Cô giáo Đặng Huyền Trang- “ Vì Ams là nhà”
Có một câu nói : “Once Amser, forever Amser” ( Một lần là Amser, mãi mãi cũng sẽ là một Amser). Đã từng trải qua những năm học đáng nhớ ở Trường THPT Chuyên HN- Amsterdam thì mãi mãi trong lòng những cựu học sinh luôn đọng lại những dấu ấn, những kỉ niệm đẹp . Nhân ngày kỉ niệm 30 năm của Trường sắp tới, tôi đã có dịp được trò chuyện với một cựu Amser, đồng thời là giáo viên trẻ của Trường THPT Chuyên HN- Amsterdam – Cô Đặng Huyền Trang.
Con chào cô Đặng Huyền Trang. Lời đầu tiên xin hỏi thăm cuộc sống và sức khoẻ của cô. Mong cô chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm của mình về ngôi trường đã gắn bó với cô suốt thời gian học phổ thông và bây giờ là nơi công tác với con trong buổi phỏng vấn ngày hôm nay.
1.Thưa cô, là một cựu Amser, cô có thể tự giới thiệu sơ qua về khoá học 3 năm của mình ở trường Amsterdam không để mọi người có thể hiểu hơn về cô?
Trở thành thành viên của Ams là một điều không hề dễ dàng, nên khi đỗ vào lớp chuyên Văn, cô rất vui mừng và tự hào, nhưng cũng xen lẫn chút hồi hộp và lo lắng bởi học khối chuyên Văn đòi hỏi sự kiên trì và bền bỉ trau dồi kiến thức.
Cô học khóa 06-09, cô chủ nhiệm là cô Đỗ Tú Oanh, nay cô đang là tổ trưởng tổ Văn tại trường.Cô là một cô giáo rất tâm lý và có khả năng truyền đạt rất tuyệt vời. Cô như một người mẹ, người chị, người bạn đồng hành, không chỉ truyền thụ kiến thức, mà cô còn dạy học sinh cách làm người, cách ứng xử trong cuộc sống – một điều mà bản thân cô cho rằng rất quan trọng trong công việc cũng như trong cuộc sống sau này.
2. Thưa cô, khi quyết định theo nghề giáo, chắc chắn cô phải có rất nhiều lựa chọn về nơi mình sẽ công tác, có rất nhiều ngôi trường tốt và đầy đủ điều kiện, vậy tại sao cô lại chọn Trường THPT Chuyên HN- Amsterdam ?
Là một Amser, ai cũng sẽ ghi nhớ câu: “Vì Ams là nhà”. Được quay lại chính nơi mình học tập cũng giống như những người con được trở về nhà sau nhiều năm xa cách, được cống hiến cho nơi này là niềm mơ ước, là điều hạnh phúc nhất. Học sinh đi đến nơi đâu cũng được biết đến, đủ để thấy mái nhà trường THPT Chuyên HN- Amsterdam đã đem lại cho mỗi cá nhân niềm tự hào to lớn đến thế nào. Đây cũng là lúc để cá nhân cô đền đáp và trao gửi tiếp đến các thế hệ học trò mai sau những điều đáng trân trọng cô nhận được từ các thầy cô, từ ngôi nhà chung Chuyên HN Amsterdam, để sau này các em có thể trưởng thành và đạt được những ước mơ như cô bây giờ.
3. Vậy khi ở trên giảng đường, chắc chắn cảm xúc so với khi là học sinh phải có rất nhiều điểm khác biệt, cô có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi cô trở thành một giáo viên thay vì là học sinh của trường Ams không ạ?
Là một cựu học sinh Ams, nay trở thành giáo viên Ams, cô hiểu rất rõ học sinh cần gì, phụ huynh học sinh kì vọng những gì, để từ đó giúp các em định hướng và khắc phục được những thiếu sót mà có thể cá nhân cô khi ngồi trên ghế nhà trường vẫn chưa đủ trưởng thành để nhìn nhận. Hơn nữa, việc là một học sinh chuyên Văn cũng giúp cô rất nhiều trong công việc giảng dạy môn Ngoại Ngữ.Văn học dạy các em cách làm người, hiểu được những giá trị văn hóa, trong khi ngoại ngữ là chìa khóa giúp các em từng bước trở thành những công dân toàn cầu. Sự kết hợp này khiến cô có thể giúp các em vừa hoà nhập với thế giới, vừa giữ được những nét đẹp truyền thống của người Việt.
