Văn học - nơi cho tôi gặp người mẹ thứ hai
Bài tham dự cuộc thi viết về trường
MS 025
Văn học - nơi cho tôi gặp người mẹ thứ hai
Từ Hải Minh
Văn 13-16
Những làn gió heo may se se lạnh của tiết trời cuối thu đang dần nhường chỗ cho từng cơn gió rét lạnh giá của nàng Đông mang tới. Lại một mùa 20-11 nữa đang tới gần - mùa của lễ tri ân những người cô, người thầy, là cơ hội để những người học trò như con thể hiện lòng kính trọng và yêu mến của mình đối với những người đang tận tụy với nghề giáo hay cả khi họ đã rời xa giảng đường. Khi ngồi viết những dòng chữ này, con đã đặt cảm xúc của một người con vào trong những dòng tâm sự sâu kín và chân thành dành cho cô Nguyễn Thị Ninh - người mẹ thứ hai con đã được gặp khi bước chân vào lớp chuyên Văn này..!
Chưa bao giờ con nghĩ rằng mình là một học sinh giỏi Văn, một người có “năng khiếu văn chương” từ bé, cũng chưa bao giờ dám nhận mình dành cho văn học một tình yêu thiết tha, mãnh liệt đến mức không gì sánh nổi! Ngày bé, con đến với văn học qua những cuốn sách. Con đọc sách như một thú vui tinh thần, như một niềm say mê khám phá cái mới của một bộ óc tò mò của đứa trẻ mới lớn. Nhưng từ khi bước chân vào lớp Văn, dường như cô đã nhen nhóm một thứ tình cảm gì mới lạ trong con, đã truyền cho con một con mắt nhìn đời khác đi, dù chưa thực sự sâu sắc nhưng đối với tôi nó cũng vô cùng ý nghĩa. Con càng yêu thêm những trang sách, khát khao đọc sách để nhiều lúc được cười, được khóc, rồi lại ngẫm nghĩ một điều gì đó rất lung, nó rất mơ hồ nhưng cũng nhiều ám ảnh. Ngọn lửa tình yêu với sách trong con có lẽ nhờ cô mà đã được thổi bùng lên, để rồi từ đó cô truyền cho con tình yêu với văn học...
Dù chỉ mới đi qua một nửa chặng đường của những năm cuối cấp, nhưng những gì cô đã truyền giảng cho chúng con, có lẽ chẳng bao giờ kể hết. Sự tận tụy của cô với nghề giáo, với học sinh có thể nhìn thấy qua từng khoảnh khắc, từ những lúc hạnh phúc, vui sướng khi những đứa con của mình yêu văn hơn, đến những phút mệt nhọc, thất vọng vì sự lơ đãng, lười biếng của những cô cậu học trò còn ham chơi, đôi khi vô tâm vì chưa hiểu được sự vất vả, tâm huyết mà cô dành cho chúng con. Nhưng rồi, vượt qua mọi nỗi khó khăn, cực nhọc, cô vẫn kiên trì uốn nắn từng đứa con thơ dại, vẫn say mê thả hồn vào từng con chữ mỗi khi giảng bài. Nhìn cô nhập tâm vào vai Chí Phèo lúc say rượu ngật ngưỡng đi trên bục giảng, hay khi cô “phiêu” theo từng câu hát một cách đầy sảng khoái, cả lớp không ai là không thấy thoải mái, và mọi căng thẳng, cảm giác “khó nhằn” với môn văn dường như cũng vơi bớt phần nào. Nhờ có cô, con hiểu rằng văn học là một cái gì đó sâu xa nhưng cũng gần gũi lắm, lớn lao nhưng cũng nhỏ bé lắm, để rồi sau khi đọc xong mỗi câu chữ, mình cần dừng lại để ngẫm nghĩ nhiều điều về cuộc sống này. Nhiều khi đi một mình, trong đầu chợt hiện lên những vần thơ lãng mạn của Xuân Diệu, đầy ám ảnh của Hàn Mặc Tử,...hay hiện lên hình ảnh của Chí Phèo, Xuân Tóc đỏ con lại chợt bật cười với chính mình, rằng đã từ bao giờ mà trong tâm trí mình lại nhiều “văn chương” đến thế!
