The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Ngôi trường phá vỡ một triết lý giáo dục

Post by: webams | 02/12/2015 | 7589 reads

Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vẫn giữ nguyên được tên gọi của mình khi chuyển tới địa điểm mới, hơn thế, không gian mới tạo thêm nhiều cơ hội để thày trò trường Ams giữ nguyên được chất của họ: Đổi mới, sáng tạo, bền bỉ, kiên trì và tôn trọng.

“…cho dù con người ta có phát triển đi tới đâu thì mỗi thời khắc cảm xúc không bao giờ lặp lại được nữa. Ngay bây giờ, tôi hoàn toàn có thể làm được những công trình mới đẹp hơn nhưng cảm xúc hồn nhiên và tinh thần trong sáng khi chúng tôi thực hiện công trình ấy không bao giờ lặp lại. Nó cũng giống như cảm xúc của một nhà thơ, khoảnh khắc thăng hoa như vậy chỉ xuất hiện duy nhất một lần…” Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh, giám đốc Xí nghiệp tư vấn thiết kế xây dựng số 3 (ATEK), Công ty tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng Việt Nam (CDC), chia sẻ.

Phối cảnh tổng thể công trình nhìn từ trên cao

Công trình kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh nhắc tới là dự án thiết kế trường Hà Nội Amsterdam mới mà nhóm thiết kế ATEK của anh đã thực hiện. Đây là một trong những dự án trọng điểm chào đón 1000 năm Thăng Long Hà Nội của ngành Giáo dục thủ đô. 

Nằm ở vị trí đẹp nhất trong khu đô thị Đông Nam, đường Trần Duy Hưng (một trong những khu đô thị hiện đại nhất thủ đô), trên một khuôn viên rộng tới 5 ha, ngôi trường mới Hà Nội Amsterdam cũng chỉ còn chờ tới ngày 4/9 tới để đón chào những học sinh đầu tiên. Những ý tưởng kiến trúc trên bản vẽ của nhóm kiến trúc sư giờ đã được hiện thực hóa sau hơn 2 năm thi công với tốc độ thần tốc.

Ý tưởng xây một ngôi trường PTTH Chuyên Hà Nội Amsterdam mới nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long, đã có từ năm 2005. Năm 2006, Hà Nội bắt đầu tổ chức cuộc thi kiến trúc cho ngôi trường. Trong cuộc thi ấy, vượt qua 20 phương án dự thi với nhiều vòng thi, mô hình của nhóm ATEK  do KTS Nguyễn Tuấn Anh chủ trì đã giành giải nhất với tuyệt đối các phiếu ủng hộ của toàn bộ ban giám khảo.

Bản thiết kế trường Hà Nội Amsterdam không chỉ là một sản phẩm đoạt giải. Đằng sau công trình kiến trúc ấy là một tâm hồn mà mỗi chúng ta không phải lúc nào cũng có cơ hội nhìn ra…

Mặt trước công trình

Giấc mơ về một con đường tới trường

“Khi thiết kế công trình này, anh em kiến trúc sư được hoài niệm lại những ký ức thời cắp sách trên con đường tới trường mỗi ngày. Từ đó, anh em nảy ra  ý tưởng xây dựng một con đường đến trường tưởng tượng ngay trong ngôi trường ấy. Con đường đó là trục xuyên suốt của đồ án.” Kiến trúc sư Phan Duy Đông, thành viên nhóm thiết kế ATEK chia sẻ.

Trong khoảnh khắc xuất thần nảy ra ý tưởng đó, các kiến trúc sư thiết kế cũng không nghĩ rằng đó lại là ý độc đáo và ấn tượng nhất của công trình. Đó cũng là logic quyết định để Ban giám khảo lựa chọn thiết kế của ATEK trong số tất cả các mô hình khác.

KTS Tuấn Anh cùng các cộng sự trong nhóm thiết kế

Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh đã mời chúng tôi tới ngôi trường để thử đi trên con đường ấy. Mặt bằng của ngôi trường cao hơn hẳn so với mặt đường. Để bước vào trường, chúng tôi phải đi lên những tuyến bậc thang và ngước mắt nhìn tòa sảnh có hình dạng như một chiếc mũ sinh viên thường đội trong ngày tốt nghiệp.

