The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

GẶP GỠ VÀ GIAO LƯU VỚI CÁC TÁC GIẢ “NHẬT KÍ CHUYÊN VĂN”: HÀNH TRÌNH TRỞ LẠI TUỔI HỌC TRÒ

Post by: myph | 02/11/2015 | 7143 reads

Vào lúc 14h30 ngày 31/10/2015 vừa qua, tại hội trường 200 chỗ, các bạn học sinh  trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đã có một buổi giao lưu mang tên “Trở lại tuổi học trò” đầy ấn tượng với các cựu giáo viên và cựu học sinh chuyên Văn của trường. Tại buổi giao lưu đầy xúc động, các bạn được nghe các thầy cô, các anh chị chia sẻ những cảm xúc, những kỉ niệm khi còn khoác trên mình chiếc áo đồng phục Ams, được cùng chia sẻ, bày tỏ những suy nghĩ, cảm nhận về cuốn “Nhật kí chuyên Văn” – tác giả: Văn Ams khóa 92-95 mới được xuất bản cách đây không lâu  và đã trở thành một hiện tượng độc đáo, thú vị.

Chương trình giao lưu “Trở lại tuổi học trò” cũng là một trong số những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hướng đến kỉ niệm 30 năm thành lập trường. Tham gia buổi giao lưu lần này, về phía nhà trường, có sự góp mặt của Nhà giáo Dương Tú Anh, phó hiệu trưởng nhà trường- cựu học sinh chuyên Văn và cô giáo Lê Thái Hoa, giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ Văn của trường.

Đặc biệt, đến với buổi giao lưu là những gương mặt chuyên Văn đã ra trường, những cựu giáo viên, cựu học sinh Ams, trong đó có những nhân vật và cũng là tác giả của cuốn “Nhật kí chuyên Văn”: Thầy Lê Phạm Hùng – nguyên giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ Văn của trường, cũng chính là “ông thầy” trong cuốn nhật kí; anh Nguyễn Trương Quý và anh Chí Trung (chuyên Văn khóa 92-95) –hai trong số ba “con chim quý”  của khóa chuyên Văn ngày ấy- thành viên nhóm tác giả “Nhật kí chuyên văn”. Ngoải ra còn có sự hiện diện của các cựu học sinh các khóa như chị Thúy Anh (chuyên Nga khóa 88-91), chị Đoàn Thu Hà, chị Trần Thu Bình (chuyên Văn khóa 89-92), anh Phạm Quốc Cường (chuyên Văn khóa 95-98),  chị Nguyễn Miền Biên Thùy (chuyên Văn khóa 01-04) và đại diện của thế hệ chuyên Văn mới ra trường, chị Đỗ Hà Anh (chuyên Văn khóa 12-15).

Buổi giao lưu có sự góp mặt của Amsers chuyên Văn của nhiều thế hệ

 Trong buổi giao lưu, các tác giả cùng chia sẻ những kỉ niệm xung quanh cuốn “Nhật kí chuyên Văn”. Khi được hỏi về lý do muốn các học sinh của mình viết nhật kí lớp, “ông thầy” bật mí rằng mục đích ban đầu là muốn kiểm soát, quản lý học sinh dễ dàng hơn bằng cách đọc nhật kí lớp, chưa từng nghĩ rằng các học sinh của mình lại chia sẻ trong đó nhiều điều thú vị như vậy, càng chưa từng nghĩ tới việc xuất bản cuốn nhật kí này. Anh Nguyễn Trương Quý chia sẻ, “Nhật kí chuyên Văn” được tập hợp  từ 6 cuốn nhật kí được truyền tay nhau viết của lớp Văn 1 khóa 92-95, từ lúc còn chập chững bước vào trường, trải qua “tuổi 16 mộng mơ, tuổi 17 hoài nghi và tuổi 18 nổi loạn”, cho đến ngày tốt nghiệp, ngày phải chia tay tuổi học trò, chia tay mái trường và lớp học đã gắn bó 3 năm. Qua những trang nhật kí, người viết ngày càng trưởng thành hơn, mới đầu chỉ là những dòng tường thuật về những sự kiện trong ngày của lớp, “ca thán” về điểm số, về giờ Toán đáng sợ của “ông già tốt bụng”, giờ Triết buồn tẻ với những chủ nghĩa duy tâm, duy vật rắc rối,… dần dần sau này đã có những tâm tư, tình cảm đăc biệt tuổi học trò, có những lúc thăng lúc trầm, phảng phất chút tình yêu học trò chớm nở trên những dòng thơ tình,…Cũng trong buổi giao lưu, các bạn học sinh cũng có cơ hội chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình khi đọc “Nhật kí chuyên Văn”, bày tỏ sự yêu thích với các tác giả, với văn phong của các tác giả. Có thể thấy, “Nhật kí chuyên Văn” đã để lại trong lòng bạn đọc những dư vị khó quên của tuổi học trò.

