Những giáo viên đang đi trên vỏ trứng
Có hàng trăm ngàn câu chuyện và bài báo đã được người dùng Facebook chia sẻ với bạn bè trong năm 2011. Trong số những bài báo được chia sẻ nhiều nhất trên Facebook (tính riêng tại Bắc Mỹ), các chủ đề về dạy con, các mối quan hệ tình thân...đều lọt vào danh sách hàng đầu. Trong tuần này, VietNamNet giới thiệu các bài viết như vậy.
Thầy giáo Ron Clark với các học sinh của mình |
“Muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”, lời dạy đó gần như bậc phụ huynh nào cũng biết. Nhưng một số người, có thể vô tình hay cố ý, đã làm tổn thương thầy cô giáo bằng cách đối xử tiêu cực của mình ngay trước mặt con trẻ. Bài viết "Giáo viên thực sự muốn gì ở phụ huynh" của Ron Clark – một người thầy nhận danh hiệu “Giáo viên của Năm” ở Mỹ do Disney bình chọn, và được phát thanh viên nổi tiếng Oprah Winfrey chọn là “Người phi thường”.Không chỉ đứng số 2 trong danh sách 20 bài báo được người chia sẻ nhiều nhất trên Facebook trong năm 2011, bài báo này còn nhận được lượng phản hồi khổng lồ, với gần 3.000 lời bình luận (comment).
Tôi vừa gặp một người hiệu trưởng mới được phong danh hiệu nhà quản lý của năm tại bang bà sinh sống. Bà được mọi người yêu quý và ngưỡng mộ, nhưng bà nói với tôi rằng bà sẽ thôi việc.
Tôi thét lên: “Chị không thể rời bỏ chúng tôi như thế chứ”. Bà trả lời một cách bình tĩnh và thẳng thắn: “Hãy nhìn xem, nếu tôi được đề nghị điều hành một hệ thống trường cho trẻ mồ côi, tôi sẽ làm, nhưng tôi không thể phối hợp được với phụ huynh nữa, họ đang giết chúng ta”.
Thật không may, cảm nghĩ này của bà dường như đang ngày càng phổ biến. Ngày nay, chỉ sau trung bình 4,5 năm làm nghề, các giáo viên mới đã liệt kê một danh sách “các vấn đề với phụ huynh” như những lý do để thôi việc. Từ ngữ nói lên nhiều điều, giáo viên càng bị phụ huynh đối xử tiêu cực bao nhiêu, thì việc tuyển chọn những học sinh giỏi và thông minh nhất khi ra trường càng khó bấy nhiêu.
Vậy chúng ta cần làm gì để thay đổi chuyện này? Giáo viên thực sự muốn các bậc cha mẹ học sinh hiểu điều gì?
Trước hết, chúng tôi là những nhà giáo dục, không phải các vú em. Chúng tôi là những nhà chuyên nghiệp về giáo dục, làm việc với các em nhỏ hàng ngày và thường chứng kiến con các bạn trong một cách khác bạn.
Nếu chúng tôi đưa ra lời khuyên, bạn đừng có chống lại. Hãy lắng nghe, và cố gắng hiểu, giống như chúng ta nhận lời khuyên của bác sĩ hay luật sư vậy. Tôi đã bắt đầu quen với một số phụ huynh hoàn toàn không muốn nghe điều gì tiêu cực về con cái họ cả, nhưng đôi khi nếu bạn sẵn lòng lắng nghe những lời cảnh báo sớm, nó có thể giúp bạn ngăn chặn một vấn đề có thể lớn hơn trong tương lai.
Hãy tin chúng tôi. Khi tôi nói với phụ huynh rằng con họ có một vấn đề về hành vi, tôi gần như có thể nhìn thấy tóc gáy họ dựng lên. Họ sẵn sàng xông thẳng vào tôi để bảo vệ con họ, và tôi cảm thấy rất mệt mỏi.