Thế nhưng đối với con, cô đâu chỉ đơn thuần là “người lái đò tri thức”, ngày ngày cần mẫn chở học trò qua sông. Cô chăm sóc, dạy dỗ mỗi đứa như một người mẹ, từ cách nói năng, ăn mặc, đến cách ứng xử trong cuộc sống. Cô khen đứa này dạo này “xinh ra, béo lên”. Cũng có đứa cô “mắng yêu” sao dạo này “gầy thế, hay ốm thế” cũng là vì cô lo lắng cho những đứa con nhỏ vì học hành căng thẳng, ăn uống không điều độ mà sút cân chăng? Và thế là cô lại khuyên phải uống thuốc gì, ăn gì để bồi bổ,... Cô khuyên chúng con không nên yêu sớm, mặc dù người ta nói “tình yêu tuổi học trò là tình yêu đẹp nhất”, nhưng con hiểu, người mẹ nào chẳng lo lắng chuyện đó sẽ ảnh hưởng đến con mình. Nhưng dẫu sao, chẳng ai là tránh được những rung động thơ ngây đầu đời, phải không cô?
Đối với con, có lẽ, điều hằn sâu nhất trong tâm trí con từ ngày đầu tiên bước vào lớp là câu nói cô trở đi trở lại rất nhiều lần: “Văn học là nhân học.” Nhờ có cô, lần đầu tiên con được tới trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật, được làm từ thiện, được nói chuyện với các em, được bàn tay nhỏ bé của các em nắm lấy, để rồi lại bật khóc khi phải bước ra khỏi cánh cổng đang chen chúc những đứa bé vẫy tay chào tạm biệt ấy. Con hiểu rằng, tấm lòng bao la rộng lớn của cô đâu chỉ dành gia đình, cho những đứa con nhỏ ở lớp mà còn cho biết bao những phận người bất hạnh ngoài kia, và cô muốn chúng con đứa nào cũng phải vun đắp cho mình một trái tim giàu tình yêu thương con người như thế.
Đã nhiều lần, con cảm giác như người đứng trước mặt chúng con không còn là một người cô, một người mẹ nữa mà giống như một người mẹ vậy. Cô tâm sự với chúng con từ chuyện vui đến chuyện buồn, từ những lần hạnh phúc đến những khi gặp khó khăn, dẫu không phải là tất cả, nhưng cũng đủ để cô trò mình xích lại gần nhau hơn. Khi chúng con vui, cô cũng vui lây niềm vui của lũ trò nhỏ; khi chúng con buồn, cô cũng không ngần ngại sẻ chia. Con vẫn nhớ khoảnh khắc biết điểm thi thành phố, cả 13 đứa đội tuyển đều khóc, không kể người được vào hay người phải dừng bước. Nhìn chúng con ôm nhau khóc, cô cũng nhẹ nhàng an ủi, động viên, nói rằng vẫn còn cơ hội vào năm sau, nhưng con biết cô cũng không cầm được nước mắt. Những ngày cả lớp đi tham quan, hát hò, chơi đùa “thả ga”, chẳng quan tâm đến chút “nữ tính” nào, cô cũng chẳng những không trách mắng mà còn chung vui với chúng con. Và thế là cả tiếng cười lẫn nước mắt đã lấp đầy khoảng trống giữa cô và trò, thắt chặt thêm mỗi thân tình giữa 45 cá nhân trong đại gia đình chuyên Văn.
Vậy là đã qua một nửa chặng đường cô trò mình đi cùng nhau, sẽ chỉ còn hơn một năm nữa gắn bó dưới mái trường cấp 3 Hà Nội - Amsterdam này, nhưng con tin chúng ta sẽ mãi là một gia đình, sẽ mãi ở trong trái tim nhau, phải không cô? Con cảm ơn cô vì tất cả những gì cô dành cho chúng con, và cũng cảm ơn văn học, vì đã cho con được gặp người mẹ thứ hai của mình...!