The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Trường sư phạm cần thể hiện rõ chức năng đào tạo nghề dạy học

Post by: admin | 25/01/2012 | 2906 reads

Một số ý kiến cho rằng, hiện trường sư phạm chưa thể hiện được rõ rệt chức năng đào tạo nghề dạy học. Còn nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Bình thì nhận định, cần làm rõ mục tiêu đào tạo cụ thể vào trong chương trình đào tạo của trường sư phạm, phần nội dung thực sự có tác dụng về mặt nghề nghiệp như khoa học tâm lý, giáo dục, khoa học nhân văn ... và đặc biệt là vấn đề rèn luyện nghiệp vụ phát chiếm một tỷ lệ thích đáng.


Hệ thống các trường SP đang bị biến dạng?

GS.TS. Nguyễn Đức Thịnh – Hiệu trưởng trường ĐH sư phạm Hà Nội đưa ra một thực tế, khoảng 6-7 năm trở lại đây, nhiều trường sư phạm chuyển sang đào tạo đa ngành và tháo biến “sư phạm” ở bậc ĐH. Có thể kể đến các trường sư phạm đã có tiếng một thời như ĐH sư phạm Vinh (nay là ĐH Vinh), ĐHSP Quy Nhơn (nay là ĐH Quy Nhơn). Một trường ĐH sư phạm có tuổi chưa nhiều như ĐH Đồng Tháp cũng mới đây đổi tên là ĐH Đồng Tháp.

Đối với các trường CĐ sư phạm ở các tỉnh, thành phố, thì xu hướng phổ biến là từ CĐSP tiến lên thành trường ĐH và theo định hướng đa ngành ngay từ khi chuyển đổi, dù lúc đầu, sư phạm vẫn là nòng cốt. Có thể kể đến các trường như ĐH Hồng Đức, ĐH Hải Phòng, ĐH Sài Gòn, ĐH Tây Bắc.

Hầu hết các trường CĐSP dù chưa lên ĐH thì cũng đổi tên và định hướng đa ngành. Số lượng trường CĐ còn giữ nguyên tên và định hướng đào tạo giáo viên có lẽ chỉ còn “đến trên đầu ngón tay”.

Nhận định hệ thống các trường sư phạm đã và đang bị biến dạng rất lớn, GS.TS. Nguyễn Đức Thịnh cho rằng, đối với các trường CĐSP do địa phương quản lý, hoặc có phạm vi tuyển sinh không đủ rộng thì việc tuyển sinh sư phạm hàng năm bị hạn chế rất nhiều do hạn chế về cung cầu tại địa phương. Để giải bài toán về tài chính, đa ngành là con đường được lựa chọn, dù rằng, việc đa ngành ấy có dựa thực tế trên nhu cầu lâu dài của thị trường lao động hay không...

Cùng với xu hướng nhiều trường sư phạm chuyển sang đào tạo đa ngành thì mộ số trường vốn không phải là trường sư phạm đã mở các khoa sư phạm, đào tạo giáo viên chuyênn gành, trong đó có giáo viên kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện nay, các khoa đào tạo này không còn chỗ đứng cao như trước và do sự gắn bó với hệ thống sư phạm khá lỏng lẻo nên sản phẩn đầu ra không phải không có vấn đề.

Theo GS.Nguyễn Đức Thịnh, nếu tình trạng trên kéo dài, vẫn tiếp tục đào tạo giáo viên như một hoạt động không còn là trọng tâm thì có thể làm giảm sút chất lượng đào tạo do những thay đổi trong đầu tư cơ sở vật chất, tài chính, nguồn nhân lực cho hoạt động này. Hơn nữa, đào tạo giáo viên là đào tạo nhà giáo dục chứ không đơn thuần là giáo viên môn học, vì thế nếu thiếu đội ngũ cán bộ giảng viên có chất lượng về đào tạo sư phạm và không được đầu tư đúng mức thì hậu quả về lâu dài và có tính dây chuyền.

Khâu đột phá quan trọng là cải cách sư phạm

Tại hội thảo khoa học “Khoa học sư phạm trong sự nghiệp phát triển giáo viên – yếu tố căn bản của đổi mới giáo dục Việt Nam” được tổ chức tại trường ĐHSP Hà Nội vừa qua, các chuyên gia giáo dục cho rằng, trong sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay, khâu đột phá quan trọng là cải cách sư phạm. Cải cách sư phạm vừa là tiên đề, vừa là điều kiện và ở một góc độ nhất định còn là động lực để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Cải cách sư phạm không thể được tiến hành theo kinh nghiệm và những trải nghiệm đã có mà phải trên nền tảng cơ sở khoa học và phân tích thực tiễn sâu sắc, đầy đủ. Các vấn đề này thuộc về Khoa học sư phạm.

Tuy nhiên, khoa học sư phạm – khoa học về giảng dạy và giáo dục trong nhà trường, một khoa học cơ bản, nền tảng của nghề dạy học lại được định dạng, chưa được phát huy trong thực tế.

GS. Đinh Quang Báo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm, cho rằng, để ngành sư phạm phát triển, đào tạo sư phạm tốt thì phải có khoa học nghiên cứu soi đường, làm tiền đề để chỉ ra các phương pháp đào tạo, yêu cầu đào tạo giáo viên trong từng giai đoạn phát triển, nhưng khoa học sư phạm chưa phát triển tương xứng với vai trò của nó.

Các chuyên gia giáo dục khuyến nghị cần có cách nhìn đúng đắn để nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của Khoa học sư phạm đối với sự phát triển trên mọi mặt của đất nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến chính trị, kinh tế - xã hội, tư tưởng. Bên cạnh đó, cần có mức đầu tư nhân lực và tài chính thỏa đáng cho nghiên cứu khoa học sư phạm để nâng cao chất lượng nghiên cứu, nâng cao hiệu quả đào tạo giáo viên, để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.

Lê Đức Thuận (Theo www.gdtd.vn)