được tiếp cận với các công nghệ tiên tiến của nước ngoài mà Nhi vô cùng yêu thích

PV: Trong tương lai, nếu có những cuộc thi tương tự, Nhi sẽ tham gia chứ? Theo Nhi, điều lớn nhất mà cuộc thi mang đến với Nhi là gì?

PQN: Chắn chắn là Nhi vẫn muốn tiếp tục tham gia rồi, vì Nhi muốn đưa đề tài này ứng dụng thật hữu hiệu và phổ biến trong đời sống. Khoa học sẽ khiến con người tiến gần hơn với cuộc sống tiện nghi, an toàn. Còn điều lớn nhất mà cuộc thi đem lại cho mình, là việc bản thân được mở mang đầu óc rất nhiều bởi các đề tài của các bạn đều rất hay và hữu dụng; được kết thêm nhiều bạn mới ở khắp nơi và nhận được các lời góp ý từ các chuyên gia.

PV: Cảm ơn Nhi đã trả lời những câu hỏi này với Ams Wide Web nhé! Một lần nữa chúc mừng Nhi với giải Ba vừa qua, và chúc Nhi sẽ đạt thêm nhiều thành tích hơn nữa trong tương lai!

PV: Mai Trang – Lý 2 1417

 

Về đề tài “dùng lò vi sóng tạo ra plasma để khử trùng”

-       Đạt giải trong kì thi Intel ISEF 2014 - 2015

-       Đã thí nghiệm và chế tạo thành công hệ máy đơn giản từ những vật liệu sẵn có như lò vi sóng, máy bơm; hệ máy có khả năng diệt khuẩn hiệu quả, có thể áp dụng trong đời sống.

-       Sử dụng máy bơm để làm giảm áp suất và môi trường điện từ trường của lò vi sóng để tạo ra trạng thái plasma trong buồng kín để khử trùng các vật dụng trong gia đình, bệnh viện và phòng thí nghiệm.

-       Quá trình thực nghiệm trên khuẩn E. coli đã chứng minh được khả năng diệt khuẩn của plasma

-       Tính mới: tiệt khuẩn trong thời gian ngắn, nhưng đem lại hiệu quả cao; có thể diệt khuẩn hầu hết mọi loại đồ vật, đặc biệt là vật liệu kim loại (thứ mà không thể đưa vào lò vi sóng) cũng được khử trùng một cách an toàn, không gây cháy nổ; không gây tác dụng phụ lên người sử dụng; sử dụng các vật dụng sẵn có, dễ kiếm để tạo ra plasma – một công nghệ còn khá xa lạ đối với người dân.

-        Có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày vì sự sẵn có, tiện lợi của hệ máy, đáp ứng được nhu cầu diệt khuẩn thiết yếu trong gia đình, phòng thí nghiệm, bệnh viện.

-        Trong tương lai sẽ nghiên cứu các phương pháp diệt khuẩn khác nhau cho các loại vật dụng, vi khuẩn khác nhau; nghiên cứu bề mặt và sự biến đổi hóa học của các đồ vật và tính đến bài toán giá thành để thiết bị phù hợp với mọi hộ gia đình.

-        

Phạm Quỳnh Nhi – 27/4/1999

Lý 1 (khóa 2014 – 2017) Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam

Thành tích: từ năm 2014

-       Á khoa đầu vào chuyên Lý kì thi tuyển sinh lớp 10 vào trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam (45,5/50)

-       Giải Nhì Lĩnh vực cuộc thi Khoa học Kĩ thuật Intel ISEF Hà Nội 2014 - 2015

-       Giải Nhì Toàn cuộc cuộc thi Khoa học Kĩ thuật Intel ISEF Hà Nội 2014 - 2015

-       Giải Nhì Lĩnh vực cuộc thi Khoa học Kĩ thuật Intel ISEF cấp Quốc gia 2014 - 2015

-       Giải Nhì Toàn cuộc cuộc thi Khoa học Kĩ thuật Intel ISEF cấp Quốc gia 2014 - 2015

-       Học bổng Odon Vallet 2015

-       Giải Ba trong chương trình trao đổi khoa học Tsukuba Science Edge 2016