Thầy giáo tôi
Thời gian ơi xin hãy ngừng trôi, để chúng con lại một lần nữa được là lũ học trò nghịch ngợm bên thầy, được nghe thầy giảng bài, được nghe thầy kể chuyện... và được trải qua những kỉ niệm không bao giờ quên được của một thời áo trắng. Xuất phát từ những tình cảm chân thành và giản dị nhất, những dòng tâm sự của anh Nguyễn Thanh Tùng (học sinh chuyên Lý khóa 09-12) cũng là những lời từ tận đáy lòng chúng con muốn gửi đến thầy - người thầy đáng kính của bao thế hệ học sinh trường Hà Nội - Amsterdam.
Ngày cuối năm. Đi thăm thầy giáo cũ. Ở một căn phòng chật hẹp trên tầng 3 của con phố Đê La Thành quanh năm vang tiếng hàn gõ, thầy tôi ngồi đó. Phía sau thầy đệm vài lớp chăn bông để thầy dựa lưng, vì thầy không thể nằm được nữa. Mới một năm trước thôi, thầy còn khoẻ lắm, giọng giảng bài của thầy to đến nỗi thầy dạy lớp Lý 1 ở đầu dãy mà lớp Lý 2 cuối dãy vẫn nghe thấy tiếng thầy. Ngày ấy mỗi lần viết bảng là thầy lại hằn mạnh tay xuống để cho chúng con nhìn rõ được đâu là mũi tên của trazito, đâu là cực dương của nguồn điện, để khi mỗi lần lau bảng chúng con lại than thở rằng lau mãi mà không hết vệt phấn. Chúng nó hay gọi thầy là “Siêu nhân điện quang”...
Hôm nay, thầy tôi ngồi đó...
Thầy đã gầy lắm rồi, khuôn mặt thầy hốc hác đi nhiều, đôi mắt trũng sâu. Xung quanh thầy là bốn bức tường, quanh quẩn chỉ có vợ thầy và một chị nữa (có lẽ là con thầy) chăm sóc. Trong ánh điện tù mù của căn phòng nhỏ, đám học trò của thầy đứng đó, và yên lặng. Chúng không biết nói gì khi nhìn thấy thầy giáo của chúng bỗng dưng trở nên tiều tụy như thế. Thầy chỉ nói được 2 câu không thành tiếng “Yếu lắm rồi... Thầy không nói được...”
...
...
“Tôi biết môn của tôi là không thi đại học, nên các bạn không cần học chăm môn này, chỉ cần ngồi trong lớp trật tự là được”
“Kiểm tra thì tôi có lẽ là cho lớp giở sách, vì nếu tôi không cho giở thì vẫn sẽ có bạn giở thôi, mà như thế thì lại không công bằng với các bạn không dám giở”
“Tuần sau có lẽ là chúng ta kiểm tra nhé, lớp nhắc bạn nào hôm nay trốn học tuần sau đi kiểm tra đủ”
...
...
Thầy yếu lắm rồi. Vợ thầy bảo thầy không thể truyền thêm hoá chất được nữa, chỉ truyền dinh dưỡng với nước thôi. Mấy hôm trước tai thầy còn ù đặc, học sinh đến thăm mà thầy chỉ nói được một câu thôi vì khi ấy tự nhiên mắt thầy mờ không còn nhìn thấy gì nữa. Nhưng hôm nay thì thầy đã khá hơn. Chị chăm thầy kể “Hôm nọ có mấy anh chị cựu học sinh đến thăm thầy rồi nói hối hận vì ngày xưa không chịu học công nghệ cho tử tế”, vừa nghe chị kể đến đấy thầy bỗng hơi cười mà nói “Chúng nó trêu đấy!”.
Ngày xưa trên lớp thầy hay làm cho chúng con cười, và bây giờ khi đang phải đấu tranh với bệnh tật thầy vẫn làm cho chúng con được cười. Cười vì thấy thầy vẫn vui tính, vẫn biết được là “Chúng nó trêu”. Cười vì thấy trong thầy vẫn còn sinh khí, vẫn còn đầy tâm huyết với đám học sinh từ khi cái trường Hà Nội Amsterdam mới thành lập. Lúc nhìn thấy mặt Phan Dương thầy vẫn nhận ra “Anh này thì tôi quên làm sao được. Lười, lười lắm!”...
Chỉ có 10 phút cả lũ đứng đó nhìn và nói chuyện với thầy, để thầy có thời gian nghỉ ngơi. Có thể thầy không nhớ hết mặt chúng con, có thể có những đứa còn chưa quen mặt thầy do bùng nhiều hơn học, thế nhưng...
“Một chữ cũng là thầy”...
Năm cũ 2012 sắp qua đi. 2013 sắp tới. Khó mà tin được rằng chúng con đầu năm nay vẫn còn học thầy, vậy mà cuối năm bỗng dưng nhận được tin thầy lâm bệnh. Chúng con sẽ luôn cầu nguyện, 27 thế hệ học sinh Hà Nội Amsterdam sẽ luôn cầu nguyện để thầy sớm khoẻ lại, để thầy tiếp tục ngày ngày được giảng bài cho các thế hệ 28 29 30. Để chúng con thấy mình nhẹ nhõm hơn vì ngày xưa đã không chăm học môn của thầy.
“Có những biến cố xảy ra để chúng ta biết trân trọng những gì chúng ta đã có.”
Chúng con mong thầy sớm bình phục, thầy nhé!
Gửi thầy Phương kính yêu của chúng con!
Học trò của thầy - Nguyễn Thanh Tùng (Lý 2 09-12)