 

 

video giới thiệu "Nhật kí chuyên văn"

Buối giao lưu trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết khi tất cả các bạn học sinh đều được tham gia vào một trò chơi vô cùng thú vị. Các thế hệ học sinh được suy ngẫm và ghi lại bằng các từ ngắn gọn để tìm ra đặc trưng của lớp mình. Các khách mời và cả các học sinh đều hào hứng tham gia.  Quá khứ- hiện tại như có một sợi dây vô hình gắn kết, đó chính là điểm đặc biệt của Amser: đều tự tin, đều rất “nhiệt”, “loạn” mà cũng rất “mơ mộng”, mà nói như nhà thơ Xuân Quỳnh: “dữ dội và dịu êm/ ồn ào và lặng lẽ”…

Sau trò chơi kết nối đầy sôi động, cả hội trường lắng lòng nghe các cựu học sinh chuyên Văn Ams chia sẻ cảm xúc của mình khi đọc cuốn “Nhật kí chuyên Văn”. Trong bầu không khí đầy bồi hồi và xúc động, các anh chị hồi tưởng lại những kỉ niệm trong những năm tháng vô cùng đáng nhớ trong cuộc đời được gắn bó bên Ams, từ đó chia sẻ những lợi ích của nhật kí- một kí ức đẹp mà đến nay, chúng dần bị quên lãng bởi sự biến thiên của cuộc sống hiện đại. Những ca khúc thân thuộc với học trò ngày ấy, hay những bài thơ tự viết,… đều được các cựu học sinh chuyên Văn gửi tới buổi giao lưu.

Nhà giáo Dương Tú Anh, đại diện BGH Nhà trường gửi bó hoa tươi thắm tới thầy Lê Phạm Hùng, nguyên Tổ trưởng tổ Ngữ Văn

Chương trình giao lưu giữa các thế hệ học sinh chuyên Văn đi trước và các Amser hiện đang học tập dưới mái trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam mang tên “Trở lại tuổi học trò”  đã diễn ra tốt đẹp và để lại nhiều cảm xúc trong các thế hệ học sinh chuyên Văn Ams. Những kỉ niệm được ôn lại, kí ức về thời gian đẹp nhất được ùa về trong cựu Amser, là sợi dây vô hình kết nối tâm hồn, kết nối thế hệ với những cô bé cậu bé học trò đang may mắn có những tháng ngày gắn bó bên Ams. Qua những chia sẻ chân tình của nhóm tác giả, có thể thấy, “Nhật kí chuyên Văn” tuy viết về một lớp học cụ thể là lớp chuyên Văn khóa 92-95, nhưng lại điển hình cho mọi lớp học, cho tuổi học trò hồn nhiên, mơ mộng mà cũng thật nghịch ngợm, nhiệt huyết – đây không chỉ là cuốn nhật kí riêng mà còn là cuốn nhật kí chung của một thời áo trắng mà ai trong số chúng ta đều trân trọng.

PV: Quỳnh Trang – Văn 1518