Đi hết bậc tuyến bậc thang, một không gian mênh mông trải dài trước mắt chúng tôi như vô tận. Đã quen với những không gian hẹp trong các ngôi trường truyền thống, chúng tôi ít nhiều đã bị  ấn tượng bởi quy mô của trường Hà Nội Amsterdam mới. 

“Đẩy toàn bộ cốt cao hơn mặt đường, chúng tôi muốn tạo cảm giác học sinh phải đi lên những bậc t thang như đang leo dần trên những nấc thang tri thức. Để rồi khi đã lên tới đỉnh, chân trời kiến thức bỗng mở toang ra với một không gian rộng mênh mông. Mỗi chúng ta như cảm thấy mình nhỏ bé trước chân trời kiến thức bao la ấy.” Nguyễn Tuấn Anh tâm sự.

Cảm giác ấy quả thực đã đến với chúng tôi khi bước vào khuôn viên của trường. Một con đường đến trường thẳng tít tắp trước mắt. Con đường đi bộ ngoài trời ấy phân chia không gian nhà trường thành hai mảng không gian riêng biệt, một không gian tĩnh trong nhà và một không gian động ngoài trời.

Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh tự hào nói về con đường: “Tư tưởng tạo trục là một tư tưởng mạnh, mang tính nền tảng. Trục này trong kiến trúc có thể gọi là “phiêu”, chỉ xuất hiện trong những đồ án kiến trúc ở tầm cỡ lớn.”

Đi đọc theo con đường tới trường “phiêu diêu” này, ở mỗi chặng dừng chân, chúng tôi lại có những cảm giác thật khác nhau. Cảm giác chung là sự khoáng đạt về mặt không gian, nhưng ở mỗi góc tường hay khúc quanh, chúng tôi lại nhìn ra những vẻ đẹp mới.

Bên phải của con đường là 3 khối học ngay ngắn xen lẫn với những sân chơi rộng chẳng kém một sân trường cấp III bình thường. Bên trái là khoảng không bao la ngoài trời gồm một sân khánh tiết, một sân bóng đá tiêu chuẩn, sân tennis… Cuối con đường là một thư viện khuôn tròn và một toà nhà mái lượn mềm như sóng trong đó có bể bơi và sân thi đấu tiêu chuẩn quốc tế. Ở điểm cuối con đường ấy là một tháp biểu tượng đặc trưng của trường.

“Tháp là điểm nhấn của công trình kiến trúc. Nó đại diện cho tầm cao trí tuệ mà mỗi học sinh phải đạt đến khi đi  trên con đường học vấn.” Kiến trúc sư Phan Duy Đông mô tả. Toàn cảnh ngôi trường từ trên cao, từ trên nhìn xuống, chúng tôi thấy những đường vuông ngay ngắn của các khối học, đường cong của mái nhà thi đấu, đường tròn của khu sân thư viện, đường thẳng nhô lên của tháp biểu tưởng, tất cả hòa vào nhau, tạo ra một nhịp điệu cân đối và hợp lý như một bản nhạc thăng giáng nhịp nhàng.

Tháp biểu tượng của trường

Chúng tôi có cảm giác thật dễ chịu khi được đi trên con đường dài rộng như ở sân bay quốc tế này. Chỉ có điều, con đường để các kiến trúc sư đạt được sự đồng thuận về ý tưởng kiến trúc này không đơn giản và dễ dàng như thế.

Vào năm 2007, thành phố đã chọn phương án thiết kế của nhóm ATEK ở cấp chuyên môn và đem phương án trình lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân Thành phố. Lên đến cấp Uỷ ban, các vị lãnh đạo thành phố đã có rất nhiều góp ý và yêu cầu điều chỉnh. Mất tới gần 2 năm sau, 8 phương án chỉnh sửa vẫn chưa được hoàn toàn chấp thuận.

“Nhưng rất may, mọi thứ cuối cùng cũng có điểm dừng. Cuộc tranh luận kiếm tìm chân lý của chàng tí hon với gã khổng lồ cũng có điểm dừng với sự xuất hiện của một ông Bụt.” Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh hài hước kể lại.