Một trong những điều làm tôi khó chịu nhất là khi tôi nói với một người mẹ về việc mà con trai bà đã làm, bà liền quay sang phía người con và hỏi “có đúng không?”. Tất nhiên là phải đúng chứ. Tôi vừa nói mà. Và xin đừng hỏi một học sinh cùng lớp xác nhận điều đã xảy ra, hay hỏi xem có giáo viên nào khác chứng kiến hay không. Cách hành xử như vậy chỉ xúc phạm giáo viên và làm tổn hại quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh.
Xin đừng lấy cớ
Và nếu bạn thực sự muốn giúp con mình thành công, hãy thôi tìm các lý do biện hộ cho chúng.
Tôi đang nói về một bậc phụ huynh và con trai bà về bài tập trong dịp hè. Em học sinh nói với tôi rằng em vẫn chưa làm bài và tôi nói là rất thất vọng vì chỉ hai tuần nữa năm học mới sẽ bắt đầu. Mẹ của em đã xen vào và giải thích rằng họ đã trải qua một mùa hè khủng khiếp vì các vấn đề gia đình trong tháng Bảy.
Tôi nói rất tiếc, nhưng tôi không thể giúp gì ngoài việc chỉ ra rằng bài tập đã được giao về nhà từ tháng Năm. Bà nhanh chóng nói thêm rằng bà đã cho phép con trai một thời gian “vui chơi” trong mùa hè trước khi trở lại làm bài vào tháng Bảy, và nó không có lỗi khi bài tập chưa hoàn thành.
Bạn có hiểu được nỗi đau của tôi không?
Một số phụ huynh sẽ đổ lỗi cho bối cảnh, và họ khiến con cái mình sau này cũng lấy cớ này nọ và không tạo ra một thói quen tích cực làm việc. Nếu bạn không muốn con mình đến tuổi 25 vẫn thất nghiệp, nằm dài trên ghế ăn khoai tây chiên, thì hãy thôi đưa ra lý do này nọ để giải thích cho việc tại sao chúng không thành công. Thay vào đó, hãy tìm giải pháp.
Các bậc phụ huynh, hãy là một đối tác thay vì một người khởi tố
Thưa các bậc phụ huynh, sẽ tốt cho con bạn nếu chúng đôi khi gặp phải vấn đề khó khăn. Điều đó sẽ xây dựng nhân cách cho chúng và dạy cho chúng nhiều bài học trong cuộc sống.
Là giáo viên, chúng tôi đang bị xúc phạm bởi một số phụ huynh chống lại những bài học này; chúng tôi gọi họ là những phụ huynh “trực thăng” bởi họ luôn sẵn sàng sà xuống và bảo vệ con mình mỗi khi có điều gì đó sai.
Nếu chúng tôi cho một đứa trẻ 79 điểm trong một bài kiểm tra là vì em xứng đáng được như vậy. Đừng lên kế hoạch gặp chúng tôi để thương lượng thêm điểm cho con lên 80 chỉ vì 79 bị xếp hạng B+.
Điều này có thể khó chấp nhận, nhưng bạn không nên cho rằng con bạn đạt điểm hạng A nghĩa là chúng được giáo dục tốt. Thực tế là, nhiều khi các giáo viên tồi cho điểm dễ dãi hơn, vì họ biết rằng với những con điểm tốt, mọi người sẽ để họ yên. Cha mẹ sẽ nói: “Con tôi được học một giáo viên giỏi! Nó toàn đạt điểm A trong năm nay!”.
Than ôi! Thường thì các giáo viên tốt nhất cho điểm ở mức thấp nhất vì họ mong chờ học sinh mình tiến bộ hơn. Nhưng khi con bạn nhận điểm xấu, bạn muốn than phiền và dẫn nó tới phòng hiệu trưởng.
Xin hãy lùi lại và nhìn rõ hơn toàn cảnh. Trước khi đối phó với những điểm thấp, bạn cảm thấy giáo viên đã “cho” con bạn, bạn cần nhận ra rằng con bạn đã “kiếm” được những điểm đó và người thầy giáo mà bạn đang than phiền đó chính là người đem đến sự giáo dục tốt nhất.
