'Lì xì' đầu năm cho ngành giáo dục Việt Nam
Những tin tức giáo dục trong ngày 19/2 có thể xem là những món quà “lì xì” đầu năm, hứa hẹn ngành giáo dục sẽ có nhiều khởi sắc.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán mới kết thúc, học sinh, sinh viên bắt đầu trở lại nếp học thường ngày. Nhiều trường đã tổ chức “Lì xì” cho học sinh để tránh sự uể oải sau Tết bằng những bông hoa điểm tốt. Bởi vấn đề tạo được nề nếp học tập ngay sau khi học sinh quay lại sau kỳ nghỉ Tết là rất quan trọng. Và những tin tức giáo dục trong ngày 19/2 cũng có thể xem là những món quà “lì xì” đầu năm cho ngành giáo dục, hứa hẹn sẽ có nhiều khởi sắc trong năm 2013.
Hầu hết các trang báo, tin đều đăng tải việc Việt Nam có trường đại học lọt 'top 200' các trường khu vực Châu Á theo xếp hạng đợt 1 năm 2013 của Webometrics. Theo đó, các trường ĐH của Việt Nam có vị trí xếp hạng từ vị trí 907 trở xuống (trong tổng số 21.248 cơ sở giáo dục ĐH trên thế giới). Vị trí này là của ĐHQG Hà Nội. Trong phạm vi châu Á, ĐHQG Hà Nội xếp ở vị trí 187 trong số 7.292 trường.
Theo nhiều nguồn tin, Webometrics không chỉ là bảng xếp hạng đánh giá thông thường về website của các trường ĐH mà đang tiếp cận đến các chỉ báo toàn diện hơn ở mức độ hoạt động toàn cầu của các trường đại học (university global performance), gồm cả hai yếu tố: Mức độ số hoá và xuất bản quốc tế.
Theo Dân trí, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa ký quyết định ban hành chương trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề án và văn bản cá biệt năm 2013. Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, trong năm 2013 sẽ có 82 văn bản quy phạm pháp luật và 38 đề án, văn bản cá biệt được ban hành. Hầu hết tất cả các văn bản được ban hành trong năm 2013 nhằm tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Bên cạnh đó, Bộ cũng ban hành các chính sách đặc biệt để hỗ trợ vùng khó, nâng cao đời sống giáo viên.
Cũng trong những ngày đầu năm, tin vui cho nhiều sinh viên khi thêm các ngành được miễn, giảm học phí là đào tạo bác sĩ 5 chuyên ngành đặc biệt gồm: Phong, Tâm thần, Pháp y, Giải phẫu, Lao. Nội dung này nằm trong đề án "Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y và Giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 - 2020" do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phê duyệt.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020 số lượng đào tạo nhân lực y tế các chuyên ngành ước tính 2.500 người. Đề án cũng đặt ra mục tiêu 90 - 100% bệnh viện, viện tuyến trung ương và các cơ sở đào tạo, 70 - 90% bệnh viện, viện tuyến tỉnh và các cơ sở đào tạo có đủ nhân lực các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y, Giải phẫu bệnh; 50 - 70% bệnh viện tuyến huyện có đủ nhân lực các chuyên ngành Tâm thần, Phong và Lao.
Theo Kinh tế Đô thị, Bộ GD&ĐT cho biết đầu năm 2013 thêm 11 chương trình liên kết với ĐH nước ngoài được cấp phép hoạt động. Trong số đó ĐH Nguyễn Tất Thành liên kết với Tổ chức Edexcel (Anh) đào tạo CĐ cho các ngành: Kinh doanh chuyên ngành, Quản trị và chuyên ngành kế toán; ĐH Hà Nội liên kết với ĐH Louvain (Bỉ) đào tạo Tiến sĩ cho 2 ngành Ngôn ngữ pháp và ngữ văn; ĐH Kinh tế quốc dân liên kết với ĐH Ohio (Hoa Kỳ) đào tạo thạc sĩ ngành Kinh tế tài chính… Như vậy, đến thời điểm này có 229 chương trình liên kết đào tạo nước ngoài, trong đó có 208 chương trình đang hoạt động và 15 chương trình đã dừng tuyển sinh.
Đầu năm, người Việt thường hay đi lễ chùa để hái lộc, cầu phúc, cầu may mắn cho bản thân, gia đình. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường nhanh chóng ổn định việc học tập, thực hiện nghiêm túc kế hoạch thời gian năm học. Trong đó không tổ chức đoàn giáo viên, học sinh đi du xuân. Bắt đầu từ ngày 19/2, Sở GD-ĐT Hà Nội thành lập 5 đoàn đi kiểm tra đột xuất nền nếp học tập sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại các trường học trên địa bàn thành phố - VOV cho biết.
Lê Đức Thuận
(Theo GDVN)