Ông Bụt ấy chính là Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh vẫn nhớ như in buổi làm việc ấy với Chủ tịch.

Trong buổi làm việc, Chủ tịch hỏi: “Nếu bây giờ kiến trúc sư được lựa chọn, anh sẽ chọn phương án nào trong các phương án đã trình?” Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh đáp: “Nếu được lựa chọn, chúng tôi sẽ chọn phương án ban đầu của mình. Bởi phương án đó đã triệt để giải quyết được yêu cầu của đầu bài cũng như giữ được cá tính sáng tạo trong sản phẩm”.

Thật bất ngờ, câu trả lời thẳng thắn đó đã nhận được đồng thuận của chủ tịch Nguyễn Thế Thảo. Ở thời điểm ấy, là lãnh đạo thành phố nhưng đồng thời cũng là một Kiến trúc sư có thâm niên, Chủ tịch đã thân mật chia sẻ và góp ý với Kiến trúc sư Nguyến Tuấn Anh như một người anh trong nghề. Nhóm thiết kế chỉ mất thêm một buổi họp nữa với Chủ tịch và gần như toàn bộ phương án thiết kế ban đầu được lựa chọn và phê duyệt.

Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: “Không có chính kiến, không có cái tôi, không có tinh thần kiên định, chúng tôi đã không thể bảo vệ được công trình kiến trúc này. Chúng tôi vô cùng cảm ơn lãnh đạo Hà Nội mà tiêu biểu là chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, sự trân trọng của ông với công trình này làm tôi nhớ tới câu nói của một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới: Không có Kiến trúc sư giỏi, chỉ có ông chủ thông thái.”

Phá vỡ triết lý giáo dục cũ

Tinh thần xuyên suốt trong ngôn ngữ kiến trúc của trường Hà Nội Amsterdam là tạo ra rất nhiều khoảng không gian công cộng rộng lớn bên ngoài các khối học, rộng tới mức những người phản biện công trình này cho rằng đó là “sự dư thừa”, “sự lãng phí” đối với một trường cấp III.

Nhóm kiến trúc sư đã trải qua nhiều vòng thi trong xấp xỉ hai năm, chỉ để chứng minh rằng ý tưởng không gian ấy là đúng. Và tới thời điểm này, những nỗ lực ấy đã tạo ra điểm độc đáo nhất trong bản thiết kế nhà trường.

Ngôn ngữ trường học ở các nước có nhiều điểm khác biệt nhưng giống nhau ở chỗ: phải tạo lập môi trường sao cho việc học không thuần tuý là lên lớp. Đó phải là một môi trường giáo dục có sự vận động thể chất, để hoàn thiện con người. Đặc biệt, học sinh trường Ams vốn nổi tiếng bởi sự năng động trong các hoạt động văn hóa xã hội bên ngoài lớp học.

Mô hình thiết kế trường Ams mới hoàn toàn phù hợp với “cái chất Ams” ấy, bắt nhịp được và đón đầu xu thế tiến bộ của thế giới. Những khoảng không gian rộng mở sẽ giúp các em học sinh tránh cảm giác bị trường lớp bao vây, giải phóng các em khỏi sự gò bó và tạo ra cảm giác muốn sáng tạo. Kiến trúc trường Ams mới đã làm được điều ấy, nó phá vỡ triết lý giáo dục khô cứng, luôn áp đặt con người trong những khuôn khổ của cái đã biết.

“Mô hình kiến trúc của mình tập trung vào giải quyết bài toán đó, một ngôi trường không  chỉ mang tính hàn lâm mà còn giải phóng con người, giải phóng nhận thức. Hãy dùng không gian kiến trúc để thay đổi quan điểm giáo dục, triết lý giáo dục và hơn thế nữa, thay đổi nhận thức xã hội.” Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh vẫn chia sẻ với chúng tôi bằng tinh thần đam mê và trong trẻo như những ngày đầu cùng cộng sự thiết kế trường Ams.

Theo Duy Khánh (Vietnamnet)