Cô giáo Đặng Huyền Trang (ngoài cùng - bên trái)
4. Theo lời giới thiệu của cô, cô học khoá 06-09 của Trường THPT Chuyên HN- Amsterdam đúng không ạ? Từ thời điểm ấy tới giờ , bất cứ điều gì cũng phải có sự thay đổi, trường THPT HN- Amsterdam cũng không phải là ngoại lệ, ngôi trường đã có rất nhiều điểm khác biệt. Vậy nếu một phép thử so sánh hiện tại với quá khứ, cô nhận thấy trường mình có điểm gì khác biệt ạ?
Trên chặng đường gần 30 năm kể từ khi thành lập của trường Ams, đối với cô điểm khác biệt lớn nhất có lẽ là việc nhà trường chuyển địa điểm năm 2010. Kể từ đó đến nay, học sinh được học tập tại một khuôn viên to đẹp hơn, cơ sở vật chất hiện đại hơn.Điều này đã đem đến bao niềm vui cho những lứa học sinh mới, nhưng cũng là sự tiếc nuối cho không ít thế hệ đã gắn bó với ngôi trường ở phố Nam Cao. Là một cựu học sinh Ams đã từng được học tập và gắn bó quãng thời gian học trung học phổ thông tại địa điểm phố Nam Cao, với cô, đó thực sự là một nơi không thể quên. Mặc dù giờ đây đang công tác tại địa điểm mới của trường, nhưng mỗi lần đi ngang qua phố Nam Cao và nhìn vào khuôn viên cũ của trường (nay đã được chuyển lại cho trường THPT Nguyễn Trãi) thì trong cô lại dâng lên những niềm cảm xúc bồi hồi khó tả.
5. Thưa cô,trong thời gian khá dài gắn bó với Trường THPT Chuyên HN- Amsterdam, điều gì đọng lại trong tâm trí của cô mỗi khi nhắc đến ngôi trường này? Liệu cô có thể chia sẻ một kỉ niệm thật đáng nhớ thời còn học sinh của cô không ạ?
Những năm tháng học tập tại Ams là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời học sinh của cô. Cô đã trải qua ba năm học tại địa điểm cũ của trường trên phố Nam Cao. Một trong những kỉ niệm đáng ghi nhớ là trước cổng trường có rất nhiều hàng quán, đặc biệt là hàng ăn và hàng lưu niệm. Như bao cô cậu học trò khác, mỗi ngày cô đều dành chút thời gian rẽ vào những quán đồ lưu niệm ấy để ngắm nghía những đồ vật xinh xắn để dành tặng bạn bè và người thân trong các dịp lễ, hay hẹn hò cùng các bạn ở Ams ăn sáng và ăn trưa. Đó là những điều giản dị gắn kết tình bạn giữa các thành viên của lớp văn 06-09 của cô nói riêng, và cũng là những kí ức đẹp của thành viên trường thời đó nói chung.
6. Thưa cô, con có thể hỏi cô thêm một chút không ạ, điều này cũng hơi riêng tư. Thời gian ba năm cấp ba thường là thời gian nảy sinh những tình cảm mới lạ hơn, trưởng thành hơn. Vậy những ngày ấy cô có cảm tình đặc biệt không, như với một người bạn khác giới ? Nếu có cô có thể chia sẻ cảm xúc của mình hồi ấy không ạ?
Một điều rất đặc biệt về lớp Văn khóa 06-09 là không có một bạn nam nào, nhưng không vì thế mà lớp cô kém phần sôi nổi trong các hoạt động tập thể. Hơn nữa, chính điều này đã khiến những thành viên Văn 06-09 trở nên rất mạnh mẽ và kiên cường.
Để nói là “cảm nắng” với các bạn cùng trang lứa trong trường thì thực sự là cô chưa có, nhưng cô chơi khá thân với một số bạn nam cùng khóa và cả ở khoá dưới qua những lần tham gia các hoạt động tập thể ý nghĩa của trường. Họ như những người anh em trai thân thiết mà đến bây giờ cô vẫn giữ liên lạc. Cho dù mỗi người đã có cuộc sống riêng và bận rộn, nhưng cô và các bạn vẫn thỉnh thoảng trò chuyện, tâm sự, học hỏi lẫn nhau và động viên nhau khi gặp những khó khăn trong cuộc sống.