Và bạn hãy là một đối tác thay vì người khởi tố. Trong một bài kiểm tra, tôi đã giả vờ lừa học sinh xem chúng phản ứng thế nào, và bố mẹ chúng đã dọa mời luật sư vì tôi đã gọi con họ là tội phạm. Tôi biết điều đó có vẻ điên rồ, nhưng các hiệu trưởng của tất cả các trường trên cả nước nói với tôi rằng ngày càng nhiều luật sư đi cùng cha mẹ đến trường để giải quyết về vấn đề với con cái họ.
Người giáo viên đang “đi trên vỏ trứng”
Tôi cảm thấy rất buồn vì các nhà quản lý và giáo viên ngày nay như bị còng tay. Theo nhiều cách, chúng tôi sống trong nỗi lo về những gì có thể xảy ra. Chúng tôi như “đi trên vỏ trứng” trong một hệ thống giáo dục yếu kém, trong đó giáo viên không có can đảm để thành thật và nói lên những gì mình nghĩ. Nếu họ mắc một lỗi nhỏ, nó có thể trở thành một thảm họa lớn.
Mẹ tôi vừa kể với tôi chuyện một em nhỏ ở một trường địa phương đã dùng bút đánh dấu viết lên mặt mình. Giáo viên đã cố xóa nó bằng dẻ sạch, và còn lại một vết đỏ ở một bên mặt em. Cha mẹ em đã gọi điện cho truyền thông, và người giáo viên đó bị sa thải.
Tôi cảm thấy như bị dao đâm vào bụng. Tôi đã luôn cố gắng để dạy thật tốt. Nhưng cứ nghĩ đến việc chúng ta có thể mất việc vì những điều nhỏ nhặt như thế thì thật đáng sợ. Tại sao không ai muốn hành nghề của chúng tôi? Nếu các giáo viên của chúng ta tiếp tục cảm thấy bị đe dọa và sợ hãi, nhà trường sẽ bị cướp đi những cái tốt nhất và các nỗ lực tuyển dụng các nhà giáo giỏi trong tương lai sẽ không đạt kết quả.
Cuối cùng, hãy xử lý các tình huống tiêu cực một cách chuyên nghiệp
Nếu con bạn kể điều gì đó đã xảy ra trong lớp khiến bạn lo ngại, hãy đề nghị gặp giáo viên và tiếp cận tình huống bằng cách nói rằng:
“Tôi muốn cô giáo biết về điều mà con tôi kể là đã xảy ra trong lớp, vì bọn trẻ có thể nói quá lên và chuyện gì cũng có hai mặt của nó. Tôi hy vọng cô có thể giúp tôi làm rõ vấn đề.”
Nếu bạn không hài lòng với kết quả, khi đó hãy mang lo ngại của bạn lên hiệu trưởng, nhưng quan trọng nhất, đừng bao giờ nói điều tiêu cực về một giáo viên trước mặt con bạn. Nếu con bạn biết rằng bạn không tôn trọng cô giáo, nó cũng sẽ làm như vậy, và điều đó dẫn tới một loạt các vấn đề mới.
Chúng tôi biết bạn rất yêu con. Chúng tôi cũng rất yêu bọn trẻ. Chúng tôi chỉ đề nghị - và cầu xin bạn – hãy tin vào chúng tôi, hỗ trợ chúng tôi và phối hợp với nhà trường chứ không chống lại. Chúng tôi cần sự ủng hộ của bạn, và cần bạn tôn trọng chúng tôi. Hãy nâng chúng tôi lên và khiến chúng tôi cảm thấy được đánh giá đúng, và chúng tôi sẽ nỗ lực hơn để mang đến cho con bạn sự giáo dục tốt nhất có thể.
Đó là lời hứa của một giáo viên, mà tôi gửi tới bạn.
(Theo Vietnamnet)
Hằng Anh (Chuyên Văn 10 - 13)