Dạy ra sao nếu không đọc - chép?
(Tuổi Trẻ) - Bộ Giáo dục - đào tạo chủ trương từ năm học 2009 - 2010 sẽ không còn việc đọc - chép. Chủ trương này ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của dư luận, trong đó có giáo viên, học sinh. Nếu chủ trương này thực hiện thành công sẽ cải tiến chất lượng giáo dục sâu rộng. Thế nhưng qua báo chí, tôi chưa thấy ngành giáo dục có kế hoạch khi từ bỏ đọc - chép thì giảng dạy ra sao.
Trước hết phải nói rằng mãi đến gần bắt đầu năm học mới, bộ mới triển khai chủ trương bỏ đọc - chép là khá muộn. Lẽ ra nên bắt đầu từ năm học trước hoặc triển khai từ bây giờ nhưng đến năm học sau nữa mới chính thức thực hiện, để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị, ít nhất về mặt tâm lý. Bởi vì phương pháp giảng dạy này dường như đã thâm căn cố đế, tức ăn sâu vào suy nghĩ của cả giáo viên lẫn học sinh, từ đó hình thành lối tư duy thụ động, thói quen chờ cái có sẵn. Cho nên không thể ngày một ngày hai thay đổi được.
Bây giờ nếu bỏ đọc - chép thì giáo viên sẽ dạy như thế nào? Điều này đòi hỏi mỗi trường học phải có cơ sở vật chất và hệ thống đồ dùng dạy học đáp ứng được việc trình bày bài giảng của giáo viên mà không cần đọc - chép. Trường phải có phòng thí nghiệm, có phương tiện, dụng cụ để thực nghiệm, thực hành, các điều kiện truyền đạt bổ trợ (như xem phim/kịch, tổ chức biểu diễn văn nghệ...).
Thí dụ: khi học về địa lý các châu lục, thay vì thao thao đọc rằng châu Mỹ nằm ở đâu, có bao nhiêu quốc gia, đặc điểm tự nhiên, dân số, xã hội, thể chế chính trị... thì học sinh cần được xem một số phim tư liệu, trong đó có đủ thông số theo yêu cầu nhưng buộc học sinh phải theo dõi và tự ghi chép. Học sinh cũng nên được xem các loại bản đồ để biết đặc điểm khí hậu, vị trí địa lý, tình hình kinh tế của các nước...
Nâng cao một chút thì hướng dẫn các em tìm hiểu (thông qua sách báo, truyền hình và nhất là Internet) rồi trình bày, thảo luận trước lớp, giáo viên chỉ là người chốt lại các vấn đề đúng, sửa chữa những thiếu sót, nhầm lẫn... Có như vậy các em mới thấy hứng thú trong học tập, bài học được hiểu đầy đủ và sâu sắc, đồng thời thấy được vai trò chủ động và tích cực của mình trong buổi học.
Còn như hiện nay, trong điều kiện nhận thức của giáo viên về đổi mới phương pháp giảng dạy còn chưa đồng đều, điều kiện dạy và học còn thiếu thốn, sẽ thật khó để từ bỏ được đọc - chép. Thậm chí, nếu nơi nào chạy theo phong trào (điều này có khả năng xảy ra rất lớn) sẽ có những biến tướng. Chẳng hạn, thay vì đọc - chép như trước đây thì giáo viên có thể chỉ cho học sinh chép ngay trong sách giáo khoa những đoạn quan trọng... Như vậy có thể sẽ từ dạng đọc - chép này biến sang dạng đọc - chép khác, chứ chưa thể thực hiện được theo yêu cầu của Bộ Giáo dục - đào tạo cũng như sự trông đợi của xã hội.
Nói vậy để thông cảm rằng một chủ trương mới không thể có ngay chuyển biến và kết quả tích cực trong năm đầu thực hiện, nhưng cũng từ đó phải tiếp tục chuẩn bị, rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo. Bởi vì đây là một chủ trương dài hơi, nằm trong loạt những cải tiến khác mang tính đồng bộ và bổ trợ nhau. Vì vậy nếu không có một khởi đầu tốt ở một khâu sẽ không có tiền đề tốt cho những năm sau, và các khâu khác cũng không thể phát huy tích cực được.
TRỊNH MINH GIANG (TP.HCM)