7. Thưa cô, cô đã công tác ở Trường THPT Chuyên HN- Amsterdam được một thời gian, vậy cô có cảm nhận được sự gắn kết giữa giáo viên và học sinh của mình không ? Nếu như câu trả lời là “chưa” , vậy cô có nghĩ là nên có thêm những hành động gì để gắn kết hơn không ạ?
Học sinh trường mình luôn hướng đến những điều mới mẻ và ngoại ngữ mới, đương nhiên không phải là ngoại lệ.Cô không thể khẳng định tất cả học sinh đều yêu thích môn học tiếng Anh, nhưng phần lớn các em đều thể hiện sự quan tâm yêu thích với ngôn ngữ này ở nhiều phương diện và hình thức khác nhau. Điều này khiến học sinh dễ dàng hợp tác với cô trong các giờ học. Điều quan trọng là cô luôn cố gắng kết hợp trau dồi chuyên môn với trải nghiệm thực tế, để có thể chỉ ra mối liên hệ giữa ngôn ngữ các em được học ở trường lớp với cách ngôn ngữ thực sự được sử dụng bởi người bản địa. Điều này sẽ giúp các em có thể tự tin sử dụng được ngôn ngữ mới này trong cuộc sống khi cần thiết, hiểu được tầm quan trọng của nó và dần dần hình thành niềm yêu thích cho môn học.
(Cô Đặng Huyền Trang trong chuyến đi tới Mĩ cùng các học sinh các trường)
8. Vâng câu hỏi cuối cùng của con =, với tư cách một cựu học sinh, một giáo viên trường THPT Chuyên HN- Amsterdam, đặc biệt là đối với ngày kỉ niệm 30 năm thành lập trường lần này, cô có lời nhắn gửi gì đến thế hệ học sinh của trường hiện nay và thời gian sau này không ạ?
Là một cựu học sinh chuyên Văn, và giờ là một giáo viên Ngoại Ngữ, điều cô muốn nhắn gửi với các em là mục đích của mỗi chặng đường trong cuộc sống có thể thay đổi,nhưng ở vị trí nào đi chăng nữa thì các em cũng hãy làm việc thật hết mình để sau này nhìn lại sẽ không bao giờ thấy tiếc nuối với những quyết định và lựa chọn của mình. Trở thành một thành viên của mái nhà Ams đã là một thử thách, để không lãng phí công sức của bản thân và không phụ sự kì vọng của thầy cô, cha mẹ còn là một điều khó hơn. Tinh thần trách nhiệm và sự khiêm tốn sẽ trợ giúp các em rất nhiều không chỉ trong học tập mà còn cả trong công việc sau này nữa.
(Cô Đặng Huyền Trang cười rạng rỡ dưới ánh nắng ngày khai giảng)
Vâng, con xin cảm ơn cô đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Con mong trong thời gian sắp tới, cô sẽ đạt được nhiều thành công và may mắn trong sự nghiệp và đời sống của mình, có thể đưa cho học sinh trường mình nhiều bài học bổ ích hơn nữa.
Sắp tới ngày 30 năm kỉ niệm thành lập trường, chính là một dịp không chỉ để kỉ niệm đơn thuần mà còn mang đến nhiều ý nghĩa cho giáo viên, học sinh và cả những cựu học sinh. Đây là thời điểm chúng ta cùng nhìn lại một quá khứ thật dài với nhiều kỉ niệm đẹp, với những cung bậc cảm xúc khác nhau để trân trọng hơn, yêu thương hơn. Đây là thời điểm chúng ta cùng hướng tới tương lai, sẽ cùng xây dựng một ngôi trường Chuyên HN- Amsterdam một cách sáng tạo hơn, tốt đẹp hơn. Và để đến cuối cùng , đọng lại trong mỗi một con người thuộc về “ Amsterdam” là một tình yêu, một nụ cười đẹp nhất.
PV Ban nội dung - Nhóm Web