Nghĩ về cô - "Người giữ lửa" của mái nhà Hà Nội - Amsterdam
“Chúc con thành công. Ở đây và bất kì nơi đâu.”
Kể từ lúc tôi khép lại cánh cửa của phòng Hiệu trưởng – cô Lê Thị Oanh, câu nói cuối cùng của cô luôn vang vọng trong tâm trí tôi. Cũng kể từ khi nghe câu nói ấy mà tôi, lúc đó cũng chỉ là một học sinh lớp 9 bình thường đang khủng hoảng với kì thi chuyển cấp trước mắt, được tiếp thêm niềm tin và động lực.
“Thuyền trưởng” của con thuyền mang tên Hà Nội - Amsterdam
Nhưng đây không phải là câu chuyện của tôi. Đây là câu chuyện về cô Lê Thị Oanh – “thuyền trưởng” mạnh mẽ của nhiều thế hệ học sinh Ams.
Hôm ấy là một buổi trưa sau giờ học, tôi chạy vội lên phòng cô để tranh thủ xin chữ ký xác nhận vào hồ sơ thi. Tôi cứ nghĩ rằng mọi thứ sẽ trôi qua nhanh chóng trong khoảng 10 phút, rằng cô sẽ chỉ ký cho tôi như cô đã từng làm với hàng nghìn bộ hồ sơ khác.
Điều tôi không ngờ là buổi trưa hôm ấy đã mang lại cho tôi một góc nhìn mới hoàn toàn về cô. Cô hỏi tôi học lớp nào, cô trò chuyện với tôi về những khó khăn của việc ôn thi và, vẫn với phong thái điềm tĩnh, cô hỏi tôi về dự định của tôi trong kì thi tới. Quả thật, đến giờ tôi không còn nhớ rõ tôi đã nói những gì với cô, hay cô đã nói những gì với tôi. Đơn giản vì mọi thứ cũng quá giống với những lời khuyên về việc thi chuyển cấp mà tôi đã liên tục được nghe trong một thời gian dài.
Thế nhưng cô vẫn có nét khác biệt. Giáo viên nào cũng nhắc đến việc thi cử với một thái độ hết sức nghiêm trọng, giống hệt cảm giác của học sinh vậy, chỉ trừ có cô. Cô luôn cười, không phải nụ cười thân thiện điển hình, mà là một nụ cười tự tin, nụ cười toả sáng như ánh dạ quang – không cháy rực, chỉ nhẹ nhàng nhưng vẫn đủ để soi sáng trong đêm tối. Kết thúc buổi nói chuyện, cô chúc tôi may mắn với lựa chọn của mình nhưng cũng không quên nhắc tôi phải cố gắng đạt được thành công ở mọi nơi tôi đến.
Sau buổi trưa hôm ấy, cô đã làm cho bao lo lắng trong lòng tôi vơi đi phần nào. Có lẽ cô hiểu học sinh của mình và luôn biết phải nói gì, phải làm gì để học sinh tự tin hơn, trưởng thành hơn và có được phong thái thực thụ của một Amser.
Tôi khá chắc rằng câu chuyện của tôi chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện về cô. Bởi cô có hàng ngàn đứa con, hàng ngàn Amsers mọi thế hệ. Có lần cô thoáng nhìn thấy một cô học trò nhà xa thường xuyên phải đi học sớm và mua vội đồ ăn sáng, để dành đến giờ nghỉ nhưng cũng kịp dặn: “Nhớ ăn uống đầy đủ nhé!”. Hay lần khác, cô bắt gặp một học sinh của mình ngồi ở một góc bí mật trong trường, lặng lẽ ngắm Ams một mình. Lúc ấy, cô đã nói rằng: “Mệt mỏi nhỉ, Ams và em?” Tuy chỉ được nghe kể lại, tôi vẫn hoàn toàn có thể hình dung ra trong đầu nụ cười và phong thái quen thuộc của cô khi nghĩ về những câu chuyện ngắn ngủi ấy.
Chúng ta nghĩ về cô là một người phụ nữ mạnh mẽ có phần cứng nhắc, một người phụ nữ đầy quyền lực luôn mặc màu đỏ tươi, một giáo viên khó tính và khắt khe, một người hiệu trưởng xa cách. Đúng, cô là hiệu trưởng và cô chỉ lo những công việc to lớn, nhưng một người mẹ thì sẽ vẫn dành thời gian chăm sóc con cái, cho dù có bận bịu đến đâu.
Điều chúng ta chưa biết hết về cô là những quan tâm nhỏ bé mà cô dành cho mỗi Amser, là có một mặt mềm mỏng ân cần trong cô theo đúng nghĩa một người mẹ mà ta sẽ không thể nhận ra nếu chỉ nhìn cô phát biểu trên sân khấu. Những gì chúng ta biết chỉ là một hình tượng, chỉ là bề nổi được suy đoán qua những luật lệ mà cô đưa ra – cốt là để cho Ams được phát triển theo hướng tốt nhất. Có ai ngờ, cô lại luôn gần gũi đến thế: cô giống như một người bạn thực sự, người luôn xuất hiện những lúc quan trọng nhất và nói những câu nói khơi nguồn cảm hứng nhất trong cuộc đời chúng ta.
Giá mà Ams thật nhỏ để Amser nào cũng cảm nhận rõ ràng được tình yêu thương của cô. Nhưng vì Ams thật rộng, nên dù tình yêu cô dành cho chúng ta có lớn đến nhường nào thì không phải ai cũng hiểu được hết. Có lẽ cũng chính vì thế mà những người đã được đón nhận trực tiếp tình yêu của cô cũng chỉ muốn giữ cho riêng mình.
Sau ba năm cấp 3, hay với những học sinh Ams 2 là 4 năm, hoặc có thể là 7 năm dưới mái trường Ams, khi chúng ta sải cánh vươn xa trên con đường mình đã chọn, chúng ta nhớ về thầy cô chủ nhiệm, những thầy cô đã trực tiếp giảng dạy và chắp cánh cho chúng ta. Nhưng chúng ta cũng không được quên rằng, từ xa cũng có cô - một người phụ nữ luôn đứng đó, bền bỉ dõi theo những bước đi của từng Amsers với lòng tự hào thầm lặng, vì cô là mẹ của tất cả.
Cảm ơn cô vì những giây phút lớn lao và cả những giây phút đời thường, bởi nhờ cô mà chúng con mới có được ngày hôm nay – những khoảnh khắc tươi đẹp của tuổi học trò dưới mái nhà chung mang tên Hà Nội - Amsterdam.
PV: Lê Minh Trang (Anh 1 14-17)
Hồ Thị Mai Trang (Lý 2 14-17)